DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 5/22 ĐầuĐầu ... 3456715 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 41 tới 50 của 255
  1. #1
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    QUÂN BÌNH TẾ NHỊ


    Trong thiền định cũng như trong mọi nghệ thuật, cần có một quân bình tế nhị giữa thư giãn và bén nhạy.

    Một lần, một tu sĩ tên Shrona học thiền với một trong những đệ tử gần nhất của Phật. Ông đang gặp khó khăn trong việc để tâm như thế nào. Ông có hết sức để tập trung, làm cho ông bị nhức đầu. Rồi khi buông tâm ra, thì buông quá độ nên ông buồn ngủ. Cuối cùng ông phải tới cầu xin Bụt giúp đỡ. Biết ông ta đã từng là nhạc công nổi tiếng lúc còn tại gia, Bụt hỏi:

    - Có phải ông đã từng chơi đàn lúc còn là cư sĩ không?

    Shrona thưa vâng. Bụt hỏi:

    - Ông làm sao để gãy ra tiếng hay nhất? Đó là lúc dây đàn thật căng, hay lúc dây thật chùng?

    - Bạch Thế tôn, không quá căng cũng không quá chùng mới được.

    - Vậy, với tâm ông cũng như thế đó.

    Ma Chik Lap Dron, một trong những bậc nữ đạo sư của Tây Tạng, nói:

    - Tỉnh, tỉnh, mà buông, buông. Đây là điểm cốt yếu trong thiền để có Tri kiến.

    Hãy khơi dậy sự tỉnh giác, nhưng đồng thời buông xả, xả cho đến độ bạn không bám vào một ý niệm về buông xả.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  2. #2
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Ý TƯỞNG VÀ CẢM XÚC: SÓNG VÀ ĐẠI DƯƠNG


    Khi bắt đầu thiền, người ta thường nói những ý tưởng của họ nổi loạn, và trở nên ồn ào hơn bao giờ hết. Nhưng tôi trấn an họ rằng, đó là dấu hiệu tốt. Nó chứng tỏ bạn đã trở nên an tịnh hơn, nên mới ý thức được sự ồn ào của những ý tưởng trong tâm bạn. Bạn không nên nản chí bỏ cuộc. Dù khởi lên ý niệm gì, hãy để tâm bạn tỉnh thức, kéo tâm về hơi thở, ngay dù nó đang tán loạn.

    Trong những chỉ dẫn về thiền ngày xưa, thường nói rằng lúc đầu những ý tưởng kéo đến té nhào lên nhau không gián đoạn, như thác đổ trên núi xuống. Dần dần, khi bạn hoàn hảo về thiền, thì ý tưởng như nước trong vực sâu, rồi như dòng sông lớn chảy ra biển, chỉ thỉnh thoảng có sống gợn lăn tăn.

    Đôi khi người ta nghĩ rằng khi thiền định, họ không được có ý tưởng cảm xúc nào cả, nên khi chúng khởi lên, họ đâm ra bực bội cáu tiết với chính họ, vì tưởng mình thất bại. Thật không gì sai sự thật hơn. Tây Tạng có câu: “Đấy cũng như đòi thịt đừng có xương, đòi trà đừng có lá.” Bao lâu bạn còn tâm là còn có ý tưởng và cảm xúc.

    Cũng như đại dương có sóng, mặt trời có tia, những tia sáng của tâm bạn chính là những ý tưởng và cảm xúc. Biển có sóng, nhưng nó không phiền hà gì về những ngọn sóng. Sóng chính là bản tính của biển. Sóng sẽ nổi lên, nhưng sẽ đi về đâu? Trở về đại dương. Và những con sóng ấy từ đâu đến? Từ đại dương. Cũng thế, ý tưởng và cảm xúc là những tia sáng và biểu hiện của chính tự tính của tâm. Chúng nổi lên từ tâm, nhưng chúng tan biến đi đâu? Cũng tan trở về tâm. Dù ý tưởng gì khởi lên, cũng đừng xem nó như một vấn đề trọng đại. Nếu bạn không phản kháng một cách ồn ào, nếu bạn cứ kiên nhẫn, thì nó sẽ lại trở về trong tự tính của nó.

    Khi bạn hiểu được như vậy, thì những ý tưởng khởi lên chỉ làm tăng tiến việc thực tập thiền định của bạn. Mà nếu không hiểu như vậy, thì chúng lại trở thành hạt giống của mê mờ. Vậy hãy có một thái độ cởi mở từ bi đối với chúng, vì những ý tưởng ấy đều là gia đình của tâm bạn. Bạn hãy xử với chúng “như một ông già minh triết nhìn đứa trẻ đang chơi,” như Dudjom Rinpoche đã nói.

    Chúng ta thường không biết làm sao với tính tiêu cực hay vài cảm xúc rầy rà. Trong tính khoáng đạt của thiền định, bạn có thể nhìn những ý tưởng và cảm xúc bạn với một thái độ hoàn toàn cởi mở không thành kiến. Khi thái độ của bạn thay đổi, thì toàn thể không khí của tâm bạn cũng thay đổi, cả đến bản chất của những tư tưởng và cảm xúc bạn. Khi bạn trở nên dễ chịu hơn, thì chúng cũng dễ chịu hơn; nếu bạn không khó khăn với chúng, thì chúng cũng không khó khăn với bạn.

    Bởi thế, dù tư tưởng cảm xúc nào khởi lên, hãy để cho chúng lên xuống như sóng biển. Bất cứ gì bạn thấy mình đang nghĩ tới, hãy để cho ý nghĩ ấy tự sinh tự diệt không một gượng ép nào. Đừng nắm bắt nó, nuôi dưỡng nó, chạy theo nó; đứng bám lấy nó và củng cố nó. Không theo dõi những vọng tưởng, cũng không mời gọi chúng, bạn hãy giống như biển nhìn những làn sóng của nó, hay như bầu trời nhìn những đám mây bay qua nó.

    Bạn sẽ thấy rằng những ý tưởng như cơn gió, chúng đến và đi. Bí quyết là đừng “nghĩ” về chúng, mà để cho chúng tuôn chảy qua tâm, đồng thời giữ cho tâm bạn thoát khỏi những “hậu” ý tưởng.

    Trong tâm thường ngày, ta nhận thấy dòng tư tưởng như là liên tục; song kỳ thực không phải vậy. Bạn sẽ khám phá cho chính bạn rằng có một khoảng hở giữa hai ý tưởng. Khi niệm quá khứ đã qua, thì niệm tương lai chưa đến. Bạn sẽ luôn luôn tìm thấy một khe hở trong đó Rigpa, tự tính của tâm, làm hiển lộ. Vậy, công việc của thiền định là làm chậm lại dòng tư tưởng, để cho khoảng hở ấy trở thành rõ rệt hơn.

    Thầy tôi có một người học trò tên Apa Pant, một nhà ngoại đạo Ấn, một tác giả, người đã làm đại sứ Ấn ở nhiều thủ đô khắp thế giới. Ông ta đã từng làm đại diện cho chính phủ Ấn tại Tây Tạng ở Lhasa, và có một thời gian ông làm đại diện ở Sikkim. Ông cũng là một thiền giả và người thực hành yoga, và mỗi lần gặp thầy tôi, ông đều hỏi làm sao để thiền. Ông đang theo một truyền thống Đông phương, trong đó người học cứ hỏi đi hỏi lại vị thầy một câu hỏi căn bản thật nhiều lần.

    Apa Pant kể cho tôi nghe chuyện này. Một hôm thầy tôi Jamyang Khientse đang ngắm một màn vũ của các Lama trước Chùa Cung điện ở Gangtok, thủ đô Sikkim, đang khúc khích xem một người hề làm trò giữa hai màn vũ. Apa Pant cứ hỏi đi hỏi lại mãi cái câu làm thế nào để thiền định, bởi thế thầy tôi cho ông biết thầy trả lời ông ta một lần chót:

    - Xem, nó giống như thế này: Khi ý tưởng quá khứ đã qua, mà ý tưởng vị lai chưa đến, có phải có một khoảng hở không?

    Apa Pant đáp:

    - Vâng.

    Thầy tôi nói:

    - Đấy, hãy kéo dài nó ra: Đó là thiền định.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  3. #3
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    KINH NGHIỆM


    Khi bạn tiếp tục thực hành, bạn có thể có đủ thứ kinh nghiệm tốt cũng như xấu. Như một cái phòng có nhiều cửa sổ cửa lớn để cho không khí ùa vào từ mọi phía, cũng thế khi tâm bạn mở ra, thì tự nhiên mọi kinh nghiệm có thể vào trong tâm. Bạn có thể kinh quá những trạng thái hỉ lạc, sáng suốt, hay dứt mọi tư tưởng. Có thể nói đấy là những kinh nghiệm tốt, những dấu hiệu của sự tiến bộ trong thiền. Vì khi bạn có hỉ lạc, ấy là dấu hiệu dục vọng tạm thời lắng xuống. Khi bạn cảm thấy sáng suốt, là dấu hiệu sân giận tạm ngừng. Khi bạn kinh quá sự vắng bóng tư tưởng, là dấu hiệu vô minh tạm diệt. Tự bản chất, chúng là kinh nghiệm tốt, nhưng nếu bạn bám víu chúng thì chúng trở thành những chướng ngại. Kinh nghiệm tự chúng không phải là chứng ngộ, nhưng nếu ta thoát khỏi chấp thủ vào chúng, thì chúng là những nguyên liệu để chứng ngộ.

    Những kinh nghiệm tiêu cực thường bị lầm nhất, vì người ta dễ xem chúng như dấu hiệu xấu. Nhưng kỳ thực chúng là những ân sủng trá hình. Hãy cố đừng phản ứng lại với sự chán ghét như bạn thường làm, mà thay vì thế, hãy nhận chân chúng chỉ là những kinh nghiệm, như huyễn như mộng. Sự nhận ra thực tính của kinh nghiệm sẽ giải thoát bạn khỏi tai hại nguy hiểm của nó, và do vậy ngay cả một kinh nghiệm xấu có thể trở thành một nguồn ân sủng và thành tựu lớn lao. Có rất nhiều câu chuyện về những bậc thầy đã làm việc như vậy với những kinh nghiệm xấu và đã chuyển hóa chúng thành chất xúc tác cho sự chứng ngộ.

    Theo truyền thống, người ta bảo rằng đối với một hành giả thực thụ, thì không phải nhưng kinh nghiệm xấu, mà chính những kinh nghiệm tốt mới gây ra chướng ngại. Khi mọi sự tiến hành tốt đẹp, bạn phải đặc biệt cẩn thận để khỏi đâm ra tự mãn hay quá tin. Nhớ lại Dudjom Rinpoche đã bảo tôi khi tôi gặp một kinh nghiệm rất mãnh liệt:

    - Đừng quá náo nức. Cuối cùng, nó không tốt cũng không xấu.

    Thầy biết tôi đang bám víu kinh nghiệm: Chính sự bám víu ấy phải được cắt đứt, như bất cứ sự bám víu nào khác. Điều chúng ta cần học trong thiền định cũng như trong cuộc đời, là giải thoát chấp thủ đối với những kinh nghiệm tốt, và giải thoát sự chán ghét đối với những kinh nghiệm xấu.

    Dudjom Rinpoche cảnh cáo chúng ta một cái bẫy khác:

    - Ngược lại, trong khi hành thiền, bạn có thể kinh quá một cảm giác bồng bềnh nửa tỉnh nửa mê, như là có cái mồng trên đầu bạn, một trạng thái chán chường mơ mộng. Đây chỉ là một tình trạng ứ đọng vô tâm. Làm sao bạn ra khỏi tình trạng ấy? Hãy thức tỉnh bạn, thẳng người lại, thở mạnh cho thán khí ra khỏi buồng phổi, và hướng sự tỉnh giác của bạn vào khoảng không gian trong sáng để làm tâm bạn tươi tỉnh lại. Nếu ở lại trong trạng thái tù đọng ấy, bạn sẽ không tiến bộ; bởi thế mỗi khi sự thụt lùi này xảy ra, thì bạn hãy xua tan nó nhiều lần. Điều quan trọng là bạn hãy thật tỉnh táo canh chừng.

    Bất cứ phương pháp nào bạn sử dụng, hãy bỏ nó, hay để nó tự tan rã, khi bạn thấy mình đã đạt tới một trạng thái bén nhạy, rộng rãi, và bình an. Rồi tiếp tục an trú trong đó lặng lẽ không xao lãng, không cần dùng một phương pháp đặc biệt nào. Phương pháp đã làm tròn mục đích của nó. Tuy nhiên, nếu bạn trở nên phân tán, thì hãy trở lại sử dụng bất cứ kỹ thuật nào thích hợp để gọi tâm bạn trở lại.

    Vinh quang thực sự của thiền định không nằm ở phương pháp, mà ở cái kinh nghiệm liên tục về sự tỉnh giác, sự hỉ lạc, sáng suốt, bình an, và quan trọng hơn cả là hoàn toàn vắng bóng chấp thủ. Sự giảm bớt chấp thủ trong chính bạn là dấu hiệu chứng tỏ bạn đang dần thoát khỏi chính mình.

    Và bạn càng kinh quá sự giải thoát này, thì càng chứng tỏ cái ngã và những hy vọng sợ hãi đã nuôi dưỡng nó, đang tan rã, và bạn càng tiến gần hơn đến trí tuệ vô ngã. Khi bạn ở trong cái nhà trí tuệ ấy, bạn sẽ không còn thấy một rào ngăn nào giữa tôi và anh, tự và tha, trong và ngoài; cuối cùng bạn đã trở về ngôi nhà chân thực, nghĩa là trạng thái bất nhị.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  4. #4
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    NGHỈ NGƠI


    Phần nhiều người ta hỏi:

    - Tôi nên ngồi thiền bao nhiêu lâu? Lúc nào? Tôi có nên thực tập hai mươi phút sáng chiều, hay nên làm thành nhiều thời ngắn hơn trong ngày?

    Vâng, nên ngồi trong hai mươi phút, mặc dù không muốn nói mức giới hạn là hai mươi phút. Trong kinh điển tôi chưa từng thấy ở đâu nói hai mươi phút; có lẽ đấy là một quan niệm mới bày đặt ra ở phương Tây, mà tôi gọi là “Thời hạn Thiền theo tiêu chuẩn Tây phương.” Vấn đề không phải là bạn phải ngồi bao lâu, mà vấn đề là sự hành thiền có thực sự đem lại cho bạn một trạng thái tỉnh thức và hiện trú hay không, một trạng thái trong đó bạn hơi cởi mở và có thể liên lạc với bản tâm của bạn. Và năm phút ngồi thiền tỉnh táo có giá trị hơn nhiều so với hai mươi phút ngủ gà ngủ gật!

    Dudjom Rinpoche thường nói một người mới tập nên tập từng thời ngắn. Hãy thực tập chừng bốn năm phút, rồi nghỉ ngơi chỉ chừng một phút. Trong khi nghỉ thì buông phương pháp ra, nhưng đừng buông hoàn toàn cái tâm tỉnh giác của bạn. Đôi khi, lúc bạn đang phấn đấu nỗ lực để thiền, thì kỳ lạ thay, vào đúng cái lúc bạn nghỉ ngơi không dùng phương pháp – mà nếu bạn vẫn duy trì tỉnh giác và hiện trú, – thiền định mới thực sự xảy ra. Đấy là lý do sự nghỉ ngơi cũng là một phần của thiền định, quan trọng như chính lúc ngồi. Tôi thường bảo những học trò nào gặp khó khăn trong khi thực tập, hãy tu tập trong lúc nghỉ ngơi và nghỉ ngơi trong lúc tu tập.

    Hãy ngồi một thời ngắn, rồi nghỉ chứng ba mươi giây hay một phút. Nhưng trong lúc ấy hãy tỉnh giác đối với mọi sự bạn làm, mà đừng đánh mất sự hiện trú của bạn, sự thoải mái tự nhiên của nó. Rồi làm cho bạn tỉnh táo ra, và ngồi tiếp. Nếu bạn tập nhiều thời ngắn như thế, những thời nghỉ ngơi của bạn thường làm cho thiền của bạn thực hơn, gợi cảm hứng nhiều hơn, tẩy trừ sự cứng đơ, tính trịnh trọng và mất tự nhiên của sự tu tập, và đem lại cho bạn nhiều chú tâm và thoải mái hơn. Dần dần, qua sự xen kẽ giữa thực tập và nghỉ ngơi như thế, cái hàng rào ngăn giữa đời sống thường ngày và thiền định sẽ sụp đổ, sự tương phản tiêu tan, và bạn sẽ thấy mình càng ngày càng ở trong trạng thái tỉnh giác hiện trú một cách tự nhiên không phân tán. Khi ấy, như Dudjom Rinpoche thường nói:

    - Dù cho người thiền định từ bỏ thiền, mà thiền không bao giờ rời khỏi người.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  5. #5
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    HÒA NHẬP THIỀN VỚI HÀNH ĐỘNG


    Tôi đã thấy rằng phần lớn những hành giả tâm linh ngày nay thiếu tri thức để hội nhập đời sống hàng ngày của họ với thiền định. Tôi không biết làm sao để nhấn mạnh điều này: Hội nhập thiền vào hành động chính là tất cả nền tảng, lý do và mục tiêu của thiền định. Sự bạo động, căng thẳng, những thử thách và xao lãng của đời sống tân tiến làm cho sự hội nhập này càng thêm khẩn thiết hơn nữa.

    Có người phàn nàn với tôi:

    - Tôi đã thiền mười hai năm, những vẫn chứng nào tật ấy. Tôi không thay đổi, tại sao?

    Tại vì có một hố sâu giữa hành thiền của họ với đời sống hàng ngày. Họ dường như hiện hữu trên hai thế giới tách biệt, thế giới này không giúp gì cho kia. Tôi lại nhớ một thầy giáo hồi tôi còn đi học ở Tây Tạng. Ông ta giảng quy luật văn phạm rất xuất sắc, nhưng không bao giờ viết đúng được một câu nào.

    Thế thì làm sao chúng ta có được sự hội nhập giữa đời sống hàng ngày với tư thái bình tĩnh, buông xả rộng rãi của thiền định? Không gì bằng thực tập thường xuyên, chỉ nhờ thực tập thường xuyên ta mới bắt đầu nếm được một cách không gián đoạn sự an tĩnh của tự tính ta, và có thể duy trì kinh nghiệm ấy trong đời sống hàng ngày.

    Tôi luôn luôn bảo học trò tôi đừng xuất thiền quá nhanh: Hãy để vài phút cho niềm an lạc của sự hành thiền len lỏi vào đời bạn.

    Thầy Dudjom Rinpoche tôi nói:

    - Đừng nhảy lên bỏ chạy, mà hòa tâm tỉnh giác của bạn với đời sống hàng ngày. Hãy giống như người bị nứt sọ, luôn luôn cẩn thận canh chừng để người khác khỏi đụng vào mình.

    Rồi sau thời thiền định, điều quan trọng là đừng đầu hàng cái khuynh hướng củng cố lối nhận thức của ta đối với sự vật. Khi bạn vào lại đời sống hàng ngày, hãy để cho tuệ giác, tri kiến, lòng bi mẫn, tính khí, sự khoáng đạt và giải thoát mà thiền đã đem lại cho bạn, thể nhập trong kinh nghiệm hàng ngày. Thiền khơi dậy trong bạn cái nhận thức vạn pháp đều huyễn hóa, như mộng; bạn hãy duy trì nhận thức ấy ngay trong lòng sinh tử. Một bậc thầy vĩ đại đã nói:

    - Sau khi thực tập thiền định, người ta phải trở thành một đứa con của huyễn hóa.

    Dudjom Rinpoche khuyên:

    - Mặc dù mọi sự đều như mộng, huyễn hóa, bạn vẫn tiếp tục làm việc với thái độ hài hước. Chẳng hạn, nếu bạn đang đi dạo, hãy bước về khoảng trống khoáng đạt của chân lý. Khi ngồi, bạn hãy là thành trì của chân lý. Khi ăn, bạn hãy cho những thói tiêu cực và ảo tưởng của bạn vào trong cái bụng của chân-không. Và khi đi cầu, hãy xem những chướng ngại đang được tẩy sạch.

    Vậy, điều quan trọng không phải chỉ là ngồi, mà chính là trạng thái tâm của bạn sau thời thiền. Chính cái tâm trạng an tĩnh tập trung ấy, bạn hãy đưa nó vào trong mọi sự bạn làm. Tôi rất thích câu chuyện thiền trong đó môn đệ hỏi bậc thầy:

    - Bạch thầy, làm sao ta đưa giác ngộ vào trong hành động? Làm sao ta thực hành thiền trong đời sống?

    Vị thầy đáp:

    - Bằng cách ăn, ngủ.

    - Nhưng bạch thầy, ăn ngủ thì ai cũng ăn ngủ.

    - Nhưng không phải ai cũng thực ăn lúc họ ăn, thực ngủ lúc họ ngủ.

    Từ đấy có thiền ngữ nổi tiếng:

    - Khi ăn, ta ăn; khi ngủ, ta ngủ.

    Ăn khi bạn ăn và ngủ khi bạn ngủ có nghĩa là hoàn toàn hiện trú trong tất cả hành động của bạn, không có những sự phân tán của bản ngã xen vào. Đấy là hội nhập.

    Và nếu bạn thực sự mong muốn hoàn thành việc này, điều cần yếu không phải là chỉ tập thiền thỉnh thoảng như uống thuốc trị bệnh, mà phải như ăn cơm bữa. Bởi vậy, một cách tuyệt hảo để phát triển khả năng hội nhập này, là đầu tiên hãy thực tập thiền trong một khung cảnh nhập thất, xa hẳn những căng thẳng của sinh hoạt đô thị ngày nay.

    Người ta rất thường đến với thiền với hy vọng có những kết quả phi thường, như linh kiến, ánh sáng, hay một vài phép lạ siêu nhiên. Khi không có điều gì như vậy xảy ra, thì họ hết sức thất vọng. Nhưng phép lạ thực sự của thiền định lại “thuờng” hơn, và hữu ích hơn nhiều. Đấy là một sự chuyển hóa tế nhị, không chỉ xảy ra trong tâm bạn, cảm xúc bạn, mà thực sự cả trong thân bạn. Nó chữa lành. Những bác sĩ và nhà khoa học đã khám phá rằng khi bạn vui vẻ, thì những tế bào trong cơ thể bạn còn vui vẻ hơn, nhưng khi tâm bạn ở trong trạng thái tiêu cực, thì những tế bào của bạn có thể trở thành ác tính. Toàn thể tình trạng sức khỏe bạn, có quan hệ mật thiết đến trạng thái tâm bạn và lối sống của bạn.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  6. #6
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    NGUỒN CẢM HỨNG


    Tôi đã nói rằng thiền định là con đường đưa đến giác ngộ và là nỗ lực lớn lao nhất của đời này. Mỗi khi nói về thiền định cho sinh viên, tôi luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hành thiền với một kỷ luật quyết định và sự sùng kính nhất tâm; đồng thời, cũng rất quan trọng là thực hành thiền với cảm hứng và tinh thần sáng tạo càng nhiều càng tốt. Có thể nói thiền là một nghệ thuật, và bạn nên tập thiền định với niềm hứng thú và giàu tính phát minh của một nghệ sĩ.

    Hãy hăng hái đi vào sự an lạc của bạn như bạn đang cạnh tranh điên cuồng trong cuộc đời. Có nhiều cách đề làm cho thiền định trở thành một niềm vui. Bạn có thể tìm một bản nhạc ưa thích, và dùng nó để mở tâm trí bạn. Bạn có thể sưu tập thi ca, trích dẫn lời thánh nhân động đến tâm can bạn, và giữ chúng bên mình để làm bạn lên tinh thần. Tôi luôn luôn thích những bức tranh cổ thangka của Tây Tạng, vẻ đẹp của chúng làm cho tôi thêm năng lực. Bạn cũng có thể tìm những bức tranh gợi cho bạn cảm giác thiêng liêng, và treo lên tường phòng bạn. Lắng nghe băng giảng của một vị thầy vĩ đại, hoặc nghe tán tụng. Bạn có thể biến chỗ bạn ngồi thiền thành một thiên đường giản dị, với một đóa hoa, một cây hương, một ngón nến, một bức ảnh của bậc thầy đã giác ngộ, hay một tượng Phật. bạn có thể biến gian phòng thường nhất thành một nơi thiêng liêng ấm cúng, một khung cảnh mà mỗi ngày bạn đến gặp bản ngã đích thực của bạn với tất cả niềm vui và hạnh phúc như gặp bạn cố tri. Và nếu bạn nhận thấy thiền định không dễ dàng xảy đến trong phòng bạn ở đô thị, thì hãy ra ngoài thiên nhiên. Thiên nhiên luôn luôn là một nguồn cảm hứng bất tận. Muốn an tâm, bạn hãy đi dạo vào lúc bình minh trong công viên, hay ngắm sương mai trên một đóa hồng trong vườn. Nằm giữa đất mà ngắm nhìn bầu trời, để tâm bạn trải ra trong cái bao la đó. Hãy để cho bầu trời bên ngoài đánh thức bầu trời trong tâm bạn. Đứng bên dòng suối mà hòa tâm bạn vào tiếng nước chảy, ngồi bên thác đổ, để cho tiếng cười trong sáng của nó tịnh hóa tâm hồn bạn. Đi dạo trên bãi biển và hứng đầy gió biển trên mặt bạn. Mừng ánh trăng sáng để cho vẻ đẹp của trăng làm lắng tâm bạn. Ngồi trên hồ hay trong vườn, thở lặng lẽ, để tâm bạn im lặng khi trăng từ từ lên tráng lệ trong bầu trời không mây. Mọi sự đều có thể dùng làm sự mời gọi thiền định. Một nụ cười, một gương mặt trên tàu hầm, một cánh hoa mọc trong khe đá bên vệ đường, một tấm vải sặc sỡ treo trong cửa tiệm, ánh trời chiếu trên chậu hoa nơi cửa sổ. Hãy nhạy bén đối với mọi dấu hiệu của cái đẹp và vẻ diễm kiều. Dâng lên mọi niềm vui, tỉnh giác vào mọi lúc, trước “những tin tức luôn luôn đến từ im lặng.”

    Dần dà bạn sẽ là người làm chủ lấy hạnh phúc của mình, tạo ra niềm vui cho chính mình, có đủ mọi phương pháp để thắp sáng, nâng cao, gợi cảm hứng cho từng hơi thở và động tác của mình. Thế nào là một thiền giả vĩ đại? Đó là người luôn luôn sống với sự hiện diện của cái tự ngã chân thực của mình, đã tìm ra và sử dụng liên tục suối nguồn của cảm hứng sâu xa.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  7. The Following User Says Thank You to choconxauxi For This Useful Post:

    nguoidien (10-31-2015)

  8. #7
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Trong truyền thống chúng tôi có “ba chân xác” cần hội đủ để khai thị bản tâm:

    · Sự làm phép của một bậc thầy chân xác,

    · Lòng sùng tín của một đệ tử chân xác, và

    · Tính chính thống trong phương pháp khai thị.

    Tổng thống Mỹ không thể khai thị bản tâm cho bạn, mà cha hay mẹ bạn cũng không thể làm việc đó. Một người có quyền thế đến bao nhiêu cũng không ăn thua gì, hoặc họ có yêu mến bạn bao nhiêu cũng không ăn thua gì. Việc khai thị chỉ có thể được thực hiện bởi một người đã hoàn toàn thực chứng, và có sự ban phép và kinh nghiệm thuộc trong hệ phái truyền thừa.

    Và bạn, người học trò, phải tìm ra và luôn hàm dưỡng cái tri kiến khoáng đạt thênh thang ấy, niềm hăng say, nhiệt tình và sự tôn trọng nó sẽ làm biến đổi cả bầu không khí trong tâm bạn, làm bạn sẵn sàng đón nhận sự khai thị. Đây là điều mà ta gọi là lòng sùng tín. Nếu không có lòng sùng tín, thì thầy có khai thị trò cũng không nhận ra. Sự khai thị bản tâm chỉ có thể thực hiện khi cả thầy lẫn trò cùng thể nhập cái kinh nghiệm ấy; chỉ trong sự giao cảm giữa tâm và trí ấy, người môn sinh mới trực ngộ được.

    Phương pháp khai thị cũng vô cùng quan trọng. Chính phương pháp ấy đã được thử nghiệm qua hàng ngàn năm và đã giúp cho những bậc thầy trong quá khứ đạt đến thực chứng. Khi thầy tôi khai thị cho tôi một cách tự nhiên như thế, vào lúc tuổi còn bé như thế, là thầy đã làm một việc hoàn toàn bất thường. Thông thường thì việc khai thị xảy ra muộn hơn nhiều, khi đệ tử đã trải qua những thực tập thiền định và thanh luyện tâm ý. Chính những việc làm này khiến cho tâm trí người đệ tử thuần thục và có thể mở ra để đón nhận tri kiến trực tiếp về chân lý. Vào cái thời điểm đầy tiềm năng của sự khai thị, bậc thầy có thể truyền cái tâm giác ngộ của mình vào trong tâm của người đệ tử bấy giờ đã chân xác sẵn sàng đón nhận. Bậc thầy làm cái việc khai thị cho trò thấy Phật thật là gì, nói cách khác là đánh thức trò thấy sự hiện diện sống động của tuệ giác nội tâm. Trong kinh nghiệm ấy, thì Phật, bản tâm của người đệ tử, và tâm giác ngộ của bậc thầy tan hòa thành một. Khi ấy người học trò nhận ra, trong một niềm tri ân vô bờ bến, rằng không còn nghi ngờ gì nữa, giữa thầy và trò, giữa tâm giác ngộ của bậc thầy và bản tâm người đệ tử, không có và chưa bao giờ có sự ngăn cách nào cả. Dudjom Rinpoche trong bài ca chứng đạo nổi tiếng của ngài đã viết:

    - Tuệ giác về cái bây giờ chính là Phật thật,

    Trong tâm trạng cởi mở, hài lòng, tôi gặp Thầy trong tim tôi. Khi ta nhận chân được rằng cái tâm bản nhiên bất tận đó chính là Thầy.

    Thì không cần bám víu, chấp thủ, cầu khẩn khóc than.

    Chỉ cần an trú thoải mái trong trạng thái tự nhiên như nhiên ấy,

    Là ta có được phúc lạc của giải thoát.

    Khi bạn đã nhận chân toàn triệt rằng tự tính của tâm bạn cũng giống như của thầy, thì từ đấy trở đi bạn và thầy không bao giờ ngăn cách vì thầy là một với tâm bản nhiên của bạn, luôn luôn hiện tiền. Có lẽ bạn còn nhớ Lama Tseten (Chương một), khi sắp chết và được hỏi có muốn gọi bậc thầy đến bên giường không, ông đã trả lời:

    - Với bậc thầy, không có cái gì gọi là ngăn cách.

    Khi nào bạn thấy được như Lama Tseten rằng thầy và mình không từng xa nhau, thì một niềm tri ân vô bờ bến, một cảm thức úy phục và kính lễ nảy sinh trong bạn. Dudjom Rinpoche gọi đó là “Sự kính lễ của Tri kiến.” Đó là một niềm sùng kính luôn phát tự nhiên do ngộ được cái Tri kiến về bản tâm.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  9. #8
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    BẦU TRỜI VÀ NHỮNG ĐÁM MÂY


    Bởi thể, dù đời ta có thế nào đi nữa, Phật tính của ta cũng luôn luôn ở đấy. Và nó luôn luôn toàn hảo. Ngay cả chư Phật với trí tuệ vô biên cũng không thể làm cho nó tốt hơn được, và chúng sinh với tất cả vô minh có vẻ bất tận, cũng không thể làm cho nó lấm lem. Tính bản nhiên của chúng ta có thể ví như bầu trời, và sự mờ mịt của tâm thông tục giống như mây. Có những ngày bầu trời hoàn toàn bị mây phủ kín. Khi ấy nếu nằm xuống đất mà nhìn lên, thì ta thực khó mà tin nổi trên trời còn có cái gì khác ngoài ra mây. Nhưng chỉ cần bay trong một chiếc phi cơ ta sẽ thấy tít trên cao xa nữa là một vùng trời xanh trong bao la vô tận. Từ đấy mà nhìn xuống thì thấy những đám mây – mà khi ở dưới đất, ta tưởng là tất cả mọi sự - thật xa xăm nhỏ bé làm sao.

    Ta phải cố nhớ luôn luôn rằng: Những đám mây không phải là bầu trời, và không “thuộc về” bầu trời. Chúng chỉ lơ lửng giữa từng không, và đi qua với kiểu hơi lố bịch, không lệ thuộc vào đâu. Nhưng chúng không bao giờ có thể để dấu vết làm lấm lem nền trời.

    Vậy thì Phật tính ấy đích thực nằm ở đâu? Nó nằm ngay nơi tự tính của tâm, cái tự tính được ví như bầu trời ấy. Hoàn toàn cởi mở, tự do, vô biên, Phật tính ấy thực đơn giản, tự nhiên như nhiên tới nỗi không bao giờ có thể trở thành phức tạp, hư hỏng, hay bị nhiễm ô; nó thuần tịnh tới nỗi vượt ngoài cả ý niệm dơ sạch. Nhưng nói về tự tính của tâm ví như bầu trời ấy chỉ là một ẩn dụ để giúp ta bắt đầu tưởng tượng được tính chất vô biên bao trùm tất cả của nó; vì Phật tính có một tính chất mà bầu trời không có được, đó là tính sáng chói của tỉnh thức. Như có câu:

    - Đó là cái giác tính hiện tiền không lỗi nơi bạn, biết nhận thức mà vẫn trống rỗng, giản đơn mà sáng suốt.

    Dudjom Rinpoche viết:

    Không lời nào có thể mô tả,

    Không ví dụ nào để chỉ rõ

    Sinh tử không làm nó xấu hơn

    Niết bàn không làm nó tốt hơn

    Nó chưa từng sinh

    Nó chưa từng diệt

    Chưa từng giải thoát

    Chưa từng mê lầm

    Chưa từng có cũng chưa từng không

    Nó không có một giới hạn nào

    Không thể xếp nó vào một phạm trù nào cả.

    Nyoshul Khen Rinpoche nói:

    Sâu xa vắng lặng, thoát mọi rắc rối

    Sáng suốt không do kết hợp mà thành

    Vượt ngoài tâm phân biệt đặt tên;

    Đấy là tâm sâu xa của những Đấng Chiến thắng.

    Trong đó không một vật gì phải vứt ra

    Cũng không một vật gì cần thêm vào.

    Đấy thuần là cái vô nhiễm

    Đang nhìn vào chính nó một cách tự nhiên.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  10. The Following User Says Thank You to choconxauxi For This Useful Post:

    Thiện Tâm (10-27-2015)

  11. #9
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    5. ĐƯA TÂM VỀ NHÀ

    Trên hai ngàn năm trăm năm về trước, một người đã đi tìm chân lý trong nhiều đời kiếp, đi đến một chỗ thanh vắng miền Bắc Ấn và ngồi dưới một bóng cây. Người ấy tiếp tục ngồi dưới cây với một tâm cả quyết vô biên, và thề sẽ không đứng dậy nếu không tìm ra chân lý. Tương truyền vào lúc hoàng hôn, người ấy đã chiến thắng tất cả những năng lực hắc ám của mê vọng; và bình minh hôm sau, khi ngôi sao Mai xuất hiện trên nền trời, người ấy đã được đền bù cho lòng kiên nhẫn trường kỳ, cho kỉ luật và sự tập trung toàn hảo của mình bằng sự chứng đắc tuệ giác, cái mục đích tối thượng của đời người. Vào giờ phút thiêng liêng ấy, trái đất cũng phải rùng mình như thể “say sưa trong niềm phúc lạc”, và kinh điển đã ghi rằng “Không ai trong giờ phút ấy, ở bất cứ đâu, nổi giận, hay ốm đau, buồn khổ, không ai làm ác, không ai kiêu căng ngã mạn; thế giới trở nên hoàn toàn thanh tịnh, dường như thể vừa đạt tới sự toàn thiện.” Con người ấy được biết dưới danh hiệu là Đức Phật. Thầy Nhất Hạnh đã mô tả sự giác ngộ của Phật bằng những lời đẹp đẽ như sau:

    - Gautama cảm thấy như thể là cái ngục tù giam giữ mình cả ngàn đời, vừa mới mở tung. Vô minh chính là người giữ ngục. Vì vô minh, tâm người đã bị che mờ, hệt như trăng sao bị mây che trong bầu trời giông bão. Bị vây bủa bởi nhiều làn sóng vọng tưởng bất tận, tâm ta đã cắt xén thực tại một cách sai lầm thành ra chủ thể và đối tượng, ta và người, hữu và phi hữu, sinh và tử, và do phân biệt khởi lên tà kiến – đó là những ngục tù của thọ, ái, thủ và hữu. Nỗi khổ sinh già bệnh chết chỉ làm cho tường vách nhà tù dày thêm. Điều duy nhất phải làm là tóm lấy kẻ giữ ngục mà nhìn vào mặt thật của y. Kẻ giữ ngục chính là vô minh... Khi kẻ giữ ngục đã bỏ đi, thì nhà tù sẽ tan biến và không bao giờ được xây trở lại.

    Những gì Phật thấy là, sự không biết bản tâm chính là nguồn gốc của tất cả đau khổ trong sinh tử, và nguồn gốc của vô minh chính là khuynh hướng xao lãng của tâm ta, cái khuynh hướng đã thành thói quen khó gỡ. Chấm dứt cái tâm lơ đễnh ấy chính là chấm dứt sinh tử; và chìa khóa đưa đến sự chấm dứt là đưa tâm về nhà, trở về bản tính chân thực của nó, nhờ sự thực tập thiền định.

    Đức Phật ngồi trên đất với cung cách khiêm hạ bình an, trên cao và quanh ngài là trời đất bao la, như thể chỉ cho ta rằng trong khi thiền định, bạn nên ngồi với một tâm thái rộng mở khoáng đạt như bầu trời, mà đồng thời vẫn hiện diện, có nền tảng vững vàng trên mặt đất. Bầu trời là bản tính tuyệt đối của chúng ta, vốn không có rào ngăn, không biên giới, còn mặt đất là thực tại của chúng ta, hoàn cảnh tương đối và thường nhật của ta. Dáng ngồi khi ta thiền định có nghĩa rằng ta đang nối cái tuyệt đối với tương đối, trời và đất, như đôi cánh của một con chim, thể nhập cái bản tâm bất tử như bầu trời, với cái bản chất phù du khả loại của ta như đất.

    Năng khiếu tập thiền định là năng khiếu vĩ đại nhất mà bạn có thể tự đem lại cho mình trên cuộc đời này. Vì chỉ nhờ thiền định bạn mới có thể khởi hành cuộc hành trình đi tìm bản chất chân thực của bạn, và nhờ vây tìm thấy niềm tin vững chải mà bạn cần, để sống tốt đẹp và chết tốt đẹp. Thiền định chính là con đường đưa đến tuệ giác.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  12. #10
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    TÂM TRONG THIỀN ĐỊNH


    Vậy, ta nên làm gì với tâm ta trong thiền định? Không gì cả. Cứ để mặc nó như nó là. Một bậc thầy mô tả thiền định là “Tâm lơ lửng trong không, không ở đâu.”

    Có một câu nói nổi tiếng:

    - Nếu tâm không bị gượng ép, thì nó tự nhjiên đầy hỉ lạc, cũng như nước, khi không bị quấy động thì tự nhiên trong suốt.

    Tôi thường so sánh tâm thiền với một chun nước bùn: Ta càng để yên đừng khuấy động nước lên, thì những phân tử bụi càng chìm xuống đáy, làm cho tính trong sáng tự nhiên của nước chiếu suốt đáy. Tính tự nhiên của tâm là nếu bạn để nó trong trạng thái đừng thay đổi, thì nó sẽ tìm thấy tính tự nhiên chân thực của nó, hỉ lạc và trong sáng.

    Bởi vậy cẩn thận đừng áp đặt lên tâm bạn một cái gì. Khi thiền định, không được có nỗ lực để kiểm soát, không cố để được an. Đừng quá quan trọng cảm thấy mình đang làm một lễ lạc gì đặc biệt; hãy buông xả ngay cả cái ý niệm rằng bạn đang thiền. Hãy để thân bạn tự nhiên, hơi thở tự nhiên. Tưởng về bạn như bầu trời, bao trùm tất cả vũ trụ.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •