DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/6 ĐầuĐầu 12345 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 58
  1. #21
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Khi cái chết đến gần, những dấu hiệu nào đó điềm chỉ tương lai có thể xuất hiện. Những người có tâm thức tốt lành sẽ thấy là mình đang đi từ chốn tối tăm ra ánh sáng hay đi vào nơi quang đãng. Họ sẽ cảm thấy sung sướng, nhìn thấy những điều đẹp đẽ, và sẽ không cảm thấy bất kỳ nỗi đau khổ sâu sắc nào khi họ chết.

    Nếu lúc hấp hối người ta có những cảm xúc hết sức mãnh liệt về sự ham muốn hay oán ghét thì họ sẽ thấy mọi thứ ảo giác và sẽ cảm thấy đau buồn ghê gớm. Một số người thấy như thể họ đang đi vào bóng tối, những người khác cảm thấy mình đang bị thiêu đốt. Tôi từng gặp vài người đang bệnh rất nặng, họ kể lại rằng khi đau nặng, họ thấy mình đang bị thiêu đốt. Đây là một biểu thị cho số phận trong tương lai của họ. Do những dấu hiệu như thế, người hấp hối sẽ cảm thấy hết sức bối rối, và sẽ kêu la, rên rỉ, thấy như thể toàn thân đang bị lôi kéo xuống. Họ sẽ đau khổ sâu sắc lúc hấp hối. Một cách rốt ráo, những sự kiện này phát xuất từ sự bám chấp vào bản ngã. Người hấp hối biết rằng kẻ mà mọi người rất yêu mến đó sắp chết.

    Khi những người đã miệt mài phần lớn đời mình trong ác hạnh ấy chết, ta được biết là tiến trình tan hoại hơi ấm của thân thể bắt đầu từ phần thân trên đi xuống trái tim. Đối với những hành giả thiện hạnh thì tiến trình tan biến hơi nóng bắt đầu từ phía dưới, từ bàn chân, và cuối cùng lên tới trái tim. Trong bất kỳ trường hợp nào, tâm thức cũng thực sự khởi hành từ trái tim.

    Sau khi chết, người ta đi vào trạng thái trung ấm, bardo. Thân thể trong trạng thái trung ấm có vài đặc điểm riêng biệt: tất cả các giác quan đều đầy đủ, và nó có một hình tướng thể chất giống hệt với hình tướng của hiện thể mà nó sẽ tái sinh. Ví dụ, nếu nó tái sinh làm một con người, nó sẽ có một hình tướng thể chất giống hệt một con người. Nếu nó tái sinh là một súc sinh thì nó sẽ có hình tướng thể chất của súc sinh đặc thù. Thân trung ấm có thị lực mạnh mẽ đến độ có thể nhìn xuyên qua các vật rắn và có khả năng du hành bất kỳ nơi nào mà không bị ngăn ngại. Thân trung ấm chỉ có thể nhìn thấy những thân trung ấm cùng loại. Ví dụ, nếu một thân trung ấm được định là tái sinh làm một con người thì nó chỉ nhìn thấy những thân trung ấm đã được định để tái sinh làm người. Những thân trung ấm của cõi trời đi hướng lên, nhìn hướng lên cao, và các thân trung ấm của cõi người đi thẳng và nhìn thẳng. Các thân trung ấm của những kẻ đã say đắm trong các ác hành và bị tái sinh vào các cõi thấp thì ta được biết là di chuyển hướng xuống dưới.

    Thời kỳ ở trạng thái trung ấm này là bảy ngày. Sau một tuần lễ, nếu thân trung ấm gặp được những tình cảnh thích hợp thì nó sẽ tái sinh trong cảnh giới luân hồi tương ứng. Nếu nó không gặp được thì sẽ lại chết một cái chết nhỏ và xuất hiện một lần nữa như một thân trung ấm. Điều này có thể xuất hiện bảy lần, nhưng sau bốn mươi chín ngày thì nó không thể tồn tại như một hiện thể của trạng thái trung ấm nữa và phải tái sinh dù nó có muốn hay không. Khi đến thời điểm để tái sinh, thân trung ấm nhìn những hiện thể cùng loại với nó bay lượn, và nó sẽ phát triển một ước muốn nhập bọn với họ. Những chất sinh nở của các cha mẹ tương lai, tinh dịch và trứng, trông khác biệt với nó. Mặc dù cha mẹ có thể không thực sự ngủ với nhau, thân trung ấm sẽ có ảo giác là họ đang làm việc đó và sẽ cảm thấy dính mắc với họ. Nếu thân trung ấm nào có thể sinh làm một bé gái, nó sẽ cảm thấy ghét bỏ người mẹ và bị cuốn hút bởi sự trói buộc, nó sẽ nỗ lực để ngủ với người cha. Nếu thân trung ấm có thể sinh ra làm một bé trai, nó sẽ thấy ganh ghét người cha mà ràng buộc với người mẹ và cố gắng để ngủ với mẹ. Bị kích động bởi lòng ham muốn như thế, nó đi theo cha mẹ bất kỳ nơi nào. Sau đó, không có phần thân thể nào của cha mẹ xuất hiện ra trước thân trung ấm đó trừ những bộ phận sinh dục, do đó nó cảm thấy thất vọng và giận dữ. Sự giận dữ đó là điều kiện (duyên) cho cái chết của nó từ trạng thái trung ấm, và nó tái sinh trong tử cung. Khi cha mẹ đang giao hợp và đạt tới khoái cảm cực độ, một hay hai giọt tinh dịch đậm đặc và trứng hòa trộn với nhau như kem trên lớp mặt sữa đun sôi. Vào lúc này, tâm thức của thân trung ấm ngừng dứt và đi vào hỗn hợp ấy. Điều đó đánh dấu sự nhập thai. Mặc dù cha mẹ có thể không giao hợp, thân trung ấm có ảo tưởng là họ đang làm việc ấy và sẽ đi tới nơi đó. Điều này hàm ý rằng có những trường hợp, mặc dù cha mẹ có thể không giao hợp, tuy nhiên tâm thức vẫn có thể đi vào những yếu tố vật lý. Điều này giải thích cho việc những đứa trẻ sinh ra từ ống nghiệm ngày nay; khi các tinh chất được tập hợp lại từ cha mẹ, được hòa trộn và giữ gìn trong một ống nghiệm thì tâm thức có thể đi vào hợp chất đó mà không cần sự giao hợp thực sự xảy ra.

    Ngài Shantideva nói rằng ngay cả các súc vật cũng hoạt động để cảm nghiệm niềm vui thích và tránh né đau khổ trong đời này. Chúng ta phải hướng sự chú tâm của ta về tương lai; nếu không, ta sẽ không khác gì những thú vật. Sự tỉnh thức về cái chết chính là nền tảng của toàn thể con đường. Trừ phi bạn phát triển sự tỉnh thức này, còn không thì tất cả những thực hành khác sẽ bị chướng ngại. Pháp là người hướng đạo dẫn dắt ta đi qua những địa hạt không được biết tới; Pháp là thực phẩm nuôi dưỡng ta trong cuộc hành trình; Pháp là vị thuyền trưởng sẽ đưa chúng ta tới bến bờ xa lạ của Niết bàn. Vì thế, hãy đem tất cả năng lực của thân, ngữ và tâm bạn vào việc thực hành Pháp. Nói về sự thiền định về cái chết và lẽ vô thường thì rất dễ, nhưng thực hành thật sự thì quả là hết sức khó khăn. Và khi chúng ta thực hành, đôi lúc ta không nhận thấy có sự thay đổi nhiều, đặc biệt nếu ta chỉ so sánh hôm qua và hôm nay. Đó là một mối nguy hiểm dễ làm ta mất hy vọng và trở nên thiếu can đảm. Trong những tình huống như thế, rất lợi lạc khi ta không so sánh từng ngày hay hàng tuần, mà đúng hơn, cố gắng so sánh tâm trạng hiện thời của ta với tâm trạng của năm năm hay mười năm trước; như vậy ta sẽ thấy rằng đã có một vài thay đổi. Chúng ta có thể nhận ra một số chuyển biến trong quan điểm, trong nhận thức, trong thân tâm, trong sự hưởng ứng của chúng ta đối với các thực hành này. Chính nó là một suối nguồn nâng đỡ, động viên to lớn; nó thực sự ban cho ta niềm hy vọng, vì nó chỉ cho ta thấy nếu ta nỗ lực thì sẽ có khả năng để tiến bộ hơn nữa. Trở nên ngã lòng và quyết định trì hưỡn thực hành của chúng ta tới một thời điểm thuận lợi hơn thì thực sự rất nguy hiểm.




  2. #22
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    CHƯƠNG 5


    SỰ TÁI SINH


    Nghiệp (karma) có thể được hiểu là nguyên nhân và hậu quả, rất giống với cách mà các nhà vật lý học hiểu là đối với mỗi tác động, thì có một sự phản lực ngang bằng và đối nghịch lại. Đối với môn vật lý, hình thức lực phản hồi nào sẽ xảy ra thì luôn luôn không thể dự đoán được, nhưng đôi lúc chúng ta có thể tiên liệu sự phản ứng và có thể làm điều gì đó để giảm thiểu hậu quả. Hiện nay khoa học đang dùng nhiều cách để làm sạch sẽ môi trường đã bị ô nhiễm, và thêm nhiều khoa học gia đang cố gắng ngăn ngừa sự ô nhiễm trầm trọng hơn. Cũng như thế, những đời tương lai của chúng ta được quyết định bởi các hành vi hiện tại cũng như các hành vi của những đời gần nhất và những đời quá khứ của ta. Sự thực hành Pháp là để làm nhẹ bớt kết quả của các hành động theo nghiệp lực của chúng ta và ngăn ngừa mọi sự ô nhiễm trầm trọng hơn do những tư tưởng và hành vi tiêu cực. Những tư tưởng và hành vi tiêu cực đó đẩy chúng ta vào một sự tái sinh đau khổ ghê gớm. Sớm hay muộn gì chúng ta cũng sẽ chết, và vì thế sớm muộn gì chúng ta sẽ lại phải tái sinh. Những cảnh giới sống mà ta có thể tái sinh được giới hạn trong hai loại là cảnh giới thuận lợi và cảnh giới không thuận lợi. Việc chúng ta tái sinh ở đâu thì tùy thuộc vào nghiệp lực của riêng ta.

    Nghiệp được tạo nên bởi một tác nhân, một con người, một chúng sinh. Chúng sinh thì không gì khác hơn là bản ngã, giả định trên nền tảng tương tục của tâm thức. Bản tánh của tâm thức là sự chói ngời và trong sáng. Nó là một tác nhân của sự thấu biết, mà trước đó là một khoảnh khắc trước của tâm thức làm nguyên nhân cho nó. Nếu chúng ta hiểu biết rằng sự tương tục của tâm thức không thể bị dứt tiệt trong một đời, thì ta sẽ nhận ra là có một y cứ có tính lô-gích cho việc có thể có đời sống sau khi chết. Nếu chúng ta không xác tín về sự tương tục của tâm thức thì ít ra chúng ta cũng biết rằng không có bằng chứng nào có thể bác bỏ lý thuyết về đời sống sau cái chết. Chúng ta không thể chứng minh nó, nhưng ta không thể bác bỏ nó. Có nhiều trường hợp về những người nhớ lại các đời trước của họ một cách sống động. Nó không phải là một hiện tượng chỉ giới hạn trong giới Phật tử. Có nhiều người với những ký ức như thế nhưng cha mẹ họ thì không tin ở đời sống sau khi chết hay những đời quá khứ. Tôi biết có ba trường hợp các trẻ em có thể nhớ lại những đời trước của chúng một cách sống động. Trong một trường hợp, hồi ức về đời trước quá sống động đến nỗi mặc dù trước đó các cha mẹ không tin vào đời sống sau khi chết, nhưng do hồi ức rõ ràng của con cái, bây giờ họ đã bị thuyết phục. Đứa trẻ không chỉ nhớ lại rõ ràng đã từng sống ở một ngôi làng bên cạnh mà em đã nhận ra, nhưng còn có khả năng nhận diện cha mẹ đời trước của em, là những người mà em không hề có cơ hội nào để biết. Nếu không có đời sống sau khi chết thì không có đời trước, và chúng ta sẽ tìm sự giải thích khác cho những hồi ức này. Cũng có nhiều trường hợp các cha mẹ có hai đứa con được nuôi dạy cùng một cách, trong cùng một xã hội, với bối cảnh giống nhau, tuy nhiên một đứa lại thành công hơn đứa kia. Chúng ta nhận thấy sở dĩ có những khác biệt như thế là do những dị biệt trong các hành vi thuộc nghiệp lực quá khứ của chúng ta.

    Cái chết không là gì khác hơn là sự tách lìa tâm thức với thể xác vật lý. Nếu bạn không chấp nhận hiện tượng được gọi là tâm thức này, thì tôi nghĩ là rất khó khăn để giải nghĩa chính xác đời sống là gì. Khi tâm thức được liên kết với thân thể và mối quan hệ của chúng tiếp diễn, chúng ta gọi nó là đời sống, và khi tâm thức chấm dứt mối quan hệ của nó với một thân thể đặc thù, thì ta gọi sự việc đó là cái chết. Mặc dù thân thể chúng ta là một tập hợp của các thành phần hóa học và vật lý, nhưng nó có một sự chói sáng thuần tịnh (tịnh quang) làm một thứ tác nhân vi tế cấu tạo nên đời sống của các sinh thể. Vì nó không có tính vật lý nên chúng ta không thể đo lường nó, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không hiện hữu. Chúng ta đã tiêu phí quá nhiều thời giờ, năng lực, và sự nghiên cứu trong việc thám hiểm thế giới bên ngoài, nhưng giờ đây nếu chúng ta thay đổi sự tiếp cận đó và hướng mọi sự thám hiểm, nghiên cứu và năng lực này vào bên trong và bắt đầu phân tích, thì tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta có khả năng nhận ra được bản chất của tâm thức – sự trong sáng, chói ngời này – ở trong chúng ta.

    Theo sự giải thích của Phật giáo, tâm thức được cho là không bị ngăn ngại, nó không có tính chất vật lý, và chính từ những tác động của tâm thức này mà mọi cảm xúc, mọi mê lầm, và mọi khiếm khuyết của con người phát sinh. Tuy nhiên, cũng do bởi bản tánh nội tại của tâm thức này mà người ta có thể giải trừ tất cả những khiếm khuyết và mê lầm này và tạo nên sự an bình và hạnh phúc lâu dài. Vì tâm thức là nền tảng cho nhiều sự hiện hữu trong sinh tử và cho chính Giác ngộ nên có nhiều tác phẩm bao quát về vấn đề này.

    Từ kinh nghiệm riêng, chúng ta biết rằng tâm thức hay tâm tùy thuộc vào sự biến đổi, có nghĩa là tâm thức phụ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện, chúng làm biến đổi, chuyển hóa và ảnh hưởng đến tâm thức: đó là những điều kiện và môi trường của đời sống chúng ta. Tâm thức phải có một nguyên nhân chất thể giống như bản tánh của chính tâm thức để cho nó phát khởi. Không có một khoảnh khắc trước của tâm thức (tiền niệm) thì không thể có bất kỳ tâm thức nào. Nó không phát khởi từ cái không có gì, và nó không thể chuyển thành cái không có gì. Vật chất không thể biến đổi thành tâm thức. Vì vậy, chúng ta phải có thể truy nguyên trở lại chuỗi nhân quả của các khoảnh khắc tâm thức trong thời gian. Kinh điển Phật giáo nói về hàng trăm tỉ hệ thống thế giới, vô lượng các hệ thống thế giới, và tâm thức hiện hữu từ thời gian vô thủy. Tôi tin là có các thế giới khác hiện hữu. Khoa vũ trụ học tân tiến cũng nói rằng có nhiều loại hệ thống thế giới. Mặc dù sự sống không được quan sát thấy trên các hành tinh khác, nhưng kết luận rằng sự sống chỉ có thể có trên hành tinh này – là hành tinh bị lệ thuộc vào thái dương hệ này – và không có trên các loại hành tinh khác, là không lô-gích. Kinh điển Phật giáo đề cập tới việc có sự sống trên các hệ thống thế giới khác cũng như trên các loại thái dương hệ khác nhau và trên vô lượng vũ trụ.



  3. The Following User Says Thank You to lamebay For This Useful Post:

    minh thức (10-16-2015)

  4. #23
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Ngày nay, nếu các khoa học gia được hỏi là vũ trụ đã được tạo nên như thế nào, thì họ có thể đưa ra nhiều câu trả lời. Nhưng nếu hỏi họ tại sao sự tiến hóa này xảy ra thì họ không đáp được. Nói chung, họ không giải thích rằng nó là một sáng tạo của Thượng Đế, vì là các nhà quan sát khách quan, họ chỉ có khuynh hướng tin ở vũ trụ vật chất. Một số người nói rằng nó xảy ra chỉ do sự ngẫu nhiên. Giờ đây chính quan điểm đó không lô-gích, bởi nếu bất kỳ cái gì hiện hữu đều do sự ngẫu nhiên thì cũng giống như nói rằng các sự việc không có bất kỳ nguyên nhân nào. Nhưng từ đời sống hàng ngày của chúng ta, ta thấy là tất cả mọi sự đều có một nguyên nhân: mây làm ra mưa, gió cuốn đi các hạt giống khiến cây cỏ mới mọc lên. Không có gì hiện hữu mà không có lý do. Bạn có thể chấp nhận rằng vũ trụ được sáng tạo bởi Thượng Đế, thì trong trường hợp đó sẽ có nhiều mâu thuẫn, như bắt buộc là sự đau khổ và cái xấu cũng phải được Thượng Đế sáng tạo nên. Cách chọn lựa khác thì giải thích rằng có vô lượng chúng sinh mà năng lực do cộng nghiệp của họ đã tạo nên toàn thể thế giới này như một môi trường cho họ. Vũ trụ mà chúng ta đang sống được tạo nên bởi các ham muốn và hành động của chính chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có mặt ở đây. Ít ra điều này hợp với lô-gích.

    Vào lúc chết, chúng ta bị sức mạnh của các hành vi theo nghiệp của riêng ta lôi cuốn. Hậu quả của các hành vi theo nghiệp xấu là sự tái sinh vào các cõi thấp. Để tự ngăn cản mình đừng làm các hành động tiêu cực, chúng ta phải nỗ lực tưởng tượng xem ta có thể chịu đựng nổi những nỗi khổ của các cõi thấp không. Khi đã thấy được hạnh phúc là kết quả của các hành động tích cực thì chúng ta sẽ rất hoan hỉ trong việc tích tập đức hạnh. Khi coi kinh nghiệm của những người khác cũng quan trọng như kinh nghiệm của chính mình, bạn sẽ có thể phát triển lòng bi mẫn mãnh liệt. Đó là vì bạn sẽ hiểu rõ rằng các đau khổ của họ thì không khác gì với những đau khổ của riêng bạn và họ cũng ao ước được đạt được giải thoát. Rất cần thiết phải thiền định về nỗi khổ của các cõi súc sinh và địa ngục. Nếu chúng ta không thực hiện sự tiến bộ tâm linh thì các hành vi tiêu cực của ta sẽ dẫn chúng ta tới đó. Và nếu chúng ta cảm thấy không thể chịu đựng nổi nỗi khổ của sự thiêu đốt hay cóng lạnh hoặc nỗi khổ khi không thể thỏa mãn sự đói khát, thì động lực để thực hành của chúng ta sẽ tăng trưởng vô hạn. Hiện tại, đời sống làm người này ban cho ta cơ hội và các điều kiện để chúng ta tự giải cứu chính mình.

    Luân hồi ở các cõi thấp là sự tái sinh làm một thú vật, quỷ đói, hay chúng sinh ở địa ngục. Theo các Kinh điển thì địa ngục được xác định ở một khoảng cách nào đó ngay dưới Bồ Đề Đạo Tràng, một địa điểm ở Ấn Độ nơi Đức Phật đã thành tựu sự Giác ngộ. Nhưng nếu bạn đã thực sự vượt được khoảng cách đó thì bạn sẽ kết thúc ở giữa Châu Mỹ. Vì vậy các giáo lý này không nên hiểu theo nghĩa đen. Chúng được đề cập phù hợp với quy ước về thời gian, hay niềm tin có tính đại chúng. Mục đích của Đức Phật khi xuất hiện ở thế giới này không phải để đo lường chu vi của thế giới và khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng, mà đúng ra là giảng dạy Giáo Pháp để giải thoát chúng sinh, cứu giúp chúng sinh khỏi nỗi đau khổ của họ. Nếu chúng ta không hiểu rõ sự tiếp cận căn bản của đạo Phật, chúng ta có thể tưởng tượng là đôi khi Đức Phật thuyết giảng trong một cách thế mâu thuẫn và lầm lạc. Nhưng trong mỗi quan điểm triết học khác nhau mà Ngài giảng dạy đều có một mục đích, và mỗi quan điểm đem lại lợi lạc cho những loại chúng sinh khác nhau. Khi nói về các địa ngục, Ngài phải lưu tâm tới nhiều loại quy ước và niềm tin có tính chất đại chúng với mục đích đặc biệt là khiến cho người nghe thực hành Pháp.

    Tôi tin rằng các trạng thái như thế như các loại địa ngục nóng và lạnh khác nhau thực sự hiện hữu. Nếu các trạng thái cao nhất, như Niết Bàn và sự Toàn Giác, có hiện hữu, thì tại sao cái đối nghịch của chúng là trạng thái đau khổ cùng cực nhất, tâm thức không được điều phục nhất lại không hiện hữu ? Ngay trong sự sống con người cũng có hai loại người khác nhau: một số vui thú cuộc sống và nhiều hạnh phúc hơn, một số người phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn. Vì vậy, tất cả những sự khác biệt này trong kinh nghiệm xảy ra như kết quả của những khác biệt trong những nguyên nhân – là các hành động, hay nghiệp. Nếu chúng ta đi xa hơn nữa và so sánh nhân loại với các hình thức khác nhau của đời sống loài thú, thì ta nhận ra rằng những tâm trạng của các thú vật thì không được điều phục nhiều hơn và nỗi khổ cùng sự lầm lạc của chúng còn hiển nhiên hơn nữa. Chúng vẫn có một khuynh hướng tự nhiên là ước muốn hạnh phúc và tránh né đau khổ. Một số thú vật rất khôn ngoan: nếu ta cố bắt chúng bằng cách cho chúng đồ ăn, chúng hết sức thận trọng. Ngay khi ăn, chúng ráng chạy thoát, nhưng nếu ta cho chúng ăn với sự chân thành và kiên nhẫn, thì chúng có thể trở nên hoàn toàn tin tưởng vào chúng ta. Ngay cả các con vật như chó và mèo cũng cảm nhận giá trị của lòng tốt; chúng nhận thức sâu sắc giá trị của sự chân thành và tình thương.



  5. #24
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Nếu có các mức độ thành tựu tâm linh khác nhau đặt nền tảng trên việc tâm thức đã trở nên được điều phục thế nào, thì cũng có các mức độ tâm thức chưa được điều phục khác nhau. Tệ hơn cõi súc sinh là các trạng thái như cảnh giới của quỷ đói, họ không thể thỏa mãn sự ham muốn. Các cảnh giới địa ngục là những trạng thái luân hồi ở đó những đau khổ hết sức cùng cực khiến chúng sinh khó duy trì được bất kỳ năng lực phán đoán hay hiểu biết nào. Nỗi khổ trong các địa ngục do bởi cái nóng dữ dội và lạnh dữ dội. Việc chứng minh các cảnh giới này có hiện hữu thì vượt quá lô-gích bình thường của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể kết luận rằng chúng hiện hữu vì chúng ta biết rằng Đức Phật đã chứng minh rất xác đáng, lô-gích, và bao gồm nhiều vấn đề quan trọng khác, như sự vô thường và lý nhân quả, là những điều chúng ta có thể chứng thực hợp với luận lý. Vì thế, chúng ta có thể suy luận rằng điều ngài nói về các mức độ tái sinh khác nhau cũng đúng thật. Động lực khi Đức Phật trình bày về các cảnh giới địa ngục chỉ do lòng bi mẫn, và ước muốn của Ngài là giảng dạy điều gì lợi lạc cho chúng sinh để giải thoát họ khỏi vòng luân hồi của sự tái sinh. Vì Ngài không có lý do gì để nói dối nên những điều bí ẩn này cũng phải có thật.

    Hàng ngày chúng ta vẫn chấp nhận là thật có những điều ta không có cách trực tiếp chứng minh. Tôi sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935. Tôi biết điều này chỉ vì mẹ tôi nói lại cho tôi và tôi tin ở bà. Tôi không có cách để có thể trực tiếp nhận thức hay chứng minh theo luận lý điều đó, nhưng bởi sự tin cậy vào người mà tôi tin tưởng và không có lý do gì để nói dối tôi, nên tôi biết là tôi sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935. Các vấn đề sâu xa về đời sống sau khi chết và sự hiện hữu của các cảnh giới khác chỉ có thể tiếp cận bằng cách tin cậy vào Kinh điển. Chúng ta phải chứng minh giá trị của những Kinh điển đó bằng cách áp dụng sự suy luận. Chúng ta không thể trích dẫn một cách hời hợt. Chúng ta phải nghiên cứu và áp dụng nó vào đời sống chúng ta.

    Những mức độ đau khổ khác nhau trong sự luân hồi ở các cõi thấp được giảng rõ trong nhiều loại Kinh điển. Một số những nỗi khổ hết sức dữ dội vượt quá sự hiểu biết của ta. Nếu bạn tái sinh trong bất kỳ nơi nào trong những cảnh giới thấp này, làm thế nào bạn sẽ có thể chịu đựng nổi chúng ? Hãy truy xét xem bạn có tạo ra những nguyên nhân và điều kiện cho sự tái sinh ở những cõi luân hồi thấp như thế không. Bao lâu chúng ta còn ở dưới sự áp chế của những mê lầm, các thế lực mạnh mẽ của sự oán ghét và ham muốn, chúng ta sẽ còn bắt buộc phải chống lại ý muốn buông thả trong các hành động tiêu cực của mình, chúng sẽ thực sự là nguyên nhân cho sự đọa lạc của chính chúng ta. Nếu điều này thực sự xảy ra, thì chính ta sẽ phải chịu đựng những đau khổ. Nếu bạn không muốn chịu đựng nỗi khổ như thế, hay bạn cảm thấy không bao giờ có thể chịu nổi những đau khổ dữ dội như thế, thì bạn phải kiềm chế thân, ngữ và tâm bạn đừng miệt mài trong những hành động sẽ tích tập năng lực khiến bạn rơi vào những trạng thái như vậy. Những tiêu cực đã từng được tích tập phải được hoàn toàn tịnh hóa theo các thực hành thích hợp. Và vì mọi sự đều vô thường nên không có điều bất thiện nào mà không thể tịnh hóa.

    Bạn càng quán chiếu về những nỗi khổ này và càng cảm nhận mãnh liệt rằng chúng không thể chịu đựng được, thì bạn sẽ càng thấy rõ năng lực hủy diệt của các hành động tiêu cực. Khi thiền định về những nỗi khổ này, bạn phải nỗ lực tưởng tượng chính bạn đã tái sinh trong những sự luân hồi này và đang chịu đựng những đau khổ của bản thân bạn. Ví dụ, khi quán chiếu về những nỗi khổ của các địa ngục nóng, bạn phải tưởng tượng thân thể bạn bị thiêu đốt, và khi quán chiếu về những nỗi khổ của các địa ngục lạnh, bạn nên nghĩ rằng thân thể bạn đang bị lạnh giá. Đối với những nỗi khổ của súc sinh thì cũng cần tưởng tượng như vậy. Bạn được khuyên nên đi tới một vài nơi cô tịch và cố gắng thể nhập toàn bộ kinh nghiệm của những chúng sinh như thế, nỗ lực tưởng tượng rằng chính bạn đang chịu đựng nỗi khổ của họ. Bạn càng cảm thấy một cách mạnh mẽ là không thể chịu đựng nổi sự đau khổ thì bạn sẽ càng cảm thấy sợ hãi các cõi thấp. Điều đó dẫn tới sự hiểu biết về năng lực hủy diệt của các hành động tiêu cực và nỗi khổ do chúng gây ra. Sau đó, khi bạn thiền định về lòng đại bi, sự thực hành này sẽ giúp bạn tăng trưởng tình thương của bạn đối với những người khác đang miệt mài trong những hành động tiêu cực hết sức trầm trọng. Ngay bây giờ, nếu bạn có thể phát triển một sự sợ hãi nỗi khổ với tư cách là con người, thì bạn có tiềm lực, khả năng và cơ hội để ngăn ngừa các nguyên nhân cho sự đọa lạc của riêng bạn. Chúng ta có thể tịnh hóa sự tiêu cực và tích tập các kho công đức vĩ đại. Chúng ta có thể tăng trưởng sự tích tập công đức ta đã có, và sẽ có thể hồi hướng công đức khiến nó không bị sự sân hận phá hủy. Nếu ta thực hiện một sự thực hành đúng đắn từng ngày một thì chúng ta sẽ có thể làm cho đời người của mình có ý nghĩa.



  6. #25
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    CHƯƠNG 6

    SỰ QUY Y


    Được thúc đẩy bởi sự sợ hãi những đau khổ của sự tái sinh và những cảnh giới thấp của vòng sinh tử, một Phật tử là người nương tựa (quy y) vào Tam Bảo: Phật, Pháp (các giáo lý), và Tăng đoàn (cộng đồng tâm linh). Một Phật tử, nhờ sự thực hành và kinh nghiệm, biết rằng Tam Bảo có khả năng che chở họ khỏi rơi vào các cõi luân hồi thấp. Vị Thầy ở thế kỷ thứ mười một Po-to-wa trong lần viếng thăm một tu viện, ngài để ý thấy ngay cả trong những vị Thầy cao tuổi đang ngồi cầu nguyện cũng có một vài vị không là Phật tử. Nhiều người trong số đó thiếu một hiểu biết đúng đắn về Tam Bảo. Chính sự quy y làm mạnh mẽ thêm cho ước muốn thành tựu Niết bàn.

    Đức Phật là đấng hoàn toàn giải thoát khỏi mọi mê lầm và khiếm khuyết, Ngài được phú cho mọi phẩm tính tốt đẹp và đã đạt được trí tuệ xua tan bóng tối của vô minh. Pháp là kết quả của sự Giác ngộ của Ngài. Sau khi thành tựu sự Giác ngộ, một vị Phật giảng dạy, và điều Ngài (có thể là nam hay nữ) giảng được gọi là Pháp. Tăng đoàn được thành lập bởi những người đi vào sự thực hành các giáo lý được Đức Phật ban cho. Đây là những định nghĩa căn bản của Tam Bảo. Hoạt động của Đức Phật là ban những giáo lý và chỉ rõ con đường. Hoạt động hay chức năng của Pháp là xóa tan những đau khổ và các nguyên nhân của chúng, là những mê lầm. Nhiệm vụ của Tăng đoàn là hoan hỉ khi thực hiện sự thực hành Pháp này. Bạn phải nhìn Đức Phật với sự kính trọng. Thái độ của bạn đối với Pháp phải là một thái ngộ của sự ước nguyện, nỗ lực tạo được kinh nghiệm về Pháp ở trong tâm bạn, và bạn phải nhìn Tăng đoàn như những thiện tri thức tham dự vào tiến trình của con đường. Đức Phật là đấng Đạo sư chỉ cho ta con đường đi tới Giác ngộ, Pháp là nơi nương tựa thực sự, ở đó chúng ta tìm kiếm sự che chở để thoát khỏi những đau khổ, và Tăng đoàn gồm có những người đồng hành tâm linh trải qua các giai đoạn của con đường.

    Một trong những lợi lạc của sự quy y là tất cả những ác hạnh mà bạn đã phạm trong quá khứ đều có thể được tịnh hóa, vì sự quy y đòi hỏi phải chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Phật và đi theo con đường của thiện hạnh. Phần lớn các hành động tiêu cực bạn đã phạm trong quá khứ có thể được nhẹ bớt hay giảm thiểu và kho công đức của bạn tăng trưởng. Khi đã tìm kiếm sự nương tựa vào Tam Bảo, chúng ta sẽ được che chở không chỉ đối với điều tổn hại trong hiện tại, mà cũng được che chở để thoát khỏi tai họa của sự tái sinh trong vòng luân hồi ở các cõi thấp, và có thể nhanh chóng đạt tới sự Toàn Giác của Phật Quả. Chúng ta không bao giờ được từ bỏ Tam Bảo, ngay cả khi phải trả giá bằng đời sống của mình. Đã từng có nhiều trường hợp những người Tây Tạng bị ép buộc phải từ bỏ niềm tin của họ. Nhiều người đã trả lời là họ không thể chối bỏ đức tin và thay vào đó, họ chọn lựa từ bỏ đời mình. Đây là sự cam kết chân thực của sự quy y.

    Ngài Tsong-kha-pa nói rằng nếu sự sợ hãi và xác tín của bạn chỉ đơn thuần là những ngôn từ, thì sự quy y cũng chỉ là ngôn từ, còn nếu sự sợ hãi và xác tín của bạn vào khả năng của Tam Bảo có thể che chở bạn khỏi nỗi sợ hãi như thế được cắm rễ sâu sắc, thì sự quy y của bạn cũng sẽ hết sức hiệu quả.

    Chính các đối tượng của sự quy y đã thành tựu một trạng thái hoàn toàn giải thoát khỏi sự sợ hãi và đau khổ. Nếu bản thân các đối tượng không đạt được một trạng thái như vậy, thì họ sẽ không có khả năng che chở chúng ta, giống như người té ngã không thể giúp bạn đứng lên được. Những người mà chúng ta tìm kiếm sự che chở ở họ phải giải thoát khỏi đau khổ và sợ hãi; nếu không thì mặc dù họ có thể có ước muốn làm như thế, họ sẽ không có khả năng che chở chúng ta. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ tự giải thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, Ngài cũng hết sức khéo léo trong việc dẫn dắt chúng sinh theo Chánh đạo. Chúng ta có thể hiểu rõ điều này bằng cách suy nghĩ về các giáo lý khác nhau mà Đức Phật ban ra thích hợp với các lợi lạc và khuynh hướng khác nhau của chúng sinh. Ngài để lại những giáo lý có thể ảnh hưởng tới chúng ta bất luận mức độ phát triển tâm linh của ta như thế nào. Khi nhận ra tầm quan trọng của điều này, chúng ta cũng sẽ bắt đầu kính ngưỡng tất cả các tôn giáo trong thế giới, vì chính mục đích các giáo lý của mọi tôn giáo là để giúp đỡ những người khác.



  7. #26
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Ngài Tsong-kha-pa nói rằng nếu bạn quán chiếu về các phẩm tính vĩ đại tạo nên một đối tượng quy y và phát triển một sự xác tín sâu sắc, nhất tâm vào ba đối tượng quy y, thì không có cách nào khiến bạn không được che chở. Điều chúng ta cần có là một ý thức sợ hãi sâu xa về các nỗi khổ của những cõi thấp và sự tin cậy vào khả năng của Tam Bảo có thể che chở chúng ta thoát khỏi chúng. Chúng ta phát triển lòng tin cậy này nhờ sự thiền định về các phẩm tính của Phật, Pháp và Tăng.

    Lòng đại bi của Đức Phật không có thiên vị. Ngài không phân biệt giữa những chúng sinh giúp đỡ Ngài và những người không làm điều đó. Sự làm việc vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh của Ngài thì không thiên vị. Những tiêu chuẩn này chỉ có đầy đủ ở Đức Phật, và vì thế mà Ngài và nhiều hình thức và các Hóa Thân của Ngài, cùng với các giáo lý Ngài ban cho, và cộng đồng noi gương Ngài đi vào con đường thực hành của Ngài, trở thành nơi nương tựa (quy y).

    Ngữ của Đức Phật là khả năng khi được hỏi về bất kỳ vấn đề nào hay nhiều vấn đề khác nhau cùng một lúc, ta được biết là Ngài có thể thấu hiểu bản chất của tất cả những vấn đề đó và có thể đáp lại trong một lời phát biểu. Nhờ đó, các câu trả lời ứng hợp với sự hiểu biết của người hỏi.

    Trí tuệ của Đức Phật có thể hiểu biết toàn thể phạm vi của các hiện tượng, tương đối hay tuyệt đối, giống như Ngài đang nhìn vật gì trong lòng bàn tay. Vì thế, mọi đối tượng của tri thức được hiểu biết và ở trong sự quán triệt của trí tuệ của Ngài.

    Tâm của Đức Phật cũng toàn giác. Lý do khiến tâm một vị Phật có thể hiểu biết toàn bộ phạm vi của các hiện tượng không có sự ngoại trừ nào là vì Ngài đã đạt tới một trạng thái hoàn toàn giải thoát khỏi mọi che chướng đối với sự hiểu biết (sở tri chướng). Các sở tri chướng là những dấu vết hay các thiên kiến để lại trong tâm do những mê lầm – sự si mê (vô minh) về bản tánh của thực tại, sự tham luyến, và sân hận – từ vô thủy. Khi những dấu vết này được tẩy trừ, chúng ta đạt được trạng thái gọi là Toàn Giác, vì không còn sở tri chướng nào nữa. Chúng ta đạt được trạng thái Toàn giác của tâm thức, nó thấu biết toàn thể phạm vi của các hiện tượng mà không bị một che chướng nào. Tâm Đức Phật xúc động tự nhiên do lòng đại bi không vơi cạn khi nhìn thấy nỗi khổ của chúng sinh. Vào lúc bắt đầu con đường, Đức Phật đã phát triển lòng đại bi mãnh liệt hướng về tất cả chúng sinh và, trải qua tiến trình của con đường, Ngài đã đưa lòng đại bi đó tới mức độ cao nhất. Lòng đại bi, là một tâm trạng thiện hạnh và được đặt căn bản trên bản tánh trong sáng của tâm, có năng lực tăng trưởng vô hạn.

    Thân, ngữ và tâm của chư Phật luôn luôn tích cực làm việc vì lợi lạc của chúng sinh. Các Ngài đáp ứng ước muốn của chúng sinh và dẫn dắt họ qua các giai đoạn của con đường bằng một phương cách khéo léo thích hợp với các nhu cầu, lợi lạc và khuynh hướng khác nhau của chúng sinh. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng nếu đức tin nơi Đức Phật của bạn vững chắc, thì do bạn nhớ tưởng tới thiện tâm vĩ đại và các phẩm tính khác của Phật mà đức tin của bạn vào hai đối tượng còn lại, là Pháp, giáo lý của ngài, và Tăng, cộng đồng tâm linh, sẽ đến một cách tự nhiên, và toàn bộ Kinh điển Phật giáo sẽ giống như lời chỉ dạy riêng cho cá nhân bạn. Vì thế, khi đã phát triển đức tin mãnh liệt ở Đức Phật, bạn cũng phải phát triển đức tin mạnh mẽ vào giáo lý của ngài.

    Đừng bao giờ nên bình phẩm các hình tượng của một vị Phật, bất luận chất liệu hay hình dạng ra sao. Bạn phải kính trọng các hình tượng như bạn kính trọng chính Đức Phật. Khi đã quy y Phật, bạn đừng quan tâm tới hình tượng được tạo nên bằng chất liệu gì mà nên dành cho nó một sự kính trọng bất luận nó như thế nào. Bạn đừng bao giờ đem các tượng Phật làm vật để mua bán hay dùng như đồ thế chấp. Có lần ngài Atisha được một trong những đệ tử khẩn cầu ngài bình luận về một bức tượng của Đức Văn Thù, Bồ Tát của Trí Tuệ, và nói rằng nếu ngài Atisha thấy nó tốt thì anh ta sẽ mua bức tượng. Ngài Atisha nói là người ta không thể phê bình về thân tướng của Đức Văn Thù, nhưng nếu nói về mặt điêu khắc nó chỉ ở mức trung bình, rồi sau đó ngài đặt bức tượng lên đầu như một dấu hiệu kính trọng. Khi nói tác phẩm hẳn là trung bình, dường như ngài Atisha muốn nói nó trông không xuất sắc, vì thế nghệ sĩ cần cẩn thận hơn nữa. Các nghệ sĩ có một trách nhiệm hết sức to lớn khi tô vẽ hình ảnh hay điêu khắc các bức tượng có một dáng vẻ tốt đẹp. Nếu không thì sẽ là một nguy hiểm trầm trọng vì khiến cho nhiều người tích tập ác hạnh, bởi đôi khi, do diện mạo bất cân xứng của hình ảnh, chúng ta không thể nhịn cười được.

    Phương pháp dẫn đến trạng thái Toàn Giác là con đường. Con đường và sự chấm dứt đau khổ tạo nên Pháp, là nơi nương tựa chân thực. Pháp là cái gì chúng ta không thể tiếp thu lập tức; nó phải được nhận thức bằng một quá trình tiệm tiến. Trong phạm vi thực hành sự quy y, bạn phải hết sức khéo léo để có được giới hạnh khi tránh những hành động tiêu cực. Đó là cái được gọi là sự thực hành Pháp. Nếu bạn sợ hãi những đau khổ của đời sống ở các cõi thấp thì bạn nên chuyển hóa tâm thức bạn và ngăn ngừa đừng để nó miệt mài trong các hành động tiêu cực, chúng gây nên sự đọa lạc của bạn. Điều này tùy thuộc trọn vẹn vào việc bạn có thực hành nghiêm túc hay không, bạn có gắn bó với việc tích tập các thiện hạnh và tránh làm các hành động tiêu cực hay không, và sau đó tùy thuộc vào việc bạn có thâm tín vào luật nghiệp báo hay không.



  8. #27
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Có hai loại kinh nghiệm khác nhau, là kinh nghiệm đáng ao ước và kinh nghiệm không được ưa thích, mỗi loại đều có nguyên nhân riêng của nó. Sự đau khổ, là kinh nghiệm không được ưa thích, được gọi là vòng sinh tử (samsara), và nó bắt nguồn từ những mê lầm và ác hạnh mà chúng thúc ép chúng ta mắc phạm. Hình thức tối hậu của hạnh phúc, kinh nghiệm đáng ao ước, là Niết Bàn, và là kết quả của sự thực hành Pháp. Căn nguyên của những nỗi khổ và của các cảnh giới thấp của sinh tử là mười hành động tiêu cực (được mô tả trong chương 7). Sự thành công và tái sinh đáng ao ước trong các cảnh giới sinh tử thuận lợi được tạo nên từ sự giữ giới hạnh trong sạch, hay sự thực hành mười thiện hạnh. Để ngăn ngừa việc bạn phải tái sinh vào đời sống ở các cõi thấp và chịu đựng nỗi khổ ở đó, bạn phải chấm dứt những nguyên nhân của chúng bằng cách xoay chuyển thân, ngữ và tâm bạn về các thiện hạnh. Mức độ gắn bó của bạn với sự thực hành nghiêm cẩn thì hết sức tùy thuộc vào việc bạn đã được thuyết phục thế nào, vào việc bạn xác tín luật nhân quả sâu sắc ra sao, bạn hoàn toàn tin tưởng ra sao về việc các nỗi khổ và bất hạnh không đáng ưa thích là kết quả của các hành động tiêu cực, và bạn bị thuyết phục thế nào về các kết quả đáng ao ước, như hạnh phúc, niềm vui và sự thành công, là các hậu quả của những hành động tích cực. Vì thế, trước tiên, điều hết sức quan trọng là phải phát triển một sự xác tín sâu sắc ở sự không sai chạy của định luật nghiệp báo.

    Khi đã nương tựa (quy y) Pháp, như một sự cam kết xác quyết, người ta phải tỏ ra kính trọng các Kinh luận của đạo Phật. Bạn không nên giẫm lên dù chỉ một trang Kinh, và các bản văn phải được giữ gìn ở một nơi sạch sẽ. Bạn không nên có một thái độ sở hữu đối với Kinh điển; không nên bán chúng hay dùng chúng làm vật thế chấp để vay tiền. Bạn đừng để kính đeo hay bút viết trên đầu kinh điển. Khi lật trang, bạn đừng liếm ngón tay. Có kể lại rằng ngài Geshe Chen-nga-wa thường đứng dậy khi ngài thấy Kinh điển được mang ngang qua, nhưng về sau do tuổi già không thể đứng lên, ngài vẫn thường chắp tay lại. Khi ngài Atisha ở miền tây Tây Tạng, có một hành giả mật thừa không thọ lãnh giáo lý từ ngài. Một hôm, ngài Atisha thấy một người Tây Tạng khác đánh dấu trên một quyển Kinh đang đọc bằng một miếng đồ ăn trong miệng mình. Ngài Atisha bảo ông ta đừng làm như thế, và kết quả là hành giả mật thừa nhìn thấy sự gắn bó với giới luật quy y của ngài Atisha, ông ta hết sức cảm kích và xin trở thành đệ tử của ngài.

    Chúng ta cũng phải tin tưởng ở Tăng đoàn, cộng đồng tâm linh. Khi chúng ta nói về Tăng đoàn, chính yếu là muốn nói tới những con người cao cả do sự thực hành tinh cần của họ, đã lãnh hội Pháp trong bổn tâm mình, và thâm nhập bản tánh của thực tại. Tăng đoàn thực sự là những người luôn luôn dấn mình vào sự thực hành Pháp, duy trì giới luật đúng đắn, là người hoàn hảo trong sự tuân giữ giới hạnh, và là người luôn luôn chân thật, chất trực, tâm hồn thanh tịnh, và tràn đầy bi mẫn.



  9. #28
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts
    Khi đã quy y Tăng, bạn đừng bao giờ nên sỉ nhục bất kỳ tăng hay ni nào là người đang sống đời tu hành. Bạn phải kính trọng họ. Trong cộng đồng Tăng đoàn bạn không nên bè phái hay giữ bất kỳ sự ganh đua nào. Ở những nơi như Thái Lan, Tăng đoàn rất được kính trọng. Bởi vì mọi người tôn kính họ, do đó các nhà sư cũng không nên làm điều gì đáng hổ thẹn khiến cho cư sĩ mất niềm tin. Nói chung, tôi không cho là có một tăng đoàn rộng lớn như ở Tây Tạng là điều nhất thiết tốt đẹp, nhưng tốt nhất là có những nhà sư thật sự thanh tịnh, dù chỉ là một cộng đồng nhỏ bé. Việc bạn có trở nên một nhà sư hay không là một vấn đề chọn lựa cá nhân, nhưng khi đã lựa chọn sống cuộc đời của một tăng hay ni, thì tất nhiên sẽ không hay nếu ta làm điều sỉ nhục cho Giáo Pháp. Mặt khác, không chỉ không tốt cho bạn, điều đó còn làm cho những người khác mất lòng tin và tích tập các ác hạnh vô ích. Có kể lại rằng ngài Drom-ton-pa không giẫm lên dù một mẩu nhỏ y phục đỏ hay vàng, vì nó tượng trưng cho y áo của tăng ni.

    Ngài Tsong-kha-pa nói rằng sự quy y thực sự là lối vào cộng đồng Phật tử, và nếu sự quy y của chúng ta không đơn thuần là ngôn từ và thực sự là một cảm nhận sâu xa, thì chúng ta sẽ không bị người khác làm tổn hại và sẽ dễ dàng tiến bộ trong sự thực hành của ta. Nhận thức được các lợi lạc này, chúng ta nên nỗ lực làm mạnh mẽ nỗi sợ đau khổ của ta và phát triển một đức tin và xác tín mãnh liệt vào năng lực của Tam Bảo có thể che chở ta thoát khỏi những nỗi khổ đó. Chúng ta phải cố gắng làm cho sự thực hành quy y của ta càng có nhiều năng lực càng tốt và cố gắng không bao giờ làm trái lại các giới luật ta đã thọ nhận. Như vậy, với sự tỉnh giác về cái chết và nỗi sợ hãi các cảnh giới thấp của sinh tử, chúng ta sẽ nhận ra rằng Tam Bảo có khả năng che chở chúng ta, và là suối nguồn nương tựa chân thực.

    Đức Phật là Đạo sư hiển lộ nơi nương tựa thực sự, và Tăng đoàn giống như những thiện hữu trên con đường đưa tới sự Giác ngộ. Nơi nương tựa thực sự là Pháp, vì nhờ sự nhận thức về Pháp, chúng ta sẽ trở nên tự do và được giải thoát khỏi đau khổ. Pháp gồm có sự chấm dứt đau khổ và con đường đi tới sự chấm dứt. Sự vắng mặt vô minh hay giải thoát khỏi các mê lầm được gọi là sự chấm dứt. Nếu chúng ta không áp dụng sự đối trị thích ứng với các khiếm khuyết hay mê lầm của ta, chúng sẽ tiếp tục phát sinh. Nhưng sau khi sử dụng sự đối trị, một khi vô minh đã hoàn toàn bị nhổ bật gốc thì nó sẽ không bao giờ phát sinh trở lại nữa. Một trạng thái như thế, giải thoát khỏi các mê lầm hay các ô nhiễm của tâm thức, được gọi là sự chấm dứt. Nói tóm lại, bất kỳ điều gì chúng ta muốn loại bỏ, như đau khổ và nguyên nhân của nó, đều có thể được tiệt trừ nhờ áp dụng các sức mạnh đối kháng. Sự chấm dứt cuối cùng, cũng được gọi là Niết bàn, là một trạng thái hoàn toàn giải thoát.

    Chư Phật, các đấng hoàn toàn giải thoát, thì không thể nghĩ bàn, Pháp, là giáo lý của các ngài, thì không thể nghĩ bàn, và Tăng cũng không thể nghĩ bàn. Vì thế, nếu bạn phát triển đức tin không thể nghĩ bàn, thì kết quả cũng sẽ không thể nghĩ bàn. Trong Kinh điển có nói rằng nếu có thể làm cho thấy được các lợi lạc của sự quy y Tam Bảo thì toàn bộ vũ trụ chứa đựng chúng sẽ trở nên quá nhỏ bé, giống như những đại dương không thể đo lường được trong tay bạn. Nhớ tới những lợi lạc vĩ đại này, bạn nên vui mừng vì có cơ hội được cúng dường và quy y Tam Bảo. Bạn sẽ có thể giảm thiểu các ảnh hưởng của những hành động tiêu cực đã phạm cùng với các che chướng do nghiệp lực. Tất cả chúng sẽ bị tiệt trừ, và bạn sẽ được kể đến như một người cao cả, điều ấy sẽ làm hài lòng Tam Bảo.



  10. #29
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    CHƯƠNG 7

    NGHIỆP

    Các kết quả của nghiệp rất rõ ràng: những hành động tiêu cực luôn luôn gây ra đau khổ, và những hành động tích cực luôn luôn mang lại hạnh phúc. Nếu bạn hành động tốt, bạn sẽ có hạnh phúc; nếu bạn hành động xấu, bản thân bạn sẽ đau khổ. Các hành động gây nghiệp của chúng ta đi theo ta từ đời này sang đời khác, điều này giải thích vì sao một số người thường xuyên mê đắm trong sự tiêu cực vẫn thành công trên bình diện thế gian hay những người gắn bó với sự thực hành tâm linh lại gặp phải vô số khó khăn. Các hành động nghiệp quả đã được chất chứa trong vô số đời, vì thế có vô lượng tiềm năng cho vô lượng kết quả. Nghiệp lực luôn luôn tăng trưởng trải qua thời gian. Các hột giống nhỏ bé có tiềm năng sản sinh số lượng trái cây khổng lồ. Cũng đúng như thế đối với nguyên nhân và kết quả nội tại, chỉ một hành động nhỏ có thể gây nên một kết quả to lớn, dù tích cực hay tiêu cực. Ví dụ, có một lần một cậu bé cúng dường Đức Phật một nắm cát, cậu tưởng tượng thật sống động rằng nắm cát chính là vàng. Trong một đời sau, cậu bé được tái sinh làm vua Asoka, vị Hoàng đế Phật tử. Từ một hành động tích cực nhỏ bé nhất có thể đưa tới kết quả to lớn nhất là hạnh phúc, cũng thế, hành động tiêu cực nhỏ bé nhất có thể gây ra sự đau khổ hết sức mãnh liệt. Tiềm năng của nghiệp tăng trưởng trong dòng tâm thức chúng ta thì lớn lao hơn nhiều so với tiềm năng của những nguyên nhân vật lý đơn thuần, như một hột giống táo. Giống như những giọt nước có thể làm đầy một bình lớn, cũng thế, những hành động nhỏ bé nhất, khi được gây phạm liên tục, có thể làm đầy tràn tâm thức chúng sinh.

    Trong cộng đồng nhân loại, chúng ta thấy có nhiều sự khác biệt. Một số người luôn luôn thành công trong cuộc sống, một số luôn thất bại, một số người hạnh phúc, một số có vóc dáng tốt đẹp và tâm hồn điềm tĩnh. Một ít người dường như luôn luôn gặp phải bất hạnh to lớn, trái ngược với sự mong chờ của ta. Một số người bạn nghĩ rằng sẽ không gặp bất hạnh. Tất cả những điều này chứng nhận sự thật là không có điều gì nằm trong tay ta hết. Đôi lúc, khi ta cố gắng khởi đầu một nỗ lực, chúng ta tích tập tất cả những điều kiện cần thiết được yêu cầu cho sự thành công, nhưng vẫn còn điều gì đó bị bỏ quên. Chúng ta nói rằng người nào gặp may mắn và ai đó kém may mắn, nhưng chỉ lý do này thì không đủ; sự may mắn có một lý do, một nguyên nhân. Theo sự giải thích của Phật giáo, nó là kết quả của những hành động bạn đã tạo tác trong đời trước hoặc trong giai đoạn trước đây ở đời này. Khi tiềm năng đã chín mùi, thì mặc dù bạn đang đương đầu với những tình huống bất lợi, tuy nhiên sự nỗ lực tỏ ra có kết quả. Nhưng trong một vài trường hợp, cho dù bạn có đầy đủ mọi điều kiện cần thiết, nhưng bạn lại thất bại.

    Dân Tây Tạng chúng tôi đã trở thành những người tị nạn và chịu đựng rất nhiều đau khổ, nhưng tuy thế chúng tôi may mắn và thành công một cách tương đối. Ở Tây Tạng, người Trung Hoa cố gắng làm cho toàn thể dân chúng trở nên bình đẳng bằng cách lập ra các công xã và hạn chế tài sản cá nhân. Nhưng tuy thế, trong các công xã, một số trang viên có rau trái phát triển xum xuê hơn các trang viên khác, và một số bò cho nhiều sữa hơn. Điều này cho thấy là có một khác biệt to lớn giữa những phước đức của các cá nhân. Nếu những thiện hạnh của người nào đó chín mùi, cho dù nhà cầm quyền sung công tài sản của họ, thì người ấy vẫn sẽ tỏ ra thành công nhờ sức mạnh phước đức của họ, do sức mạnh của nghiệp báo đó. Nếu bạn tích tập các thiện hạnh một cách đúng đắn, như tránh sát sinh, phóng sinh các thú vật, và nuôi dưỡng sự nhẫn nại đối với người khác, thì bạn sẽ nhận được lợi lạc trong tương lai và trong những đời sau, trong khi nếu bạn mê say liên tục trong những hành động tiêu cực thì chắc chắn là bạn sẽ phải đối mặt với những hậu quả sau này. Nếu bạn không tin tưởng nguyên lý nghiệp báo thì bạn có thể làm những gì bạn thích.



  11. #30
    Avatar của lamebay
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    239
    Thanks
    224
    Thanked 297 Times in 98 Posts


    Một khi bạn tạo tác một hành động, đó là nguyên nhân cho một phản ứng, nguyên nhân này còn tồn tại và tăng trưởng cho tới khi hậu quả của nó được chứng nghiệm. Nếu bạn không tạo tác một hành động bạn sẽ không bao giờ gặp phải các hậu quả; còn một khi bạn đã tạo tác hành động, thì trừ phi bạn tịnh hóa nó nhờ các thực hành đúng đắn, hay nếu nó là một thiện hạnh, trừ phi nó bị phá hủy bởi sự sân hận hay các yếu tố đối nghịch, kết quả của hành động sẽ được kinh nghiệm. Một hành động, ngay cả nó đã được thực hiện từ nhiều đời trước, sẽ không bao giờ mất đi kết quả của nó chỉ vì yếu tố thời gian.

    Các hành động tích cực và tiêu cực được quyết định bởi động lực riêng của con người. Nếu động lực tốt đẹp, mọi hành động trở nên tích cực, nếu động lực sai lạc, mọi hành động trở nên tiêu cực. Các hành động thuộc nghiệp lực có nhiều loại khác nhau; một số hoàn toàn tốt, một số hoàn toàn không tốt, một số thì pha trộn. Nếu động lực đúng đắn thì mặc dù bản thân hành động có thể xuất hiện hết sức dữ dội, nó sẽ đem lại hạnh phúc, trong khi nếu động lực sai lạc và không chân thật, thì mặc dù hành động dường như lợi lạc và tích cực, trong thực tế nó sẽ là một hành động tiêu cực. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào tâm thức: nếu tâm bạn được điều phục và tu tập, mọi hành động trở nên tích cực, trong khi nếu tâm bạn không được điều phục và bị ảnh hưởng thường xuyên bởi sự tham muốn và sân hận, thì mặc dù các hành động có thể xuất hiện là tích cực, trong thực tế bạn sẽ tích tập nghiệp tiêu cực. Nếu càng có nhiều người biết tin tưởng vào định luật nhân quả nghiệp báo thì chúng ta sẽ có thể không bao giờ phải cần tới một lực lượng cảnh sát hay một hệ thống hình phạt. Nhưng nếu người ta thiếu lòng tin thâm sâu vào các hành động tạo nghiệp này, thì mặc dù ở bề ngoài người ta có thể sử dụng đủ mọi loại kỹ thuật để thi hành luật lệ, họ sẽ không thể tạo nên một xã hội thanh bình. Trong thế giới tân tiến này, dụng cụ tinh vi được sử dụng để giám sát và phát hiện những kẻ phạm pháp. Nhưng các máy móc này càng hay ho và tinh xảo thì các phạm nhân càng trở nên tinh vi và kiên quyết. Nếu xã hội con người này phải chuyển hóa tốt đẹp hơn, thì việc chỉ củng cố một pháp luật bên ngoài sẽ là không đủ; chúng ta cần một thứ ngăn chặn từ bên trong.

    Một lối sống văn minh, thanh bình và một giá trị đạo đức tâm linh nền tảng cần phải đi song hành. Trước năm 1959, các vị vua Tây Tạng làm ra các luật lệ cho xứ sở đặt căn bản trên quan niệm đạo đức Phật giáo. Mọi người khắp thế giới đều nói rằng dân chúng Tây Tạng hòa nhã và nhân từ hiếm có. Tôi không thấy bất kỳ lý do nào khác để giải thích đặc điểm độc nhất vô nhị này của nền văn hóa chúng tôi hơn là sự kiện nó đã từng được đặt nền trên giáo lý bất bạo động Phật giáo trong rất nhiều thế kỷ.

    Có ba cánh cửa qua đó chúng ta tạo tác các hành động: thân, ngữ và tâm. Qua những cánh cửa này, chúng ta có thể tạo ra hoặc mười hành vi tích cực hoặc mười ác hạnh. Trong các ác hạnh, có ba thuộc về thân, bốn thuộc về ngữ, và ba thuộc về tâm. Ác hạnh về thân đầu tiên là lấy đi mạng sống của người khác. Để việc sát sinh xảy ra, phải có chúng sinh khác; tự lấy đi mạng sống của mình không được xem như cùng cách thế bởi vì không có ai khác bị quan hệ. Nếu bạn có động lực ban đầu định giết một người nào đó, nhưng lúc thực sự xảy ra việc giết người, bạn ngẫu nhiên giết một người nào khác do sự lầm lẫn, thì việc này không tạo thành một ác hạnh sát nhân hoàn toàn. Trái lại, khi động lực của bạn ban đầu là giết bất cứ người nào bạn gặp, thì nếu bạn giết bất kỳ ai, điều đó tạo thành sự tích tập của ác hạnh sát nhân trọn vẹn.

    Sự sát sinh có thể được thúc đẩy bởi bất cứ loại nào trong ba độc: tham, sân, hay si. Ví dụ, chúng ta có thể giết thú vật vì tham ăn thịt, ta có thể giết kẻ thù vì sân hận, và có thể cử hành các việc giết thú vật để cúng thần do sự si mê. Việc tự bạn làm hành động đó hay để người khác làm thì không quan trọng; cả hai tạo nên hành động sát sinh tiêu cực như nhau. Hành động sát sinh sẽ trọn vẹn khi người bị giết phải chết trước người giết.

    Hành động tiêu cực thứ hai là sự trộm cắp. Sự trộm cắp có thể được thúc đẩy bởi lòng tham muốn, hay bạn có thể trộm cắp vì sân hận người nào đó, để làm hại họ. Việc trộm cắp cũng có thể được thúc đẩy bởi sự vô minh vì một tin tưởng sai lầm là bạn có thể lấy bất kỳ cái gì bạn muốn. Ý định là tách lìa vật sở hữu với chủ nhân của nó. Việc trộm cắp có thể được thực hiện bởi sức mạnh hay bằng cách lén lút, hoặc bạn có thể mượn cái gì đó và để cho chủ nhân của nó quên đi rồi bản thân bạn giữ lấy nó, hay bạn mượn tiền và không trả lại. Hành vi sẽ hoàn toàn khi bạn nghĩ rằng bây giờ đồ vật thuộc về bạn. Dù cho bạn không tự trực tiếp làm điều đó, nếu bạn để người khác trộm cắp cho bạn, nó vẫn tạo thành việc trộm cắp.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •