DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/9 ĐầuĐầu 1234 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 89
  1. #11
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    Nếu mười điều kiện này hiện diện thì ta có mười tài sản vĩ đại, mười sự giàu có vĩ đại.

    Chúng ta đã có thân người quý báu. Giờ đây hãy suy nghĩ cẩn trọng và xem ta có đủ mười tài sản vĩ đại này hay không. Nếu ta không có, hãy cố gắng tạo ra các điều kiện này. Nếu ta có các điều kiện này thì ta nên sung sướng, hoan hỉ và hiểu rằng, khi đã có những điều kiện tốt lành này để thực hành, khi đã có cơ hội độc nhất vô nhị này để chấm dứt mọi nỗi khổ và mê lầm của thế gian và bằng cách đó giúp đỡ mọi sinh loài, ta nên làm việc cật lực để đạt được mục đích đó.

    Ta được biết rằng việc có được một thân người quý giá thì vô cùng khó khăn. Đức Phật đã đưa ra ví dụ này để minh họa sự hi hữu của nó: Giả sử có một con rùa mù sống hàng ngàn năm dưới đáy biển và trong một trăm năm nó chỉ trồi lên mặt nước một lần. Có một cái ách bằng gỗ bị sóng biển đánh dập dềnh trên mặt biển này và không dừng lại ở nơi nào quá một giây. Liệu có cơ may nào để khi con rùa trồi lên mặt nước, nó chui được đầu vào cái lỗ trên cái ách? Thật vô cùng khó khăn, hầu như đó là điều không thể xảy ra, nhưng Đức Phật đã nói rằng điều này có thể so sánh với cơ may mà ta có để đạt được một hiện hữu làm người quý báu.

    Đặc quyền to lớn của việc tụ hội mọi điều kiện đúng đắn để thực hành Pháp là kết quả trực tiếp của việc tích tập công đức bằng các thiện hạnh. Không phải nhờ may mắn mà ta có thân người quý báu này mà là bởi những nỗ lực to lớn, công việc lâu dài, khó nhọc của ta trong việc tích tập công đức trong quá khứ. Vì thế, ta không nên lãng phí cơ hội vô cùng quý báu này. Nếu bây giờ ta phí phạm nó, trong hàng trăm năm nữa, có thể ta sẽ không có một thân người khác.

    Những người có các điều kiện đúng đắn này được chia thành ba loại. Dĩ nhiên, theo Phật giáo, có hàng trăm và hàng ngàn loại người khác nhau, và mỗi loại người có một cách tiếp cận khác nhau, đi theo một con đường khác nhau, và cần có một phương pháp khác nhau. Đức Atisha và những vị Thầy vĩ đại khác đã phân loại những loại người khác nhau này thành ba phạm trù tùy thuộc vào mục đích, hoàn cảnh, nền giáo dục của họ, hay cách thức họ nhìn cuộc đời.

    Những người mà mục đích chính trong đời là có được một tiêu chuẩn sống tốt hơn, có thêm sự tiện nghi và hạnh phúc thế tục, được coi là loại thứ nhất, mức độ thấp nhất mà ta gọi là “nhân cách nhỏ bé.” Họ có sự hiểu biết như sau: “Nếu tôi làm việc tốt, tôi sẽ được thưởng. Vì thế, để có một cuộc đời tốt đẹp, tiện nghi, may mắn và giàu có không chỉ đời này mà cả những đời sau, tôi phải luôn luôn cố gắng hành xử tốt đẹp và tích tập các thiện hạnh.” Những người này làm những điều đúng đắn, nhưng động lực của họ bị giới hạn trong tham vọng thế gian.

    Loại người thứ hai, hay những người ở mức độ trung bình, có một mục đích cao hơn một chút. Họ nhận ra rằng dù họ ở đâu, dù họ làm gì, họ vẫn ở trong sinh tử, và dù hoàn cảnh hiện tại của họ có tốt lành hay tiện nghi, nó chẳng bao giờ mang lại cho họ sự mãn nguyện. Vì thế, họ đi xa hơn một chút và cố gắng thoát khỏi sinh tử và cắt đứt gốc rễ của mọi hạnh phúc – nhưng chỉ vì lợi ích của riêng mình.

    Loại thứ ba, loại người cao nhất hay vĩ đại nhất, không chỉ ước muốn thoát khỏi vòng sinh tử gồm những vấn đề và lầm lạc của riêng mình mà còn muốn giúp đỡ tất cả chúng sinh cùng thoát khỏi sinh tử. Những ý hướng, mục đích của họ lớn lao và vô hạn đến nỗi họ được gọi là những bậc vĩ đại.

    Gampopa thúc đẩy ta cố gắng trở thành loại người cuối cùng. Ta đừng nên chỉ vui hưởng những tiện nghi hiện tại của thế gian. Ta đừng chỉ nhắm vào việc kéo bản thân ta ra khỏi sinh tử, mà ta cũng nên cố gắng để đưa tất cả những sinh loài khác cùng giải thoát khỏi mọi đau khổ.

    Ba loại người này được phân loại theo tính cách rộng lớn của ý hướng và mục đích của họ. Điều này có nghĩa là những người ở cấp độ thứ ba, những nhân cách vĩ đại nhất với mục đích cao cả nhất, thì đến gần nhất trong việc trở thành những bậc giác ngộ. Những người có mục đích nhỏ bé nhất là những người ở xa nhất.



  2. #12
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    Ba phạm trù này không phải là cái gì ù lì bất động mà rất uyển chuyển và có thể thay đổi. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng thoạt đầu hầu hết mọi người đến với Giáo Pháp để cố tìm sự lợi lạc trong việc có được chút ít tĩnh lặng hay an bình trong đời họ. Họ ước muốn thoát khỏi sự thất vọng, buồn sầu, và những cảm xúc rối loạn. Đối với những người này, Giáo pháp không mang lại một lời giải đáp. Mục đích của Giáo Pháp không chỉ bị giới hạn vào điều đó, mà khi bạn theo đuổi con đường Pháp với sự tiếp cận căn bản này, dần dần bạn sẽ được đưa tới mục đích cao cả hơn của nó. Nếu bạn đang tìm kiếm an bình và hạnh phúc trong đời này, bạn sẽ đến chỗ nhận ra rằng điều đó không thể được thành tựu một cách toàn vẹn hay viên mãn mà không có một sự hiểu biết sâu xa hơn về chính cuộc đời và một cách xử sự sâu xa hơn với những cảm xúc. Khi tiến triển trên con đường này, càng lúc càng khám phá về cách thế chân thực của cuộc đời, hay chân tánh của các sự vật, ta sẽ đi xa hơn nữa, các mục đích và mục tiêu của ta dần dần thay đổi – và tình trạng của ta cũng thay đổi với chúng – và như thế ta sẽ tìm ra Giáo Pháp chân thực.

    Chúng ta đã thảo luận về hai điều kiện của thân thể, và bây giờ ta đến ba điều kiện tích cực của tâm. Đây là ba loại kính ngưỡng, hay ba loại niềm tin.

    Thứ nhất là niềm tin của sự nhận thức sâu sắc hay hứng khởi. Nó phát khởi trong tâm người cảm kích khi họ thấy hay nghe điều gì vô cùng thiêng liêng hay vô cùng thuần tịnh. Khi đó người ấy cảm nhận một loại hứng khởi hay nhận thức sâu xa. Tuy nhiên, loại phản ứng này vẫn còn cạn cợt.

    Thứ hai là niềm tin của sự khao khát, niềm tin của mong muốn, có nghĩa là khi nhìn thấy điều gì hết sức tốt lành, điều gì đầy cảm hứng, một bậc có trí tuệ và lòng bi mẫn vĩ đại chẳng hạn như một vị Phật, một ước muốn mãnh liệt phát khởi: “Tôi cũng sẽ trở thành như thế.” Loại mong muốn này được gọi là niềm tin khao khát.

    Loại thứ ba và là niềm tin mạnh mẽ nhất là sự hoàn toàn tin cậy. Nó không phải là niềm tin mù quáng mà là sự hoàn toàn xác tín phát sinh từ sự hiểu biết. Sự hoàn toàn hiểu biết sinh ra sự hoàn toàn tin cậy.

    Về sau những niềm tin này sẽ được mô tả chi tiết hơn, vì thế không cần mất thêm thời gian cho chủ đề này. Điều quan trọng là lưu ý rằng trong Phật giáo, khi ta nói về niềm tin thì chủ yếu là ta đang nói về sự hiểu biết. Niềm tin mù quáng hoàn toàn không được khuyến khích, mặc dù một số người bắt đầu với niềm tin mù quáng, hay chỉ với một cảm xúc hứng khởi. Khi ta trở nên quan tâm hơn, ta nên nghiên cứu Giáo Pháp, đi sâu vào nó hơn nữa, và có sự hiểu biết hơn. Theo cách đó, ta có thể tiến bộ từ niềm tin của nhận thức sâu xa tới niềm tin của sự tin cậy. Có một cái gì đó phát triển. Ta không có niềm tin toàn hảo trừ phi có được niềm tin của sự tin cậy này. Niềm tin của sự tin cậy được mô tả như một nền tảng, yếu tố quan trọng nhất, bởi không có nó ta sống trong sự hoài nghi và không thực sự hiểu rõ ta đang làm gì.



    Nếu ta có ba niềm tin này và những điều kiện đúng đắn của sự hiện hữu làm người, thì ta có nền tảng thích hợp nhất cho việc thực hành Pháp.




  3. #13
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    3. ĐIỀU KIỆN


    Thiện tri thức



    Yếu tố thứ ba, điều kiện1 để đạt được giác ngộ, là gặp được một thiện tri thức chân chính.2 Đây là một người có khả năng và sự sốt sắng để dẫn dắt ta theo hướng đúng đắn và ta có niềm tin và sự xác tín để đi theo người đó.

    Điều trói buộc chúng ta vào sinh tử là tập quán sâu xa luôn luôn đi theo đường hướng hay những kế hoạch sai lầm. Để giúp đỡ chúng ta, bảo vệ ta, và khuyến khích ta hoàn toàn từ bỏ tập quán này và để dẫn dắt ta theo đường hướng đúng đắn, ta cần có một người mạnh mẽ, một thiện tri thức mà ta có thể nương tựa. Không có sự trợ giúp nghiêm chỉnh, có lẽ một người nghiện ma túy hay nghiện rượu chẳng bao giờ khắc phục được thói nghiện ngập của họ. Tương tự như vậy, không có một người dẫn dắt từng trải mà ta có thể hoàn toàn tin cậy, ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thoát khỏi những khuôn mẫu sinh tử mà ta đã quá quen thuộc.

    Chương này được chia làm năm phần. Phần thứ nhất phác họa ba lý do cần thiết phải có một thiện tri thức. Phần hai liệt kê bốn loại thiện tri thức. Phần ba mô tả những tính chất cốt yếu của thiện tri thức. Phần thứ tư cho ta lời khuyên về cách thiết lập mối liên hệ với một thiện tri thức và định rõ những vấn đề cần đặt ra. Phần thứ năm mô tả những lợi lạc mà một thiện tri thức mang lại.



    VÌ SAO TA CẦN CÓ MỘT THIỆN TRI THỨC



    Gampopa minh chứng sự cần thiết của một thiện tri thức bằng cách đưa ra ba điểm. Thứ nhất là căn cứ vào những lời Phật dạy mà ngài trích dẫn nhiều lần. “Những đệ tử tốt lành hiến mình cho các vị Thầy nên luôn luôn được dẫn đắt bởi các bậc Thầy minh triết và thiện xảo. Tại sao thế? Bởi đó là cách mà những phẩm tính thiện xảo và trí tuệ của các vị Thầy đó sẽ xuất hiện.”3 Và thêm nữa: “Như thế đại Bồ Tát ước muốn thức giác – một cách chân thật và hoàn toàn - sự giác ngộ vô song, hoàn toàn thanh tịnh, và viên mãn, ngay từ lúc đầu nên tìm kiếm, nối kết và phụng sự các vị Thầy tuyệt hảo.”4

    Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại rằng điểm khởi đầu của con đường đúng đắn là việc gặp được một thiện tri thức tốt lành. Quả thực, một trong Tam Bảo5 là Tăng đoàn,6 trong đó các thiện tri thức là một thành phần không thể thiếu. Các ngài là những người giúp đỡ ta, khuyến khích ta, và là mẫu mực để ta noi theo. Quy y Tam Bảo thực sự có nghĩa là ta tìm ra một mẫu mực tuyệt vời để noi theo và sau đó cố gắng tạo ra một môi trường trong đó chúng ta có thể được tác động bởi khuôn mẫu này.

    Tuy nhiên, nếu ta không tin tưởng thật nhiều ở những lời Đức Phật dạy, một luận cứ khác được đưa ra. Vấn đề thứ hai này được đặt nền một cách hợp lý: nếu ta chân thành mong muốn chấm dứt đau khổ, sống một cách đúng đắn, và thân chứng sự giác ngộ, thì ta không thể đạt được những mục đích này mà không có sự giúp đỡ của một vị dẫn dắt tâm linh thích đáng. Để tìm ra con đường đúng đắn, trước hết ta phải tìm ra người đã từng đi trên con đường đó. Không có một người dẫn đường thích hợp, làm sao ta có thể tìm ra con đường dẫn tới giác ngộ?

    Thực ra luận cứ thứ ba là một minh họa cho sự hữu ích của một người dẫn dắt tâm linh. Gampopa cho chúng ta vài ví dụ. Chẳng hạn như, nếu ta băng qua sa mạc mà không có người dẫn đường, ta sẽ đi lòng vòng, lạc hướng trong biển cát mênh mông. Tương tự như thế, không có một thuyền trưởng để vượt biển, ta sẽ chẳng bao giờ đi tới bờ bên kia. Ta rất cần một người dẫn dắt tâm linh để vượt qua đại dương sinh tử và đi tới bến bờ giác ngộ.

    Một con đường tâm linh không chỉ là một sự theo đuổi tri thức. Nó liên quan tới việc chuyển hóa cách thức ta kinh nghiệm và tác động đến thế giới. Ta cần học tập theo cách một nhạc sĩ học sử dụng một nhạc khí. Ta cần có một vị Thầy chứng nghiệm có thể chỉ cho ta cách làm điều đó và có thể giúp đỡ ta trong tiến trình học tập.




  4. #14
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    NHỮNG LOẠI THIỆN TRI THỨC KHÁC NHAU




    Gampopa phân biệt bốn loại thiện tri thức. Loại thứ nhất bao gồm các thiện tri thức là những con người bình thường, loại thứ hai là các Bồ Tát đã đạt tới một mức độ phát triển tâm linh cao cấp, loại thứ ba là những hiện thân của chư Phật trong hình thức nirmanakaya7 (Hóa Thân), và loại thứ tư là những hiện thân của chư Phật trong hình thức sambhogakaya (Báo Thân).

    Mặc dù các đại Bồ Tát là những vị Thầy lý tưởng, những người bình thường như chúng ta không dễ dàng nhận ra một Bồ Tát thuộc ba loại sau, lại càng không thể tiếp xúc với một vị như thế. Loại Đạo sư mà những người bình thường như chúng ta có thể tiếp cận là loại thứ nhất, những Đạo sư không hoàn toàn giác ngộ nhưng là những người tuyệt vời trên con đường. Các ngài hầu như giống chúng ta nhưng đã có một sự tu tập nào đó, một mức độ nào đó trong việc thực hành tâm linh. Loại thiện tri thức này thích hợp cho đệ tử ở cấp độ thứ nhất.

    Loại tập hội thứ ba hợp thành những hiện thân của Phật. Theo các Kinh điển Phật giáo Đại thừa, bản thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng được coi là một hiện thân Phật. Ta gọi ngài là một hình thức hoàn hảo của Hóa Thân. Ta có thể phân biệt những hình thức khác nhau của Hóa Thân hay những hiện thân Phật khác nhau. Ba loại hóa thân thường được đề cập là: Hóa Thân Siêu việt, giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; các hiện thân bằng cách sinh ra như một con người hay thú vật; và những hiển lộ “sáng tạo”, hữu tri hay vô tri (chẳng hạn như một cây cầu, một chiếc tàu, hay thuốc men). Điều này có thể xảy ra bởi một vị Phật có thể xuất hiện trong mọi hình thức ích lợi và có thể làm lợi ích chúng sinh bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu cần đến sự giúp đỡ này.

    Loại cuối cùng là các tập hội chư Phật thực sự, là những đấng đã chứng ngộ sự toàn giác.

    Bởi ba loại Đạo sư sau cùng nằm ngoài sự hiểu biết của ta, ta sẽ tập trung vào loại thứ nhất, cấp độ của thiện tri thức thông thường.



    NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA CÁC THIỆN TRI THỨC THÔNG THƯỜNG



    Điều tối quan trọng là chọn một thiện tri thức xứng đáng. Đây là lý do vì sao những phẩm tính của một vị Thầy chân chính được mô tả thật rõ ràng.

    Các bản văn thường đề cập đến tám, bốn hay hai phẩm tính được coi là cốt yếu. Theo một quyển Kinh tên là Các Địa của Bồ Tát,8 các vị Thầy hay những người dẫn dắt tâm linh nên có tám phẩm tính đặc biệt:



    1. Trước hết họ phải hoàn toàn tuân thủ các giới luật và giới nguyện của một Bồ Tát.
    2. Họ phải nghiên cứu thật sâu xa các giáo lý của con đường Bồ Tát.
    3. Sự hiểu biết của họ phải sâu sắc và không chỉ là tri thức; họ phải thực sự chứng nghiệm giáo lý.
    4. Họ phải cảm nhận lòng bi mẫn chân thành đối với tất cả chúng sinh.
    5. Họ phải vô úy và biểu lộ rất nhiều sự can đảm, không chỉ trong những hành động mà cả khi giảng dạy cho người khác.
    6. Họ phải khoan dung và kiên nhẫn với đệ tử và sự thực hành của đệ tử.
    7. Họ phải kiên trì và không để cho bản thân mình bị đánh bại bởi sự mất can đảm hay thất vọng.
    8. Cuối cùng, họ phải có khả năng truyền đạt cho đệ tử một cách hiệu quả.


    Ở đây có một câu chuyện nhỏ minh họa vì sao một thiện tri thức phải có khả năng truyền đạt đúng đắn cho đệ tử. Một tu viện ở Gangtok có nhiều tu sĩ, phần lớn là người Bhutan. Tu viện trưởng đã mời một khenpo (đại học giả), là người quê ở tỉnh Kham, Tây Tạng, đến để giảng dạy các tu sĩ. Ngài đã dạy mỗi buổi sáng và tối trong hai năm. Chỉ đến cuối năm thứ hai ngài mới nhận ra rằng các đệ tử của ngài nói một thứ tiếng địa phương khác biệt và hoàn toàn không hiểu bài giảng của ngài. Thất vọng sâu xa, ngài bỏ rơi mọi sự và trở về Tây Tạng. Ngài là một vị Thầy tuyệt hảo, nhưng bởi ngài không thể giao tiếp với đệ tử nên không thể giúp đỡ họ.

    Trong những bản văn khác, chẳng hạn như Đại Thừa Trang nghiêm Kinh, có bốn phẩm tính được mô tả. Trước hết, vị Thầy phải rất uyên bác và có kiến thức rộng rãi. Kế đó ngài phải có một trí tuệ phân tích sâu xa, nó giúp ngài chế ngự những hoài nghi của các đệ tử. Công hạnh của ngài phải hoàn toàn tốt lành và trung thực, khiến ngài thực sự đáng được nhận sự tôn kính và tin tưởng của mọi người. Cuối cùng, ngài phải có thể chỉ ra các vấn đề, những cảm xúc rối loạn, những phương diện tiêu cực của cuộc đời, và phương pháp để ngăn ngừa chúng. Vị Thầy có đầy đủ những phẩm tính này là một thiện tri thức chân chính.

    Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, Shantideva chỉ đề cập tới hai phẩm tính. Trước tiên, vị Thầy phải thấu suốt các giáo lý liên quan tới các thực hành của chư vị Bồ Tát. Thứ hai, bản thân ngài phải thực hành những giáo lý đó và phải sẵn sàng từ bỏ cuộc đời mình hơn là từ bỏ việc thực hành.




  5. #15
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    MỐI LIÊN HỆ ĐẠO SƯ VÀ ĐỆ TỬ




    Một khi ta đã tìm ra một người dẫn dắt có đầy đủ hay hầu hết những phẩm tính được đề cập ở trên, ta nên cư xử theo ba cách.

    Trước hết, ta nên biểu lộ lòng tôn kính đối với vị Thầy đó và cố gắng hữu ích đối với ngài, là điều mà ta có thể làm trong ba cách. Trước hết là dâng cúng ngài những tiện nghi vật chất, sự hiếu khách, thực phẩm, những món cúng dường v.v.. Thứ hai là dâng cúng sự tôn kính và phục vụ. Thứ ba là cúng dường sự thực hành của ta. Trong ba cách này, cách cuối cùng có giá trị nhất. Phần thưởng tốt nhất mà một Đạo sư có thể có đối với những nỗ lực của ngài là khiến các đệ tử hứng khởi trong việc thực hành và như thế mang lại lợi lạc cho họ.

    Thứ hai, để có thể thực hành một cách đúng đắn, một đệ tử phải chăm chú lắng nghe giáo huấn của vị Thầy và không bao giờ sợ hãi khi đặt những câu hỏi. Điều tối quan trọng là phải tiệt trừ những hoài nghi, làm rõ ràng tất cả những gì có vẻ tối tăm để thực hành với một tâm thức sáng suốt. Ta không nên hài lòng với một hiểu biết mơ hồ hay chỉ giữ lại những gì thích hợp với ta. Thay vào đó ta nên cố gắng đào sâu sự hiểu biết của ta về các giáo lý cho tới khi không còn sót lại chút hoài nghi hay không xác quyết nào. Ta không nên chỉ lắng nghe những gì ta thích, hiểu biết hay quen thuộc. Điều này có nghĩa là ta phải thường xuyên chú tâm, với một tâm thức hoàn toàn rộng mở. Chỉ với một thái độ như thế ta mới nhận được mọi điều vị Thầy hiến tặng. Vấn đề là tất cả chúng ta đều có những định kiến. Ngay khi ta nghe điều gì hợp với những suy nghĩ của ta, ta nghĩ: “Đó là một ý tưởng hay! Thật vô cùng thú vị.” Khi ta nghe điều gì trái nghịch với suy nghĩ, quan niệm, và niềm tin của ta, ta bóp méo những gì ta nghe thấy cho tới khi nó hòa hợp với điều ta nghĩ và có thể gật gù: “Đó, nên hiểu nó theo cách đó!” hay ta vứt bỏ tất cả chúng, cho điều đó là hoàn toàn không thể hiểu nổi. Đây không phải là cách tiếp cận đúng đắn của một đệ tử chân thành học tập. Một đệ tử nghiêm túc phải hoàn toàn mở rộng tâm mình và nỗ lực hiểu biết các giáo lý như chúng là mà không bóp méo chúng.

    Điều này không nói rằng ta không nên sử dụng sự thông tuệ của ta – chúng ta nên dùng nó. Nhưng trước hết, ta nên lắng nghe và cố gắng hiểu rõ những gì được nói ra.

    Ta nên lưu ý rằng một thực hành có kết quả là món quà tuyệt hảo mà ta có thể hiến tặng thiện tri thức của ta bởi càng thực hành, ta càng thực hành tốt hơn, ta càng chứng thực những khả năng giảng dạy của ngài. Truyền thống Tây Tạng hết sức coi trọng dòng truyền dạy, qua đó một giáo lý đặc biệt được truyền từ Đạo sư tới đệ tử từ một thế hệ tới thế hệ kế tiếp. Người mà ta gọi là vị hộ trì dòng truyền thừa là người đào tạo những đệ tử tuyệt hảo. Một Đạo sư chứng ngộ hết sức thành tựu không nhất thiết là vị hộ trì dòng truyền thừa;9 chính vị Thầy tuyệt hảo sẽ là vị hộ trì dòng truyền thừa.

    Chúng ta thường được hỏi là liệu có thể biết được vị Thầy nào sẽ thích hợp với một đệ tử đặc biệt không và vị Thầy có biết điều đó hay không. Tất cả những điều đó tùy thuộc vào phẩm tính và mức độ của vị Thầy. Tuyệt vời nhất là những vị Thầy có thể hiểu được những gì xảy ra trong tâm của đệ tử, nhưng những vị Thầy như thế rất hiếm có. Một vài người có một mối liên hệ nghiệp với một vị Thầy mạnh mẽ đến nỗi chỉ nghe đến danh hiêu của ngài là họ đã tràn ngập lòng kính ngưỡng. Chẳng hạn như trường hợp của Milarepa khi ngài nghe danh hiệu của Marpa, và trường hợp của Gampopa khi nghe đến tên của Milarepa. Nếu ta cảm thấy lòng kính ngưỡng, niềm tin, và tình cảm đặc biệt đối với một vị Thầy, thì có lẽ ta có một nối kết về nghiệp nào đó với vị Thầy ấy và ta có thể thỉnh cầu ngài trở thành Lạt ma (Đạo sư) của ta. Tuy nhiên, theo cách thế thông thuờng, phù hợp với Kinh điển Phật giáo, điều đầu tiên phải làm là chứng thực xem vị Thầy có chân chính hay không bằng cách tham khảo những phẩm tính được đề cập ở trên.

    Rõ ràng là việc tìm ra một Đạo sư toàn hảo thì thật hi hữu và khó khăn, nhưng nếu ta tìm được một vị Thầy có hầu hết những phẩm tính này, ta có thể khẩn cầu một cách dứt khoát xin ngài là người dẫn dắt cho ta. Nếu vị Thầy có rất ít những phẩm tính này, có lẽ ta nên rời xa người này thì sáng suốt hơn. Dù thế nào đi nữa, điều cần phải nhớ là cho dù sự hiểu biết và phẩm hạnh của vị Thầy đã chọn lựa có to lớn tới đâu chăng nữa, cuối cùng thì đệ tử phải học tập và thực hành. Việc nghiên cứu và thực hành của ta là những yếu tố quan trọng nhất.




  6. #16
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    THỌ NHẬN GIÁO LÝ MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN




    Gampopa so sánh thái độ đúng đắn của một đệ tử chân thành với thái độ của một người bệnh băn khoăn làm thế nào càng chóng khỏi bệnh thì càng tốt. Thiện tri thức, vị Thầy, là bác sĩ và giáo lý là sự điều trị. Sự hiểu biết và thực hành Pháp thì giống như việc ta theo đuổi một khóa điều trị và dùng thuốc.

    Trong Kim cương thừa, ta thường nghe nói rằng các đệ tử phải có niềm tin tuyệt đối, vô tận nơi Đạo sư của họ. Một số người nhận thấy khẳng định này khiến họ phải suy nghĩ. Cần phải hiểu điều này một cách đúng đắn. Đúng là càng có cái nhìn thuần tịnh về Đạo sư của ta thì ta càng trở thành một đệ tử tốt hơn. Người ta nói rằng nếu ta nhìn Đạo sư của ta như một vị Phật, ta sẽ thành một vị Phật. Nếu ta coi ngài như một bậc vô cùng xuất chúng, một đại học giả hay một vị thánh vĩ đại, ta cũng sẽ trở thành một đại học giả hay đại thánh; trong khi nếu ta thấy ngài không khác gì bản thân ta, ta vẫn sẽ là ta như hiện tại. Chính vì lý do này mà việc chọn lựa một vị Thầy của ta được coi là điều vô cùng quan trọng. Nếu việc khảo sát, phán đoán của ta sai lầm, ta sẽ thất bại. Việc tìm ra thiện tri thức đúng đắn là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Khi tìm ra ngài, ta đã thực hiện được nửa cuộc hành trình.

    Nếu việc chọn một Đạo sư tốt lành là điều vô cùng quan trọng thì việc không mất quá nhiều thời gian trước khi đưa ra một quyết định cũng quan trọng không kém, như câu chuyện sau đây minh họa. Thời xa xưa, một hoàng đế Trung Hoa thỉnh mời Đức Sakya Pandita, một đại Lạt ma Tây Tạng, tới triều đình. Khi Sakya Pandita đến, hoàng đế tuyên bố rằng ông phải khảo sát xem vị Thầy có xứng đáng làm Đạo sư của ông hay không. Nhà vua khảo sát ngài trong ba năm và cuối cùng tuyên bố rằng ông chấp nhận ngài làm Đạo sư của mình. Sakya Pandita trả lời rằng đến lượt ngài, ngài phải quyết định xem ngài có thể nhận hoàng đế làm đệ tử hay không. Ngài mất trước khi đưa ra câu trả lời.

    Bạn chỉ nên nhận người nào đó là guru của bạn khi bạn hoàn toàn tin rằng người ấy là guru tốt lành đối với bạn. Nếu bạn đã chọn được một người đúng đắn, vị Thầy tâm linh của bạn sẽ không đòi hỏi bạn làm điều gì đáng để bị chê trách như sát sinh hay trộm cắp. Nếu bạn được ban cho một giáo huấn mà bạn không hiểu hay bạn cảm thấy không đúng, Kinh điển nói thật rõ ràng là bạn có thể từ chối và nói với Đạo sư của bạn rằng bạn không thể làm điều ngài yêu cầu. Bạn không bị bắt buộc phải tuân theo một cách mù quáng tất cả những gì Đạo sư của bạn bảo bạn làm. Khi đó bạn có thể nói với ngài rằng bạn không sẵn sàng làm điều ngài yêu cầu. Nếu Đạo sư của bạn không chấp nhận điều đó, rõ ràng ngài không phải là vị Thầy thích hợp với bạn.

    Trong việc đi theo con đường của chư vị Bồ Tát, ta nên đi theo sức của ta, phù hợp với mức độ của ta. Những Bồ Tát thành tựu chắc chắn là có thể ban tặng tất cả những gì các ngài có, ngay cả cuộc đời của các ngài, vì sự lợi lạc của chúng sinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khi đã thọ các giới nguyện Bồ Tát, ta cũng có thể lập tức hy sinh cuộc đời mình cho người khác! Vấn đề không phải là như vậy. Kinh điển nói rằng nếu ta không phiền lòng về việc cho người nào đó tô cà ri thì ta nên cho nó. Khi điều ta cảm nhận về thân thể ta không khác với điều ta cảm nghĩ về tô cà ri, ta cũng có thể hiến tặng thân thể ta nếu cần thiết! Đây là cách thức chúng ta tiến hành: một cách từ từ, tiệm tiến.




  7. #17
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts
    4. PHƯƠNG PHÁP



    Những Giáo huấn của Thiện tri thức





    Nếu chúng ta đủ may mắn để có được ba điều kiện đầu tiên, vì sao ta chưa thành Phật? Gampopa đề cập đến bốn chướng ngại ngăn cản không cho ta đạt được Giác ngộ.

    Ba chướng ngại đầu tiên là dính mắc quá mức vào cuộc đời này, vào những lạc thú của sinh tử, và vào sự an bình của Niết bàn. Chướng ngại thứ tư là không biết về con đường dẫn tới Phật quả. Tuy nhiên, những giáo huấn của một Thiện tri thức đầy kinh nghiệm sẽ giúp ta chiến thắng tất cả bốn chướng ngại này.

    Đối với mỗi một chướng ngại ta có một cách đối trị đặc biệt. Việc thiền định về lẽ vô thường cho phép ta từ bỏ cảm xúc dính mắc quá mức vào những kinh nghiệm của cuộc đời này. Việc suy niệm và thấu hiểu bản tánh của sinh tử và những khổ đau cố hữu, nghiệp và kết quả của nó, sẽ giúp ta giảm bớt sự tham muốn những lạc thú giác quan của thế giới này. Bằng cách phát triển lòng từ và bi, ta có thể chiến thắng ước muốn vị kỷ trong việc tìm kiếm sự an bình của thiền định và Niết bàn và thoát khỏi sinh tử một mình ta. Nếu ta nhìn vào luận lý của lòng bi mẫn ta sẽ nỗ lực đạt được Giác ngộ một cách tự nhiên để giúp đỡ chúng sinh. Cuối cùng, việc phát triển Bodhicitta (Bồ đề tâm) xua tan sự vô minh của ta về cách trở thành các vị Phật.

    Ở một chừng mực nào đó, tất cả những giáo huấn của Đức Phật và các vị Thầy đi theo ngài được bao gồm trong bốn chủ đề này. Trong bốn giới thiệu này, quan trọng nhất là điều thứ tư. Theo Phật giáo Đại thừa, Bồ đề tâm bao gồm mọi phương pháp và kỹ thuật của con đường Phật giáo. Mỗi giáo lý của Đức Phật đều liên quan tới nguyên nhân của Bồ đề tâm, hay tới phương pháp để đạt được nó, hoặc tới những kết quả của Bồ đề tâm, hay thêm nữa tới chính Bồ đề tâm. Không có giáo lý đạo Phật nào không nối kết với Bồ đề tâm theo cách này hay cách khác.



  8. #18
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts
    CÁCH ĐỐI TRỊ THỨ NHẤT



    Suy niệm về lẽ Vô thường



    Đức Phật nói rằng mọi sự duyên hợp đều vô thường. Mọi sự không được làm bằng một chất thể duy nhất mà được cấu tạo bằng những yếu tố khác nhau và ngay tự bản chất, chúng sẽ phải tan rã. Đó là một quy luật tự nhiên: không có chất thể nào không phải là sự duyên hợp. Như một kết quả, mọi sự trong thế giới này đều vô thường. Ta có thể kết luận rằng tất cả những ai được sinh ra sẽ chết đi, mọi sự được tích tập sẽ cạn kiệt, bất kỳ điều gì được xây dựng sẽ lụi tàn, và tất cả những người tụ hội chẳng sớm thì muộn sẽ phải chia lìa. Không có điều gì duyên hợp mà không thay đổi. Đó là lý do vì sao chúng ta phải thấu hiểu rằng mọi sự đều vô thường. Thực ra, việc suy niệm về lẽ vô thường được coi là thiền định tuyệt hảo nhất. Đức Phật đã nói: “Trong tất cả những vết chân, vết chân voi rộng và sâu nhất. Tương tự như thế, trong mọi thiền định, thiền định về lẽ vô thường là thiền định mạnh mẽ và lợi lạc nhất.”

    Nếu ta hiểu lẽ vô thường ở mức độ sâu xa nhất của nó, ta cũng hiểu được triết lý của tánh Không (shunyata), bởi chúng tương tự nhau. Nếu ta thấu hiểu sự tương thuộc, ta cũng hiểu karma (nghiệp), định luật hành động và phản ứng. Nếu ta có một hiểu biết sâu xa về lẽ vô thường và sự tương thuộc, ta cũng hiểu ý niệm về sự tái sinh, về những cuộc đời liên tục.

    Kết quả khác của sự hiểu biết về lẽ vô thường là nó khiến ta bớt dính mắc vào cuộc đời hiện tại, khiến ta bớt buồn sầu, dễ sống với người khác, vô tư và thanh thản hơn. Trong thực tế, hầu hết những vấn đề ta gặp trong thế giới này đều đến từ ý niệm về sự thường hằng. Vì sao ta tranh đấu với nhau? Vì sao có nhiều xung đột giữa các tôn giáo, quốc gia, dòng giống v.v..? Đó là bởi ta tin rằng những hoàn cảnh sẽ tồn tại lâu dài, bởi ta nhìn chúng như thường hằng. Đối với ta dường như mọi sự có thể tồn tại rất lâu dài và vì thế ta phải chiến đấu để thay đổi hoàn cảnh bằng sức mạnh và lôi kéo người khác theo lý lẽ của ta. Trong một hội nghị về hòa bình tại Delhi giữa những người có tín ngưỡng khác nhau, một diễn giả bình luận rằng nếu các nhà lãnh đạo thế giới, các chính trị gia và nhà lãnh đạo tôn giáo chú tâm vào lẽ vô thường nhiều hơn thì sẽ không có thêm những xung đột và chiến tranh. Tôi nghĩ ông ta nói đúng.

    Có những phương pháp khác nhau để thiền định về lẽ vô thường.

    Trước tiên là suy niệm về sự vô thường của thế giới bên ngoài, từ sự tổng quát cho tới riêng biệt, từ sự vô cùng rộng lớn cho tới vô cùng nhỏ bé. Hãy nghĩ về thế giới, cách thức nó thay đổi từ lúc khởi đầu, sự hình thành, tiến hóa, và cuối cùng là cách nó tan rã: một ngày nào đó trái đất này, mặt trời, mặt trăng, mọi sự sẽ bị hủy diệt. Ngay cả những thiên hà, các hành tinh, những vì sao cũng hình thành, tiến hóa và lụi tàn.

    Không chỉ có những gì to lớn là thay đổi mà vô số những điều nhỏ bé cũng biến đổi như sự liên tục của các mùa, của ngày và đêm, của mặt trời mọc và mưa. Thời gian không bao giờ ngừng trôi. Mỗi khoảnh khắc trôi qua mang lại một điều mới mẻ. Không có gì bất động trong không gian; mọi sự luôn luôn thay đổi. Thiền định và hiểu biết về sự chuyển động này là thiền định về sự vô thường của thế giới bên ngoài.

    Bây giờ, hãy nhìn những chúng sinh sống trên trái đất: chúng ta thấy họ sinh ra, già đi, và chết, điều đó nhắc nhở ta về sự vô thường của chính ta. Chết là cách sự vô thường tự biểu lộ một cách ấn tượng nhất đối với ta. Sự suy niệm về cái chết giúp ta hoàn toàn nhận thức được vô thường có nghĩa là gì. Mọi người, tất cả mọi người không sót một ai, đều phải chết. Cho dù thời gian về cái chết của chúng ta thì không chắc chắn, tuyệt đối không còn nghi ngờ gì là chúng ta sẽ phải chết và không điều gì có thể làm ngưng lại tiến trình này. Điều quan trọng là phải tự nhắc nhở rằng ta có thể chết bất kỳ lúc nào. Trước kia Nagarjuna (Long Thọ) đã nói: “Nếu tôi thở ra và không hít vào nữa, tôi đã chết! Chẳng kỳ diệu sao khi nghĩ rằng ngay cả ban đêm khi đang ngủ, tôi vẫn không ngừng thở và buổi sáng thức dậy, tôi vẫn còn sống?” Và đó là sự thật. Cuộc đời mong manh đến nỗi nếu ta thở ra và không hít vào nữa, ta đã chết!

    Ta cũng có thể hiểu được sự hiện hữu của ta mong manh ra sao bằng cách nhớ lại rằng thân thể ta được cấu tạo bằng nhiều bộ phận và chất thể và vì thế nó rất không bền vững. Cuộc đời ta lụi tàn trong từng giây phút, và không có điều gì có thể làm nó tăng trưởng! Giống như một mũi tên được bắn ra, nó tiếp tục con đường của nó cho tới mục tiêu, không hề ngừng lại. Cùng cách đó, mỗi giây phút qua đi đưa chúng ta đến gần cái chết hơn nữa, không gì có thể làm lay chuyển điều đó. Có vô số nguyên nhân dẫn đến cái chết trong khi có rất ít nguyên nhân hỗ trợ cho sự sống. Ngay cả các yếu tố duy trì đời sống nói chung, như thuốc men và thực phẩm, đôi khi cũng có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của ta. Cuộc đời thật mỏng manh bởi ta có thể chết bất kỳ lúc nào. Tuổi trẻ, sức khỏe, một địa vị xã hội đáng ao ước, của cải, vô số bạn hữu, và danh tiếng cũng không thể bảo đảm hay che chở để phòng ngừa cái chết. Ta phải hiểu rõ và chấp nhận rằng khi cái chết đến thì không điều gì, không sức mạnh trong hay ngoài nào, có thể làm nó ngừng lại. Ta nên lưu tâm đến sự thật này và từ nay trở đi, các hành động của ta đừng chỉ nhắm vào phúc lạc của thân ta trong đời này mà còn phải có một mục tiêu dài hạn hơn. Chắc chắn là cuộc đời ta sẽ đến lúc kết thúc và ta sẽ chết. Cố gắng phớt lờ điều này là một sự điên rồ. Đối mặt với thực tại thì tốt hơn là ẩn núp đằng sau ảo tưởng rằng sẽ chẳng có thay đổi nào tác động đến ta hay mọi sự sẽ tự sắp xếp.





  9. #19
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    Người ta rất thường cho rằng nghĩ về cái chết là một điều gở và khiến ta ngã lòng, cho rằng cách hay nhất là không nói hay thậm chí không nghĩ về nó. Một vài người còn đi xa tới nỗi tin rằng chỉ nói về nó cũng đủ mang lại điều xui xẻo. Cái chết của những người khác đe dọa chúng ta và khiến ta cảm thấy không an toàn bởi chúng nhắc nhở ta về điều mà tất cả chúng ta đều biết, cho dù ta muốn quên nó đi. Tuy nhiên, việc khảo sát vấn đề thấu đáo hơn sẽ không làm chúng ta mất vui hay tuyệt vọng. Trái lại, ta sẽ an bình hơn bởi nếu ta thực sự đối mặt với thực tại này, ta sẽ hiểu biết nó sâu xa hơn và hành xử một cách phù hợp trong đời sống hàng ngày của ta.

    Tôi xin kể cho quý vị một câu chuyện về điều này. Khi Đức Phật còn tại thế, một gia đình có quan hệ hết sức gắn bó với nhau bỗng dưng mất một người con trai, anh ta đã lập gia đình. Những người hàng xóm đến để chia buồn, nghĩ rằng họ sẽ thấy gia đình đang buồn khổ. Họ ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi khám phá ra rằng chẳng những không đắm chìm trong nỗi đau khổ ghê gớm, tất cả những người ấy đều có vẻ hoàn toàn thanh thản. Cha mẹ của người chết đang làm công việc hàng ngày của họ; người vợ thì đang ca hát trên đường gánh nước về nhà. Những người hàng xóm hỏi vì sao họ không đau buồn, và mỗi người trả lời theo một cách riêng: “Biết rằng mọi sự đều vô thường và chúng tôi chỉ sống chung trong gia đình này một thời gian ngắn, chúng tôi cố gắng tôn trọng và yêu thương nhau. Chúng tôi biết rằng chẳng sớm thì muộn chúng tôi sẽ xa lìa nhau, và trong thời gian chúng tôi được ban cho để cùng chung sống, chúng tôi cố gắng đối xử tốt đẹp và hòa hợp với nhau. Chúng tôi không bao giờ làm tổn thương hay làm điều gì sai trái đối với anh ấy, và anh ấy cũng không làm gì sai quấy với chúng tôi, vì thế chúng tôi không có gì để ân hận. Chúng tôi hiểu rằng anh ấy đang đi theo con đường của riêng mình, phù hợp với nghiệp của anh. Đây là lý do vì sao chúng tôi vẫn vui vẻ và tang lễ của chúng tôi an bình.”

    Câu chuyện đơn giản này biểu lộ thật sâu sắc rằng sự hiểu biết về lẽ vô thường và cái chết không làm cho ta mất vui, mà còn ngược lại. Nhiều người từng kinh qua những kinh nghiện cận tử nói rằng bây giờ họ cảm nhận về cuộc đời sâu sắc hơn bởi họ đã hiểu rõ về lẽ vô thường. Nếu chúng ta không đương đầu với cái chết, ta sẽ không biết quý trọng cuộc đời ta. Những vấn đề nhỏ bé hàng ngày của ta quan trọng đến nỗi ta thường quên mất bản thân cuộc đời quý giá ra sao, ngược lại khi ta đương đầu với cái chết, những vấn đề nhỏ bé đó trở nên hết sức vô nghĩa! Nếu chúng ta hiểu biết một cách chân thành và sâu xa rằng mọi sự thì vô thường và phù du, sự dính mắc của ta vào cuộc đời này sẽ giảm bớt và niềm tin của ta nơi Giáo Pháp sẽ tăng trưởng. Ta sẽ được thúc đẩy để tinh tấn thực hành con đường thoát khỏi những khổ đau của sinh tử. Sự thấu hiểu về lẽ vô thường cũng giúp ta bớt dính mắc hơn trong sự tham lam và ganh ghét. Ta sẽ có một cách tiếp cận nói chung rộng rãi hơn, khoáng đạt hơn, và trở nên sáng suốt hơn ở một chừng mực nào đó. Chúng ta sẽ không làm việc bé xé ra to. Ta sẽ bớt dính mắc vào những cuộc tranh cãi tầm thường, là một dấu hiệu của một tâm thức hẹp hòi và dễ bị kích động. Ta sẽ không để cho bản thân bị ảnh hưởng và quấy rầy bởi những điều nhỏ bé. Ta sẽ thấy những điều được gọi là cao hay thấp, hạnh phúc hay bất hạnh thì không quá quan trọng. Tóm lại, cái nhìn rõ ràng và chi tiết hơn này về thế giới, về luân hồi sinh tử, sẽ làm suy giảm những vấn đề thuộc về tâm lý của chúng ta.

    Một số người hỏi rằng những người có những kinh nghiệm cận tử đi vào cái mà chúng tôi gọi là “bardo cái chết”1 trong Phật giáo Tây Tạng, điều này có thật hay không. Thật không dễ dàng để khẳng định điều gì về việc này bởi tình huống khác biệt nhau trong mỗi trường hợp. Người ta thường nói rằng một người có thể đi trọn con đường tới cái mà ta gọi là cái chết vật lý – đó là sự tan rã các yếu tố (tứ đại: đất, nước, gió, lửa) – và vẫn trở lại. Kế đó đến cái chết bên trong, tương ứng với sự tan rã các niệm tưởng, mọi yếu tố tinh thần. Một khi tiến trình này hoàn tất, ta được biết là người đó không thể trở lại được nữa.

    Tuy nhiên, một vài câu chuyện về sự chuyển di tâm thức từ một thân thể tới thân thể khác khiến những điều này khó khẳng định hơn. Đây là một trong những câu chuyện đó.

    Do Khyentse là một thánh nhân ở Tây Tạng, một yogi (hành giả) đã đạt được mức độ chứng ngộ tâm linh rất cao. Tuy nhiên, hành vi hết sức trái nghịch với quy ước của ngài khiến nhiều người ngạc nhiên, và một vài tu sĩ đa nghi đã nghĩ rằng ngài chỉ là một kẻ điên khùng. Hai người trong số đó quyết định khảo sát ngài. Họ chờ ngài đi tới. Một người giả bộ chết và người kia vội vã chạy tới vị yogi (ngài Do Khyentse), với những giọt nước mắt khẩn nài ngài thực hành pháp phowa (chuyển di tâm thức) cho người bạn bất hạnh vừa bị chết đuối. Vị yogi gật đầu đồng ý và ngài chỉ búng ngón tay rồi bỏ đi mà không có bất kỳ nghi lễ hay lời cầu nguyện nào. Vị tu sĩ cười phá lên và từ đằng xa gọi người bạn rằng anh ta có thể đứng dậy, bởi Do Khyentse thực sự chỉ là một kẻ bịp bợm không có chút năng lực hay trí tuệ nào. Nhưng người bạn này không đứng dậy. Vị tu sĩ lay gọi mãi cũng không được, anh ta đã chết thực. Hoảng loạn, vị tu sĩ chạy theo yogi và quỳ sụp dưới chân ngài, sám hối về sự ngu dốt, lỗi lầm và mù quáng của mình, van xin ngài đưa tâm thức của người bạn trở về thân xác của anh ta. Khi đó vị yogi đổ ống điếu mà ngài đang hút lên trán người chết. Người này ngồi bật dậy và trách móc người bạn thật dữ dội bởi đã đưa anh ta trở về cõi thấp này, trong khi anh ta đang đi tới một nơi huy hoàng, tráng lệ! Vì thế, dù thế nào chăng nữa, có lẽ ta vẫn có thể rời khỏi thân xác và sau đó trở lại nó…




  10. #20
    Avatar của minhquang
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    146
    Thanks
    173
    Thanked 204 Times in 45 Posts


    CÁCH ĐỐI TRỊ THỨ HAI




    Suy niệm về Nỗi Khổ của Sinh tử



    Chừng nào mà ta còn ở trong tâm thái sinh tử, ta sẽ không tìm thấy sự mãn nguyện và hạnh phúc hoàn hảo. Theo định nghĩa, sinh tử có nghĩa là đau khổ. Đó là một trạng thái tâm mà đặc tính của nó là có sự hiện diện của những mức độ khác nhau của ba loại đau khổ. Vì thế, ta cần thoát khỏi nó. Thật may mắn là điều này có thể làm được. Đó là mục suy niệm về nỗi khổ của sinh tử.



    Ba loại Đau khổ



    Hình thức đau khổ thứ nhất là điều mà Guenther dịch là “đau khổ của sự hiện hữu bị quy định” (hành khổ). Một bản dịch sát nghĩa của Tây Tạng viết là “đau khổ cố hữu đối với tất cả những gì duyên hợp.”2 Thậm chí hầu hết mọi người không chú ý tới nỗi khổ này. Mọi sự luôn luôn thay đổi, nhưng chúng ta đã quen thuộc với việc tin vào điều đối nghịch. Chúng ta bám chấp vào sự tin tưởng này, nghĩ rằng nó mang lại hạnh phúc và sự an toàn, nhưng ngay cả những sự vật mà hầu hết chúng ta bám chấp vào, những thứ mà dường như mang lại cho ta sự kiên cố nhất, cũng nhất thời. Ta không tự do mà bị quy định và vướng kẹt trong nghiệp của riêng ta. Ta luôn luôn bị điều khiển mà không nhận biết điều đó, bởi vô số nguyên nhân và hậu quả, là những điều chính chúng ta tạo ra. Không có sự chế ngự hay ngay cả sự tỉnh giác về hiện tượng này, ta không thể thoát khỏi nó. Việc không có sự tự do này khiến ta không hưởng được hạnh phúc tuyệt đối.

    Loại đau khổ thứ hai được gọi là đau khổ của sự biến đổi (hoại khổ).3 Đây là mối lo âu đi kèm theo việc ta đề phòng sự biến đổi. Khi ta đang ở trong một hoàn cảnh lý tưởng ở một chốn đồng quê, ta đã e sợ sự biến đổi. Ngay cả trong khi vui hưởng giây phút hạnh phúc, tâm ta e sợ mất nó, là sự đau khổ tự thân.

    Loại đau khổ thứ ba được gọi là đau khổ của đau khổ (khổ khổ).4 Đây là đau khổ “thực sự,” là loại đau khổ ta gặp khi ta bệnh, khi sắp chết, khi mất những gì ta yêu quý, hay khi ta đối mặt với những gì ta ghét. Đó là những gì ta thường gọi là đau khổ.

    Ba loại khổ này thường xuyên hiện diện với ta. Chẳng bao giờ ta thoát khỏi chúng. Sự hiện diện của chúng chính là định nghĩa của sinh tử.

    Loại đau khổ thứ nhất là một kinh nghiệm trung tính trong phạm vi cảm giác. Chúng ta không ý thức về tiến trình này bởi nó không gây ra đau khổ hay lạc thú. Loại đau khổ thứ hai được nối kết với nỗi sợ xuất hiện với những cảm xúc về sự tiện nghi, hạnh phúc. Loại đau khổ thứ ba là kinh nghiệm thực sự về đau khổ. Tuy nhiên, nếu ta nhìn sâu vào chúng, tất cả ba loại này là những kinh nghiệm về đau khổ. Hai loại đau khổ cuối cùng thì dễ hiểu. Trái lại, đau khổ cố hữu đối với sự hiện hữu bị quy định thì hết sức vi tế. Nếu đó là một kinh nghiệm trung tính thì làm thế nào ta có thể định nghĩa nó là đau khổ? Ta sẽ dùng một sự so sánh. Giả sử ta đau khổ vì một bệnh nan y và đồng thời đau khổ vì một vết đứt nhỏ trên bàn tay hay bàn chân. Chừng nào mà nỗi đau chính yếu còn mạnh mẽ, chừng nào ta còn ở trong sự chi phối của một cơn sốt cao, ta sẽ không cảm nhận được những đau đớn thứ yếu. Nhưng ngay khi cơn sốt hạ, ta bắt đầu cảm nhận các vết đứt. Tương tự như thế, loại đau khổ thứ hai và thứ ba khiến ta không nhận thức được những hoàn cảnh vi tế của nghiệp của ta, là cái thực sự trói buộc ta. Chỉ khi ta thoát khỏi những đau khổ to lớn nhất ta mới trở nên ý thức về những hoàn cảnh vi tế của sự nô lệ của ta.

    Một đoạn văn trong Luận giảng về Luận tạng nói: “Chỉ một sợi tóc trong bàn tay và đâm vào mắt cũng đủ gây nên sự khó chịu và đau khổ. Người chưa chín chắn, giống như lòng bàn tay, không hiểu được nỗi khổ cố hữu đối với sự hiện hữu bị quy định, trong khi những bậc chứng ngộ thì giống như con mắt, nhận ra nỗi khổ cố hữu đối với sự duyên hợp.” Loại đau khổ thứ nhất có mặt ở khắp nơi, và cho dù ta không chú ý tới sự hiện diện của nó, nó là sợi xích ngăn trở ta nhiều nhất.

    Sự biến đổi thường xuyên mà ta kinh nghiệm trong cuộc đời ta là một phần của cùng một tiến trình, giống như chuỗi những tái sinh. Mỗi sự biến đổi đều được quy định bởi vô số các yếu tố. Mọi hiện tượng đều tùy thuộc vào nhau. Chúng ta bị tác động liên tục, bị đẩy tới với rất ít sự chọn lựa riêng tư. Dĩ nhiên, ta có một mức độ lựa chọn nào đó, nhưng chừng nào tâm ta không thoát khỏi sự bám luyến và những độc chất khác trong tâm thì tự thân sự chọn lựa này vẫn bị quy định. Những áp lực và yêu cầu của đời sống tân tiến có thể cho ta ý niệm về những giới hạn trong khả năng hành động của ta.

    Gampopa minh họa ý kiến của ngài bằng nhiều ví dụ, nhưng tôi nghĩ là không nhất thiết phải lưu ý tất cả những điều đó. Trên thực tế, chỉ từng đó cũng đủ để ta nhận ra nỗi khổ ở quanh ta.




Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •