Từ đó mỗi ngày chúng tôi đều đến lều của Lạt Ma Phiyang học hỏi về giáo lý khẩu truyền của phái Nyingmapa, nhờ thế chúng tôi hiểu biết thêm những điều mà vị tổ Mật tông Padmasambhava đã truyền dạy. Đa số các học giả người Âu thường chỉ dựa trên các tài liệu sách vở giới hạn, đã hiểu lầm về Phật giáo Tây Tạng. Nhiều người đã tưởng học được khóa Mật tại Tây Tạng với những môn phái Mật tông của Ấn giáo. Đây là một ngộ nhận hết sức lớn lao và đáng tiếc. Mật tông của Phật giáo hoàn toàn khác hẳn Mật tông của Ấn giáo. Tuy cả hai đều sử dụng những phương tiện giống nhau như thần chú, phương pháp luyện luồng hỏa hầu (Kundalini) nhưng mục đích và cứu cánh thì hoàn toàn khác hẳn nhau. Một bên chủ trương khai mở trí tuệ để hoàn toàn giải thoát khỏi luân hồi trong khi một bên chỉ chú trọng đến việc phát triển những quyền năng nội tại để đạt đến trạng thái tuyệt đối (Brahman). Một bên tìm cách quên mình (vô ngã) và một bên tìm cách phát triển bản ngã của chính mình (hữu ngã). Vì phạm vi giới hạn của cuốn sách này nên tôi không thể đi sâu vào chi tiết nhưng tôi đã chú giải rất kỹ điều này trong cuốn Foundations of Tibetian Mysticism.
Lạt Ma Phiyang là vị thầy Tây Tạng cuối cùng của chúng tôi trong chuyến du hành qua xứ tuyết. Chính nhờ ngài mà chúng tôi ý thức và kinh nghiệm được sự toàn vẹn của truyền thống Mật tông. Người ta có thể phân chia ra nhiều môn phái, nhiều chủ trương, lý thuyết khác nhau như các bậc học giả người Âu đã làm nhưng họ không thể hiểu được sự toàn vẹn nối tiếp của truyền thống Mật tông vốn xây dựng trên sự truyền khẩu giữa thầy trò, chứ không xây dựng trên những hình tướng bên ngoài. Các bậc tổ Mật tông như Atisha, Tsong Khappa, Milarepa. Marpa không hề phân biệt tông phái. Họ không hề chỉ trích các truyền thống khác mà luôn luôn dạy dỗ học trò phải cố gắng đạt đến trạng thái tâm vô phân biệt, không còn tìm thấy sự biệt giữa mình và thế gian, giữa mình và ngoại giới, giữa truyền thống và chủ trương khác vì tất cả các Pháp đều là Phật Pháp.
Sự hiện diện của Lạt Ma Phiyang tại Poo được đồn đại khắp làng. Gần như lúc nào cũng có người kéo đến làm lễ, xin được cúng dường và sau cùng Namgyang đại diện cho dân làng xin ngài làm lễ ban phép lành cho cả làng (Tsewang).
Để chuẩn bị cho nghi lễ này, Lạt Ma Phiyang đã phải tĩnh tu ít hôm. Dĩ nhiên chúng tôi tiếc đã mất đi chút thời giờ quý báu học hỏi thêm với ngài nhưng chúng tôi cũng vui vẻ phụ giúp dân làng trang hoàng và thiết lập một đàn tràng trên mảnh sân trước nhà Namgyang.
Đến giờ hành lễ, Lạt Ma Phiyang oai nghiêm xuất hiện trong bộ y phục đặc biệt dành riêng cho các nghi lễ. Không ai có thể nhận ra vị Lạt Ma già trong bộ quần áo rách mướp khi trước nữa. Tiếng chuông trống đồng loạt nổi lên, âm thanh của những bài thần chú vang rền. Lạt Ma Phiyang khởi sự các nghi thức một cách trang nghiêm, kính cẩn.
Đã từ lâu chúng tôi nhận thức sự quan trọng của các nghi thức hành lễ. Việc thực hành những nghi thức này phải phát xuất từ nội tâm, từ sự tha thiết của người chủ lễ, từ sự chân thành của những người tham dự thì mới được cảm ứng. Người ta không thể hành lễ một cách cẩu thả, hành động như những cái máy mà mong đạt được kết quả gì. Bất cứ nghi lễ nào cũng đòi hỏi một sự chí tâm chí thành, kính cẩn trang nghiêm vì nghi lễ là sự nối liền tâm thức những người hành lễ với những động lực thiêng liêng. Chỉ có đức tin và lòng chân thành mới có thể đem lại sự cảm ứng. Tôi xin lấy một thí dụ khoa học cho dễ hiểu: Những động lực thiên nhiên có thể ví như luồng điện, đức tin là dây dẫn điện và lòng chân thành chính là một cái bóng đèn. Muốn có ánh sáng thì phải có điện, có dây điện và có bóng đèn. Thiếu một trong ba thứ đó thì không thể có ánh sáng được. Tôi đã chứng kiến những phẩm vật được dâng cúng và các tín đồ vừa hành lễ vừa nói chuyện ồn ào, không chú tâm gì đến việc họ đang làm. Dĩ nhiên hoạt cảnh không khác gì một cái chợ đó chắc chắn không thể đem lại kết quả gì hết.
Lạt Ma Phiyang mang ra một bát đựng những dược liệu bào chế bằng rễ cây tán nhỏ như bột. Ngài châm một cây nhang rồi thong thả đặt vào bát đựng dược liệu đó. Dược liệu bắt lửa bùng cháy. Lạt Ma Phiyang vén tay áo bốc những dược liệu đó ném xuống đám đông trước mặt. Những tàn lửa loang loáng như liếm cả vào mọi người, dĩ nhiên nó không gây thương tổn cho một ai. Đây là một nghi thức tẩy sạch phiền não qua việc sử dụng lửa (Fire Purification) rất thông dụng tại Tây Tạng, không khác gì việc sử dụng nước thánh của những tôn giáo khác.