Đây là một điểm vô cùng quan trọng để phân biệt Mật tông Tây Tạng với những môn phái Mật tông khác của Ấn Độ giáo hay Bon Pa. Theo cuốn Tử Thư thì tất cả những phương pháp tu tập như niệm thần chú, tu quán định, luyện huyền thuật để đạt được các quyền năng thiêng liêng huyền bí, để được mọi người coi mình như bậc thần thánh, hay để đạt đến những cảnh giới khác để hưởng phước chỉ là những lối tu của kẻ ngoại đạo; lối tu để phát triển, gia tăng cái bản ngã của chính mình. Theo Padmasambhava thì tu định phải vô niệm, tu thiền phải vô cầu, tu mật phải vô ngã thì mới đạt được tinh hoa của Phật giáo. Tất cả những lối tu tương tự nhưng không vô niệm, vô cầu, vô ngã chỉ là lối tu ngoại đạo không thể giải thoát cho ai và nếu không phải là con đường giải thoát thì nó không thể coi là Phật giáo được. Người tu cần phải biết phân biệt thật rõ ràng các căn bản này để khỏi bị sa ngã vào những nẻo tà đạo hoặc gặp những nguy hiểm mà Padmasambhava đã nói rất rõ trong cuốn Tử Thư.

Sự chết từ trước đến nay vẫn là một ám ảnh lớn đối với loài người. Rất nhiều tôn giáo đã khổ công giải thích về nó nhưng không ở đâu người ta đề cập đến sự chết rõ rệt như tại Tây Tạng. Người dân xứ này nói đến sự chết như một điều hiển nhiên, cần thiết vì nhờ có sự chết người ta mới ý thức được sự sống. Do đó họ có vẻ như dửng dưng trước cái chết và khi có ai chết họ mang xác chết lên núi, mổ xẻ thành nhiều mảnh nhỏ và vứt cho chim ăn. Dĩ nhiên một người Âu sẽ không thể chịu được phong tục kỳ lạ dường như “man rợ” này, nhưng người Tây Tạng thản nhiên cho rằng xác chết chỉ là một “vật dụng” và khi không dùng được nữa, nó chẳng có một giá trị gì và chỉ đáng vứt cho chim kêu lên rỉa.

Nhà vạn vật học nổi tiếng Lecompte de Noui đã viết: “Chết là một phát minh tân kỳ nhất của thiên nhiên”. Theo ông, chết không phải một cái gì ngược lại sự sống nhưng là một cách đưa sự sống lên một bình diện cao hơn. Ông đã viết: “Đối với những sinh vật hạ đẳng, sự chết gần như không hề có vì chúng có thể sinh sôi nẩy nở qua sự trực phân: thân thể tự động tách ra thành hai và cứ thế sinh sôi mãi, nhưng cũng vì thế mà trải qua hàng triệu năm chúng vẫn như thế, không tiến thêm bước nào trên con đường tiến hóa. Đối với những sinh vật phát triển hơn, chết là một điều hiển nhiên vì cái thân thể hư hỏng hao mòn cần phải được thay thế bằng một thân thể khác mới mẻ, tốt đẹp hơn. Nhưng không phải chỉ có thay đổi thân thể, hình hài mà cái thân thể mới còn cần phản ảnh các kinh nghiệm đã học hỏi được để giúp sinh vật phát triển thêm nữa, do đó mới có sự tiến hóa từ loài này qua loài khác…”

Nấc thang tiến hóa không ngừng ở vật chất mà còn phát triển trên địa hạt tinh thần một cách tương tự. Từ các hành động phản xạ một cách vô thức các sinh vật hành động qua bản năng rồi phát triển ra sự học hỏi, thích ứng với môi trường chung quanh. Sự học hỏi sắp đặt các kinh nghiệm cấu tạo nên trí thông minh. Nhưng thông minh không phải là nấc tiến cuối cùng trên mức tiến hóa như nhiều người lầm tưởng. Từ đây sinh vật còn phải vượt lên nữa, từ vô thức đến ý thức và từ ý thức đến tình trạng ý thức tuyệt đối tất cả mọi hành động, lời nói đến tư tưởng của mình.

Khi kiểm soát được thân, khẩu, ý người ta sẽ ý thức được sự sống bao la mầu nhiệm và khi hiểu được sự sống thì sự chết chỉ là một hiện tượng tự nhiên, một trạng thái cần thiết không còn đáng sợ nữa.