Một người Tây phương chắc chắn không thể chấp nhận được việc này nhưng người Tây Tạng vẫn quan niệm sống và chết không phải là hai trạng thái đối nghịch nhau nhưng chỉ là hai bề mặt của sự thật. Sự chết chỉ có thể ảnh hưởng đến những ai sợ hãi nó, nếu sống và chết là một việc hiển nhiên như ngày và đêm, như mùa hè và mùa đông thì cái chết đâu có gì đáng sợ.

Khi một người đã đạt đến trạng thái giác ngộ nào đó, tất cả tế bào trong thân thể người đó cũng đều được chuyển hóa bởi các rung động cao cả và phát ra những luồng từ điện hết sức tinh tế ảnh hưởng đến những người chung quanh. Dĩ nhiên những người có lòng tin, những tín đồ thuần thành sẽ được lợi lạc rất nhiều vì như tôi đã trình bày, đức tin là một chất dẫn điện rất mạnh có thể nối liền tâm thức các tín đồ với luồng từ điện mạnh mẽ kia. Luồng từ điện này có thể chống lại sự hủy hoại của thời gian lên thân thể người chết. Hầu hết thân thể các vị thánh đều ít bị ảnh hưởng bởi thời gian (xác vị thánh Thiên chúa giáo Francis Xavier tại thành Goa vẫn y nguyên như khi ngài còn sống mặc dù thời tiết nhiệt đới nóng bức, ẩm ướt vô cùng).

Vì lý do trên, xác các vị Đại Lạt Ma, các vị hòa thượng được giữ gìn cẩn thận trong những tháp (chorten) thay vì hỏa táng. Một ngôi tháp lớn đã được xây dựng trong thung lũng Tomo và tín đồ các nơi đã cúng dường trọng thể cho việc dựng tháp này.

Hòa thượng Tomo hứa sẽ trở lại trong ít lâu, ngài để lại một số ấn chứng để các đệ tử có thể tìm thấy ngài. Điều bất ngờ nhất là ngài đã trở lại dưới mái nhà mà cách đó không lâu tôi đã tạm tru tại Gangtok: căn nhà của Enche Kazi xứ Sikkim.

Tôi biết Enche Kazi là một tín đồ thuần thành, một gia đình đã góp công rất nhiều trong việc phục hưng Phật giáo tại Sikkim. Năm 1949, khi ghé thăm Enche tôi đã được ông ta kể rõ chuyện này.

Mặc dù hãnh diện đã đem một đấng hóa thân vào đời, Enche cũng không khỏi rơi những mắt khi kể lại cho tôi. Vợ ông ta qua đời ngay khi sanh đứa con đầu lòng, vài năm sau khi được biết đứa nhỏ này không ai khác hơn là Hòa thượng làng Tomo, ông ta lại phải gạt lệ tiễn con về Tây Tạng. Lúc đầu ông không muốn mất con nhưng chính tiểu vương Maharajah đã khuyên ông không nên can thiệp vào sứ mạng cao cả của một bậc Hóa Thân như vậy.

Ngay khi còn nhỏ, đứa bé con của Enche Kazi đã tỏ ra khác thường, khi ông này gọi nó là “Puchung” (thằng bé tí) thì nó đã nghiêm nghị nhấn mạnh rằng tên của nó là “Jigme” (Vô úy – không sợ hãi).

Bài kệ của Hòa thượng làng Tomo để lại tại chùa Nachung không những nói rõ rằng ngài sẽ mang tên Jigme trong kiếp sau mà còn nói rõ địa điểm ngôi làng cũng như đường đến căn nhà mà ngài sẽ hóa thân vào đó. Bài kệ cho biết rõ tuổi tác cha mẹ và hình ảnh căn nhà trước có trồng hai cây ăn trái v.v…

Khi phái đoàn tu viện Dungkar đến nơi thì đứa nhỏ Jigme đã lên bốn tuổi. Vừa thấy phái đoàn nó đã reo lên: “Cha ơi, các đệ tử của con đến đón con về Tây Tạng đây này”. Các tu sĩ thay phiên nhau mang ra những chiếc hộp kín và đứa nhỏ đã nói đúng những đồ vật để trong hộp. Nó có thể phân biệt rõ những chiếc chuông, khánh của Hòa thượng Tomo trong số hàng chục chiếc chuông, khánh giống nhau như đúc được mang ra để giảo nghiệm. Ngoài ra nó còn giải đáp được những bài kệ vô cùng bí hiểm mà chỉ một số rất ít Lạt Ma trưởng lão mới có thể hiểu được ý nghĩa.

Sau khi kết luận rằng Jigme chính là hậu thân của Hòa thượng làng Tomo, phái đoàn long trọng rước cậu bé Jigme về Tây Tạng. Vừa đến Dungkar, đứa nhỏ đã nhận ra Amnchi, vị Lạt Ma đã chăm sóc sức khỏe cho Hòa thượng Tomo.

– Này Amchi, ngươi không nhận ra ta hay sao? Chính ngươi đã săn sóc cho ta ngày trước kia mà…

Sau khi oai nghiêm ngồi lên chiếc ghế gỗ, Jigme thong thả gọi tên từng vị sư già trong tu viện lên để ban phép lành. Người ta không còn nghi ngờ gì nữa, quả thật Jigme chính là hóa thân của Hòa thượng Tomo. Khi tin này vừa được truyền ra bên ngoài, hàng ngàn người đã kéo nhau về Dungkar và một buổi lễ long trọng đã được cử hành trọng thể.

Thông thường một nhóm trưởng lão sẽ được triệu đến để giúp vị Hóa Thân phục hồi trí nhớ tiền kiếp hay bổ khuyết những thiếu sót gây ra bởi sự chuyển kiếp. Trường hợp của Jigme thì khác hẳn, tuy vẫn còn những nét ngây thơ của một đứa nhỏ lên bốn nhưng Jigme đã thông thuộc mọi kinh điển kể cả những bộ kinh khó nhất, dài nhất mà ngay cả các vị Lạt Ma dầy công tu luyện cũng khó lòng thuộc nổi. Jigme có thể làm chủ những khóa lễ long trọng không kém bất cứ một vị trưởng lão nào. Sau một thời gian sống tại Dungkar cậu bé Jigme được đưa vào tu viện Sera, viện đại học Phật giáo lớn nhất Tây Tạng. Tại đây Jigme đã theo học chương trình giáo dục dành cho các tu sĩ uyên thâm nhất và cậu đã liên tiếp thi đậu những kỳ thi hết sức khó khăn cho đến năm vừa lên bảy tuổi thì Jigme đã tốt nghiệp thủ khoa và được ban cho địa vị Sư trưởng (Geshe Rinpoche).

Chuyện này dường như vô lý hoang đường đối với các độc giả phương Tây. Ngay như tôi lúc đầu cũng còn nghi ngại không biết có nên tin hay không nhưng thời gian du hành qua các quốc gia Á châu đã giúp tôi chứng kiến và sưu tầm nhiều trường hợp trùng hợp lạ lùng. Tôi có thể khẳng định rằng tái sinh không phải một quan niệm mơ hồ hay một lý thuyết trừu tượng trên sách vở nhưng là một sự thật hiển nhiên với những bằng chứng rõ rệt.

Trước khi trình bày những bằng chứng kể trên tôi muốn nhân cơ hội này đặt câu hỏi với những nhà khoa học về việc duy trì những kinh nghiệm qúa khứ vào đời sống hiện tại. Những khoa học gia tin tưởng ở yếu tố di truyền (herldity) có khi nào tự hỏi di truyền còn có nghĩa gì không? Phải chăng nó là một nguyên lý bảo tồn kinh nghiệm để tiếp tục một diễn tiến được chi phối bởi những động lực vô cùng tế nhị? Di truyền phải chăng chỉ là một danh từ khác ám chỉ ký ức? Khi chúng ta sử dụng chữ ký ức, chúng ta không phân biệt nó là tinh thần hay vật chất, tâm lý hay sinh lý vì cả hai cũng chỉ là những mức độ cao thấp khác nhau của một diễn tiến vô cùng tế nhị.