3 – Kỳ duyên nơi xứ tuyết


Để có thể hiểu được những diễn tiến xảy ra trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải quay trở lại, đi tìm nguyên nhân của những lý do đã khiến đời sống của chúng ta như thế.

Đôi khi chỉ một cái nhìn, một cử chử, hay một câu nói cũng có thể thay đổi hẳn cuộc đời chúng ta.

Cuộc đời của tôi đã bước vào một khúc quanh quan trọng bởi một biến cố dường như vô tình… Tôi là một tu sĩ Phật giáo trụ trì một ngôi chùa nhỏ gần Kandy, Tích Lan. Trên đường tham dự đại hội Phật giáo thế giới nhóm họp tại Darjeeling tôi đã gặp một trận bão tuyết nên phải tạm trú trong một ngôi chùa dưới chân rặng Tuyết Sơn vì tuyết đã phủ kín con đường giữa Nepal và Tây Tạng.

Đối với một người vừa chân ướt chân ráo đến thành phố xa lạ này thì trận bão tuyết quả là một điều bất hạnh. Vì không ý thức cái lạnh cắt da, cắt thịt của một miền nằm trên độ cao vài ngàn thước nên tôi chỉ mang theo một tấm áo cà sa mong manh, chỉ đủ che thân chứ không thể ngăn nổi cái lạnh. Tôi ngồi run rẩy thầm nghĩ tại sao mới hôm trước còn thoải mái thiền định dưới ánh nắng ấm áp xứ Tích Lan mà hôm nay lại phải co ro trong cái lạnh kinh hồn của Tây Tạng như thế này?

Từ trước đến nay Tây Tạng không hề gợi cho tôi một hình ảnh gì tốt đẹp. Đối với tôi, xứ này chỉ là một miền man di mọi rợ, không có một cái gì đáng thăm viếng. Đời sống của tôi đã gắn liền vào nếp sống thanh bạch trong ngôi chùa nhỏ bé nằm giữa Kandy và Nuwara-Elisa. Tôi không có một lý do gì lại qua Tây Tạng nếu không có “duyên” với xứ này.

Năm đó, tôi nhận được thiệp mời của Hội Phật giáo Thế giới nhóm họp tại Darjeeling. Trong thiệp, ông chủ tịch đã kèm theo một lá thư riêng mời tôi diễn thuyết về một đề tài do chính tôi lựa chọn. Sau một lúc do dự, tôi quyết định nhận lời vì nghĩ rằng đây là một dịp may hiếm có để một tăng sĩ như tôi có dịp mang giáo pháp nguyên thủy của đức Phật ra giảng dạy cho những tăng sĩ không được diễm phúc học hỏi những chân lý ấy. Lạt Ma giáo hay Phật giáo Tây Tạng đối với tôi chỉ là một biến thái của Phật giáo, một đứa con hoang đã thay đổi giáo pháp cao quý của đức Thế Tôn thành một hình thức mê tín dị đoan, thờ cúng ma qủy gì đó.

Truyền thống Phật giáo thường được chia làm Nam Tông và Bắc Tong (hoặc Đại Thừa và Tiểu Thừa). Đối với các tăng sĩ Nam Tông như tôi thì nhóm Bắc Tông, trải qua bao nhiêu thế kỷ đã “cởi mở” nhiều quá nên không còn “nguyên thủy” nữa và đã đến lúc họ cần phải trở về nguồn gốc.

Bởi lý do đó nên tôi đã thu xếp tham dự kỳ đại hội. Và giờ đây, tôi ngồi co ro giữa những hình vẽ lạ lùng, những biểu tượng huyền bí trong một tu viện Lạt Ma giáo chờ đợi cơn bão tan. Vì ngôn ngữ bất đồng, không thể nói chuyện với ai nên tôi chỉ đành ngồi bó gối, im lặng chờ đợi và chờ đợi…

Lúc đầu vị Lạt Ma trụ trì mời tôi tạm trú trong căn phòng riêng của ông ta tại hậu liêu những tôi không thể ngủ trong căn phòng quá chật hẹp với chiếc lò sưởi đốt bằng phân khô này. Tôi không chịu được mùi khói nồng nặc, cũng như các hương liệu mà ông ta bỏ vào lò sưởi nên sau một đêm mất ngủ tôi đã xin phép được ngủ trên chánh điện là nơi không khí thoáng đãng hơn…