Thấy không khí có vẻ khẩn trương, tôi bèn đổi thái độ ngỏ lời khen ngợi những bức tranh trên vách và cách kiến trúc đặc biệt ít đâu có của tu viện này. Tu sĩ có vẻ hài lòng, ông đưa tôi đến chiếc tủ đựng kinh gần đó như có ý khoe về những bộ kinh mà ông sưu tập được. Tôi nhận ngay rằng đó là những bộ kinh rất lạ, chưa từng nghe thấy tên bao giờ. Vì không có thì giờ xem xét kỹ, tôi chỉ lật qua vài cuốn và ngạc nhiên khi thấy nó ghi chép những bài thần chú chưa từng nghe nói đến. Tôi tự hỏi tại sao giữa một vùng đồi núi hoang vắng lại có một tu viện kỳ lạ như thế này? Vì tu viện này chỉ mới xây cất khoảng vài chục năm nay thì những bộ kinh này phải được di chuyển từ đâu đến chứ không phải đã được lưu trữ từ nhiều thế kỷ như những tu viện xây cất lâu năm. Nếu tu sĩ này tỏ ra không kính trọng chính quyền Lhassa thì ắt ông ta phải có một điều gì bất mãn, chống đối chính quyền của đức Đạt Lai Lạt Ma. Dĩ nhiên một người vào vùng hoang vu để xây cất một tu viện to lớn phải có nhiều tiền bạc hoặc là một đạo sư nổi tiếng có thế lực mới hoàn tất được công trình như vậy. Tôi ngỏ ý muốn được xem xét thêm tu viện để chụp vài tấm hình kỷ niệm thì tu sĩ cho biết rằng ông sẽ gọi quản gia đưa tôi đi xem thêm nếu tôi chịu khó chờ đến ngày hôm sau. Dĩ nhiên tôi vui vẻ nhận lời nhưng khi trở về kể cho nhóm khách hành hương thì người nào người nấy tỏ ra vô cùng sợ hãi. Người trưởng đoàn ra lệnh nhổ trại ngay tối hôm đó và ngỏ ý tiếc không thể cho tôi tháp tùng đi cùng nữa. Tại sao những người này lại có thái độ như vậy? Tại sao vị tu sĩ kia không mời tôi tạm trú trong tu viện như những tu viện khác, dù sao tôi cũng là một tu sĩ kia mà? Tại sao ông ta lại tỏ hằn học với chính quyền Lhassa?

Sáng hôm sau, một người quản gia to lớn, khoẻ mạnh bước đến lều đưa tôi đi coi tu viện. Tu viện này có hai lớp tường khá dầy và cao, một lối kiến trúc độc đáo chưa từng thấy. Thông thường các bức tường tu viện đều thấp chứ ít ai lại xây nó vừa cao vừa dầy như một chiến lũy như vậy. Giữa hai lớp tường có nhiều lối đi nhỏ vòng vo uốn khúc như những mê lộ. Có những tảng đá khắc những các biểu hiểu kỳ lạ bầy ra như một trận đồ bí mật và người ta phải di chuyển theo những cửa ra, cửa vào nhất định. Vị quản gia cho tôi biết lối đi này dành cho tín đồ hành hương sử dụng trong những ngày hội lớn và người ta phải di chuyển theo những lộ trình nhất định. Khi băng qua một cái sân nhỏ, vị quản gia đi ngược chiều quay của kim đồng hồ để qua sân phía bên kia. Đây là một điều bất ngờ vì các tu sĩ Tây Tạng đều được huấn luyện để ý thức từng bước đi, từng cử chỉ và họ luôn luôn di chuyển theo chiều quay của kim đồng hồ như một hành động thuận theo thiên nhiên. Thời gian sống ở Yih Gah Gholin, tôi đã được Kachenla hướng dẫn rất kỹ về cách làm chủ các cử chỉ, hành động này nên nó đã trở nên hành động tự nhiên quen thuộc. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy trừ khi tu viện này không phải là một tu viện Phật giáo như tôi vẫn nghĩ… Đến lúc đó tôi mới ý thức được rằng tôi đang đi trong một tu viện của các tu sĩ Bon Pa.