Người ta không thể hiểu âm nhạc Tây Tạng nếu không biết đến Thần Chú (Mantra) vì bài nhạc nào cũng được sắp đặt làm sao để có những âm thanh rung động thật trầm, thật sâu như tiếng phát âm của những câu thần chú. Sự sắp đặt về âm thanh của âm nhạc Tây Tạng dường như phản ảnh một lý thuyết rằng âm thanh là một sức mạnh hết sức nhiệm mầu. Nếu một âm thanh phát ra đúng cách có thể phá vỡ một cái ly thủy tinh thì sự phối hợp âm thanh bằng những tiết điệu đặc biệt có thể tạo ra các quyền năng siêu hình, huyền bí, ảnh hưởng đến các cõi giới xa xăm nào đó.
Căn bản của dàn hòa tấu nào cũng gồm có một cặp tù-và (Radongs) dài khoảng 4 thước, phát ra những âm thah vừa trầm, vừa ngân nga như tiếng sóng biển. Hai nhạc công thay phiên nhau thổi làm sao để âm thanh trầm này không bao giờ dứt và bất cứ bản nhạc nào cũng khởi đầu và chấm dứt bằng âm thanh của cặp tù-và này.
Đối với các tăng sĩ xuất than từ Tích Lan như tôi thì việc sử dụng nhiều nhạc khí trong các khóa lễ quả là một điều lạ lùng. Tôi chỉ quen nghe tiếng chông và mõ thôi nên lúc đầu hơi khó chịu vì tiếng kèn, tiếng tù-và, tiếng trống, những về sau tôi thấy đây là một đặc điểm hết sức tinh tế có thể trợ giúp cho buổi lễ thêm phần long trọng và hướng dẫn tinh thần người hành lễ vượt lên một bình diện cao hơn.
Quan niệm Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) cho rằng âm nhạc chỉ là một thứ để tiêu khiển, giải trí nên đời sống tôn giáo không cho phép các tu sĩ nghe nhạc hay mang âm nhạc vào tôn giáo. Có lẽ vì vậy nên cuộc sống tu hành được coi là khổ hạnh, tình cảm được kiềm chế, kiến thức về sách vở, từ chương được đề cao hơn kinh nghiệm tâm linh. Sự bảo thủ này đã đưa Phật giáo nguyên thủy vào một lối sống chật hẹp, gò bó không phóng khoáng thoải mái như Phật giáo Đại Thừa.
Tôi không thể diễn tả nỗi vui mừng của mình khi đứng trước mặt vị Lạt Ma nổi tiếng của Tây Tạng, người có khả năng mang lại bình an cho tất cả mọi người.
Cuộc gặp gỡ chúng ta diễn ra trong căn phòng nhỏ của ngài. Như tất cả những căn phòng khác tại tu viện này, căn phòng được bày biện hết sức giản dị với một chiếc ghế rộng dùng để thiền định. Đa số các vị Lạt Ma cao cấp đều sử dụng một chiếc ghế tương tự để ngồi thiền, gần như không bao giờ họ nằm nên không phòng nào có giường ngủ cả. Họ ngồi đó trong tư thế liên hoa giờ này qua giờ khác, đắm mình trong trạng thái thiền định khi không tiếp xúc với ai. Chiếc ghế của Hòa thượng Tomo có khắc một bánh xe Phật và một đám mây ngũ sắc, nét khắc sắc sảo trông rất linh động. Tất cả những đồ đạc khác trong nhà đều có tính cách tôn giáo: một lư hương, một cái chuông và một cây tích trượng (seeptre) bằng đồng v.v… Hòa thượng Tomo không sở hữu bất cứ vật gì. Khi di chuyển từ chùa này qua chùa khác, ngài chỉ mang theo một ít vật dụng tối thiểu. Đối với ngài, một hang đá đơn sơ cũng không khác gì một dinh thự nguy nga, một căn phòng đầy đủ tiện nghi lộng lẫy không hơn gì một căn phòng trơ trụi với một chiếc ghế mộc mạc. Tất cả những đồ vật người ta cúng dường cho ngài đều được mang ra phân phát đều cho các tăng sĩ hoặc xung vào qũy của chùa. Tuy đi khắp nơi, trú ngụ nhiều chỗ những tôi không bao giờ thấy ngài mang theo bất cứ một vật gì nhận lãnh của tín đồ. Ngài tu theo hạnh Đầu Đà (Anagarika) chủ trương tuyệt sở hữu và ít khi lưu lại nơi nào lâu dài.
Hôm đó tôi đã qùy trước mặt ngài lãm lễ ra mắt và ngài đã đặt bàn tay lên trán tôi trong cử chỉ ban ân huệ. Toàn thân tôi như chìm trong niềm phúc lạc tuyệt vời, tất cả những câu hỏi, lời nói tôi định thốt ra bỗng tiêu tan hết vì tôi đã nhận được câu trả lời, không bằng ngôn ngữ nhưng bằng một sự giao cảm thần bí. Tôi lặng người trong sự bình an mà ngôn ngữ không thể nào diễn tả trong một thời gian rất lâu.
Hòa thượng Tomo ngồi yên trên chiếc ghế bằng gỗ, tôi không thể đoán ngài bao nhiêu tuổi. Có lẽ khoảng ngoài sáu mươi. Ngài có một khuôn mặt tròn lúc nào cũng lộ vẻ tươi cười khiến mọi người cảm thấy yên tâm, thoải mái trước sự hiện diện của một người như vậy.