* Pháp môn Tịnh Ðộ lý cực cao sâu, sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem [Tịnh Ðộ] là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào có biết đây là pháp môn rốt ráo thành thủy, thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh! Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp này bèn coi thường pháp môn, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc hòng viên mãn Phật Quả? Miệt thị pháp môn Tịnh Ðộ chẳng xứng đáng để tu, tức là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Hơn nữa, chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?

[Có thái độ như vậy], không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như sự lớn, nhỏ, khó, dễ giữa tự lực và Phật lực, nên mới đến nỗi như thế! Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm Hải Chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sanh ư? (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Đề từ và lời tựa cho bộ Gia Ngôn Lục)

* Một pháp Tịnh Độ chính là pháp môn Tổng Trì thành thủy thành chung để mười phương tam thế hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, lắm kẻ muốn làm bậc cao nhân đệ nhất xưa nay bèn coi thường, hủy báng [pháp này]. Chúng ta nên lấy chư Phật, chư Tổ làm thầy, chớ nên lấy những hạng cao nhân ấy làm căn cứ, sẽ được nương theo Phật từ lực vãng sanh Tây Phương ngay trong đời này. Nếu không, liễu sanh thoát tử sẽ là chuyện lâu xa lắm đấy! (Ấn Quang Văn Sao, quyển Thượng, Thư trả lời đại sư Tế Thiện)

* Những pháp môn khác tuy cao sâu huyền diệu, nhưng phàm phu sát đất ai có thể đích thân chứng được ngay trong đời này để đạt được lợi ích thật sự? Chỉ có tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương là có thể cậy vào Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh. Đã vãng sanh Tây Phương bèn siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Kẻ thấp nhất đã bằng với Tứ Quả A La Hán trong Tiểu Thừa và bậc Bồ Tát thuộc địa vị Thất Tín trong Viên giáo. Do vậy, biết pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt trong các pháp môn do đức Phật đã nói ra trong cả một đời Ngài, chớ nên dùng sự tu chứng của hết thảy các pháp môn để so sánh, bàn định [pháp này]!
Hiện thời có rất nhiều kẻ đại thông minh, coi Tịnh Độ là Tiểu Thừa, chẳng những chính mình không tu trì, mà còn lắm cách chê bai, bài bác, phá hoại sự tu trì của người khác. Chẳng biết pháp này chính là pháp để phàm lẫn thánh cùng tu: Kẻ phàm phu do nghiệp lực sắp đọa địa ngục mà niệm danh hiệu Phật liền có thể lập tức vãng sanh. Bậc Đẳng Giác Bồ Tát sắp thành Phật đạo vẫn phải dùng công đức của mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật quả.

Pháp môn Tịnh Độ lớn lao thay! Đáng thương thay, những kẻ đại thông minh chẳng những không tu trì lại còn chê bai, bài bác! May mắn thay, ngu phu ngu phụ tín nguyện trì danh được cùng với Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh hải chúng làm bạn lữ. Những kẻ đại thông minh kia dẫu có túc phước nên chẳng ngay lập tức đọa vào tam đồ, nhưng mong được kề vai sát cánh với ngu phu ngu phụ vẫn chẳng thể được! Huống hồ đã báng pháp này, khó khỏi bị đọa lạc! Những kẻ ấy mắc bệnh ham cao chuộng xa, nhưng thật sự chẳng biết cội nguồn của sự cao xa. Nếu họ thấy chư vị trong Hoa Tạng hải chúng nhất trí tiến hành, dùng mười đại nguyện vương cầu sanh Tây Phương sẽ hổ thẹn muốn chết, đâu dám coi pháp môn này là Tiểu Thừa chẳng đáng để tu trì ư? (Ấn Quang Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời Trần Huệ Cung và Tôn Huệ Giáp)

* Hơn nữa, pháp Tịnh Độ lợi khắp mọi căn cơ, quả thật là pháp môn đặc biệt trong giáo pháp của suốt một đời đức Như Lai, lợi ích vượt trỗi những giáo lý thông thường trong cả một đời [giáo hóa của đức Phật]. Câu nói của cổ đức: “Dĩ Quả Địa Giác vi Nhân Địa Tâm, cố đắc nhân cai quả hải, quả triệt nhân nguyên” (Do dùng sự giác ngộ nơi quả vị để làm cái tâm trong khi tu nhân nên nhân bao trùm biển quả, quả thấu tột nguồn nhân), có thể nói là khéo hình dung nhất, không còn gì hay tuyệt hơn được nữa!

Huống chi Liên Tông Tứ Tổ là đại sư Pháp Chiếu đích thân gặp đức Văn Thù dạy niệm Phật. Há có nên chẳng ngửa tuân theo thánh ý chuyên chú niệm Phật, vẫn cứ muốn cậy vào tự lực, vứt bỏ Phật lực, chỉ mong chống đỡ môn đình cho lớn lao, chẳng tính đến chuyện có được lợi ích hay không? Hâm mộ hư danh, khinh rẻ lợi ích thật sự, sao lại mất trí điên cuồng quá mức như thế ấy?