Kinh Đại Bát Niết Bàn
PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT THỨ 22
__________________________________________________ ______________________________________


Nếu nói rằng chỗ phiền não dứt là Niết bàn, Bồ Tát từ vô lượng kiếp đã dứt phiền não, cớ sao chẳng đặng gọi là Niết Bàn ? Đều đồng dứt, cớ sao gọi riêng chư Phật có Niết Bàn, còn Bồ Tát thời không ? Nếu dứt phiền não chẳng phải là Niết Bàn cớ sao ngày trước đức Như Lai bảo ông Sanh Danh : Chính thân của ta đây là Niết Bàn. ?

Lúc Như Lai ở nước Tỳ Xá Ly, Ma Vương lại đến thưa : Thế Tôn ngày trước nói rằng vì chưa có hàng đệ tử đa văn trì giới thông minh trí huệ có thể giáo hóa chúng sanh, nên Thế Tôn chẳng nhập Niết bàn. Nay đã đầy đủ cớ sao Thế Tôn chẳng nhập ? Như Lai bảo Ma Vương : Sau đây ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn ! Giả sử diệt độ chẳng phải nhập Niết bàn, tại sao đức Như Lai lại hẹn ba tháng sẽ nhập Niết Bàn ?

Bạch Thế Tôn ! Nếu dứt phiền não là Niết Bàn, ngày trước lúc đức Như Lai ngồi nơi đạo tràng Bồ Đề dứt hết phiền não bèn là Niết Bàn, sao lại nói với Ma Vương sau ba tháng sẽ nhập Niết Bàn ?

Bạch Thế Tôn ! Nếu lúùc đó là Niết Bàn, tại sao lại tuyên bố đến cuối đêm sẽ nhập Niết Bàn ?

Đức Như Lai là đấng thành thiệt, cớ sao lại nói những lời hư vọng như vậy ?


Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát : “Nầy Thiện nam tử ! Như Lai đã đặng tướng lưỡi rộng dài, phải biết rằng Như Lai từ vô lượng kiếp đã lìa vọng ngữ. Tất cả chư Phật và Bồ Tát phàm có nói ra đều là lời thành thật chắc chắn không hư dối.

Nầy Thiện nam tử ! Ngày trước Ma Ba Tuần thỉnh Phật nhập Niết Bàn, mà Ma Vương chẳng biết tướng Niết Bàn. Ý Ma Vương cho rằng chẳng giáo hoá chúng sanh yên lặng bất động đó là Niết Bàn. Ví như người đời thấy có ai chẳng nói chẳng làm, bèn cho rằng người nầy như chết. Ý Ma Vương cũng như vậy.

Nầy Thiện nam tử ! Như Lai chẳng nói Phật Pháp và chúng Tăng không có tướng sai khác. Chỉ nói thường trụ và thanh tịnh hai pháp nầy không sai khác. Phật cũng chẳng nói Phật cùng Phật tánh và Niết Bàn không có tướng sai khác, chỉ nói thường hằng bất biến là không sai khác, Phật cũng chẳng nói Niết Bàn và thiệt tướng không có tướng sai khác, chỉ nói thường trụ và thật chẳng biến đổi không có sai khác.