Kinh Đại Bát Niết BànPHẨM PHẠM HẠNH THỨ 20__________________________________________________ ______________________________________
Sáng ngày sau, đức Như Lai xuất định, không ai hỏi, dùng Tha tâm trí mà tự nói rằng : Nầy các Tỳ-kheo : Tất cả chư Thiên thọ mạng rất dài. Lành thay ! Các Tỳ- kheo biết vì người, chẳng cầu tư lợi, biết thiểu dục, biết tri túc, được tịch tịnh.
Những Kinh như trên đây không ai hỏi đức Phật tự giảng nói đó gọi là Ưu Đà Na Kinh (Tự Thuyết).
Những gì là Ni Đà Na ? Như trong các Kinh do nhơn duyên Phật vì người khác diễn nói. Lệ như : Trong nước Xá Vệ có một chàng trai giăng lưới bắt chim, bắt đặng chim nhốt trong lồng, cho ăn lúa uống nước rồi lại thả đi. Đức Thế Tôn biết nhơn duyên đó mà nói kệ rằng:
"Chớ khinh tội nhỏ, Cho là không họa, Giọt nước dầu nhỏ, Lần đầy lu lớn."
Như trên đây gọi là Ni Đà Na Kinh ( Nhơn Duyên).
Những gì là A Ba Đà Na ? Như những thí dụ trong Luật nói.
Những gì là Y Đế Mục Đa Dà ! Lệ như đức Phật nói : Nầy các Tỳ-kheo ! Lúc ta xuất thế những điều ta dạy bảo gọi là Giới Kinh. Lúc đức Câu Lưu Tôn Phật xuất thế lời Phật dạy gọi là Trống Cam-lồ . Lúc đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni xuất thế lời Phật dạy gọi là Pháp Cảnh.
Lúc đức Phật Ca Diếp xuất thế lời Phật dạy gọi là Phân Biệt Không.
Như trên đây gọi là Y Đế Mục Đa Dà Kinh (Bổn Sự).
Những gì là Xà Đà Dà ? Lệ như đức Phật xưa kia làm vị Bồ Tát tu khổ hạnh. Như Phật nói : Nầy các Tỳ kheo ! Thuở quá khứ ta từng làm nai, làm gấu, làm cheo, làm thỏ, làm quốc vương, làm Chuyển Luân Thánh Vương, làm rồng, làm kim súy điểu v.v… Như trên đây gọi là Xa Đà Dà Kinh (Bổn Sanh).
Những gì là Tỳ Phật Lược ? Tức là những Kinh điển thuộc về Đại thừa Phương đẳng nghĩa lý rộng lớn dường như hư không (Phương Quảng).
Những gì là Vị Tằng Hữu ? Lệ như lúc đức Bồ Tát mới sanh không ai đỡ dắt mà tự đi bảy bước, phóng quang minh lớn ngó khắp mười phương. Lệ như con vượn tay bưng bát mật dâng cúng đức Như Lai,. Lệ như chó cổ trắng đến bên Phật nghe pháp. Lệ như Ma vương Ba Tuần biến làm trâu xanh đi trong bát sành, làm cho các bát sành đụng chạm lẫn nhau mà không nứt bể. Lệ như Phật lúc mới sanh lúc vào Thiên miếu làm cho Thiên tượng đứng dậy bước xuống đảnh lễ.
Những đoạn Kinh như trên đây gọi là Vị Tằng Hữu Kinh.