Kinh Đại Bát Niết Bàn Quyển 4 _ PHẨM TỨ TƯỚNG THỨ BẢY
__________________________________________________ ______________________________________
Lại còn có nghĩa thế nầy: "Tự Chánh" là được Đại bát Niết bàn đây.
"Chánh Tha" là Như Lai vì Tỳ Kheo mà nói rằng Như Lai thường còn không biến đổi.
"Tùy vấn đáp" là, nầy Ca Diếp! Nhơn ông hỏi mà Như Lai mới được dịp vì đại chúng giảng nói nghĩa lý thậm thâm vi diệu trên đây.
"Nghĩa nhơn duyên" là, hàng Thanh văn Duyên giác không hiểu được nghĩa rất sâu như vậy, chẳng nghe chữ y do ba điểm mà thành, Giải thoát cùng Niết bàn và Ma ha Bát nhã thành tạng bí mật.
Nay Như Lai ở nơi đại hội đây xiển dương phân biệt, khai phát huệ nhãn cho hàng Thanh văn. Giả sử có người nói rằng bốn sự như vậy là một, thế nào chẳng phải hư vọng ư? Thời nên gạn trở lại rằng hư không đây, không chỗ có, không ngại, không động, bốn sự như vậy có gì là khác. Ðâu gọi là hư vọng được!"
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Các câu như vậy chính là một nghĩa, đó là nghĩa Không.
Tự chánh, chánh tha, hay tùy vấn đáp và hiểu nghĩa nhơn duyên, cũng lại như vậy, đồng là Đại Niết bàn cả"
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: "Nếu có người nói thế này: Như Lai vô thường. Biết là vô thường, vì như lời Phật dạy diệt các phiền não gọi là Niết bàn, cũng như lửa tắt thời không chỗ có, dứt các phiền não gọi là Niết bàn cũng lại như vậy, thế sao Như Lai là pháp thường trụ không biến đổi ư? Lại như Phật dạy, rời các cõi hữu lậu, bèn gọi là Niết bàn, trong Niết bàn đây không có các cõi hữu lậu, thế sao Như Lai là pháp thường trụ không biến đổi ư? Như cái áo hư rách hết, chẳng còn gọi là món vật. Cũng vậy, Niết bàn dứt các phiền não chẳng gọi là vật gì. Thế sao Như Lai là pháp thường trụ không biến đổi ư? Ðức Phật cũng dạy: ly dục tịch diệt gọi là Niết bàn, như người bị chém đứt đầu thời không còn có đầu, cũng vậy, ly dục tịch diệt rỗng trống, không chỗ có nên gọi là Niết bàn. Thế sao Như Lai là pháp thường trụ không biến đổi ư? Phật từng dạy rằng:
Như sắt nướng đỏ
Ðập văng mạt lửa
Văng ra liền tắt,
Chẳng biết ở đâu!
Ðược chánh giải thoát.
Cũng lại như vậy.
Ðã lìa dâm dục,
Các cõi hữu lậu.
Ðược quả vô động,
Không rõ đến đâu!