Kinh Đại Bát Niết Bàn
PHẨM SƯ TỬ HỐNG BỒ TÁT THỨ 23
__________________________________________________ ______________________________________


Nầy Thiện nam tử ! Có lúc thiểu dục chẳng gọi là tri túc, cũng có tri túc chẳng gọi là thiểu dục, cũng có thiểu dục mà cũng tri túc, cũng có chẳng tri túc chẳng thiểu dục.

Thiểu dục đó là nói bực Tu Đà Hoàn. Tri túc đó là nói Bích Chi Phật. Thiểu dục tri túc đó là nói A La Hán. Chẳng thiểu dục chẳng tri túc đó là nói Bồ Tát.

Nầy Thiện nam tử ! Thiểu dục tri túc lại có hai thứ : Một là thiện, hai là bất thiện. Bất thiện là nói phàm phu. Thiện là nói Thánh nhơn và Bồ Tát. Tất cả Thánh nhơn dầu chứng được đạo quả mà chẳng tự xưng nói vì chẳng tự xưng nói nên trong lòng chẳng não hận, đây gọi là tri túc.

Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát tu tập Kinh Đại Niết Bàn, vì muốn thấy Phật tánh nên tu tập thiểu dục tri túc.

Thế nào là tịch tịnh ? Tịch tịnh có hai : Một là tâm tịnh, hai là thân tịnh. Thân tịch tịnh thời trọn chẳng gây tạo ba điều ác nơi thân. Tâm tịch tịnh cũng chẳng gây tạo ba điều ác nơi ý, đây gọi là thân tâm tịch tịnh.

Thân tịch tịnh trọn chẳng gần gũi bốn chúng, chẳng dự việc của bốn chúng. Tâm tịch tịnh là chẳng quen tập tham dục, sân khuể, ngu si. Đây gọi là thân tâm tịch tịnh. Hoặc có Tỳ Kheo thân dầu tịch tịnh mà tâm chẳng tịch tịnh. Có Tỳ Kheo thân chẳng tịch tịnh mà tâm tịch tịnh. Có Tỳ Kheo thân tâm đều tịch tịnh. Lại có Tỳ Kheo thân tâm đều chẳng tịch tịnh.

Người thân tịch tịnh mà tâm chẳng tịch tịnh, như có Tỳ Kheo ngồi thiền chỗ vắng vẻ xa lìa bốn chúng mà trong lòng luôn chứa nhóm tham dục, sân khuể, ngu si.

Người tâm tịch tịnh mà thân chẳng tịch tịnh, như có Tỳ Kheo gần gũi bốn chúng cùng Quốc Vương, đại thần mà trong lòng dứt tham, sân, si. Người thân tâm đều tịch tịnh, chính là chư Phật và Bồ Tát.

Người thân tâm đều chẳng tịch tịnh chính là các phàm phu, vì phàm phu thân tâm dầu yên tịnh nhưng không thể quán sát sâu xa lý vô thường vô lạc vô ngả vô tịnh, do đây nên phàm phu không thể tịch tịnh được thân, khẩu, ý ba nghiệp.

Hạng Nhứt xiển đề phạm bốn tội nặng, tạo năm tội nghịch cũng chẳng gọi là thân tâm tịch tịnh.

Thế nào là tinh tấn ? Nếu có Tỳ Kheo muốn cho thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh nên xa lìa tất cả hạnh nghiệp bất thiện mà tu tập tất cả nghiệp lành, đây gọi là tinh tấn.