Kinh Đại Bát Niết Bàn PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT THỨ 22
__________________________________________________ ______________________________________
22. PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU
CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát : “Nầy Thiện nam tử ! Nếu có Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn như vậy, thời đặng mười công đức mà hàng Thanh Văn Bích Chi Phật chẳng có. Công đức nầy chẳng thể nghĩ bàn, người nghe đến sẽ kinh sợ. Công đức nầy chẳng phải trong ngoài, chẳng phải khó dễ, chẳng phải tướng phi tướng, không có tướng mạo, chẳng phải là thế pháp, trong thế gian không có. Đây là mười công đức :
Công đức thứ nhứt có năm điều : Một là chỗ chẳng nghe có thể đặng nghe, hai là nghe rồi có thể làm lợi ích, ba là có thể dứt tâm nghi hoặc, bốn là trí huệ chánh trực, năm là có thể biết Tạng bí mật của Như Lai.
Những gì là chỗ chẳng nghe có thể được nghe ? Chính là nghĩa vi mật rất sâu : Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Phật và Pháp cùng tăng không có sai khác, tánh tướng của Tam Bảo là thường, lạc, ngã, tịnh, tất cả chư Phật không rốt ráo nhập Niết Bàn là thường trụ không biến đổi. Lại Niết Bàn của Như Lai chẳng phải có không, chẳng phải hữu vi vô vi, chẳng phải hữu lậu vô lậu, chẳng phải sắc phi sắc, chẳng phải danh phi danh, chẳng phải tướng phi tướng, chẳng phải hữu phi hữu, chẳng phải vật phi vật, chẳng phải nhơn quả, chẳng phải đãi phi đãi, chẳng phải minh ám, chẳng phải xuất phi xuất, chẳng phải thường phi thường, chẳng phải đoạn phi đoạn, chẳng phải thỉ chung, chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, chẳng phải ấm phi ấm, chẳng phải nhập phi nhập, chẳng phải giới phi giới, chẳng phải thập nhị nhơn duyên, chẳng phải phi nhơn duyên. Những pháp như vậy đều vi mật rất sâu, từ trước chỗ chẳng nghe mà có thể được nghe. Lại có chỗ chẳng nghe, như là tất cả sách vỡ ngoại đạo : Tỳ Đà Luận, Tỳ Dà La Luận, Vệ Thế Sư Luận, Ca Tỳ La Luận, cùng tất cả kỹ nghệ, chú thuật, y dược, thiên văn, địa lý v.v…, nay ở nơi kinh nầy mà đặng biết tất cả. Lại có mười một bộ kinh trừ Tỳ Phật Lược, cũng không có những nghĩa rất sâu như vậy, nay do kinh nầy mà đặng biết rõ đó. Đây gọi là chỗ chẳng nghe mà có thể được nghe.