DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 663
  1. #1
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Như-Lai sẽ nói ba pháp tu đặc thắng. `

    Khổ cho là vui, vui cho là khổ, là pháp điên đảo. Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, là pháp điên đảo. Vô-ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, là pháp điên đảo. Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, là pháp điên đảo. Có bốn pháp điên đảo như vậy thời là người chẳng rõ pháp tu chơn chánh.

    Các thầy ở trong pháp khổ tướng cho là vui, ở trong vô thường tưởng cho là thường, ở trong vô-ngã tưởng cho là ngã, ở trong bất tịnh tưởng cho là tịnh.

    Thế gian cũng có thường, lạc, ngã, tịnh. Xuất thế cũng co thường, lạc, ngã tịnh. Pháp thế gian có văn tự mà không thật nghĩa. Xuất thế có văn tự có thật nghĩa. Tại sao vậy ? Vì pháp thế gian có bốn sự điên đảo nên chẳng biết thật nghĩa. Lại có tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Vì có ba sự điên đảo nầy nên người thế gian ở trong lạc thấy là khổ, trong thường thấy vô thường, trong ngã thấy vô ngã, trong tịnh thấy bất tịnh, đây gọi là điên đảo. Vì điên đảo nên thế gian biết văn tự mà chẳng biết thật nghĩa.

    Gì là thật nghĩa? Vô ngã gọi là sanh tử, còn ngã gọi là Như-Lai. Vô thường là Thanh-văn Duyên- giác, còn thường là Như-Lai pháp thân. Khổ là tất cả ngoại đạo, còn lạc là Niết-bàn. Bất tịnh là pháp hữu vi, còn tịnh là chánh pháp của chư Phật và Bồ-Tát. Đây gọi là chẳng điên đảo. Vì chẳng điên đảo nên biết văn tự biết thật nghĩa. Nếu muốn lìa khỏi bốn sự điên đảo thời phải rõ biết thường, lạc, ngã, tịnh như vậy.


    Các Tỳ-kheo bạch Phật : "Bạch Thế-Tôn ! Như lời đức Thế-Tôn dạy rằng dứt lìa bốn sự điên đảo ấy thời được rõ biết thường, lạc, ngã, tịnh. Nay đức Như-Lai trọn không có bốn sự điên đảo thời đã rõ biết thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu đã rõ biết thường, lạc, ngã, tịnh sao đức Như-Lai không ở đời một kiếp hoặc nửa kiếp để dạy dỗ chúng con, cho chúng con khỏi lìa bốn sự điên đảo, mà lại vất bỏ chúng con muốn nhập Niết-bàn. Nếu được đức Như-Lai đoái thương dạy bảo, chúng con sẽ hết lòng tuân lời tu tập. Nếu đức Như-Lai nhập Niết-bàn, chúng con không thể mang thân độc hại nầy mà tu phạm hạnh. Chúng con cũng sẽ nhập Niết-bàn theo Phật.”

    Phật bảo các Tỳ-kheo : "Các thầy chớ nói như vậy. Bao nhiêu Vô thượng chánh pháp của Phật, Như-Lai đều đem giao phó cho Ma-Ha-Ca-Diếp. Ma-Ha-Ca-Diếp sẽ là chổ y-chỉ hoàn toàn cho các thầy, cũng như đức Như-Lai là chổ y-chỉ của tất cả chúng sanh.

    Ví như Quốc vương lúc đi tuần du, đem quốc sự giao phó cả cho đại thần. Cũng vậy, Như-Lai đem Chánh pháp giao phó cho Ma-Ha-Ca-Diếp"
    .

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  2. #2
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Các thầy nên biết rằng chỗ tu pháp khổ vô thường trước kia chẳng phải là chơn thật. Ví như mùa Xuân, có một nhóm người chơi thuyền trong hồ lớn làm rớt chìm ngọc lưu ly. Nhóm người ấy liền cùng nhau hụp lặn tìm ngọc, bóc nhằm hòn sỏi viên đá, bụng mừng cho là ngọc, đến lúc đem ra khỏi nước mới rõ là không phải. Lúc ấy ngọc lưu ly vẫn ở dưới nước, do thế lực của ngọc mà nước hồ đều đứng trong. Bấy giờ nhóm người ấy mới nhìn thấy viên ngọc. Có một người trí tìm cách khéo chẫm rãi lặn xuống tìm vớt được ngọc.

    Các thầy chớ nên cho sự tu tập pháp quán vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh như vậy là thật nghĩa. Như nhóm người kia lặn xuống nước bốc nhằm sạn đá mà cho là ngọc. Các thầy phải khôn khéo nơi nơi chỗ chỗ, luôn tu pháp quán ngã, thường, lạc, tịnh. Lại cần nên biết tướng mạo tu tập bốn pháp trước kia đều là điên đảo. Muốn được chơn thiệt tu các pháp quán, tức là quán ngã, thường, lạc, tịnh thời phải như người trí khéo vớt được ngọc kia.


    Các Tỳ-kheo bạch Phật : "Bạch Thế-Tôn ! Ngày trước đức Phật dạy rằng các pháp vô ngã, các ông phải tu học. Tu học pháp vô ngã sẽ lìa sự chấp ngã, lìa chấp ngã thời lìa kiêu mạn, lìa kiêu mạn, thời chứng Niết-bàn. Nghĩa ấy thế nào ?

    Đức Phật bảo các Tỳ-kheo : "Lành thay ! Lành thay ! Nay các thầy có thể bạch hỏi nghĩa ấy để tự dứt chỗ nghi ngờ.

    Nầy các thầy ! Ví như quốc vương kém sáng suốt, tin dùng một Y sư vụng về, tánh tình lại cao ngạo, Phàm trị bịnh gì cũng thuần dùng sữa để làm thuốc cả , thêm nỗi chẳng rõ căn do của bịnh, dầu biết dùng sữa mà chẳng hiểu rành, chẳng biện biệt sữa tốt xấu, lành, không lành. Một hôm, từ phương xa lại một Minh-y thông cả tám nghề, rành các phương thuốc, trị bịnh rất giỏi. Cựu-y vì sẵn tánh cống-cao khinh mạn nên không đếm xỉa tới. Minh-y thấy vậy, bèn hạ mình thỉnh cựu-y làm thầy, nhơn đó được vào hầu Quốc vương. Minh-y trình bày lên Quốc vương các phương thuốc và những nghệ thuật khác. Bấy giờ Quốc vương tỉnh ngộ, xét biết cựu y là hạng vụng về cao ngạo, liền biếm truất đi, rồi trọng dụng Minh-y. Minh-y mới yêu cầu Quốc vương cấm dân chúng uống thuốc sữa của cựu-y, vì thuốc ấy độc hại, làm thương tổn người bịnh, Quốc vương chuẩn lời, ra lệnh cấm hẳn, nếu ai dùng sữa để trị bịnh sẽ bị tử hình. Minh-y cứ theo phương dược chế các thứ thuốc, phàm dân chúng có bịnh gì đều trị lành cả.

    Ít lúc sau, Quốc vương phải bịnh nặng, truyền vời Minh-y điều trị. Sau khi khám bịnh, biết rằng quốc vương phải dùng thuốc sữa, Minh y liền tâu rằng : "Ngày trước tôi yêu cầu cấm dùng sữa làm thuốc, đó là đại vọng ngữ. Nếu uống thuốc sữa rất có thể trị được bịnh. Hiện nhà vua đang phải bịnh nóng, chính nên dùng sữa”
    .

    Vua bảo : "Có lẽ ông điên cuồng hay bị bịnh loạn óc rồi, mới nói rằng uống sữa trị được bịnh của ta. Cựu-y dùng sữa, ông cho là độc, bảo ta biếm truất và cấm hẳn, nay trở lại nói sữa là tốt hay trị được bịnh. Ông muốn khi dối ta ư ? Cứ theo lời ông nói thời cựu-y có thể hơn ông rồi”.

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  3. #3
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Minh y tâu : “Thưa Đại-Vương ! Như mối ăn gỗ ngẫu nhiên thành chữ, con mối nầy tự nó không biết là chữ hay không phải chữ. Ngừơi trí xem thấy trọn không bao giờ tuyên xướng rằng con mối biết chữ và cũng chẳng lấy làm lạ.

    Cũng vậy, cựu-y không hiểu căn bịnh, bịnh gì cũng dùng thuần sữa để trị, lại không biết sữa là tốt hay xấu, là lành hay không lành”

    Vua nói : "Xin ông giải thích cho ta rõ”

    Minh y tâu : "Thuốc sữa kia cũng là độc hại, cũng là cam lộ. Thế nào là thuốc sữa cam lộ ? Nếu là bò cái không ăn bã hèm trấu cặn, con nghé của nó rất điều thiện, chỗ thả chăn không phải cao nguyên cũng không quá thấp ướt, nước uống trong sạch, chẳng cho chạy nhảy, chẳng cho chung bầy với bò đực, cho nó ăn uống đi đứng vừa chừng phải cách. Sữa của bò nầy trị được nhiều bịnh gọi là Cam lộ. Ngoài ra các thứ sữa khác thời gọi là độc hại.

    Nghe minh y giảng giải, vua khen rằng : "Hay lắm ! Hay lắm ! Nay ta mới rõ thế nào là sửa tốt, xấu, lành, cùng chẳng lành “.

    Sau khi được uống thuốc sữa của minh y, vua được lành mạnh, vua liền truyền lịnh cho dân chúng được dùng sữa để trị bịnh. Dân chúng không vừa lòng với thái độ của nhà vua, nên hội đến hoàng cung để cật vấn.

    Quốc vương bảo dân chúng : "Mọi người chẳng nên oán trách nơi ta, về vấn đề thuốc sữa nên uống hay không nên uống đều là ý của Y sư cả không phải lỗi của ta”.

    Dân chúng vui lòng tuân lời minh y dùng thuốc sữa tốt trị bịnh, được nhiều kết quả tốt.

    Này các Tỳ-kheo ! Các thầy nên biết đức Như-Lai Ứng-Cúng Chánh-Biến-Tri, Minh-Hạnh- Túc, Thiện-Thệ Thế-Gian-Giải Vô-Thượng-Sĩ Điều-Ngự Trượng-Phu Thiên-Nhơn-Sư Phật Thế-Tôn cũng lạI như vậy. Là bực Đại y vương hiện ra nơi đời hàng phục tất cả tà y ngọai đạo. Giữa dại chúng xướng rằng ta là Y vương, vì hàng phục Ngọai đạo nên nói không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giã. Các thầy nên biết ngoại đạo mà nói là ngã đó, như mối ăn cây ngẫu nhiên thành chữ thôi. Vì thế nên trong Phật pháp đức Như-Lai nói là vô ngã để điều phục chúng sanh, và vì là lúc phải nói là vô ngã. Rồi cũng vì có nhơn duyên nên cũng nói có ngã. Như Minh y kia biết rõ nơi sữa phải thuốc, hay không phải thuốc. Chẳng phải như chỗ chấp ngô ngã của phàm phu. Phàm phu chấp ngã lớn như ngón tay cái, hoặc như hột cải, hoặc như vi trần. Ngã của Như-Lai nói đều không phải như vậy, vì thế nên nói các pháp không ngã, mà chính thiệt chẳng phải là không ngã. Thế nào là thiệt ? Nếu Pháp là thiệt, là chơn, là thường, là chủ, là sở-y, tánh không biến đổi, đó gọi là Ngã. Như minh y kia hiểu rành thuốc sữa. Cũng vậy, Như-Lai vì chúng sanh mà nói trong các pháp chơn thiệt có ngã.
    Bốn bộ đệ tử của Như-Lai đều phải tu pháp quán chơn ngã như vậy.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  4. #4
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 2 _ PHẨM AI THÁN THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    THÍCH NGHĨA:

    (17) THẾ TÔN : Đấng tôn quý nhứt trong tất cả thế gian và xuất thế gian. Từ ngữ này gồm đủ mười điều vô-thượng : 1 – Như-Lai, 2 – Ứng-Cúng. 3- Chánh-Biến-Tri. 4- Minh-Hạnh-Túc. 5- Thiện- Thệ. 6- Thế-Gian-Giải. 7- Vô-Thượng-Sĩ. 8- Điều-Ngự-Trượng-Phu. 9- Thiên-Nhơn-Sư. 10- Phật.
    (18) LA-HẦU-LA : Con trai của Thái-Tử Sĩ-Đạt-Ta và Da-Du-Đà-La
    (19) BỐ-THÍ-BA-LA-MẬT : Công hạnh bố thí đã đến từng ngã và pháp đều không, đã rốt ráo viên mãn. Biệt-Giáo bực sơ địa viên giáo bực sơ trụ mới thành tựu hạnh nầy.
    (20) TRÍ-HUỆ CHỨNG-NGÃ-KHÔNG gọi là “Nhứt-thiết-trí” Hàng nhị thừa có trí nầy. Trí-huệ chứng ngã-không và phần chứng pháp không gọi là “Đạo-chủng-trí”. Pháp thân Bồ-Tát có trí nầy. Trí huệ chứng ngã-không và toàn chứng pháp-không gọi là “Nhứt-thiết-chủng-trí” Chỉ bực Phật mới có trí nầy. Trí huệ nầy gồm có bốn trí : 1- Thành-sở-tác-trí. 2- Diệu quán-sát-trí. 3- Bình-đẳng tánh-trí. 4- Đại-viên cảnh-trí.
    (21) NGŨ NHÃN : 1- Nhục nhãn. 2- Thiên nhãn. 3- Huệ nhãn. 4 Pháp nhãn. 5- Phật nhãn.
    Phàm phu chỉ có nhục nhãn, riêng chư Thiên và chư ngũ thông tiên-nhơn gồm có thiên nhãn. A-La-Hán và Bích-Chi-Phật có nhục nhãn, thiên nhãn và huệ nhãn. Pháp thân Bồ-Tát có ba nhãn trên và pháp nhãn. Đức Phật có đủ 5 nhãn.
    (22) KIẾP-BA : là thời gian dài. Có tiểu, trung và đại ba kiếp. Một tiểu kiếp có 16798.000 năm (theo năm của nhơn loại địa cầu). Một trung kiếp có 20 tiểu kiếp. Và một đại kiếp có 4 trung kiếp hay 80 tiểu kiếp, tức là : (16798.000 năm x 80 = 1.343.840.000 năm) (một tỷ, ba trăm bốn mươi ba triệu, tám trăm bốn chục ngàn năm). Phàm trong Kinh chỉ nói bao nhiêu kiếp, mà không nói trung hay tiểu, thời thường là nói đại kiếp.
    (23) BỐN MA ; Ma phiền não, Ma ngũ-ấm, Ma chết, và Thiên ma. Nói đủ là Ma-La có nghĩa là hay phá hoại thiện căn của chúng sanh, của người tu hành.
    (24) BA ÁC ĐẠO : Súc sanh, Ngạ quỹ và Địa ngục. Ba loài nầy vì phạm tội thập ác nhẹ, vừa và nặng mà phải thọ lấy quả khổ ấy, nên gọi là ác đạo, đây là cứ nơi nghiệp nhơn ác mà đặt tên.
    Nếu theo quả khổ thời gọi là tam đồ : 1- Huyết đồ, loài súc sanh thường ăn nuốt máu thịt lẫn nhau; 2- Đao đồ, loài ngạ quy thường dùng dao gậy đánh đập nhau; 3- Hỏa đồ- loài địa ngục thường bị lửa thui đốt, nấu rang.
    (25) ƯU-ĐÀM-BÁT-LA-HOA ; dịch là Linh-Thoại-Hoa. Tục truyền ba ngàn năm mới xuất hiện một lần , là điềm Thánh-Vương, hay Thánh-Nhơn xuất thế.
    (26) HẠT CẢI GHIM ĐẦU KIM : Ném hột cải trúng dính vào đầu nhọn cây kim là chuyện rất khó xảy ra, Đức Phật ra đời là chuyện hiếm có như thế.
    (27) ĐÀN ĐỘ : “Đàn” là bố thí, “Độ” là ba-la-mật. "Đàn-Độ” là bố-thí ba-la-mật.
    (28) TAM GIỚI : ba cõi : cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.
    (29) BÔNG Y-LAN : là một thứ hoa có mùi rất hôi thúi.
    (30) ĐẾ-THÍCH : nói đủ là Thiên Đế Thích-Đề-Hoàn-Nhơn, vua cõi trời Đao-Lợi.
    (31) PHẠM-THIÊN : Thiên Vương cõi sắc.
    (31) PHIỀN NÃO : Phiền nhiễu, não loạn, tức là những tâm niệm xấu, cùng ý tưởng ác như : tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến v.v… nó làm nhiễu loạn thân tâm người, đồng thời hay phá hoại thiện căn của người, nên cũng gọi là phiền não ma.
    (33) ĐẠI-LONG-TƯỢNG ; Rồng lớn và Voi lớn là loài to mạnh trong các muông thú. Dùng danh từ nầy là dụ cho các bậc siêu nhơn Đại Bồ-Tát. Phật là Pháp-Vương, Đại Bồ-Tát sẽ thành Phật, là con của đấng Pháp-Vương nên gọi là Pháp-Vương-Tử.
    (34) HÀNH-PHÁP : Pháp di động chuyển biến.
    (35) KIM-SÍ-ĐIỂU ; Chim cánh vàng, một loài chim to nhất hay dùng rồng làm món ăn.
    (36) SÁU CÁCH CHẤN ĐỘNG : 3 CÁCH VỀ TIẾNG : 1. Tiếng nổ, 2. Tiếng loài hữu tình kêu la, 3. tiếng loài vô tình khua chạm, 3 cách về hình : 1 rung động qua lại, 2. vọt lên khỏi chỗ cũ, 3. đang nằm bỗng đứng dậy dựng lên.
    (37)- TÁM BỘ THIÊN THẦN ; Thiên thần, Long thần, Dạ xoa thần, Càn-thát-bà thần, A-Tu- La-thần, Ca-Lâu-La thần, Khẩn-Na-La thần , Ma-hầu-la thần.
    (38) Y-VƯƠNG : Đức Phật là ông Vua thuốc pháp, hay chữa lành tâm bệnh phiền não cứu chúng sanh thoát khỏi tất cả khổ thống, sanh tử, để được an vui Niết-bàn thường lạc, ngã, tịnh.
    (39)-TU-DI SƠN (Suméru) : Quả núi to nhất ở thế gian, ở giữa biển Hương-Thủy, toàn bằng bốn chất báu Vàng, bạc, lưu ly và pha lê. Đảnh núi là cõi trời Đao-Lợi, thuộc quyền Đế-Thích thống trị. Giữa núi là Cõi Tứ-Vương, do 4 vị Thiên-Vương cai quản.
    (40) A-La-Hán : Quả thứ tư trong bốn quả Thánh xuất thế thuộc Tiểu thừa : Tu-Đà-Hoàn (Dự lưu) bực nầy thấy lý tứ đế, dứt Ngã chấp phân biệt hết kiến hoặc, ra khỏi phàm phu, dự vào hàng Thánh xuất thế. Tư-Đà-Hàm (Nhứt-Lai) bực Thánh nầy đã hết kiến hoặc dứt thêm sáu phẩm trong chín phẩm tư-hoặc cõi Dục, còn một lần sanh trở lại cõi Dục mới thoát hẳn.
    A-Na-Hàm (Bất-Lai) bực Thánh đã hết kiến –hoặc và dứt cả chín phẩm tư-hoặc cõi dục, không còn sanh trở lại cõi Dục nữa.
    A-La-Hán (Vô-sanh, Sát-tặc, Ứng-cúng) bực Thánh cao nhứt trong hàng Thanh-văn Tiểu thừa, đã dứt sạch kiến-hoặc và tư–hoặc tam giới, cùng câu-sanh ngã-chấp nên gọi là Sát-Tặc. Đã khỏi hẳn sanh tử luân hồi trong lục đạo, nên hiệu là Vô-sanh, là bực đáng thọ sự cúng dường của Nhơn-Thiên, nên hiệu là Ứng-Cúng.

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  5. #5
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 3 _ PHẨM TRƯỜNG THỌ THỨ TƯ
    __________________________________________________ ______________________________________


    04. PHẨM TRƯỜNG THỌ THỨ TƯ

    (Hán bộ phần đầu quyển thứ ba)


    Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-kheo : “Các thầy ở nơi giới luật có chỗ nào Nghi ngờ, cho phép các thầy hỏi Như-Lai sẽ giải thích cho. Tất cả các pháp bổn tánh không-tịch. Như-Lai đã tu học rành rẽ thông đạt. Các thầy chớ nghĩ rằng Như-Lai chỉ tu các pháp bổn tánh không-tịch. Ở nơi giới luật có chỗ nào nghi ngờ, các thầy nên hỏi”.

    Các Tỳ-kheo bạch Phật :”Bạch Thế-Tôn ! Chúng con không đủ trí huệ để hỏi đức Như-Lai Ứng-Cúng Chánh-Biến-Tri. Vì cảnh giới của Như-Lai không thể nghĩ bàn, thiền định của Như-Lai không thể nghĩ bàn, lờI phán dạy của Như lai không thể nghĩ bàn. Vì cớ ấy nên chúng con là hạng không đủ trí huệ để hỏi đức Như-Lai.

    Bạch Thế-Tôn ! Ví như ông già trên trăm tuổi đang phải bịnh trầm trọng nằm liệt trên giường sẽ chết mất nay mai. Một người giàu kia có duyên sự muốn đến xứ khác, đem trăm cân vàng gởi cho ông già ấy mà giao ước rằng : hoặc mười năm hoặc hai mươi năm chừng nào tôi trở về thời ông huờn số vàng nầy lại cho tôi. Ông già nhận giữ vàng, không bao lâu thời chết, ông già lại không người kế tự, số vàng gởi kia đều thất lạc cả. Lúc người chủ vàng trở về không biết đòi hỏi ai, đành chịu mất vàng. Chủ vàng là kẻ vô trí, khi gửi vàng không biết chọn nơi đáng gửi, nên phải mất vàng.

    Cũng vậy, hàng Thanh-Văn chúng con dầu nghe đức Như-Lai ân cần dạy bảo mà chúng con không thể thọ trì khiến Chánh pháp được bền lâu, khác nào ông già kia nhận vàng của người gởi, rồi không sống được mà giữ gìn. Chúng con vô trí, ở nơi giới luật sẽ hỏi những gì !”


    Đức Phật nói : “Nếu nay các thầy hỏi Như-Lai thời có thể đem lại sự lợi ích cho chúng sanh, nên Như-Lai mới bảo các thầy có chỗ nào nghi thời cho phép hỏi”.

    Các Tỳ-kheo bạch Phật : "Bạch Thế-tôn ! Ví như một người trai trẻ khỏe mạnh lối hai mươi lăm tuổi, nhà giầu có, cha mẹ vợ con quyến thuộc đông đủ.. Có người đem vàng bạc đến gởi cho người trai trẻ nầy mà nói rằng :"Tôi có duyên sự cần phải đi xa. Khi tôi trở về, anh sẽ huờn số vàng bạc nầy lại cho tôi”. Người trai trẻ nhận vàng bạc và cất giữ kỹ-lưỡng. Ít lúc phải bịnh, người trai trẻ dặn thân quyến rằng số vàng bạc nầy là của ông già gởi, khi nào ông ấy đến hỏi thời giao đủ cho ông ấy. Thời gian sau, người gởi vàng bạc trở về được thân quyến của người trai trẻ huờn đủ số đã gửi. Đây là người có trí, biết chọn chỗ đáng gởi nên khỏi mất của.

    Cũng vậy, nếu đức Thế-Tôn đem pháp-bảo giao phó cho A-Nan và các Tỳ-kheo ắt chẳng đặng lâu dài, vì tất cả hàng Thanh-Văn và Ma-Ha-Ca-Diếp đều sẽ vô thường, như ông già trước kia. Đức Như-Lai nên đem Phật pháp vô-thượng giao phó cho Bồ-Tát. Vì hàng Bồ-Tát đủ trí huệ có thể hỏi Như-Lai, pháp bảo sẽ được lâu dài hưng thạnh lợi ích cho chúng sanh, như người trai trẻ trước kia. Vì những lẽ ấy, nên chỉ có hàng Bồ- tát là có thể hỏi đức Như-Lai thôi. Trí huệ của chúng con như mòng muỗi, làm sao hỏi được pháp thâm diệu của Như lai.”


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  6. #6
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 3 _ PHẨM TRƯỜNG THỌ THỨ TƯ
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bạch xong, các Tỳ-kheo đều ngồi yên lặng.

    Đức Phật khen các Tỳ-kheo rằng : "Lành thay ! Lành thay ! Các thầy khéo được tâm vô lậu, tâm A-La-Hán. Như-Lai cũng đã suy xét hai duyên cớ mà các thầy vừa trình bày, nên đem pháp Đại thừa giao phó cho hàng Bồ-Tát, khiến diệu pháp nầy được còn lâu nơi đời”.

    Đức Phật bảo toàn thể đại chúng : "Thọ-mạng của Như-Lai không thể tính lường, biện tài cũng chẳng thể cùng tận. Đại chúng phải nên tùy ý bạch hỏi hoặc nơi giới luật, hoặc nơi pháp quy-y”.

    Đức Phật tuyên bố luôn ba lần như vậy.

    Bấy giờ trong đại chúng có một vị đại Bồ-Tát tuổi còn trẻ, vốn là người trong tụ-lạc Đa-La, họ Đại-Ca-Diếp giòng Bà-La-Môn, do thần lực của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, cung kính nhiễu Phật, gối hữu chấm đất, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng : "Nay con có chút việc muốn bạch hỏi, xin đức Thế-Tôn hứa khả cho”.

    Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát : "Như-Lai Ứng-Cúng Chánh-Biến-Tri cho phép ông hỏi. Như Lai sẽ giảI quyết chỗ nghi của ông, cho ông vui mừng“.

    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : "Đức Thế-Tôn xót thương đã cho phép, nay con sẽ hỏi . Nhưng trí huệ của con rất kém. Đạo đức của Thế-Tôn cao vòi vọi, thân của Như-lai như chơn Kim cang màu như ngọc Lưu ly. Trong đại hội đây, các vị đại Bồ-Tát thảy đều thành tựu vô lượng vô biên thâm diệu công đức. Ở trước một đại hội như thế nầy, đâu dám bạch hỏi. Nay con nương sức thần thông của Phật và nhơn thiện-căn oai-đức của đại chúng mà bạch hỏi ít điều thôi”.

    Ca-Diếp Bồ-Tát liền ở trước Phật, nói kệ rằng :

    Thế nào được trường thọ
    Thân Kim cang chẳng hoại ?
    Lại do nhơn duyên gì
    Đặng sức kiên cố lớn ?
    Thế nào nơi Kinh nầy
    Rốt ráo đến bờ kia?
    Nguyện Phật vì chúng sanh
    Giảng bày nghĩa kín nhiệm.
    Thế nào đặng rộng lớn
    Làm y-chỉ cho chúng ?
    Thiệt chẳng phải La-Hán
    Mà đồng hàng La-Hán ?
    Thế nào biết Thiên ma
    Làm lưu nạn cho chúng ?
    Lời Phật, lời Ba-Tuần,
    Thế nào phân biệt biết ?
    Thế nào bực Điều-Ngự
    Hoan hỷ nói Chơn đế
    Đủ thành tựu chánh thiện
    Diễn nói bốn điên đảo ?
    Làm nghiệp lành thế nào
    Xin Thế-Tôn dạy bảo.
    Thế nào các Bồ-tát
    Thấy được tánh khó thấy ?
    Nghĩa mãn-tự, bán-tự
    Phải hiểu như thế nào ?
    Thế nào cộng thánh hạnh
    Như chim Ta-La-Ta ?
    Thế nào chưa phát tâm
    Mà gọi là Bồ-Tát ?
    Thế nào giữa đại chúng
    Mà đặng không kinh sợ
    Như vàng Diêm-Phù-Đàn
    Không ai chỉ trích được ?
    Thế nào ở đời trược
    Chẳng nhơ như hoa sen ?
    Thế nào ở phiền não
    Phiền não chẳng nhiễm được ?


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  7. #7
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 3 _ PHẨM TRƯỜNG THỌ THỨ TƯ
    __________________________________________________ ______________________________________


    Như y-sư trị bịnh
    Chẳng bị bịnh truyền lây ?
    Thế nào làm lái thuyền
    Ở giữa biển sanh tử ?
    Thế nào thoát sanh tử
    Như rắn lột da cũ ?
    Thế nào xem Tam-Bảo
    Dường như cây Thiên-Ý ?
    Ba Thừa nếu vô tánh
    Thế nào mà nói đặng,
    Như sự vui chưa có
    Sao lại nói thọ vui ?
    Thế nào các Bồ-Tát
    Mà đặng chứng bất-hoại ?
    Thế nào vì người mù
    Mà làm người chỉ đường ?
    Thị hiện nhiều đầu kia
    Xin Phật giải rõ cớ.
    Thế nào người thuyết pháp
    Thêm lớn như trăng mọc
    Thế nào lại thị hiện
    Rốt ráo nơi Niết-bàn ?
    Thế nào bực dũng kiện
    Hiện nhơn, thiên, ma, đạo ?
    Thế nào biết pháp tánh
    Mà thọ nơi pháp lạc ?
    Thế nào các Bồ-Tát
    Xa lìa tất cả bịnh ?
    Thế nào vì chúng sanh
    Diễn thuyết nơi bí mật ?
    Thế nào nói rốt ráo
    Và cũng chẳng rốt ráo ?
    Như kia dứt lưới nghi
    Tại sao nói bất định ?
    Thế nào là đặng gần
    Đạo tối thắng vô thượng ?
    Con nay thỉnh Như-Lai
    Vì các hàng Bồ-Tát
    Giảng nói pháp thậm thâm
    Các hạnh vi-diệu thảy
    Trong tất cả các pháp
    Đều có tánh an lạc.
    Cúi xin đấng Thế-tôn
    Phân biệt dạy chúng con.
    Bực nương tựa của chúng
    Diệu-dược Lưỡng-Túc-Tôn !
    Nay muốn hỏi các ấm
    Mà con không trí huệ
    Các Bồ-Tát tinh tấn
    Cũng lại chẳng biết được.
    Cảnh giới của chư Phật
    Rất sâu mầu như vậy.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  8. #8
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    Quyển 3 _ PHẨM TRƯỜNG THỌ THỨ TƯ
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đức Phật khen Ca-Diếp Bồ-tát : “Lành thay ! Lành thay ! Nay ông chưa được Nhứt thiết chủng trí, Như-Lai đã được, nhưng bí tạng rất sâu của ông vừa hỏi đồng như chỗ hỏi cùa bực Nhất thiết trí.
    Này thiện nam tử ! Lúc ta mới thành đạo Chánh giác nơi cội Bồ-đề, có vô lượng Bồ-Tát ở mười phương thế giới cũng từng đến hỏi Như-Lai những nghĩa thậm thâm ấy. Văn nghĩa công đức đã hỏi ngày trước cùng với của ông hôm nay đồng nhau không khác.
    Hỏi như vậy có thể đem sự lợi ích lại cho vô lượng chúng sanh”.


    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn ! Con không đủ trí để hỏi Như Lai về những thâm nghĩa ấy.
    Ví như muỗi mòng chẳng thể bay qua đến bờ kia của biển cả, cùng lượn khắp hư không. Cũng vậy, con không thể bạch hỏi Như Lai về những nghĩa biển cả trí huệ và hư không pháp tánh rất sâu như vậy.
    Ví như Quốc vương đem viên minh châu trong búi tóc giao cho quan giữ kho. Quan giữ kho lãnh châu hết lòng cung kính gìn giữ. Cũng vậy, con hết lòng cung kính giữ gìn nghĩa lý Đại thừa rất sâu của Như-Lai truyền dạy. Vì nghĩa lý ấy làm cho con được trí huệ sâu rộng”.


    Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Lóng nghe ! Lóng nghe ! Như–Lai sẽ vì ông mà nói nghiệp nhơn trường thọ của Như-Lai đã được. Do nơi nghiệp nhơn nầy mà Bồ Tát được thọ mạng dài lâu. Nếu hạnh nghiệp có thể làm nhơn cho quả Bồ-Đề thời phải nên thành tâm nghe kỹ và lãnh thọ nghĩa ấy. Đã tự lãnh thọ rồi nói lại cho người khác. Do tu tập hạnh nghiệp ấy mà Như-Lai đặng thành Vô thượng Chánh giác. Nay lại vì người mà giảng rộng ý nghĩa ấy.

    Ví như vương tử phạm tội bị giam vào ngục, nhà vua rất nhớ thương con, đích thân ngự đến ngục thất. Cũng vậy, muốn được trường thọ, Bồ Tát phải nên hộ niệm tất cả chúng sanh, xem như con ruột, sanh lòng đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, truyền cho giới bất sát, dạy cho tu pháp lành. Cũng nên để tất cả chúng sanh ở nơi ngũ giới thập thiện. Lại đến Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A-tu-la v.v…, để cứu vớt những kẻ khổ não trong các nơi ấy. Giải thoát kẻ chưa giải thoát, cứu độ người chưa được cứu độ. Người chưa chứng Niết bàn làm cho chứng Niết bàn. An ủi tất cả người đang ở trong cảnh kinh sợ. Do các nghiệp nhơn trên đây mà Bồ Tát được thọ mạng dài lâu. Nơi các trí huệ được tự tại. Sau khi maïng chung sanh lên cõi trên”.


    Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn ! Bồ-Tát Ma-Ha-Tát bình đẳng xem chúng sanh đồng như con ruột, nghĩa ấy rất sâu, con chưa hiểu được. Đức Thế Tôn chẳng nên nói Bồ Tát đối với chúng sanh tu tâm bình đẳng xem đồng như con, vì trong Phật pháp có người phá giới, có kẻ phạm tội nghịch, có kẻ hủy báng Chánh pháp. Sao lại với những hạng ấy mà xem đồng như con ?”.

    Phật dạy: “Phải đấy ! Như Lai đối với chúng sanh thiệt xem đồng là con nhỏ La-Hầu-La”.

    Lấy buông xả làm đạo hạnh

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •