Kinh Đại Bát Niết Bàn
Quyển 3 _ PHẨM TRƯỜNG THỌ THỨ TƯ
__________________________________________________ ______________________________________


Ca-Diếp Bồ-Tát thưa : “Bạch Thế-Tôn ! Có sự sai khác gì giữa xuất-thế-pháp cùng thế pháp ? Như lời Phật dạy : Phật là pháp thường trụ, là pháp không biến đổi. Người đời cũng nói Phạm-Thiên là thường, Tự-Tại-Thiên là thường, không biến đổi, họ cũng nói Ngã là thường, Tánh là thường, Vi-Trần cũng thường.
Nếu nói Như-Lai là pháp thường trụ, cớ sao Như-lai chẳng thường hiện nơi đời ? Nếu không thường hiện nơi đời thời có khác gì nghĩa thường của thế gian . Vì Phạm-Thiên nhẫn đến vi trần cũng chẳng hiện”.


Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát : "Ví như nhà trưởng giả kia có nuôi nhiều bò, màu lông khác nhau, đồng chung một bầy. Trưởng giả giao bầy bò cho người chăn thả đi ăn cỏ uống nước, chỉ vì vị đề-hồ chớ chẳng cầu sữa bơ. Người chăn ấy vắt sữa rồi tự uống. Trưởng giả chết, bao nhiêu bò đều bị bọn cướp đoạt cả. Bọn cướp tự vắt sữa ra uống, rồi bàn với nhau rằng ông Trưởng giả nuôi bầy bò nầy chỉ muốn đặng vị đề-hồ chớ không cầu sữa bơ. Chúng ta làm cách gì để đặng đề-hồ. Đề-hồ là phẩm vật quý nhứt trong đời. Chúng ta không có gì đựng, dầu vắt được sữa cũng không chỗ chứa. Chúng lại bàn đựng sữa trong túi da. Dầu có đồ đựng nhưng vì không biết cách làm, nên bơ còn không được thành, huống là đề-hồ . Vì muốn được đề-hồ, bọn cướp đổ thêm nước vào túi sữa, vì quá nhiều nước nên chẳng những không được đề-hồ, bơ, mà cả sữa cũng mất.

Phàm phu cũng vậy, dầu có pháp lành nhưng đều là pháp thừa của Như-Lai. Sau khi Thế-Tôn nhập Niết-bàn, họ trộm pháp lành thừa của Như-Lai hoặc, giới, định, hoặc huệ. Như bọn cướp đoạt bầy bò. Hạng phàm phu dầu lại đặng giới, định, trí huệ, nhưng không có phương tiện nên chẳng giải thuyết được. Vì nghĩa nầy nên họ không thể đặng thường giới, thường định, thường huệ giải thoát. Như bọn cướp kia chẳng biết phương tiện không được đề-hồ, rồi vì đề-hồ mà đổ nước vào sữa. Cũng vậy, hạng phàm phu vì giải thoát mà nói Ngã hoặc Phạm-Thiên, Tự-Tại-Thiên, nhẫn đến Phi-Tưởng, Phi-Phi-Tưởng-Thiên chính là Niết-bàn kỳ thiệt họ chẳng được giải thoát Niết-bàn. Như bọn cướp kia không được đề-hồ.

Hạng phàm phu ấy có chút ít phạm hạnh, cúng dường cha mẹ, nhờ đây được sanh lên Trời hưởng một ít an lạc, như bọn cướp kia được sữa pha với nước. Mà hạng phàm phu ấy thiệt chẳng biết là do tu ít phạm hạnh, cúng dường cha mẹ đặng sanh lên cõi Trời, họ lại chẳng biết được giới, định, trí huệ, quy-y Tam-bảo, rồi do chẳng biết mà nói thường, lạc, ngã, tịnh. Dầu lại nói thường, lạc, ngã, tịnh, mà thiệt ra thời họ chẳng biết. Vì thế nên sau khi ra đời, Như-Lai vì chúng sanh mà diễn nói thường, lạc, ngã, tịnh.

Như vua Chuyển-Luân ra đời, do sức phước đức của vua nên bọn cướp tan vỡ, bầy bò vẫn còn nguyên vẹn. Nhà vua bèn giao bầy bò cho người chăn rành nghề, do đó mà được đề-hồ, và nhờ đề-hồ ma nhơn dân khỏi bịnh khổ.

Lúc đấng Pháp-Vương ra đời, hạng phàm phu không thể diễn thuyết giới, định, trí huệ kia liền tan rã như bọn cướp. Bấy giờ Như-Lai khéo giảng thế-pháp và xuất-thế-pháp. Vì chúng sanh mà khiến các vị Bồ-tát theo đó để diễn thuyết. Chư đại Bồ-tát đã được đề-hồ, lại làm cho vô số chúng sanh được pháp-vị cam-lộ vô-thượng, tức là thường, lạc, ngã, tịnh, của Như-lai.

Nầy Ca-Diếp ! Vì những nghĩa ấy, nên Như-Lai là thường, là pháp không biến đổi. Chẳng đồng hạng người ngu trong đời gọi Phạm-Thiên v.v… là pháp thường còn.
Gọi là pháp thường trụ thời phải là Như-Lai chớ chẳng phải pháp nào khác. Ông phải hiểu biết thân Như-Lai là như vậy.
Nầy Ca-Diếp ! Mọi người nên thường chuyên lòng tu hai chữ nầy : Phật là “Thường-trụ”. Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn nào tu hai chữ nầy, nên biết người ấy đi theo đường Phật đi, đến chỗ Phật đến.
Nầy Ca-Diếp ! Nếu người tu tập hai chữ nầy làm tướng tịch diệt, nên biết Như-Lai thời là nhập Niết-bàn đối với người ấy.
Nầy Ca-Diếp ! Nghĩa Niết-bàn chính là pháp tánh của chư Phật”.