DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 57/67 ĐầuĐầu ... 7475556575859 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 561 tới 570 của 663
  1. #561
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nói chìm luôn , là cá lớn mang nghiệp ác lớn thân nặng ở sâu nên chìm luôn.

    Nói tạm thời nổi lên rồi lại chìm, là cá lớn vì nghiệp ác thân nặng ở chỗ cạn tạm thời thấy ánh sáng, do ánh sáng tạm thời nổi lên, rồi vì thân nặng mà lại chìm xuống.

    Nói nổi lên rồi ở lại, là cá Kỳ Di ở chỗ nước cạn thích thấy ánh sáng nên nổi lên rồi ở lại.

    Nói xem khắp bốn phương, là cá Tích vì kiếm ăn mà xem khắp bốn phương.

    Xem khắp rồi đi, là nói cá Tích ấy thấy vật đằng xa cho là ăn được nên mau lội đến.

    Đi rồi lại đứng lại, là cá nầy đi rồi đã đặng đồ ăn bèn dừng lại.

    Nói dưới nước trên bờ đều đi tức là linh qui vậy.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Con sông Đại Niết Bàn vi diệu nầy, trong đó cũng có bảy hạng chúng sanh : Từ hạng ban đầu thường chìm, nhẫn đến hạng thứ bảy hoặc xuống nước hoặc lên bờ.

    Nói thường chìm, là như có người nghe Kinh Đại Niết Bàn, nói rằng đức Như Lai thường trụ không có biến đổi, là thường, lạc, ngã, tịnh, trọn chẳng nhập Niết Bàn, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đến hạng Nhứt Xiển Đề cũng ắt sẽ thành đạo Bồ Đề, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật v.v.. ắt sẽ được thành vô thượng Bồ Đề. Người nầy nghe lời trên đây không tin mà nghĩ và nói rằng Kinh điển Đại Niết Bàn nầy là sách ngoại đạo chẳng phải Kinh Phật. Lúc bây giờ người nầy xa lìa bạn lành, chẳng nghe chánh pháp, dầu có lúc được nghe nhưng chẳng thể tư duy, dầu có tư duy nhưng chẳng tư duy pháp lành, vì chẳng tư duy pháp lành nên trụ nơi pháp ác. Người trụ nơi pháp ác có sáu hạng : Một là ác, hai là vô thiện, ba là ô pháp, bốn là tăng hữu, năm là não nhiệt, sáu là thọ quả ác, do đây nên gọi là chìm.

    Cớ sao gọi là chìm ? Vì không tâm lành mà thường làm việc ác, vì chẳng tu tập pháp đối trị nên gọi là chìm.

    Nói rằng ác là vì thánh nhơn quở trách, vì tâm sợ sệt, vì xa lìa người lành, vì không lợi ích chúng sanh, nên gọi là ác.

    Nói rằng vô thiện là vì có thể sanh vô lượng quả báo ác, vì thường bị vô minh ràng buộc, vì thích cùng người ác làm bạn, vì không tu tập những phương tiện lành, vì tâm họ điên đảo luôn sai lầm.

    Nói rằng ô pháp là vì thân khẩu thường nhiễm ô, vì nhiễm ô chúng sanh thanh tịnh, vì thêm lớn nghiệp chẳng lành, vì xa lìa pháp lành, đây gọi là ô pháp.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  2. #562
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nói tăng hữu là ba người như trên thật hành những pháp ác, có thể thêm Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ, chẳng thể tu tập pháp giải thoát, thân, khẩu, ý chẳng nhàm các cõi, đây gọi là tăng hữu.

    Nói rằng não nhiệt là những người nầy, làm đủ bốn việc như trên có thể khiến thân tâm não nhiệt, xa lìa tịch tịnh thời gọi là nhiệt, bị quả báo Địa ngục nên gọi là nhiệt, đốt cháy các chúng sanh nên gọi là nhiệt, đốt cháy các pháp lành nên gọi là nhiệt, người nầy chẳng có tín tâm mát mẻ nên gọi là nhiệt.

    Nói rằng thọ lấy quả ác là người nầy làm đủ năm việc trên khi chết đọa Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh. Có ba việc ác nên gọi là quả ác : Một là phiền não ác, hai là nghiệp ác, ba là báo ác, đây gọi làthọ lấy quả báo ác. Người nầy có đủ sáu việc như trên thời có thể làm dứt mất căn lành tạo tội ngũ nghịch, phạm bốn tội trọng, hủy báng Tam bảo, dùng của vật của chúng Tăng, có thể làm những việc phi pháp, do đây nên chìm đắm ở trong Địa ngục A Tỳ, thân hình rộng lớn tám muôn bốn ngàn do diên, vì người nầy nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý quá nặng nên không thể ra khỏi được, vì tâm họ chẳng thể sanh pháp lành, dầu có vô lượng chư Phật ra đời cũng chẳng được nghe được thấy, đây gọi là thường chìm. Như cá lớn trong sông Hằng.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Dầu ta nói Nhứt Xiển Đề gọi là thường chìm, nhưng lại có hạng thường chìm, mà chẳng phải Nhứt Xiển Đề : Như người vì cõi hữu lậu mà bố thí trì giới làm các việc lành, đây cũng gọi là thường chìm.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Có bốn việc lành mang lấy quả ác : Một là vì hơn người mà đọc tụng Kinh điển, hai là vì lợi dưỡng mà thọ trì cấm giới, ba là vì hệ thuộc người khác mà làm việc bố thí, bốn là vì cõi phi tưởng, phi phi tưởng mà nhiếp niệm tư duy, đây là bốn điều lành được quả báo ác. Nếu người thật hành bốn việc như vậy thời gọi là chìm rồi lại nổi lên, nổi lên rồi lại chìm xuống. Vì ưa thích ba cõi hữu lậu nên gọi là chìm. Vì thấy ánh sáng tức là được nghe pháp trì giới, bố thí, thiền định, đây gọi là nổi lên. Thêm lớn tà kiến, sanh kiêu mạn nên gọi là lại chìm xuống. Do đây nên trong khế Kinh ta nói kệ rằng :

    Nếu có chúng sanh thích các cõi, Vì các cõi mà tạo nghiệp ác, Người nầy mê mất đạo Niết Bàn, Đây là tạm nổi lại chìm xuống. Đi nơi biển sanh tử tối tăm, Dầu được giải thoát xem phiền não, Người nầy lại thọ quả báo ác, Đây là tạm ra lại chìm xuống.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Như cá lớn kia do thấy ánh sáng tạm thời nổi lên khỏi nước, vì thân nặng nên lại chìm xuống, hai hạng người trên đây cũng lại như vậy.

    Nầy Thiện nam Tử ! Hoặc có người tham đắm ba cõi hữu lậu đây gọi là chìm. Được nghe Kinh Đại Niết Bàn nầy mà sanh lòng tin, đây gọi là nổi lên. Duyên cớ gì gọi đó là nổi lên ? Ví nghe Kinh nầy rồi xa lìa pháp ác tu tập pháp lành, nên gọi là nổi lên. Người nầy dầu tin nhưng cũng chẳng đầy đủ. Duyên cớ gì tín tâm chẳng đầy đủ ? Người nầy dầu tin Đại Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh, mà nói rằng thân Như Lai là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Đức Như Lai có hai thứ Niết Bàn : Một là hữu vi, hai là vô vi. Hữu vi Niết Bàn không có thường lạc ngã tịnh. Vô vi Niết Bàn có thường lạc ngã tịnh. Dầu tin Phật tánh là chúng sanh có, nhưng bất tất là tất cả đều có. Do đây nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  3. #563
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nầy Thiện Nam Tử ! Tín tâm có hai thứ : Một là tin, hai là cầu. Người như trên đây dầu có tín tâm, nhưng chẳng thể suy cầu, nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

    Tín tâm lại có hai thứ : Một là từ nghe pháp mà sanh lòng tin, hai là từ tư duy mà sanh lòng tin. Tín tâm của người nầy do nghe pháp mà sanh chẳng phải do tư duy, nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

    Tín tâm lại có hai thứ : Một là tin có thánh đạo, hai là tin người đắc đạo. Người nầy dầu tin có Thánh đạo, nhưng trọn chẳng tin có người đắc đạo, nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

    Tín tâm lại có hai thứ : Một là tin chánh, hai là tin tà. Nói rằng có nhơn quả, có Phật, Pháp, Tăng, đây gọi là tin chánh. Nói rằng không nhơn quả, tánh Tam Bảo khác nhau, tin theo những lời tà của Ngoại đạo, đây gọi là tin tà. Người nầy dầu tin Phật pháp Tăng Tam Bảo, nhưng chẳng tin Tam Bảo đồng một tánh tướng, dầu tin nhơn quả nhưng chẳng tin người đắc quả, nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

    Người nầy trọn nên tín tâm chẳng đầy đủ, thọ trì cấm giới cũng chẳng đầy đủ. Vì nhơn chẳng đầy đủ nên chỗ được cấm giới cũng chẳng đầy đủ. Lại giới có hai thứ : Một là oai nghi, hai là tùng giới. Người nầy dầu đầy đủ những giới về oai nghi nhưng chẳng đầy đủ những giới về tùng giới, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

    Giới lại có hai thứ : Một là tác giới, hai là vô tác giới. Người nầy dầu có tác giới nhưng chẳng đủ vô tác giới, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

    Giới lại có hai thứ : Một là từ thân khẩu mà được chánh mạng, hai là từ thân khẩu chẳng được chánh mạng. Người nầy dầu từ thân khẩu nhưng chẳng được chánh mạng, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

    Giới lại có hai thứ : Một là cầu giới, hai là xả giới. Người nầy dầu đủ giới do cầu mà có nhưng chẳng được giới do xả mà có, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

    Giới lại có hai thứ : Một là tùy hữu, hai là tùy đạo. Người nầy dầu đủ giới tùy hữu nhưng chẳng đủ giới tùy đạo, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

    Giới lại có hai thứ : Một là thiện giới, hai là ác giới. Thân khẩu ý lành gọi là thiện giới. Ngưu giới, Cẩu giới v.v… gọi là ác giới. Người nầy rất tin cả hai thứ giới đây đều có quả lành, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

    Người nầy chẳng đầy đủ hai điều : Tín tâm và giới, nên chỗ tu tập đa văn cũng chẳng đầy đủ,. Thế nào gọi là đa văn chẳng đầy đủ ? Mười hai bộ kinh của đức Như Lai nói ra người nầy chỉ tin sáu bộ, mà chẳng tin sáu bộ, nên gọi là đa văn chẳng đầy đủ. Người nầy dầu thọ trì sáu bộ kinh đây nhưng không thể đọc tụng cùng giảng giải cho người, không chỗ lợi ích, nên gọi là đa văn chẳng đầy đủ. Hoặc người nầy thọ trì sáu bộ Kinh đây rồi mà vì luận nghị, vì hơn người, vì lợi dưỡng, vì các cõi hữu lậu mà đọc tụng giảng thuyết nên gọi là đa văn chẳng đầy đủ.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Ở trong khế Kinh ta từng nói đa văn đầy đủ. Thế nào là đầy đủ ? Nếu có Tỳ Kheo thân khẩu ý đều lành, trước có thể cúng dường Hòa Thượng, chư Sư, những người có đức. Chư Sư nầy đối với người ấy sanh lòng thương mến, nên đem Kinh pháp truyền dạy cho. Người nầy chí tâm thọ trì tụng tập, được trí huệ. Được trí huệ rồi có thể khéo tư duy thật hành đúng như pháp. Khéo tư duy rồi thời được chánh nghĩa. Được chánh nghĩa rồi thân tâm tịch tịnh. Thân tâm đã tịch tịnh thời sanh hỷ tâm. Do hỷ tâm mà được định. Do được định nên được chánh tri kiến. Được chánh tri kiến rồi sanh lòng ăn năn nhàm chán các cõi hữu lậu. Vì nhàm chán các cõi nên được giải thoát.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  4. #564
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Người trên đây không có những việc như vậy nên gọi là đa văn chẳng đầy đủ.

    Người nầy chẳng đầy đủ ba việc như vậy nên bố thí cũng chẳng đầy đủ.

    Bố thí có hai thứ : Một là tài thí, hai là pháp thí, người nầy dầu thật hành về tài thí nhưng vì cầu cõi hữu lậu, dầu thật hành pháp thí nhưng cũng chẳng đầy đủ, vì bí lẫn chẳng nói hết sợ người hơn mình, nên gọi là bố thí chẳng đầy đủ.

    Hai thứ tài thí, pháp thí đều riêng có hai : Một là Thánh, hai là chẳng phải Thánh. Thánh nhơn bố thí rồi chẳng cầu quả báo. Người chẳng phải Thánh bố thí rồi cầu quả báo. Thánh nhơn bố thí pháp để làm cho pháp được tăng trưởng. Người chẳng phải Thánh bố thí pháp để tăng trưởng các cõi hữu lậu.

    Người nầy vì tăng trưởng của cải mà thật hành tài thí, vì tăng trưởng cõi hữu lậu mà thật hành pháp thí, nên gọi là bố thí chẳng đầy đủ.

    Lại người nầy lãnh thọ sáu bộ Kinh, thấy người thọ pháp thời cung cấp cho, gặp người chẳng thọ pháp thời chẳng cung cấp, nên gọi là bố thí chẳng đầy đủ.

    Người nầy chẳng đủ bốn điều như trên nên chỗ tu trí huệ cũng chẳng đầy đủ. Tánh của trí huệ là hay phân biệt. Người nầy chẳng thể phân biệt Như Lai là thường hay vô thường. Trong Kinh Đại Niết Bàn nầy đức Phật nói Như Lai chính là giải thoát, giải thoát chính là Như lai. Như Lai là Niết bàn, Niết Bàn là giải thoát. Trong những nghĩa đây người nầy chẳng thể phân biệt được.

    Đức Phật lại nói phạm hạnh là Như Lai, Như Lai là từ, bi, hỷ, xả. Từ, bi, hỷ, xả là giải thoát, giải thoát là Niết Bàn, Niết Bàn là từ, bi, hỷ, xả. Trong những nghĩa đây, người nầy không phân biệt được nên gọi là trí chẳng đầy đủ.

    Người nầy lại chẳng phân biệt được Phật tánh, Phật tánh là Như Lai, Như Lai là tất cả pháp bất cộng, pháp bất cộng là giải thoát, giải thoát là Niết Bàn, Niết Bàn là pháp bất cộng. Người nầy lại chẳng phân biệt được bốn đế lý khổ tập diệt đạo, vì không phân biệt được bốn đế lý nên chẳng biết thánh hạnh, vì chẳng biết thánh hạnh nên chẳng biết Như Lai, vì chẳng biết Như Lai nên chẳng biết giải thoát, vì chẳng biết giải thoát nên chẳng biết Niết Bàn, do đây nên gọi là trí chẳng đầy đủ.

    Người nầy chẳng có đủ năm điều như vậy, thời thêm lớn hai pháp : Một là thêm pháp lành, hai là thêm pháp ác.

    Thế nào gọi là thêm lớn pháp ác ? Người nầy chẳng biết rằng mình không đầy đủ, tự cho rằng đầy đu ûmà sanh tâm tham trước, đối với người đồng hàng cho mình là hơn, do đây bèn gần gũi những bạn ác đồng với mình đã gần gũi bạn ác rồi lại được nghe những pháp chẳng đầy đủ, sanh tâm vui mừng nhiễm trước, kiêu mạn phóng dật, do phóng dật mà gần gũi người tại gia, thích nghe nói những việc tại gia, xa lìa pháp xuất gia thanh tịnh, do đây nên thêm lớn pháp ác, vì đã thêm pháp ác nên thân khẩu ý gây nghiệp chẳng thanh tịnh, vì ba nghiệp chẳng thanh tịnh nên thêm lớn địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Đây gọi là tạm nổi lên lại chìm xuống.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  5. #565
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trong Phật pháp của ta ai là kẻ tạm nổi lên lại chìm xuống ? Chính là Đề Bà Đạt Đa, Cù Hoà Ly Tỳ Kheo, Uyển Thủ Tỳ Kheo, Thiện Tinh Tỳ Kheo, Tỳ Xá Tỳ Kheo, Mãn Tú Tỳ Kheo, Từ Địa Tỳ Kheo Ni, Khoáng Dã Tỳ Kheo Ni, Phương Tỳ Kheo Ni, Mạn Tỳ Kheo Ni, Tịnh Khiết Trưởng Giả, Câu Hữu Ưu Bà Tắc, Kim Lặc Thích Chủng, Tượng Trưởng Giả, Danh Xưng Ưu Bà Di, Quang Minh Ưu Bà Di, Nan Đà Ưu Bà Di, Quân Ưu Bà Di, Linh Ưu Bà Di. Như cá lớn thấy ánh sáng nên nổi lên, vì thân nặng lại chìm xuống.

    Thế nào gọi là thêm lớn pháp lành ? Người nầy biết rõ mình công hạnh chẳng đầy đủ, vì tự biết chẳng đầy đủ nên cầu gần bạn lành, vì gần bạn lành nên thích nghe hỏi chỗ chưa được nghe, nghe rồi thích thọ trì, thọ rồi thích tư duy, khéo tư duy rồi có thể ở đúng như pháp, vì ở đúng như pháp nên thêm lớn pháp lành, vì thêm lớn pháp lành nên trọn chẳng còn chìm, đây gọi là nổi lên rồi ở lại.

    Trong Phật pháp của ta ai là người nổi lên rồi ở lại ? Chính là Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, A Nhã Kiều Trần Như v.v… năm vị Tỳ Kheo Da Xá v.v… năm mươi vị Tỳ Kheo, A Nâu Lâu Đà, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp v.v… ba vị Tỳ Kheo Thập Lực Ca Diếp, Sấu Cù Đàm Di Tỳ Kheo Ni, Ba Tra La Hoa Tỳ Kheo Ni, Thắng Tỳ Kheo Ni, Thiệt Nghĩa Tỳ Kheo Ni, Hải Ý Tỳ Kheo Ni, Bạt Đà Tỳ Kheo Ni, Tịnh Tỳ Kheo Ni, Bất Thối Chuyển Tỳ Kheo Ni, Tần Bà Ta La Vương, Úc Dà Trưởng Giả, Tu Đạt Đa Trưởng Giả, Thích Ma Ha Nam Trưởng Giả, Bần Tu Đạt ĐaThử Lang Trưởng Giả, Danh Xưng Trưởng Giả, Cụ Túc Trưởng Giả, Sư Tử Tướng Quân, Ưu Bà Ly Trưởng Giả, Đao Trưởng Giả, Vô Úy Ưu Bà Di, Thiện Trụ Ưu Bà Di, Ái Pháp Ưu Bà Di, Dũng Kiện Ưu Bà Di, Thiên Đắc Ưu Bà Di, Thiện Sanh Ưu Bà Di, Cụ Thân Ưu Bà Di, Ngưu Đắc Ưu Bà Di, Khoáng Dã Ưu Bà Di, Ma Ha Tư Na Ưu Bà Di v.v…

    Thế nào gọi là ở lại ? Vì thường thích xem thấy ánh sáng pháp lành. Do nhơn duyên nầy, hoặc Phật xuất thế, hoặc chẳng xuất thế, những người trên đây trọn chẳng tạo nghiệp ác nên gọi là ở lại. Như cá Kỳ Di thích thấy ánh sáng nên chẳng lặn chẳng chìm. Hạng tứ chúng trên đây cũng như vậy. Trong Kinh ta từng nói kệ rằng :

    Nếu người khéo phân biệt pháp nghĩa, chí tâm cầu được quả Sa Môn, quở trách tất cả cõi hữu lậu, Người nầy gọi là ở đúng pháp. Nếu hay cúng dường vô lượng Phật, Trong vô lượng đời tu Thánh đạo, Hưởng thọ vui sướng chẳng phóng dật, Người nầy gọi là ở đúng pháp. Gần gũi bạn lành nghe Chánh pháp, Tâm khéo tư duy ở đúng pháp, thích thấy ánh sáng tu Thánh đạo, chứng được giải thoát thường an ổn.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  6. #566
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nầy Thiện Nam Tử ! Trí chẳng đầy đủ phàm có năm điều , người nầy biết rồi cầu gần bạn lành. Bạn lành nầy nên xem xét người trên đây nhiều tham dục hay nhiều sân khuể, ngu si, tư giác, chấp ngã ?

    Nếu biết là nhiều tham dục thời nên dạy cho pháp quán bất tịnh ; nhiều sân khuể dạy pháp quán từ bi ; nhiều ngu si dạy pháp quán nhơn duyên ; nhiều tư giác dạy pháp quán sổ tức ; nhiều chấp ngã nên dạy phân tích thập bát giới v.v…

    Người nầy nghe rồi chí tâm thọ trì, thọ trì rồi tu hành đúng như pháp, thật hành đúng như pháp rồi lần lượt chứng được tứ niệm xứ quán thân thọ tâm pháp, đặng pháp quán nầy rồi lại quán mười hai nhơn duyên, quán rồi chứng được noãn pháp.


    Ca Diếp Bồ Tát bạch rằng : Thế Tôn ! Tất cả chúng sanh đều có noãn pháp. Vì đức Phật nói ba pháp hòa hiệp gọi là chúng sanh : Một là thọ, hai là noãn, ba là thức. Nếu theo nghĩa nầy thời tất cả chúng sanh lẽ ra trước đã có noãn. Tại sao đức Như Lai nói rằng noãn pháp do bạn lành mà có ?

    Phật nói : “Nầy Thiện Nam Tử ! Như noãn pháp của ông hỏi thời tất cả chúng sanh đến Nhứt Xiển Đề đều có. Noãn pháp của ta nói hôm nay phải do phương tiện rồi sau mới được, chẳng phải tất cả chúng sanh đều có trước.

    Nay ông chẳng nên gạn rằng tất cả chúng sanh đều có noãn pháp.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Noãn pháp nầy thuộc về cõi Sắc, chẳng phải cõi Dục có được. Vì cõi dục không có, nên biết rằng tất cả chúng sanh bất tất đều có.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Cõi Sắc dầu có noãn pháp nhưng chẳng phải tất cả đều có, vì đệ tử của ta thời có, còn ngoại đạo thời không.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Tất cả ngoại đạo chỉ quán được sáu hạnh. Đệ tử của ta thời quán đủ cả mười sáu hạnh. Mười sáu hạnh nầy tất cả chúng sanh bất tất đều có.

    _ Bạch Thế Tôn ! Thế nào gọi là noãn ? Là tánh nó tự noãn hay vì pháp khác mà noãn ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Noãn pháp nầy tánh nó là noãn chẳng phải do pháp khác mà noãn.

    _ Bạch Thế Tôn ! Đức Như Lai trước kia nói rằng Mã Sư và Mãn Tú không có noãn pháp, vì hai người nầy không có tín tâm đối với Tam Bảo. Do đây nên biết rằng tín tâm chính là noãn pháp ?.

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Tín tâm chẳng phải là noãn pháp, vì do tín tâm mà chứng noãn pháp.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  7. #567
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nầy Thiện Nam Tử ! Luận về noãn pháp chính là trí huệ, vì quán Tứ Đế nên gọi là mười sáu hạnh. Hạnh đây chính là trí.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Như lời ông hỏi duyên cớ gì mà gọi là noãn ?

    Nầy Thiện Nam Tử ! Luận về noãn pháp chính là tướng lửa của Tám Thánh Đạo.

    Như cọ lửa : Trước có hơi nóng, kế có lửa, rồi sau có khói, đạo vô lậu nầy cũng như vậy : Hơi nóng là mười sáu hạnh, lửa là quả Tu Đà Hoàn, khói là trong Vị tu đạo dứt kiết sử.

    _ Bạch Thế Tôn ! Noãn pháp nầy cũng là pháp có, cũng là hữu vi. Noãn pháp nầy được quả báo thân ngũ ấm cõi Sắc nên gọi là có. Vì là nhơn duyên nên lại gọi là hữu vi. Nếu là hữu vi tại sao có thể làm tướng đạo vô lậu ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Đúng như vậy ! Noãn pháp nầy dầu là pháp hữu vi hữu lậu, nhưng trở lại có thể phá hoại pháp hữu vi hữu lậu, nên có thể làm tướng đạo vô lậu. Như người cỡi ngựa cũng thương ngựa nhưng cũng đánh ngựa. Noãn pháp cũng vậy : Vì ái mà thọ sanh, vì nhàm mà tu quán hạnh, do đây nên dầu là hữu lậu hữu vi mà có thể làm tướng cho chánh đạo kia.

    Có bảy mươi ba hạng người được noãn pháp : Cõi dục mười hạng người. Mười hạng người nầy đầy đủ tất cả phiền não : Từ dứt một phần đến chín phần. Như cõi dục, Sơ thiền nhẫn đến Vô Sở Hữu Xứ cũng như vậy. Đây gọi là bảy mươi ba. Những người nầy được noãn pháp rồi thời chẳng còn lại có thể dứt căn lành tạo tội ngũ nghịch phạm bốn tội trọng. Những người nầy có hai hạng : Một là gặp bạn lành, hai là gặp bạn ác.

    Người gặp bạn ác tạm thời nổi lên rồi chìm trở lại.

    Người gặp bạn lành thời quan sát khắp bốn phương. Quan sát bốn phương chính là đảnh pháp, đảnh pháp nầy dầu cũng là tánh ngũ ấm, nhưng vẫn duyên nơi bốn đế lý, nên được gọi là quan sát khắp bốn phương. Được đảnh pháp rồi kế được nhẫn pháp. Nhẫn pháp nầy tánh nó cũng là ngũ ấm, cũng duyên bốn đế lý. Người nầy kế được thế đệ nhứt pháp, pháp nầy dầu tánh là ngũ ấm nhưng cũng duyên bốn đế lý. Người nầy kế được khổ pháp nhẫn, tánh của nhẫn là huệ duyên nơi một đế lý. Pháp nhẫn nầy duyên một đế lý rồi nhẫn đến kiến đạo dứt phiền não đặng quả Tu Đà Hoàn. Đây gọi là quan sát khắp bốn phương, bốn phương chính là bốn đế lý.

    Bạch Thế Tôn ! Trước kia đức Phật nói rằng những phiền não của bực Tu Đà Hoàn dứt, dường như dòng nước rộng bốn mươi dặm, những phiền não còn lại như giọt nước đầu sợi lông.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  8. #568
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nơi đây sao lại nói dứt ba món kiết sử gọi là bực Tu Đà Hoàn : Một là ngã kiến, hai là chẳng phải nhơn thấy là nhơn, ba là lưới nghi.

    Bạch Thế Tôn ! Nhơn duyên gì gọi là Tu Đà Hoàn xem khắp bốn phương ? Lại do duyên gì mà gọi là Tu Đà Hoàn ? Duyên cớ gì đem cá Tích để dụ bực Tu Đà Hoàn ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Bực Tu Đà Hoàn dầu có thể dứt vô lượng phiền não, nhưng ba món kiết nầy nặng nhứt và cũng nhiếp tất cả những kiết sử của bực Tu Đà Hoàn dứt, nên nói là dứt ba món kiết sử.

    Như Quốc Vương lúc đi tuần du, dầu có các quan và bốn đạo binh, nhưng người đời chỉ nói rằng nhà vua đến, nhà vua đi. Trong đây nói dứt ba món phiền não nầy cũng như vậy. Duyên cớ gì ba món kiết nầy là nặng ? Vì tất cả chúng sanh thường khởi phiền não nầy và vì vi tế khó biết, nên gọi là nặng. Vì ba món kiết nầy khó dứt được, vì nó có thể làm nhơn cho tất cả phiền não, là oán địch bị đối trị của giới, định và huệ.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Có những chúng sanh nghe bực Tu Đà Hoàn có thể dứt vô lượng phiền não như vậy, thời chúng nó sanh lòng thối chuyển mà nói rằng : Chúng ta thế nào có thể dứt vô lượng phiền não như vậy. Do đây nên đức Như Lai phương tiện nói dứt ba kiết sử.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Bực Tu Đà Hòan quán tứ đế được bốn điều : Một là kiên cố trụ chánh đạo, hai là có thể khắp quan sát, ba là có thể thấy đúng như thật, bốn là có thể phá hoại oán địch lớn. Bực Tu Đà Hoàn, thành tựu tín v.v… Ngũ căn không ai có thể lay động, nên gọi là kiên cố trụ nơi chánh đạo. Bực nầy đều có thể quở trách những phiền não trong và ngoài, nên gọi là khắp quan sát. Thấy đúng như thật chính là nhẫn trí. Oán địch lớn là nói bốn thứ điên đảo.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Chữ Tu là vô lậu, chữ Đà Hoàn là tu tập, vì tu tập vô lậu nên gọi là Tu Đà Hoàn. Lại có nghĩa chữ Tu là dòng, vì ngược dòng nên gọi là Tu Đà Hoàn.

    _ Bạch Thế Tôn ! Nếu theo nghĩa nầy, duyên cớ gì những bực Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán chẳng được gọi là Tu Đà Hoàn ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Từ bực Tu Đà Hoàn nhẫn đến chư Phật cũng đều được gọi là Tu Đà Hoàn cả. Nếu bực Tư Đà Hàm đến chư Phật mà không có danh nghĩa Tu Đà Hoàn, thời đâu được gọi là Tư Đà Hàm nhẫn đến Phật.

    Tất cả chúng sanh về danh tự có hai thứ : Một là tên cũ, hai là tên mới. Lúc còn phàm phu có danh tự thế tục, lúc đã đắc đạo lại đặt tên gọi là Tu Đà Hoàn. Trước gọi là Tu Đà Hoàn, vì lúc sau đắc quả nên gọi là Tư Đà Hàm. Người nầy cũng gọi là Tu Đà Hoàn, cũng gọi là Tư Đà Hàm, nhẫn đến chư Phật cũng như vậy.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Có hai thứ dòng : Một là giải thoát, hai là Niết Bàn. Tất cả Thánh nhơn đều có hai dòng nầy, nên cũng được gọi là Tu Đà Hoàn cũng gọi là Tư Đà Hàm, nhẫn đến Phật cũng như vậy.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  9. #569
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nầy Thiện Nam Tử ! Bực Tu Đà Hoàn cũng gọi là Bồ Tát. Vì Bồ Tát chính là tận trí và vô sanh trí. Bực Tu Đà Hoàn cũng mong cầu hai trí nầy, nên được gọi là Bồ Tát.

    Bực Tu Đà Hoàn cũng được gọi là giác. Vì chánh giác kiến đạo dứt phiền não, vì chánh giác nhơn quả, vì chánh giác cộng đạo và bất cộng đạo. Bực Tư Đà Hàm nhẫn đến bực A La Hán cũng như vậy.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Có hai hạng Tu Đà Hoàn : Lợi căn và độn căn. Bực độn căn bảy lần sanh cõi người cõi trời, hoặc sáu lần, năm lần, bốn lần, ba lần, hai lần sanh cõi người trời mới chứng quả A La Hán. Bực lợi căn hiện đời chứng quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Cá Tích có bốn điều : Một là xương nhỏ nên nhẹ, hai là có cánh nên nhẹ, ba là thích thấy ánh sáng, bốn là ngậm được vật thời giữ chặt.

    Bực Tu Đà Hoàn cũng có bốn điều : Một là phiền não nhỏ nhẹ như cá Tích nhỏ xương, hai là có chỉ có quán như cá Tích có cánh, ba là kiến đạo, như cá Tích thích thấy ánh sáng, bốn là nghe thấy đức Phật nói nghĩa vô thường khổ vô ngã bất tịnh thời kiên trì chẳng bỏ như cá Tích ngậm được vật thời giữ chặt.

    Như trước kia Ma Vương hóa làm thân Phật. Thủ La Trưởng Giả xem thấy trong lòng kinh sợ, Ma thấy tâm Trưởng giả động bèn bảo Trưởng giả rằng : Trước kia ta nói bốn chơn đế, thuyết đó không chơn thật. Nay ta vì ông mà nói năm đế, sáu ấm , mười ba nhập, mười chín giới. Thủ La Trưởng Giả nghe lời nầy liền quan sát pháp tướng đều không có lý do, nên kiên trì nghĩa cũ, tâm ông chẳng lay động.

    _ Bạch Thế Tôn ! Bực Tu Đà Hoàn nầy vì đắc đạo trước mà gọi là Tu Đà Hoàn hay là vì chứng sơ quả mà gọi là Tu Đà Hoàn ? Nếu vì đắc đạo trước, thời lúc được khổ pháp nhẫn cớ sao chẳng gọi là Tu Đà Hoàn mà gọi là Hướng ? Nếu vì được sơ quả, thời người ngoại đạo trước dứt phiền não đến vô sở hữu xứ tu đạo vô lậu được quả A Na Hàm, cớ sao chẳng gọi là Tu Đà Hoàn ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Vì được sơ quả mà gọi là Tu Đà Hoàn, lúc đó người nầy đầy đủ tám trí và mười sáu hạnh.

    Bạch Thế Tôn ! Người được A Na Hàm cũng đầy đủ tám trí và mười sáu hạnh. Cớ sao chẳng được gọi là Tu Đà Hoàn ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Mười sáu hạnh hữu lậu có hai thứ : Cộng và bất cộng. Mười sáu hạnh vô lậu cũng có hai : Hướng quả và đắc quả. Tám trí cũng có hai, hướng quả và đắc quả. Bực Tu Đà Hoàn rời bỏ mười sáu hạnh công, chứng được mười sáu hạnh bất công, rời bỏ tám trí hướng quả chứng được tám trí đắc quả. Bực A Na Hàm thời chẳng như vậy. Do đây nên sơ quả gọi là Tu Đà Hoàn.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

  10. #570
    HOA Avatar của socnho
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.157
    Thanks
    536
    Thanked 546 Times in 191 Posts
    Kinh Đại Bát Niết Bàn
    PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ 24
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nầy Thiện Nam Tử ! Bực Tu Đà Hoàn duyên nơi tứ đế, bực A Na Hàm chỉ duyên nhứt đế, nên sơ quả gọi là Tu Đà Hoàn.

    Do nhơn duyên trên đây nên dùng cá Tích để ví dụ, ngó khắp bốn phương rồi bèn đi. Nói đi là chỉ cho bực Tư Đà Hàm nhiếp tâm tu hành để dứt trừ tham, sân, si, mạn.

    Như cá Tích kia nhìn xem khắp bốn phương rồi vì kiếm ăn nên đi, đi rồi lại đứng lại, đây là dụ bực A Na Hàm được món ăn rồi thời dừng lại. Có hai hạng A Na Hàm : Một là hiện tại được quả A Na Hàm rồi tiến tu được quả A La Hán, hai là hạng tham trước Tam Muội tịch tịnh trong cõi sắc và cõi vô sắc, bực nầy chẳng thọ thân cõi dục nên gọi là A Na Hàm. Bực A Na Hàm nầy lại có năm hạng : Một là trung bát Niết Bàn, hai là thọ thân bát Niết Bàn, ba là hành bát Niết Bàn, bốn là vô hành bát Niết Bàn, năm là thượng lưu bát Niết Bàn. Lại có sáu hạng là thân hiện tại bát Niết Bàn. Lại có bảy hạng là thân vô sắc giới bát Niết Bàn.

    Hạng hành bát Niết Bàn có hai : Hoặc thọ hai thân, hoặc thọ bốn thân. Nếu thọ hai thân thời gọi là lợi căn, nếu thọ bốn thân thời gọi là độn căn. Lại có hai hạng, một là tinh tấn mà không chánh định tự tại, hai là giải đãi mà có chánh định tự tại. Lại có hai hạng : Một là có đủ tinh tấn và chánh định tự tại, hai là chẳng có cả hai.

    Nầy Thiện Nam Tử ! Chúng sanh trong cõi dục, cõi sắc có hai thứ nghiệp : Tác nghiệp và thọ sanh nghiệp. Bực A Na Hàm trung bát Niết Bàn chỉ có tác nghiệp mà không thọ sanh nghiệp, nên bỏ thân cõi dục lúc chưa đến cõi sắc, vì lợi căn mà bát Niết Bàn. Bực A Na Hàm trung bát Niết Bàn nầy có bốn tâm : Một là phi học, phi vô học, hai là học, ba là vô học, bốn là phi học, phi vô học nhập Niết Bàn. Thế nào lại gọi là trung bát Niết Bàn ?

    Nầy Thiện Nam Tử ! Trong bốn thứ tâm của bực A Na Hàm nầy hai tâm là Niết Bàn, hai tâm là chẳng phải Niết Bàn, do đây nên gọi là trung bát Niết Bàn.

    Bực A Na Hàm thọ thân bát Niết Bàn có hai thứ : Một là tác nghiệp, hai là sanh nghiệp. Bực nầy bỏ thân dục giới thọ thân sắc giới, tinh tấn tu hành mãn thọ mạng thời nhập Niết Bàn.

    Bạch Thế Tôn ! Nếu là thọ mạng hết nhập Niết Bàn, tại sao gọi rằng thọ thân Niết Bàn ?

    _ Nầy Thiện Nam Tử ! Bực nầy thọ thân rồi sau mới dứt hết phiền não trong tam giới, nên gọi là thọ thân Niết Bàn.

    Bực A Na Hàm thường tu hành do sức Tam Muội hữu vi có thể dứt phiền não nhập Niết Bàn, do đây nên gọi là hành bát Niết Bàn.

    Bực A Na Hàm rõ biết quyết định sẽ chứng được Niết Bàn nên giải đãi, cũng do sức Tam Muội hữu vi mãn thọ mạng thời được nhập Niết Bàn, do đây gọi là vô hành bát Niết Bàn.

    Nếu bực A Na Hàm được đệ tứ thiền rồi lại sanh lòng mến sơ thiền do đây sanh xuống trời sơ thiền. Nơi đây có hai dòng : Dòng phiền não và dòng đạo mà mến Nhị thiền, nên sanh lên Trời Nhị thiền, lần đến Trời Tứ thiền cũng như vậy.


    Lấy buông xả làm đạo hạnh

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
    Gửi bởi Mây trắng trong mục Kinh
    Trả lời: 219
    Bài cuối: 04-06-2017, 08:30 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •