Phẩm XLV. CÁ TRĂM ĐẦU


Chính tôi được nghe: Một thời Ðức Phật ở nước Ma Kiệt Đề, tại vườn Trúc.

Một hôm Ðức Thế Tôn và các vị Tỷ Khưu, sang nước Tỳ Xá Ly, ngồi nghỉ mát trên bờ sông Lê Việt. Trên bờ có năm trăm người chăn trâu và năm trăm người đánh cá; những người đánh cá này, họ có ba thứ lưới: một thứ hai trăm người kéo; một thứ ba trăm người kéo; một thứ năm trăm người kéo.

Đức Như Lai và các vị Tỷ Khưu ngồi cách họ cũng không xa, một lát thấy năm trăm người nọ, kéo hết sức cũng không nổi, sau họ gọi bọn năm trăm người chăn trâu lại kéo giùm, một lúc kéo lên được con cá rất lớn; trên mình cá có đủ trăm đầu thú: đầu ngựa, đầu lạc đà, đầu hổ, đầu chó sói, đầu lợn v.v… cá lạ xúm nhau lại xem.

Thấy thế, Phật sai tôi lại coi. Tôi vâng lời, lại nhìn thấy con cá lớn trên mình có đủ trăm đầu thú khác nhau, tôi lại trở về bạch Ngài biết rõ căn nguyên.

Ngài cùng đại chúng đi lại xem, khi tới nơi Ngài hỏi cá rằng:

- Cá, có phải là Ca Tỳ Lê không?

Cá đáp: - Thưa phải.

Ngài hỏi tiếp:

- Kiếp này làm cá, kiếp sau biết về đâu không?

- Thưa Ngài, kiếp sau về địa ngục A Tỳ.

Tôi và đại chúng không rõ tại sao, bèn hỏi Phật rằng:

- Kính lạy Ðức Thế Tôn! Ngài gọi con cá này là Ca Tỳ Lê vì lý do gì, xin nói cho chúng con được rõ?

Phật dạy: - Các ông hãy lắng nghe tôi nói nguyên ủy con cá này cho biết: Trước đây, về thời Ðức Phật Ca Diếp có một người Bà La Môn sinh được cậu con trai, đặt tên là Ca Tỳ Lê; cậu này thông minh tài trí, đối với hàng văn hoa trí thức thời đó; anh ta giỏi nhất. Tuy thế nhưng đối với trí tuệ học vấn của các vị Sa Môn thì anh ta kém đặc.

Khi cha anh chết có dặn anh rằng:

- Con chớ đàm luận với các vị Sa Môn của Ðức Phật Ca Diếp; vì các vị có trí tuệ sâu rộng, con không thể bì kịp.

Sau khi cha anh chết: anh vẫn còn đi học; và anh được tiếng khen trong nước là người tài biện luận, nhưng không bao giờ anh ngồi đàm luận với các vị Sa Môn, thấy con khuyết điểm ấy, nên một hôm mẹ anh hỏi rằng:

- Con vốn là người cao minh học vấn; đời nay có ai hơn được con không?

- Dạ! Thưa mẹ, các vị Sa Môn hơn con nhiều lắm!

- Hơn con thế nào?

- Thưa mẹ! Nếu con có chỗ nào không biết, đến hỏi thì các vị giải đáp rõ ràng dễ hiểu; nếu các vị hỏi lại thì con không đáp nổi, bởi vậy nên con biết kém!