DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/9 ĐầuĐầu 1234 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 86
  1. #11
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts
    Đại sư thứ 10: Caurangipa - Đứa trẻ lạc loài


    Từ thuở hoang sơ khi chưa có sự bắt đầu
    Những cái rễ của cây vô danh
    Được vun tưới bằng những cơn mưa
    Của thói quen vọng tưởng

    Chúng lớn mạnh thành những nhánh vô minh
    Hôm nay ta đốn cây vô minh ấy
    Bằng chiếc rìu giáo pháp của chân sư
    Bạn ơi! Hãy nghĩ suy, cân nhắc mà tu tập


    Truyền thuyết

    Sư Caurangipa nguyên là hoàng tử con vua Devapala. Khi ngài được 12 tuổi thì hoàng hậu qua đời vì một chứng bệnh nan y.

    Trước khi nhắm mắt lìa đời, bà gọi ngài đến để trối trăng: “Này con, tất cả niềm vui hay nỗi buồn đều có căn nguyên. Mỗi mỗi đều lưu xuất từ các nghiệp thiện ác. Con hãy nhớ lời mẹ dạy, cho dù phải gặp nguy nan, con chớ có làm những điều xấu ác.”

    Nói xong bà trút hơi thở cuối cùng.

    Sau lễ an táng hoàng hậu, triều đình thúc dục vua lập hoàng hậu khác theo tục lệ bà-la-môn. Nhà vua vẫn còn thương tiếc người vợ yêu nên ít hôm sau ngày tái giá, nhà vua đi vào rừng sâu để xua đuổi nỗi buồn trong lòng.

    Một ngày kia, sau khi nhà vua rời cung thành, bà hoàng hậu mới trèo lên mái cung điện để ngắm cảnh. Trong tầm mắt bà hiện ra hình bóng của một thanh niên khôi ngô tuấn tú. Đó là hoàng tử Caurangipa.

    Bà hoàng lập tức say mê hình ảnh người con trai của chồng. Bà lệnh cho hoàng tử vào hầu nhưng ngài từ chối. Điều này khiến bà tức giận điên cuồng, bèn nghĩ đến chuyện trả thù: “Hắn đã khinh thường ta. Hắn là kẻ thù của ta. Ta cần phải loại trừ hắn.”

    Bà liền ra lệnh cho lính canh ám sát hoàng tử. Họ không đồng tình với bà: “Tâu lệnh bà! Hoàng tử không đáng tội chết. Ngài vô tư như trẻ con. Chúng tôi không thể ra tay sát hại trẻ con.”

    Vì vậy, bà hoàng nghĩ ra một mưu kế.

    Cho đến một hôm, nhà vua trở lại cung điện. Ngài bắt gặp vợ mình trần truồng, áo quần tơi tả và thân thể đầy những vết cào xước.

    Vua kêu lên: “Chuyện gì đã xảy ra với nàng?”

    Hoàng hậu khóc lóc: “Hoàng tử đã lợi dụng lúc đại vương đi vắng để làm nhục thiếp.”

    Nghe qua, nhà vua nổi cơn thịnh nộ: “Nếu vậy, nó phải chết để đền tội.”

    Nhà vua lập tức ra lệnh cho thị vệ mang hoàng tử vào rừng chặt bỏ tay chân để trừng phạt. Nhưng những người thị vệ ấy vốn kính trọng và thương yêu hoàng tử, bèn nghĩ cách cứu chàng. Họ quyết định hy sinh một trong những đứa con của họ. Nhưng khi họ đề nghị cách này với hoàng tử thì ngài quyết liệt từ chối: “Không thể như thế được. Ta đã hứa với mẫu hậu dù nguy biến đến đâu ta cũng không làm điều xấu ác. Các ngươi phải thi hành mệnh lệnh của phụ vương.”

    Thấy chàng quá cương quyết, họ bèn mang chàng vào rừng chặt bỏ tay chân đem về trình đức vua.

    Ngay lúc ấy sư Minapa xuất hiện hỏi han. Hoàng tử đem nỗi oan tình kể cho nhà sư nghe. Ngài thương xót chàng nên đem pháp thuật truyền cho phương pháp thở bụng (Pot-bellid breathing). Sư nói: “Nếu con cố gắng tu luyện, không bao lâu tay chân của con sẽ trở lại đầy đủ.

    Kế đó, nhà sư tìm đến chỗ bọn trẻ chăn trâu nhờ chúng chăm sóc hoàng tử (một đứa trong bọn trẻ ấy là sư Goraksa trong truyện trước).

    Y theo pháp, hoàng tử tu tập thiền định suốt 12 năm.

    Vào một đêm tối, có đám thương nhân đi gần đến chỗ hoàng tử trú ngụ. Để tránh sự dòm ngó của kẻ cướp, họ đem vàng bạc châu báu chôn giấu trong rừng rồi mới ngủ nghỉ.

    Tình cờ họ đi ngang qua chỗ của hoàng tử, chàng nghe tiếng chân đi bèn lên tiếng hỏi: “Ai đó vậy?”

    Bọn thương nhân nghe tiếng kêu lớn, ngại rằng gặp phải kẻ cướp, bèn đồng thanh trả lời: “Vâng! Chúng tôi là dân làm than, đốn củi.”

    “Than à! ” Hoàng tử nói.

    Bọn thương nhân quay lại chỗ nghỉ của họ, nhưng khi đào lấy của cải cất giấu dưới đất thì thấy tất cả chỉ toàn là than và than.

    Cả bọn kinh sợ, hỏi nhau: “Cớ sao lại thế này?”

    Một người có vẻ thông thái nhất trong bọn đoán rằng: “Khi nãy có người kêu hỏi bọn ta. Chắc chắn đó là một bậc thánh nên mỗi lời nói ra đều có khả năng biến thành hiện thực. Tốt nhất, chúng ta nên đến chỗ ấy xem thử.”

    Họ dò dẫm từng bước chân trong đêm tối dưới ngọn đuốc bập bùng để đến chỗ hoàng tử. Khi đến nơi, họ nhìn thấy một thân người không có tay chân, đang tựa vào một gốc cây to.

    Bọn họ kể cho hoàng tử nghe chuyện lạ và khẩn cầu ngài thu lại pháp thuật. Caurangipa bảo với họ: “Ta thực tình không biết điều ấy. Nếu quả thực như thế xin than trở lại thành vàng bạc như cũ.”

    Bọn thương nhân quay về lại thấy vàng bạc như cũ, họ vui mừng nhảy nhót. Sau đó, cả bọn quay lại cúng dường cho Caurangipa và tôn thờ ngài như một bậc thánh.

    Qua sự kiện này, Caurangipa nhớ lại lời thầy. Ngài chú nguyện cho tay chân lành lại như cũ. Lập tức điều lạ xảy ra.

    Và buổi sáng hôm sau, Goraksa chứng kiến sự bình phục của ngài.

    Sau khi đắc pháp, ngài nói: “Nếu đất là mẹ của muôn loài thảo mộc, thì hư không là chất làm nên tứ chi của ta.”

    Đoạn ngài bay lượn giữa hư không.

    Tương truyền rằng Đại sư Caurangipa là một nhà sư khó tính và không hề truyền pháp cho ai, nhưng người ta nói rằng cây đại thụ chứng kiến sự tu hành giác ngộ của ngài vẫn còn sống đến hôm nay.


    Hành trì

    Hư không và vũ trụ là hai-trong-một. Đó là một khía cạnh của Pháp thân (Dharmakaya), một thuật ngữ để chỉ trí vô phân biệt. Dharmakaya còn là một sự hợp nhất giữa vũ trụ và ánh sáng tâm linh.

    Bằng pháp thở bụng, Caurangipa đột nhiên nếm được vị chung của các pháp. Đó là không - giải thoát. Ngài đã thể nhập vào cảnh giới hư vô không tịch bằng chính pháp thân thanh tịnh (a pure appritional body).

    Một đạo sư Mật tông có khả năng biến hoá hình tướng của đối tượng mà ngài thâm nhập. Phép tu căn bản ấy của Caurangipa là quán một thân người với đầy đủ tứ chi, cái thân biến hoá của Caurangipa chính là pháp thân.

    Thân ấy không thể hư hoại được, vì đó là tướng của trí huệ và thanh tịnh thức. Tướng này (Pháp thân) bất khả phân ly với các tướng từ tâm của hành giả. Sắc thân ấy được hình thành bằng ý tâm hay niệm tưởng (mental concept).

    Cảnh giới bên ngoài chỉ là ảnh chiếu của tâm. Hư không dung chứa tất cả các pháp, vì vậy một khi tâm tương ứng với hư không thì các pháp chịu sự chi phối của tâm hành giả.

    Âm thanh và độ rung là phần chung của tưởng và sắc (The plane of sound and vibration is the interface between thought and appearances). Vì vậy, chơn ngôn là âm thanh vi diệu rốt ráo tạo nên cái không gian ba chiều.

    Một hành giả Du-già chứng đắc không thể nói dối, vì ngay một niệm mống khởi trong tâm của ngài đều tự nhiên biến thành hiện thực.

    Nói rõ hơn, thế giới này được tạo nên bởi vọng tưởng của tất cả chúng sanh, mà trí lực cuả một hành giả tu chứng chỉ có khả năng biến đổi một phần trong tổng thể vọng tưởng ấy.

    Vì lý do đó mà chư Phật, Bồ Tát phát nguyện cứu độ tất cả chúng sanh.



  2. The Following User Says Thank You to caydendau For This Useful Post:

    Thiện Tâm (07-26-2015)

  3. #12
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts
    Đại sư thứ 11: Vinapa - Nhạc sĩ


    Từ thuở hoang sơ khi chưa có sự bắt đầu
    Những cái rễ của cây vô danh
    Được vun tưới bằng những cơn mưa
    Của thói quen vọng tưởng
    Chúng lớn mạnh thành những nhánh vô minh
    Hôm nay ta đốn cây vô minh ấy
    Bằng chiếc rìu giáo pháp của chân sư
    Bạn ơi! Hãy nghĩ suy, cân nhắc mà tu tập



    Truyền thuyết


    Vinapa vốn là hoàng tử con vua xứ Gauda. Đạo sư của ngài là Buddhapa. Là con duy nhất, nên Vinapa rất được cha mẹ cưng chiều. Thuở nhỏ, Vinapa đã tỏ ra say mê âm nhạc và rất có năng khiếu về bộ môn nghệ thuật này. Ngài chơi đàn vina rất thành thạo và đam mê đến nỗi không còn quan tâm đến việc học hành.


    Triều đình cùng hoàng tộc lấy làm lo lắng cho cơ đồ của giang sơn xã tắc, vì Vinapa là người sẽ kế vị ngai vàng. Ngài cần phải học cách cai trị thần dân hơn là trở nên một nhạc sĩ.


    Để giải quyết chuyện này, nhà vua mời đạo sư Buddhapa pháp thuật cao cường, tài trí vô song đến để chữa trị chứng say mê âm nhạc của hoàng tử.


    Quả nhiên, phong cách và đạo hạnh của vị thánh tăng này làm cho hoàng tử có phần lung lạc. Sau một thời gian gần gũi, tiếp xúc với hoàng tử, đại sư thấy đã đến lúc hoá độ cho Vinapa, bèn gợi ý về chuyện tu tập. Hoàng tử đáp: “Thầy nói rất đúng. Nhưng đối với ta, âm nhạc là thiền định. Vả lại ta rất bận học chơi đàn vina, ta lại còn mê âm thanh của đàn tambura nữa. Nếu thiền định của nhà Phật vi diệu thì cần gì buộc ta phải từ bỏ âm nhạc?”

    Đại sư nói: “Ta sẽ dạy con thiền định bằng âm nhạc. Con không cần phải từ bỏ âm nhạc mà sẽ dùng âm nhạc như một phương tiện để để thiền định.”


    Hoàng tử nghe thế liền hoan hỷ nhận lời.


    Sư bèn điểm đạo và khai tâm cho hoàng tử. Ngài dạy cho hoàng tử cách chú tâm vào tiếng đàn. Dừng lại tất cả sự can thiệp của tâm tưởng vào âm thanh. Chấm dứt tạp niệm để chú tâm thưởng thức âm thanh thanh tịnh.


    Hoàng tử tuân theo giáo pháp, tu luyện trong 9 năm thì dứt được vô minh, tâm trí trở nên thanh tịnh. Ánh sáng bùng lên trong tâm ngài như một ngọn đèn. Chính lúc ấy hoàng tử đắc Đại thủ ấn và các thần thông tự nhiên hiển lộ.


    Hành trì


    Vina là một loại nhạc cụ có 7 dây, thùng đàn làm bằng quả bầu khô, phía cuối cần đàn lại gắn một quả bầu thứ hai để khảy lên âm thanh phát ra lớn và vang lâu. Còn tambura là nhạc cụ có 4 dây dùng để đàn đệm theo đàn vina. Trong cổ nhạc Ấn Độ, người ta quan niệm rằng âm thanh trầm bổng của đàn tambura chính là âm thanh của vũ trụ. Đó là âm om. Tiếng đàn vina là giọng âm và tiếng đàn tambura là giọng dương.


    Sự kết hợp âm thanh của hai nhạc cụ này hàm chứa tất cả âm thanh trong vũ trụ.


    Tất cả âm thanh của vũ trụ hợp lại thành âm sabda, tức âm chỏi với âm nada được phát ra từ thanh quản. Ở Tây Tạng không có sự phân biệt như thế, vì âm sgra trong Tạng ngữ bao hàm cả hai nguyên lý này.



  4. The Following User Says Thank You to caydendau For This Useful Post:

    Thiện Tâm (07-26-2015)

  5. #13
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts


    Đại sư thứ 12: Santipa - Nhà truyền giáo



    Từ thuở hoang sơ khi chưa có sự bắt đầu
    Những cái rễ của cây vô danh
    Được vun tưới bằng những cơn mưa
    Của thói quen vọng tưởng
    Chúng lớn mạnh thành những nhánh vô minh
    Hôm nay ta đốn cây vô minh ấy
    Bằng chiếc rìu giáo pháp của chân sư
    Bạn ơi! Hãy nghĩ suy, cân nhắc mà tu tập


    Truyền thuyết


    Sư Santipa còn được gọi là Ratnakasanti, vốn là một vị giáo thọ nổi tiếng uyên bác về Ngũ minh môn (five arts and sciences) thuộc Tu viện Vikramasila ở xứ Magadha.


    Thuở ấy, Śrỵ Lanka (Tích Lan) nằm dưới quyền trị vì của vua Kapina, một bậc minh vương có đầy đủ phẩm hạnh và công đức.


    Nhà vua từng nghe nói đến pháp vi diệu của Phật và tiếng tăm lừng lẫy của đại sư Santipa, nhưng đạo Phật lúc bấy giờ chưa được truyền sang nước ngài.


    Ngưỡng mộ đạo hạnh của sư, vua sai sứ mang vô số vật thực đến cúng dường cho tu viện, đồng thời gửi một điệp văn cho sư, đại ý như sau: “Trẫm và dân chúng trong nước lâu nay ngưỡng mộ oai đức của đại sư. Nay cúi xin đại sư rủ lòng bi mẫn chiếu soi đèn pháp vào bóng tối vô minh, dội cơn mưa pháp dập tắt lửa tham, bẻ gãy gươm sân mà cứu vớt chúng sinh ngu muội. Trẫm ngày đêm mong đợi được kề cận thánh tăng, như con đỏ mong mẹ hiền. Cúi mong đại sư một lần dời bước đến tệ quốc cho thoả lòng quy ngưỡng.”


    Chấp nhận lời thỉnh cầu của quốc vương Śrỵ Lanka, sư và một tăng đoàn gồm 2.000 vị tỳ-kheo mang theo Tam tạng kinh điển khởi hành đến Śrỵ Lanka.


    Đoàn người đi qua các vùng Nalanda, Odantapuri, Rajagrha, Vajrasaha (tức Bồ-đề đạo tràng) và cuối cùng đến vùng biển thuộc Śrỵ Lanka.


    Nhà vua cùng triều đình và toàn thể dân chúng vui mừng ra đón tiếp tăng đoàn. Họ cúng dường đầy đủ tất cả vật dụng cần thiết để chư tăng có thể lưu lại trong thời gian ba năm để truyền bá giáo pháp Đại thừa.


    Sau ba năm giáo hoá, sư cùng đại chúng quay về cố hương. Chuyến trở về lại theo một lộ trình khác, dài hơn, băng ngang qua nhiều xứ, nên khi về đến tu viện thì sư Santipa đã già yếu. Các môn đồ phải di chuyển ngài bằng xe bò.

    Khi được 100 tuổi, sư nhập thất để thiền định trong 12 năm. Cũng trong khoảng 12 năm ấy, môn đồ của ngài là Kotapila cũng nhập thất tu luyện.


    Trong Tam tạng kinh điển chia làm kinh, luật và luận thì Santipa uyên bác về luận.


    Trong thiền quán, ngài dùng trí phân biệt để quán sát các pháp. Trái lại, môn đồ của ngài là Kotapila lại dùng trí vô phân biệt để quán sát các pháp.


    Kotapila tu tập 12 năm thì chứng ngộ. Khi ngài đắc Đại thủ ấn (Mahamuddra) thì chư thiên hiện ra chung quanh rưới mưa hoa ca tụng công đức của ngài. Các thiên vương khẩn cầu ngài cai quản 33 cõi trời Dục giới nhưng ngài từ chối.


    Ngài bảo chư thiên: “Nay ta vào được đạo tràng của chư Phật là nhờ oai đức dạy dỗ của chân sư. Ta cần phải vấn an thầy ta trước hết. Bởi trong kinh nói rằng chân sư là Phật, chân sư là Pháp, chân sư là Tăng-già, chân sư là Tam bảo.”


    Nói xong, sư dùng hoá thân đi đến Magadha trong thời gian nhanh như khảy móng tay.


    Đến nơi, ngài đảnh lễ thầy mình và chào hỏi các đạo hữu nhưng không ai đáp lời vì họ không thể nhìn thấy pháp thân vô tướng của ngài.


    Cuối cùng Kotapila phải hiện nguyên hình để đảnh lễ đại sư Santipa. Sư lấy làm lạ, hỏi: “Ngươi là ai?”


    “Đệ tử vốn là môn đồ của ngài.”


    “Ta có vô số môn đồ, làm sao nhớ hết.”


    Kotapila bèn thuật lại tự sự. Sư nhớ ra lấy làm hoan hỷ. Thầy trò hàn huyên tâm đắc. Đoạn, sư hỏi: “Kết quả tu tập bấy lâu của ngươi ra sao?”


    “Bạch thầy! Đệ tử thấy các pháp vốn do duyên sinh, không có tự tánh, không dơ, không sạch, nên vào được cảnh giới của Đại thủ ấn.”


    Sư ngửa mặt than rằng: “Ấy là ta dạy ngươi! Tiếc thay, ta chưa hề thân chứng cảnh giới ấy. Nay ngươi hãy vì ta mà nói lại pháp tu tập kẻo ta quên đi mất.”


    Vâng mệnh thầy, Kotapila nói lại những gì mà sư Santipa trước đây đã dạy ngài.


    Sau đó đại sư Santipa thiền định thêm 12 năm nữa thì chứng đắc.



    Hành trì


    Truyền thuyết này nêu lên một sự phê phán nghiêm túc về sự nghiệp tu hành của một bậc giáo thọ. Nó nhằm chỉ trích tất cả những nỗ lực tu học có tính chất kinh viện, lối tu lan man, phương pháp thiếu thực tiễn, lòng tự mãn và thiếu quan tâm đến môn đệ của một bậc thầy.


    Tuy nhiên, nó khẳng định một chân lý mới. Một bậc thầy không nhất thiết phải ngộ hay thân chứng mới có thể truyền pháp cho môn đồ. Bởi vì một bác sĩ đâu cần phải mắc một căn bệnh nào đó rồi mới có thể rút kinh nghiệm để chữa trị cho người bệnh?
    Cũng thế, các nhà khoa học không cần phải đích thân bay lên vũ trụ xem xét để vẽ đường bay cho các con tàu vũ trụ.


  6. The Following User Says Thank You to caydendau For This Useful Post:

    Thiện Tâm (07-26-2015)

  7. #14
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts
    Đại sư thứ 13: Tantipa - Ngưòi thợ dệt già


    Người thợ dệt từng khung vải
    Ta dệt bằng giáo pháp của chân sư
    Ta dệt những tao dây của tri kiến
    Sợi là sự rỗng không của năm tịnh thức
    Thoi là giáo pháp của chân sư
    Khung cửi là trí tuệ Bát nhã
    Vải pháp giới kia đã dệt xong
    Sản phẩm của hư không cùng tri kiến



    Truyền thuyết


    Tại Sendhonagar có một người thợ dệt suốt đời lao động cực nhọc, chắt chiu tiền bạc để gầy dựng sự nghiệp. Kết quả là ông ta trở thành một trong những người giàu có trong làng thợ.


    Khi ông được 90 tuổi thì người vợ qua đời, và vì già yếu ông không còn lao động được nên các con phải nuôi dưỡng và chăm sóc ông hằng ngày.


    Nhưng chẳng bao lâu, sự già nua lẩm cẩm của ông khiến cho các nàng dâu lấy làm khó chịu. Họ cho rằng sự có mặt của ông cụ là điều phiền nhiễu mỗi khi có khách sang trọng đến viếng.
    Vì thế, họ cùng nhau dựng một túp lều trong ngôi vườn rồi đưa ông cụ ra sống ở đấy, hằng ngày đem cơm nước đến.


    Cho đến một ngày nọ, sư Jalandra tình cờ du hoá sang miền Sendhonagar. Ngài dừng chân trước ngôi nhà người thợ dệt xin thức ăn.


    Con trai của người thợ dệt nhận lời nhưng bảo sư chờ vì cơm còn đang nấu. Khi cơm chín, người con thỉnh sư vào trong để dùng bữa.


    Sau đó, anh ta mời sư nghỉ chân qua đêm nhưng sư bảo không quen nằm giường cao chiếu rộng. Vì thế, họ đưa Sư ra vườn để nghỉ ngơi.


    Nghe tiếng động lạ, người thợ dệt già cất giọng hỏi: “Ai đấy?”
    “Bần tăng là kẻ qua đường, tạm dừng chân đêm nay. Chẳng hay cụ là ai?”


    “Trước đây tôi từng là chủ nhân ngôi nhà này, quán xuyến mọi việc làm ăn buôn bán. Nay tuổi già sức yếu không thể lao động được nữa, nên các con tôi đối xử tệ bạc với tôi. Thật là tủi nhục. Chúng sợ người khác thấy cái già nua, lẩm cẩm, hom hem của tôi nên đem tôi giấu ở nơi này. Cuộc sống sao mà giả dối!”


    Đại sư nói: “Tất cả những gì chúng ta đóng góp cho cuộc sống này chỉ là những vai diễn trong vở kịch đã qua. Còn sống là còn phải nếm mùi cay đắng, đau khổ. Chỉ có Niết-bàn là cõi tịnh lạc. Cụ có muốn chuẩn bị cho mình một cái chết thanh thản không?”


    Người thợ dệt già đáp: “Thưa vâng.”


    Sư điểm đạo và truyền pháp thiền cho cụ, rồi ra đi.


    Người thợ dệt già bắt đầu hành trì giáo pháp được trao. Mặc dù hoàn cảnh sống của cụ không có gì tiến bộ hơn trước nhưng chỉ có một điều là cụ không còn than vãn về con cháu nữa.


    Sau 12 năm tu tập trong sự câm lặng, ông cụ đắc được các pháp thần thông. Sự tu tập thành công của cụ vẫn chưa bị khám phá, cho đến một ngày, khi nàng dâu mang cơm nước đến sớm hơn thường lệ.


    Đứng bên ngoài túp lều, nhìn vào bên trong, người con dâu trông thấy một cảnh lạ thường. Có mười lăm thiếu nữ mặc y phục xinh đẹp, tay cầm những đĩa thức ăn đầy cao lương mỹ vị đứng vây quanh một ngọn đèn lớn đang tỏa sáng rực rỡ. Y phục và trang sức của các thiếu nữ đẹp đẽ, sang trọng như không hề có ở thế gian!


    Nàng dâu lấy làm lạ lùng chạy ngay về báo lại với chồng. Người con trai vội vã đến chỗ cha thì thấy cụ già đang hấp hối. Nghe chuyện lạ, mọi người đến xem, họ bảo nhau: “Người thường không có khả năng làm những việc như thế. Lão già này chắc chắn là tôi tớ của quỷ dữ.”


    Sáng hôm sau, dân chúng thành Sendhonagar nghe được tin đồn, họ rủ nhau đến xem, vài người trong bọn cung kính vái chào.


    Khi ấy thân thể ông già biến thành dáng một thiếu niên 16 tuổi, từ đó chiếu ra một thứ ánh sáng rạng rỡ, chói loà khiến mọi người đang hiện diện phải lấy tay che mắt. Cảnh giới chung quanh trở nên hoàn toàn thanh tịnh trang nghiêm.


    Kể từ đó, người thợ dệt già được tôn vinh là Đạo Sư Tantipa.



    Hành trì


    Ban đầu, sư Jalandra chỉ dạy cho Tantipa phương pháp tu luyện để đón một cái chết an lạc, nhưng sau đó nhờ công tu tập Tantipa đã đổi già hoá trẻ.


    Theo đây, có lẽ Tantipa đã quán tưởng thân tướng của Kim cương Thánh nữ (Vajvayogini) ngự trị trong tâm ông, nên khi thành tựu pháp này, 15 quyến thuộc của Dakini đã hiện ra để cúng dường Tantipa.


    Một hành giả Mật tông khi đắc pháp, thân phàm phu hoá thành linh quang, vì lúc ấy chính là lúc thâm nhập vào Pháp giới (Dharmakaya) Một sự hoà nhập giữ hư không và ánh sáng.
    Vào giờ phút lâm chung, hay còn gọi là giai đoạn cận tử, khi ánh sáng xuất hiện ở cuối đường hầm thì tùy nghiệp lực mà thức bị cuốn hút vào một trong các cõi. Sự chọn lựa cảnh giới để tái sinh của hành giả được quyết định ngay lúc này.


    Tùy mức độ hành trì, thức tâm phân hủy thành ánh sáng để hội nhập vào ánh sáng của cảnh giới nghiệp.


    Sử liệu


    Trong một truyền thuyết khác nói rằng Tantipa là thợ dệt ở thành Arati thuộc xứ Malara.


    Sư thọ pháp Quán đảnh (Abhiseka) từ Kim cương thánh nữ khi vị Bồ Tát này đặt tay lên đỉnh đầu ông.


    Sau khi đắc thần thông, Tantipa vẫn tiếp tục làm nghề thợ dệt như cũ, nhưng luôn miệng ca hát vui tươi, mãi cho đến khi gặp được sư Krsnacarya truyền cho pháp môn Bất nhị (Non-discrimination). Đó là phương pháp ăn phân cũng thấy ngon như ăn bánh mì với bơ và ăn thịt người như ăn thịt sói.


    Cũng có truyền thuyết nói rằng chính Đại sư Tantipa đã thành công trong việc hủy bỏ lệ tế thịt sống cho nữ thần Durga bằng cách biến hàng ngàn con dê dùng trong lễ tế thành những con linh cẩu. Điều này khiến những kẻ tà kiến hoảng sợ đâm ra nghi ngờ pháp lực của vị nữ thần này. Ngài cũng nhiếp phục được vị thần nữ này và buộc không cho nhận đồ tế lễ bằng máu.




    Có bốn phép quán đảnh: Thọ minh Quán đảnh, Sự nghiệp Quán đảnh, Bí mật Quán đảnh và Cam lồ Quán đảnh. (Chú thích của người dịch)



  8. #15
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts
    Đại sư thứ 14: Camaripa - Người thợ sửa giày


    Ta, Camaripa thợ sửa giày thần thánh
    Đắp tấm da kiến chấp quanh chiếc khuôn từ bi
    Mũi khâu là trí giác
    Ta khâu bằng sợi chỉ tương tục
    Thoát khỏi tám nỗi ám ảnh của thế gian
    Ta sửa xong đôi giày pháp giới



    Truyền thuyết


    Khu phố Visnunagar ở miền đông Ấn Độ có một thợ giày tên là Camaripa. Công việc thường ngày của ông ta là đóng những đôi giày mới và sửa những chiếc giày cũ.


    Công việc đơn điệu, tẻ nhạt và nhàm chán, nên đôi khi ông có ý nghĩ rằng mình sinh ra không phải để làm thợ giày mà là để làm một điều gì đó khác hơn.


    Cho đến một hôm, tình cờ có một vị sư Du-già đi ngang qua cửa hiệu, anh ta liền vất bỏ dụng cụ để chạy theo nhà sư. Anh ta gieo mình xuống đất, khẩn khoản nhà sư: “Bạch thầy! Con đã quá chán ngán cuộc sống đầy dẫy ngu si, ham muốn và cực nhọc này. Cúi mong thầy từ bi chỉ giáo.”


    “Ta sẵn lòng ban cho giáo pháp nếu ngươi xét thấy có thể tu tập thiền định.”


    “Đội ơn thầy! Thỉnh thầy dùng bữa cơm đạm bạc nơi chốn nghèo hèn.”


    “Được, ta sẽ đến vào lúc hoàng hôn.”


    “Đúng hẹn, vị sư đến nhà người thợ giày và sau khi dùng cơm xong, sư bảo: “Tu tập cũng chẳng khác gì công việc làm giày. Chỉ có điều, thay vì làm ra những đôi giày tầm thường thì nay người làm nên làm một đôi giày pháp (Dharmakaya).


    Đoạn sư đọc một bài Pháp kệ:


    Từ bi làm khuôn
    Kim là giáo pháp
    Khâu chỉ vui, buồn
    Thì thành giày pháp.



    Nghe xong, người thợ giày vui mừng vì nắm bắt được ý chỉ của sư, lại hỏi: “Bạch thầy, khi con tu tập pháp này, điều gì sẽ xảy ra?”


    “Trước tiện, ngươi sẽ thấy vòng luân hồi (Samvara) xoay ngược. Kế đó, ngươi sẽ thấy tướng thực của các pháp thế gian.”
    Nói xong, vị sư biến mất.


    Người thợ giày sau khi thọ pháp bèn tìm nơi vắng vẻ để tu tập trong 12 năm. Trong thời gian 12 năm ấy, vị thần cai quản nghề thủ công cùng quyến thuộc hiện ra làm thay công việc thường ngày của người thợ giày.

  9. #16
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts


    Đại sư thứ 15: Khadgapa - Tên trộm vô uý



    Người chiến binh
    không trang bị vũ khí khi ra trận
    Đại bại là lẽ thường tình
    Cho dù y có ngoan cường trong chiến đấu.
    Vì thế
    Ta luôn luôn mang theo lưỡi gươm tỉnh thức
    Chiến đấu để dẹp giặc thù trong ba cõi
    Nhiệm vụ đã hoàn thành
    Ta vui đón vinh quang



    Truyền thuyết



    Gia đình của Khadgapa từ đời ông đến đời cha chàng đều làm nghề nông, nhưng đến đời chàng thì Khadgapa lại trở thành một tướng cướp.


    Một hôm sau một vụ đánh cướp lớn, Khadgapa may mắn thoát khỏi cuộc truy bắt liền tìm đến chốn mồ hoang để ẩn mình. Tại đây, Khadgapa tình cờ gặp một nhà sư Du-già tên là Carpaty đang thiền định. Anh ta liền hỏi: “Sư làm gì nơi chốn hoang địa này?”


    “Ta đang tu tập thiền định. Vì ta sợ vòng luân hồi sinh tử.”
    Tên cướp ngạc nhiên: “Sư làm như vậy thì đạt được gì?”


    “Ta sẽ được an vui mãi mãi. Nếu ngươi làm theo như ta thì ngươi cũng được hạnh phúc vô biên.”


    “Tôi có nghe Phật pháp vi diệu, nhưng rảnh rỗi đâu mà ngồi suốt ngày lim dim đôi mắt? Vả lại, quan quân ngày đêm săn lùng tôi. Đôi khi tôi phải chống chọi kịch liệt mới được toàn mạng. Tốt nhất là ngài dạy cho tôi pháp thuật để tự bảo vệ lấy thân.”


    Vị sư đồng ý, điểm đạo và truyền pháp thuật cho anh ta. Sau đó, vị sư dặn: “Trong thành Magadha có một ngôi đền tên là Gauri Sankak. Trong đền ấy có một tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngươi hãy đến và cầu nguyện trước pho tượng ấy trong 21 ngày đêm không được ngưng nghỉ. Cho đến khi nào ngươi nhìn thấy một con rắn xuất hiện từ trong pho tượng chui ra. Hãy mạnh dạn, không được ngần ngừ hay sợ hãi, phải chộp ngay đầu con rắn ấy. Nếu ngươi làm đúng lời ta dặn thì sẽ trở thành kẻ vô địch thiên hạ.”


    Tên cướp vâng theo lời vị sư dạy.


    Sau 21 ngày đêm cầu nguyện, một con rắn đen to lớn trườn mình ra khỏi pho tượng, Khadgapa bình thản chộp lấy đầu nó.
    Con rắn trở mình biến thành một thanh gươm. Khadgapa nhìn lại, thấy mình đang cầm cây gươm Trí Tuệ. Ba nghiệp của Khadgapa trở nên thanh tịnh, toàn thân nhập vào pháp giới (Dharmadhatu).




  10. The Following User Says Thank You to caydendau For This Useful Post:

    Thiện Tâm (07-29-2015)

  11. #17
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts



    Đại sư thứ 16: Nagarjuna - Hiền triết và nhà luyện kim



    Khi một con người si mê chưa giác ngộ
    Mơ hồ tưởng mình là bậc thánh
    Y hành sử như một tên đạo chích
    Lẻn vào hoàng cung đánh cắp ngọc ngà
    Khi một người còn si mê chưa giác ngộ
    Y như con voi bị kẹt giữa đám bùn lầy



    Truyền thuyết


    Ngài Nagarjuna tức Bồ Tát Long Thụ, xuất thân từ dòng dõi bà-la-môn thuộc vương quốc Càn-chí (Kanci), miền đông Ấn Độ.


    Thuở thiếu thời ngài là một con người gàn dở, thường hay nhũng nhiễu, cưỡng đoạt tài sản người khác. Số nạn nhân lên đến 25.000 gia đình. Dân chúng trong vùng oán thán và các thầy tư tế bà-la-môn cũng kinh hãi dời chỗ ở.


    Về sau, Nagarjuna thấy hối hận về những hành vi tác tệ của mình, ngài đem trả lại tài sản đã cưỡng đoạt và phân chia tài sản riêng của chính mình cho những kẻ nghèo khó, rồi tự lưu đày mình sang xứ khác.


    Rời Kahora, ngài đến tu viện Nalanda để tu học. Tại đây ngài trở thành một học tăng kiệt xuất về Ngũ minh môn. Nhưng chẳng bao lâu ngài chán ngán môn này, quay sang tu thiền.
    Ngài thường trì tụng thần chú Long Nữ (Tara mantra). Do sự cảm ứng, vị nữ thần này tuân theo sở nguyện của ngài nên khiến tu viện luôn có đầy đủ vật thực cho 700 vị tăng của tu viện.
    Nhưng bản thân ngài thích sống cuộc đời du hành khất thực. Mỗi đêm khi ngã lưng nằm xuống, ngài lại suy nghĩ: “Ta thật là vô tích sự. Ta phải tìm phương tiện khéo để giúp đỡ chúng sinh.”


    Vì vậy, ngài đến vùng Rajagrha để nhập thất và dùng thần chú để triệu thỉnh 12 nữ dạ-xoa Đại tướng, tức 12 vị thần chủ quản các nguyên tố đất, nước, lửa, gió.


    Khi ngài nhập đàn khởi trì thần chú, thì ngày thứ nhất động đất xảy ra, ngày thứ hai hạn hán, ngày thứ ba có bão lửa, ngày thứ tư gió to, ngày thứ năm mưa gươm đao, ngày thứ sáu có vô số kim cương từ hư không rơi xuống.


    Đến ngày thứ bảy, 12 vị nữ dạ-xoa hợp lực tấn công ngài dữ dội, nhưng ngài vẫn không động tâm.


    Sau đó, ngài dùng Hàng phục pháp (Kuyo) để nhiếp phục các nữ dạ-xoa. Chúng nữ dạ-xoa hiện ra đảnh lễ, cung kính thưa: “Bạch tôn sư, chúng đệ tử có mặt.”


    Ngài dạy: “Các ngươi ngày ngày hãy mang cho ta một ít vật thực.”


    Chúng thần lãnh mệnh lui đi. Rồi mỗi ngày họ đều mang đến cúng dường cho ngài một nắm cơm và một nắm rau trong suốt 12 năm.


    Sau đó ngài lại thu nhiếp thêm 108 thần nữ dược-xoa. Để giúp đỡ chúng sinh, ngài định dùng thần thông biến núi Gandhasila thành núi vàng. Trước tiên, ngài dùng định lực biến ngọn núi lớn này thành núi sắt, rồi từ sắt biến thành đồng, nhưng khi ngài định tiếp tục biến nó thành vàng thì Bồ Tát Văn-thù hiện ra ngăn lại: “Chớ có làm thế? Nếu tôn giả biến ngọn này núi thành vàng thì cũng chỉ tạo ra sự tranh giành giữa các chúng sanh mà thôi, khác gì tạo nghiệp ác cho họ? Chi bằng tôn giả ra sức giáo hoá cho chúng thoát khỏi ba đường ác, đạt đến Niết-bàn giải thoát.”


    Vâng lời Bồ Tát, ngài Nagarjuna thôi không thi triển pháp thuật. Vì vậy, cho đến ngày nay ngọn núi Gandhasila vẫn còn giữ nguyên màu tia tía của chất đồng.


    Rời chốn ấy, Nagarjuna đi về phía nam. Nơi ấy có một con sông lớn chắn ngăn. Ngài nhờ những người chăn cừu quanh đấy chỉ giúp ngài chỗ cạn nhất để ngài có thể lội qua bờ kia. Nhưng họ lại đưa ngài đến khúc sông sâu và đầy cá sấu.


    May thay, một kẻ tốt bụng tình nguyện cõng ngài bơi qua sông. Đến giữa sông, Nagarjuna dùng thần thông hoá ra một bầy cá sấu ra vẻ như đe doạ cả hai. Người đàn ông tốt bụng vẫn giữ vẻ điềm nhiên: “Ngài đừng sợ. Miễn là ta còn sống, ta sẽ cố đưa ngài an toàn sang sông.”


    Nghe nói thế, sư lấy làm cảm phục, thâu phép lại và nói: “Ta là Arya Nagarjuna. Ngươi nhận ra ta chăng?”


    “Tôi có nghe đại danh của tôn sư nhưng lâu nay chưa từng gặp.”


    “Ngươi có công mang ta qua sông an toàn. Vậy ngươi ước nguyện điều chi, ta sẽ biến thành hiện thực.”


    “Vậy xin tôn sư cho tôi được làm vua.”


    Sư toé nước vào một thân cây sala, lập tức cây ấy hóa thành con voi trắng cho vua cưỡi.


    “Nhưng còn binh lính?”


    “Khi nào voi rống, tức thì có binh lính hiện ra.”


    Đức vua ấy lấy hiệu là Salabandha, cai trị tám triệu bốn trăm ngàn hộ dân trên một vùng đất nguy nga tên là Bhabitan. Vua lập nàng Sindhi làm hoàng hậu.


    Sau một vài năm trị vì vương quốc Bhabitan, vua Salabandha đâm ra chán ngán cuộc đời làm vua của mình, ông lại tìm đến Sriparvatta để tìm sự khuây khoả.


    Nhà vua tìm đến thầy mình và khẩn nài: “Bạch thầy! Làm vua chỉ được một ít lạc thú mà quá nhiều phiền não. Con muốn từ bỏ ngai vàng để được kề cận bên thầy.”


    “Ngươi chớ từ bỏ vương quốc của mình. Hãy giữ lấy xâu chuỗi này. Nó sẽ bảo vệ vương quốc của ngươi, ban cho ngươi thứ rượu vô uý khiến tâm ngươi không kinh hãi khi đối mặt với thần chết.”


    Mặc dù không muốn trở về nhưng nhà vua phải vâng lời thầy.
    Tất cả mọi thứ trong vương quốc Bhabitan từ cây cối đến chim muông đều tươi tốt khoẻ mạnh khiến quỷ thần ghen tị. Cho đến một ngày nọ, ánh sáng mặt trời, mặt trăng tự dưng biến mất, hoa quả chưa đến kỳ đơm bông kết trái đã lìa cành, dịch bệnh hoành hành, rừng khô, cỏ úa...


    Chứng kiến những hiện tượng lạ thường như thế, vua Salabandha đoán biết thầy mình gặp nạn. Ngài liền trao quyền bính cho thái tử Cindhakumara rồi đem theo một ít tùy tùng đến vấn an thầy.


    Sư Nagarjuna hỏi: “Này con! Vì sao con đến?”


    Nghe thầy hỏi, đức vua cất tiếng hát ai oán:


    Định mệnh ôi trớ trêu,
    Phật pháp sao khó bày
    Bóng tối che ánh sáng
    Mây mù che trăng rằm
    Thánh tăng còn phải lụy
    Sinh tử chia đôi đường
    Con đến đây chỉ vì
    Chợt thấy điềm bất tường
    Cúi mong thầy từ bi
    Ban cho cam lồ vị
    Sư đọc kệ đáp:
    Có sinh thì có diệt
    Tụ tán lẽ thường tình
    Trần gian là huyễn mộng
    Chớ buồn rầu, sầu khổ
    Rượu vô uý! Cạn ly!


    Vua buồn rầu hỏi: “Thưa tôn sư, nếu như tôn sư không còn có mặt trên đời này nữa, thì rượu vô uý kia nào có vị chi?”


    Biết đã đến lúc phải trả nghiệp đời trước, ngài Nagarjuna phát nguyện bố thí tất cả những thứ mà ngài sở hữu. Phạm Thiên bèn hoá thành một người bà-la-môn đến xin thủ cấp của ngài. Bồ Tát hoan hỷ nhận lời.


    Vua Salabandha không nỡ chứng kiến cái chết của thầy, ngài tựa đầu vào chân sư rồi tắt thở.


    Dân chúng thấy vậy, nguyền rủa không tiếc lời ý muốn độc ác của kẻ kia. Nhưng vô ích, Sư đã hứa cho đầu của mình.


    Ngài dùng ngọn cỏ sula tự cắt lấy đầu rồi trao cho người bà-la-môn kia. Tức thời, muôn thú kêu vang thảm thiết, cây cối héo tàn. Tám nữ dạ-xoa đại tướng hiện ra canh giữ nhục thân của sư, không rời giây lát.


    Từ thi thể của sư phát ra một luồng ánh sáng bay vút lên cao, nhập thẳng vào ngài Nagabhodi (Long Trí).


    Truyền thuyết còn nói rằng khi đức Phật Di-lặc ra đời trong tương lai thì ngài Nagarjuna sẽ tái sinh để cứu độ chúng sinh.


    Sử liệu


    Theo truyền thống Mật tông, các bậc thánh và các đạo sư thường mang chung một tên. Đây là sự khế hợp giữa tâm và tâm của vị trước và vị sau. Việc này rất thông thường đối với bậc tái sinh (tulku). Chính vì vậy, người đời sau thường nhầm lẫn.
    Có hai vị đạo sư mang tên Nagarjuna, tức Long Thụ. Vị Long Thụ thứ nhất sinh vào khoảng thế kỷ thứ 2 ở miền nam Ấn Độ (150-250), thường được xem như Phật Thích-ca tái thế. Ngài là một triết gia vĩ đại, đã trước tác các bộ luận và hệ thống biện chứng về Trung quán (Madhyamika).


    Vị Long Thụ thứ hai sinh vào thế kỷ thứ 9, vốn là vị tổ của hệ phái Guhyasamaja Tan-tra, môn đệ của ngài Saraha.


    Tiểu sử của ngài Long Thụ thứ nhất được dịch sang Hán văn vào năm 405, do công của một nhà sư truyền giáo tên là Kumarajiva (Cưu-ma-la-thập).


    Thuở thiếu thời, ngài Long Thụ đã chứng tỏ trí tuệ phi phàm. Chưa đầy 20 tuổi, ngài đã nổi tiếng uyên bác các kinh điển truyền thống của đạo Bà-la-môn. Nhưng sau đó ngài chán ngán và lăn mình vào các thú vui ngũ dục.


    Tương truyền rằng có một đạo sĩ đã dạy ngài phép tàng hình, có thể đi lại tự tại mà không ai nhìn thấy. Ngài đã cùng ba người bạn xâm nhập vào cung cấm để trêu ghẹo các công nương.
    Chẳng may sự việc bị phát giác, ba người bạn bị quan quân giết chết. Riêng ngài thoát được nhờ phép ẩn thân đứng ngay bên cạnh nhà vua.


    Ân hận vì cái chết của những người bạn, ngài đến Nalanda xuất gia học Phật. Tại đây, ngài nhanh chóng quán triệt yếu nghĩa của Tam tạng kinh điển (Tripitaka), kể cả các bộ kinh Đại thừa (mahayana-sutra).


    Nhưng vì không thoả mãn với kiến thức ấy, ngài lại vân du khắp nơi để sưu tập các kinh điển bị thất truyền.


    Trong các cuộc tranh biện, ngài luôn luôn đánh bại lý luận của đối phương, nên tỏ ra rất kiêu hãnh.


    Ngài phát minh các luận thuyết mới và sáng lập ra một hệ phái riêng dựa trên căn bản thực tại (non-rejection). Chính vì quan điểm sai lệch này, vị Đại long vương cảm thấy thương hại nên đưa ngài xuống Tàng kinh các ở long cung. Nơi đây có một số kinh điển mà đức Phật Thích-ca đã phó thác cho Đại long vương gìn giữ để trao lại cho ngài Long Thụ.


    Với trí tuệ phi phàm, trong vòng 90 ngày ngài đã nắm bắt được yếu nghĩa của tất cả những kinh điển này. Tuy nhiên, ngài hiểu rằng sự thân chứng giáo pháp mới gọi là sở đắc rốt ráo.


    Do đó ngài nhập định để tu pháp môn “Nhẫn nhục Ba-la-mật”. Khi xuất định, ngài trước tác bộ luận Trung quán (Madhyamika) và nỗ lực hoằng dương đạo pháp.



  12. The Following User Says Thank You to caydendau For This Useful Post:

    Thiện Tâm (07-29-2015)

  13. #18
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts
    Đại sư thứ 17: Kanhapa - Vị đạo sư trong màn đêm


    Nếu chỉ vì lòng ghen tị
    Ra sức hành trì các pháp môn
    Nỗ lực tích lũy các công đức
    Tất cả đều vô ích mà thôi
    Vì ngươi không thể nào đạt tới thần thông
    Nếu ngươi không có được
    sự dìu dắt của một chân sư
    Như chiếc xe kia thiếu bánh
    Chẳng thể nào lăn đi trên đường
    Chỉ có bậc thầy mới có thể
    Chắp cho ngươi đôi cánh rộng
    Để ngươi có thể vút bay trên trời cao



    Truyền thuyết


    Đạo sư Kanhapa còn được biết dưới cái tên khác là Krsnacarya, vốn là con trai của một quan văn.


    Ngài thọ pháp tại đại tu viện Somapuri. Đây là một trong số những tu viện lớn được vua Dharmapala xây dựng nên. Chân sư của ngài là Đại thành tựu giả Jalandhara.


    Ngài Kanhapa tu tập thiền định trong 12 năm thì bắt đầu thấy có những hiện tượng chứng đắc. Một hôm khi đang ở trong định, ngài thấy hảo tướng rõ ràng của thủ thần Hevajra cùng các quyến thuộc của vị thần này thì đất dưới chỗ ngài ngồi rung chuyển mạnh.


    Thấy thế, Kanhapa lấy làm tự mãn. Nhưng Kim cương Du-già Thánh nữ (Dakini) hiện ra bảo cho ngài biết rằng đó chỉ là sơ chứng, chứ chưa phải là cứu cánh rốt ráo.


    Kanhapa lại tiếp tục công phu cho đến một ngày nọ ngài nảy sinh ý định thử xem định lực của mình đạt tới mức nào.


    Ngài đặt bàn chân lên đá, chân ngài liền lún sâu như đạp vào bùn, để lại cả dấu chân.


    Một lần nữa, vị thánh nữ hiện ra khuyên ngài phải tiếp tục nỗ lực tu tập.


    Một hôm vừa xuất định, ngài thấy thân thể bềnh bồng bay là đà cách mặt đất khoảng bốn năm tấc. Vị thánh nữ lại hiện ra, bảo ngài cần tiếp tục chuyên cần hơn nữa.


    Kanhapa lại nỗ lực công phu cho đến một hôm khi vừa xuất định, ngài nhìn thấy bảy cái lọng che đầu ngài và bảy cái trống damaru bay lượn quanh tự kêu vang khắp trời, ngài Kanhapa bảo với môn đệ rằng: “Nay đã đạt mục đích. Ta sẽ đi Lankapuri, thuộc đảo quốc Śrỵ Lanka.”


    Lúc đến gần đảo, Kanhapa muốn chứng tỏ thần lực của mình bèn vận thần thông đạp xé nước để đi qua.


    Vừa đi ngài vừa nghĩ thầm: “Ngay cả thầy ta cũng chưa chắc làm được như thế này.”


    Niệm ấy vừa khởi lên trong tâm của Kanhapa, ngài liền bị chìm ngay xuống biển. Kế đó, một ngọn sóng lớn đánh dạt ngài vào bờ.


    Vừa khi ấy, ngước mặt nhìn lên trời, Kanhapa thấy thầy mình bay lơ lửng trên đầu. Vị sư phụ hỏi: “Kanhapa! Ngươi đi đâu đấy? Có chuyện gì mà trông thấy thảm thương vậy?”


    “Bạch thầy! Đệ tử đang trên đường đi đến Lankapuri để độ người. Chẳng may vì mất thần thông nên rơi xuống đây.”


    “Hoằng pháp độ sinh là việc tốt. Nhưng tốt hơn ngươi nên đến Pataliputra tìm cho ra đại đệ tử của ta. Y làm nghề dệt ở thành phố này. Nếu ngươi muốn thành tựu đạo quả, hãy tuyệt đối vâng lời của y.”


    Nghe lời thầy, Kanhapa lại đi về hướng thành phố Pataliputra.


    Lạ thay, thần lực của ngài tự nhiên hồi phục. Những cái lọng và những trống damaru lại xuất hiện trên đầu. Ngài đi đến đâu chúng theo đến đấy. Đến Pataliputra, ngài để lại 3.000 môn đồ bên ngoài thành, rồi một mình đi vào thành phố để tìm người thợ dệt.


    Ngài đi từ đầu phố đến cuối phố, thấy nhà nào có khung dệt thì ngài dừng lại, dùng thần nhãn dứt đứt sợi chỉ trong guồng. Nếu người nào dùng tay để nối sợi chỉ đứt thì Kanhapa hiểu rằng ngài còn phải tiếp tục tìm kiếm.


    Thế rồi, rốt cùng ngài cũng tìm thấy con người mà ngài cần tìm thấy, khi ngài nhìn thấy sợi tơ mà ngài dùng thần thông bứt đứt tự nhiên nối liền lại.


    Kanhapa đến vái chào người thợ dệt và cầu pháp. Người thợ dệt hỏi: “Ngươi một lòng qui thuận ta chăng?”


    “Thưa vâng, đệ tử xin phục tòng mọi mệnh lệnh của chân sư.”
    “Vậy hãy đi theo ta.”


    Cả hai cùng đi ra mộ địa, nơi ấy có một cái thây ma còn tươi. Người thợ dệt hỏi: “Ngươi ăn xác chết được chăng?”


    Kanhapa quì gối, rút dao, xẻo một miếng.


    “Không phải vậy! Hãy làm như thế này.”


    Rồi người thợ dệt hoá thành con sói nhảy đến cạnh xác chết, xé thây ma ra ăn ngấu nghiến.


    Đoạn biến trở lại thành người, y bảo: “Ngươi chỉ nên ăn thịt người khi ngươi biến thành thú mà thôi.”


    Nói xong, người thợ dệt rặn bụng lòi ra ba cục phân. Y cầm một cục đưa cho Kanhapa: “Nào, ăn đi!”


    “Không thể thế được. Nếu tôi ăn thứ này, mọi người sẽ nhạo báng tôi.”


    Không nói lời nào, người thợ dệt cầm lấy cục phân đưa vào mồm ăn, chư thiên hiện ra chia nhau ăn một cục khác.


    Còn cục phân thứ ba bị một con rồng bay đến tha đi.


    Kế đó, họ quay về thành phố, người thợ dệt đưa cho Kanhapa năm xu để mua rượu và thức ăn.


    “Bây giờ, ngươi hãy đi gọi các đệ tử của ngươi đến đây để cùng ta dự tiệc Pháp.”


    Kanhapa vừa đi vừa nhủ thầm: “Chỉ có ngần này tiền, không đủ cho một người ăn, làm sao mà thầy bảo đãi cả bọn ta?”


    Và khi mọi người tề tựu đông đủ, người thợ dệt tác pháp cúng dường, lập tức vô số thức ăn, vật uống hiện ra la liệt, toàn là sơn hào mỹ vị.


    Bữa tiệc kéo dài bảy ngày bảy đêm.


    Mọi người không sao ăn hết, Kanhapa lấy làm bực bội, thầm nghĩ: “Ăn thế này thì biết bao giờ mới xong? Ta phải đi thôi.”


    Kanhapa ném phần thức ăn thừa cho ngạ quỷ rồi gọi đệ tử lên đường mà không một lời từ biệt.


    Người thợ dệt cất tiếng mắng theo:


    Này lũ trẻ đáng thương
    Các nguơi tự huỷ mình
    Các người là những kẻ
    Dứt lìa trí huệ lớn
    Ra khỏi tâm từ bi
    Bỏ đi, ngươi được gì?
    Lọng, trống là chuyện nhỏ
    Chân đế mới tột cùng


    Nhưng Kanhapa không muốn nghe, tiếp tục lầm lũi dẫn môn đồ ra đi cho tới vùng Bhadhokura cách tu viện Somapuri khoảng năm trăm dặm về phía đông.


    Dừng chân nơi đây, ngài gặp một cô gái đang ngồi dưới gốc cây vải sum xuê những quả, ngài hỏi xin: “Này nữ thí chủ, cho ta xin ít quả.”


    Kanhapa vận thần lực nhìn lên cây, quả liền rụng xuống. Nhưng cô gái chỉ liếc nhìn, các trái vải lại dính trên cành như cũ.


    Sư tức giận dùng thần chú đả thương cô gái. Nàng đau đớn quằn quại gục đầu xuống đất.


    Đám đông chứng kiến cảnh ấy lấy làm căm phẩn: “Đệ tử Phật lúc nào cũng từ bi, nhưng gã ác tăng này lại là một kẻ sát nhân.”


    Nghe họ quở trách, Kanhapa bừng tỉnh, nguôi cơn giận, thâu phép về và chữa thương cho cô gái.


    Thừa cơ hội nhà sư không chú ý, cô gái niệm chú đánh lại khiến sư thổ huyết và rơi vào tình trạng rất nguy kịch.


    Kanhapa liền gọi một trong các nữ thần kim cương đến cứu giúp. Vị thánh nữ vâng mệnh đi tìm dược thảo để cứu thầy.


    Sau bảy ngày vất vả, bà tìm được được thảo nhưng trên đường về bà lại gặp một cụ già đứng giữa đường khóc lóc. Thánh nữ dừng lại hỏi nguyên cớ. Cụ già mếu máo trả lời: “Tôi khóc vì ngài Kanhapa đã qua đời.”


    Nghe tin dữ, vị thánh nữ vất thuốc đi vì cho rằng không còn cần đến nữa.


    Nhưng khi về tới nơi, bà thấy Kanhapa chưa chết mà chỉ trong tình trạng nguy kịch. Sư hỏi thuốc đâu thì bà lắp bắp kể lại chuyện mình bị lừa. Do không có thuốc chữa nên sư phải lìa đời.


    Sau cái chết của thầy, vị dakini này quyết tìm cho ra cô gái nọ.
    Bà đi khắp mọi nơi từ cõi trời cho đến cõi nhân gian và cho tới một hôm bà bắt gặp cô gái nọ đang ẩn mình trong thân cây sambhila. Bà lôi cô gái ra ngoài và dùng linh phù đánh cho một trận nhừ tử.



    Hành trì


    Kanhapa trước tiên đã không nghe theo lời khuyên của Kim cương Thánh Nữ, sau đó lại không vâng mệnh thầy, lại tỏ ra kiêu ngạo và khinh suất. Ngài đã bị sân hận và kiêu mạn sai xử. Vì vậy, ngài đã nhận một hậu quả bi thảm.


    Người thợ dệt tuy là bậc tôn túc nhưng cũng đã thất bại khi chỉ dùng thần thông để giáo huấn người, thiếu sự hài hoà giữa Bi và Trí.



  14. #19
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts


    Đại sư thứ 18: Aryadeva - Độc nhãn đại sư




    Chư Phật trong ba đời
    Chỉ có một điều bí mật
    Trực giác được điều này
    Thì ngươi hiểu được tâm ngươi
    Hãy đi lại tự tại
    Hãy đắm mình trong chân lý
    Xoá bỏ ưu tư và phiền não
    Ngươi chính là một hành giả Du-già



    Truyền thuyết



    Truyền thuyết kể rằng ngài Aryadeva sinh ra từ một đoá sen. Ngay khi đủ tuổi, ngài thụ pháp tại tu viện Sri Nalanda và về sau trở thành Tu viện trưởng ở đấy.


    Ngài từng là giáo thọ của hàng ngàn tăng chúng, là bổn sư của vô số các nhà học giả, trí thức đương thời, tuy nhiên ngài vẫn chưa chứng đắc. Vì thế, ngài bèn tìm đến Bồ Tát Long Thụ.


    Rời Nalanda, ngài đi về phía nam. Khi ngang qua một cái hồ nước rộng mênh mông, ngài gặp Bồ Tát Văn-thù (Manjuri) đang giả dạng làm người câu cá.


    Aryadeva vái chào và hỏi nơi ở của Bồ Tát Long Thụ. Bồ Tát Văn-thù bảo rằng vị thánh ấy ở trong một cánh rừng già gần đây và đang luyện thuốc.


    Theo hướng chỉ của bồ tát, Aryadeva tìm đến nơi thì thấy Bồ Tát Long Thụ đang điều chế độc dược thành thuốc trường sinh.
    Aryadeva đảnh lễ vị chân sư và xin được thu nhận làm đệ tử.


    Bồ Tát Long Thụ nhận lời thỉnh cầu, điểm đạo cho Aryadeva và cho phép ngài ở lại để tu tập thiền quán.


    Hằng ngày, hai thầy trò rời khu rừng đi đến các khu lân cận để hoá duyên.


    Trong khi, ngài Long Thụ vất vả mới xin được thức ăn thì Aryadeva thường trở về với rất nhiều thức ăn ngon.


    Thấy thế, ngài Long Thụ quở mắng: “Vật thực của ngươi kiếm được chỉ thuần do mấy con mụ dâm đãng trao cho, thật là bất tịnh. Vì vậy, từ đây trở đi ngươi chỉ được phép dùng vỏ chuối thay cho bình bát, kim nhọn để gắp thức ăn mà thôi.”


    Aryadeva vâng lời thầy, mỗi ngày khi ăn ngài dùng mũi kim găm từng hạt cơm đưa vào miệng.


    Thấy thế, đám phụ nữ càng ngưỡng mộ, lại làm đủ thứ bánh ngon dâng lên ngài.


    Nhưng ngài nhất mực không dùng đến, lại đem cúng dường cho thầy.


    Cho đến một hôm. Aryadeva báo với thầy rằng ngài đã đắc pháp.


    Bồ Tát Long Thụ bèn ra lệnh cho Aryadeva phải ở lại trong lều không được ra ngoài khất thực.


    Aryadeva vâng lệnh thầy. Nhưng lần này, Mộc thần định đến cúng dường.


    Nữ quái ăn vận hở hang, để lộ nhiều phần da thịt nõn nà đến gặp ngài. Sau đó, ả giả vờ lân la trò chuyện cùng Aryadeva.
    Aryadeva mang thức ăn mà nữ quái cúng dường ngài dâng lên cho thầy và kể lại sự việc.


    Bồ Tát Long Thụ nghe kể chuyện bèn đi đến nơi nữ quái ẩn mình. Nghe gọi tên, nữ quái hiện lên, thò đầu ra ngoài, còn thân thể vẫn giấu bên trong thân cây.


    Sư hỏi: “Tại sao ngươi không phô thân ngươi cho ta xem mà lại làm thế với đệ tử của ta?


    Nữ quái đáp: “Tôi làm thế là vì đệ tử của ngài đã đoạn trừ được tham ái vi tế, còn ngài thì không.”


    Từ đó, Long Thụ đặt tên cho ngài là Aryadeva (Thanh tịnh thánh nhân).


    Sau khi Long Thụ Bồ Tát điều chế xong rượu trường sinh, ngài nếm thử vài giọt rồi đưa cả bát cho Aryadeva uống.


    Nhưng Aryadeva ném cả bát rượu trường sinh vào gốc cây. Lập tức rượu ấy biến thành một chiếc lá dính liền vào thân cây.


    Ngài Long Thụ bảo: “Ngươi làm phí rượu của ta như thế. Hãy làm lại cái khác cho ta.”


    Aryadeva lấy một bình chứa nước, tiểu vào trong đó rồi dùng que khuấy lên, đoạn đưa cho thầy mình.


    Bồ Tát Long Thụ bảo: “Nhiều quá!”


    Aryadeva liền đổ bớt phân nửa bình nước tiểu vào một thân cây, trăm hoa hốt nhiên nở rộ.


    Bồ Tát Long Thụ nói: “Nay ngươi đã giác ngộ. Đừng đi vào luân hồi nữa.”


    Nghe những lời này, Aryadeva cất mình bay lên không trung. Nhưng ngay khi ấy có một người đàn bà tiến đến gần cung kính đảnh lễ ngài. Người đàn bà này lâu nay vẫn đi theo ngài như bóng với hình. Thấy vậy, Aryadeva hỏi: “Vì sao ngươi lúc nào cũng đi theo bên ta?”


    Bà ấy đáp: “Tôi theo ngài vì tôi cần một con mắt của ngài.”
    Aryadeva bèn móc con mắt bên phải trao cho bà. Kể từ đó ngài được gọi là Đạo Sư Độc nhãn (Kamaripa).



    Hành trì


    Thác sinh từ hoa sen có nghĩa là sinh ra từ sự giác ngộ. Tuy nhiên, trước khi nhận ra tánh Phật, hành giả cần phải trải qua con đường tu tập từ thế học đến đạo học.


    Sử liệu



    Theo Phật sử có hai vị Long Thụ. Mỗi vị cũng đều có một đệ tử mang tên Aryadeva. Cả hai vị Aryadeva đều là truyền nhân của thầy, đồng thời là những bậc văn tài lỗi lạc.


    Vị Aryadeva thứ nhất rất nổi tiếng nhờ vào những tác phẩm luận về Bồ Tát đạo. Tác phẩm Catuhsataka được coi là bộ luận về Bồ Tát đạo nổi tiếng nhất của ngài. Bộ luận giải thích Bồ Tát nên hành sử như thế nào trong giai đoạn sơ chứng.


    Ở đây, cần minh định rằng vị Aryadeva thuộc thế kỷ thứ 8 không hề viết luận thuyết về Rasayana, mà chính vị Long Thụ ở thế kỷ thứ 10 đã viết các bộ luận về Satuspitha Tantra. Vị này vốn là chân sư (guru) của môn Rasayana.


    Vị Aryadeva trong truyền thuyết kể trên vốn sinh ra từ một đoá sen trong vườn thượng uyển của đức vua xứ Śrỵ Lanka. Sau khi được truyền ngôi báu, ngài thoái vị để xuất gia.


    Sau khi nắm được yếu chỉ của Tam tạng kinh điển, ngài hành hương sang Ấn Độ và gặp được Long Thụ Bồ Tát ở đây.


    Aryadeva xây dựng rất nhiều tu viện ở miền nam Ấn Độ. Ngài lưu lại miền nam cho đến lúc thần Mahakala hiện thân thỉnh cầu ngài đi về phía bắc để nhiếp phục một đạo sĩ Bà-la-môn.


    Sau khi nhiếp phục và khai đạo cho vị đạo sĩ, ngài Aryadeva để lại bài kệ như sau:


    Thần Siva có ba mắt
    nhưng không nhìn thấy chân lý.
    Indra có ngàn mắt
    như kẻ mù loà.
    Ta, Aryadeva,
    chỉ có một mắt
    nhưng thấy suốt các pháp.



  15. The Following User Says Thank You to caydendau For This Useful Post:

    Tuấn Kiệt (08-02-2015)

  16. #20
    CHỒI Avatar của caydendau
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    99
    Thanks
    141
    Thanked 190 Times in 44 Posts


    Đại sư thứ 19: Thaganapa - Kẻ dối trá



    Nhỏ nước vào trong tai
    Nghiêng tai nước ra ngoài
    Các hiện tượng đương thời
    Cũng chỉ là hư dối
    Sự thật là như vậy
    Ngươi đã thấy đấy thôi.



    Truyền thuyết


    Thaganapa sinh ra một gia đình nghèo khó ở miền đông Ấn Độ. Anh ta kiếm sống bằng các thủ đoạn lừa đảo, gạt gẫm kẻ khác.
    Một ngày nọ, trong khi anh ta đang ngồi bên lề đường suy tính mưu kế hại người, thì chợt có một nhà sư đi ngang qua chỗ của y.


    Sư hỏi: “Chẳng hay hiền hữu làm gì mà ngồi nơi đây?”


    “Bạch đại đức! Xin ngài chớ hỏi. Tôi không quen nói sự thật.”


    “Này hiền hữu! Đừng dối trá! Nếu hiền hữu nói những lời không thật, khi nghiệp đến, người sẽ đọa vào địa ngục. Càng dối trá, càng nặng nghiệp, hậu quả là hơi thở luôn có mùi hôi hám, chẳng ai tin tưởng mình. Ruộng vườn của hiền hữu không còn phì nhiêu, màu mỡ, hạt giống không thể nảy mầm. Khi đọa xuống địa ngục, lưỡi của hiền hữu sẽ bị cày xới.”


    Nghe sư nói, Thaganapa hoảng kinh: “Thưa thầy! Ngựời ta gọi tôi là Thaganapa vì tôi là một kẻ luôn nói dối. Từ lâu nay đã thành thói quen, e rằng khó sửa đổi.”


    “Người có thể tu tập thiền định không?”


    “Thưa thầy! Thói quen ấy xem chừng khó bỏ.”


    “Không hề gì! Nếu biết quay đầu về với chánh pháp, kẻ nặng nghiệp cũng có thể tu tập.”


    Thaganapa vui mừng khẩn khoản: “Đệ tử cúi đầu xin thầy từ bi tế độ.”


    Sư dạy: “Tất cả các pháp trong thế gian này vốn là hư huyễn, không thật, giống như những lời dối trá của ngươi từng thốt ra. Cũng thế, những gì ngươi cảm thọ, thấy, biết, nói, nghe bằng giác quan đều hư vọng, không có thực tính. Vậy từ nay, ngươi hãy tập quán tưởng tất cả các pháp của thế gian đồng với sự hư dối. Thế gian này được cấu thành bằng sự hư dối.”


    Sau khi lãnh thọ giáo pháp, Thaganapa tu tập thiền định suốt bảy năm thì ngộ được các pháp vốn là duyên hợp, hư dối, không bền, bèn tìm đến thầy mình xin ấn chứng.


    Nhưng sư bảo: “Các pháp vốn không thật, không giả. Chân lý là chân lý. Không ai có thể tạo ra chân lý hay xác lập chân lý. Vì thế, ngươi hãy quán rằng cái mà ngươi tự cho là chứng ngộ cũng chỉ là một sự rỗng không. Một sự rỗng không từ trong bản thể, như vậy mới vào được đạo.”



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •