14. THIỀN SƯ PHỔ NGUYỆN
Nam Tuyền - (749 - 834)
Sư họ Vương, quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu. Đời Đường niên hiệu Chí Đức thứ hai (758 T.L.), Sư theo Thiền sư Đại Huệ ở núi Đại Ngung xuất gia học đạo. Năm ba mươi tuổi, Sư lên núi Cao Nhạc thọ giới cụ túc. Lúc đầu, Sư học tập Tướng tông và Luật tông, kế tìm đến các nơi giảng Kinh Luận thọ học. Sư đã học được Kinh Lăng-già, Hoa Nghiêm, Trung Luận, Bách Luận...
*
Sau, Sư đến Mã Tổ bỗng nhiên "được cá quên nôm" (đạt lý quên lời), được du hí tam-muội (chánh định ngao du tự tại). Một hôm, Sư bưng cháo cho chúng Tăng, Mã Tổ hỏi:
- Trong thùng thông là cái gì?
Sư thưa:- Ông già nên ngậm miệng, nói năng làm gì?
Mã Tổ bèn thôi.
Từ đây về sau, những bạn đồng tham học không ai dám gạn hỏi Sư điều gì.
*
Niên hiệu Trinh Nguyên thứ mười một (795 T.L.), Sư tạm biệt Mã Tổ đi tìm nơi cất am. Sau khi rời Mã Tổ, Sư đồng đi với Thiền sư Bảo Vân, Trí Thường, Trí Kiên cả thảy bốn người. Đến giữa đường, sắp từ biệt nhau, Sư cắm gậy xuống đất bảo:
- Nói được cũng bị cái ấy ngại, nói không được cũng bị cái ấy ngại.
Trí Thường liền nhổ gậy, đập Sư một gậy, rồi nói:
- Cũng chỉ cái ấy, Vương lão sư (thầy già họ Vương) nói cái gì ngại, chẳng ngại?
Bảo Vân nói:- Chỉ một câu này truyền khắp thiên hạ.
Trí Thường hỏi:- Lại có cái chẳng khắp chăng?
Bảo Vân đáp:- Có.
Trí Thường hỏi:- Thế nào là cái chẳng khắp?
Bảo Vân ra bộ tát tai.