Luận về Huyết Mạch Luận Bài 47
__________________________________________________ _____________________________________
Luận về Huyết Mạch Luận
Bài 47
-------------
二 乘外道皆無識佛。識數脩證。墮在因 中。是眾生業報。不免生死。遠背佛 。即是謗佛眾生。殺却無罪過。
Nhị Thừa, Ngoại đạo giai vô thức Phật, thức số tu chứng, đọa tại nhân quả trung. Thị chúng sinh nghiệp báo, bất miễn sinh tử, viễn bội Phật ý, tức thị báng Phật chúng sinh, sát khước vô tội quá.
Hàng đệ tử Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo đều không hiểu được Phật, chỉ hiểu các việc tu chứng, rơi vào vòng nhân quả. Ấy là nghiệp báo chúng sanh, không ra khỏi vòng sanh tử, trái ngược ý Phật, đó là hạng chúng sinh bêu xấu Phật, dẹp phá không có tội !.
“Nhị Thừa, Ngoại đạo giai vô thức Phật, thức số tu chứng, đọa tại nhân quả trung”
Dĩ nhiên cả Ngoại Đạo và Nhị Thừa đều không hiểu Phật, nhưng nếu nói Nhị Thừa “rơi vào vòng Nhân Quả” thì rõ ràng tác giả không hiểu gì về Nhị Thừa, lại còn nói “Thị chúng sinh nghiệp báo, bất miễn sinh tử” thiệt không hiểu tác giả có phải là người muốn phá hoại đạo Phật hay không ?
Nhị Thừa là gì ? Là Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa, cả hai thừa này đều chứng A Lại Da Tâm (Tâm này là Bản Thể Tâm của hành giả, xưa sao giờ vậy, bất tăng bất giảm) bằng 2 hướng khác nhau. Khi phủi bỏ tất cả để an trú trong A Lại Da Tâm thì gọi đó là Niết Bàn. Đã nói “bỏ hết tất cả” thì không có Nhân Quả gì cả. Ngài Mục Kiền Liên sở dĩ còn trả quả vì lúc đó nhục thân Ngài còn tại thế, và Ngài đã tự nguyện trả quả (mặc dầu Ngài là vị “Thần Thông bậc nhất trong hàng Thinh Văn) để rồi nhập Niết bàn. Nhập Niết Bàn rồi, giống như “hồ sơ lý lịch” cũ đã bị hủy, không hề còn Nhân quả nào nữa cả (như một người đã chết thì mọi “tiền án tiền sự” của người đó phải khép lại, không ai có thể truy cứu gì được nữa); cho nên câu nói : Hàng Nhị Thừa “đọa tại Nhân Quả trung” là câu nói HẾT SỨC SAI LẦM.
Lại còn nói “Thị chúng sinh nghiệp báo, bất miễn sinh tử” (Ấy là nghiệp báo chúng sanh, không ra khỏi vòng sanh tử) . Đúng là tác giả đã không hiểu gì hết ! Đắc quả A La hán hoặc đắc quả Bích Chi Phật _ đã nhập Niết bàn _ là những vị không còn nhận 7 thức trước là Mình nữa, chỉ sống trọn vẹn với A Lại Da Tâm, A lại Da Tâm thì nào có xem chuyện Sinh Tử là cái quái gì !
Ví dụ như có một người dùng phấn hoặc viên ngói bể, vẽ một vòng tròn khép kín chung quanh bạn, rồi nói “Bạn bị nhốt trong vòng này, không được phép bước ra”; có phải bạn chỉ cười rồi bỏ qua, không thèm quan tâm đến câu nói của “kẻ tâm thần” hay không ? Và cũng không buồn cải vã hơn thua với kẻ tâm thần ấy ! Bởi những vị Thinh Văn Duyên Giác ấy bây giờ đã đạt được sự tự do tuyệt đối, “Vòng Sanh Tử” chỉ trói buộc với những ai còn nhận ngũ uẫn là Mình, còn nhận 7 Thức (từ Nhãn thức đến Mạt Na thức) là Mình.
Cũng giống như trường hợp “ve sầu thoát xác” : một kẻ tâm thần nào đó, nhặt một cái vỏ (thường gọi là xác ve) của ve sầu, bỏ vào một cái hộp kiên cố “A ! ta đã bắt được ngươi rồi ! Ta nhốt ngươi trong hộp này, thử xem ngươi có thoát ra được hay không ?!” Giả sử con ve sầu nó nghe được tiếng người, nó đang đậu trên cành cao, nó tủm tỉm cười “Đồ ngu ! Đó là cái áo khoát ngoài đã quá chật chội, không còn sử dụng được nữa, ta đã bỏ lại, ta nào có còn ở trong đó nữa đâu mà ngươi tưởng là đã bắt được ta !”
Ta thì đã lánh xa xa hút
Đâu có còn chen lấn trong trần mê !
“đó là hạng chúng sinh bêu xấu Phật, dẹp phá không có tội !” . Ở đây chúng ta không bàn đến Ngoại Đạo, chỉ nói Nhị Thừa, trong nguyên văn là “sát khước vô tội quá” (chữ SÁT nghĩa là GIẾT) đây là tội Giết A La Hán, tội này rất nặng là một trong 5 tội phải đọa Địa Ngục Vô Gián. Nhưng ta hãy bỏ qua cho tác giả, mà chỉ dịch là “dẹp phá”.
Giả sử một đội quân 100 người đang ở trong hang sâu, và họ còn sở hữu một máy phát điện để cung cấp ánh sáng giúp cho cả hang không bị tối mò. Thế mà có kẻ hốt một nắm cát bỏ vào bình chứa xăng, làm cho máy phát điện ấy hỏng, khiến cho 100 người phải sống trong cảnh tối tăm. Vậy kẻ phá hoại ấy tội có nặng lắm không ? Một việc làm nhỏ nhưng sẽ bị khép tội lớn.
Vị A La Hán, Bích Chi là những vị đã chứng VÔ NGÃ, nếu có người ném mạnh quả banh vào vách tường, thì lực phản hồi sẽ làm cho người ấy bị té ngữa, chớ vách tường thì không hề hấn gì.
Chỉ có Phật hay Đại Bồ tát mới có thể xúc phạm hàng Nhị Thừa nhằm “nâng cấp” cho họ, hoặc nhằm khuyên họ nên PHÁT TÂM BỒ ĐỀ; còn như tác giả _ người chưa phân biệt được giữa Chân Tâm và Tâm Duyên Lự _ thì chưa đủ tư cách để quở hàng Nhị Thừa.
(Chỉ là những tư tưởng nông cạn, con xin được nghe chỉ giáo thêm từ những vị cao nhân. Kính !)