Hỏi: Trong Đại thừa nói bốn định vô sắc thế nào?
Đáp: Các pháp thật tướng cùng đi chung với trí tuệ, đó là bốn định vô sắc theo Đại thừa.
Hỏi: Thế nào là thật tướng các pháp?
Đáp: Các pháp, các pháp tự tánh không.
Hỏi: Sắc pháp do nhân duyên hoà hợp phân biệt cho nên không, còn trong vô sắc làm sao không?
Đáp: Sắc là thứ thô phù do mắt thấy, tai nghe được mà còn có thể thành không; huống các thứ không thể thấy, không đối ngại, không biết khổ vui, thì sao mà chẳng không?
Lại nữa, phân chia các pháp cho đến cực nhỏ, đều tán diệt về không; huống gì tâm tâm số pháp này chỉ ở trong khoảng ngày tháng, thời tiết, giây phút cho đến chỉ một niệm cũng không thể nắm bắt được.
Ấy gọi là nghĩa của Bốn định vô sắc.
Các nghĩa như vậy, lược nói về Bốn định vô sắc.
(Hết cuốn 20 theo bản Hán)
KHÁI QUÁT SỰ TRUYỀN DỊCH KINH BÁT-NHÃ
KINH BÁT-NHÃ PHẠN BẢN
(Hiện còn 5 thứ)
1. Satasahasrika Prajnaparamita sutra (Bát-nhã 10 vạn bài tụng). Năm 1902 ông Prata pacandra Glosa tục san tại Gulcutta. Ông Rajendralala Mitra cho bản kinh này do 113.670 bài tụng chia làm 72 phẩm, tạo thành.
2. Astasahasrika Prajnaparamita (Bát-nhã 8.000 bài tụng) lấy bản chữ Phạn truyền ở Népal làm để bản. Ông Mitra xuất bản ở Gulentta (Giáp-cốc) cọng 32 phẩm, tương đương tiểu phẩm Bát-nhã.
3. Vajrashedika Prajnamita (Kim-cang Bát-nhã) tương đương Năng đoạn Kim-cang của Huyền Tráng dịch.
4. Paneavimsatisahasrika Prajnaparamita, hiện có 8 phẩm 28.000 bài tụng. Tương đương Đại phẩm Bát-nhã và Hội thứ hai trong Đại Bát-nhã kinh.
5. Prajnàparamita Brdayasutre (Bát-nhã tâm kinh).
BÁT-NHÃ HÁN DỊCH
(Có 10 thứ)
Kinh Bát-Nhã Hán dịch tổng cọng có 747 cuốn. Trong đó bộ Đại Bát-nhã do ngài Huyền Tráng dịch có 600 cuốn nói ở 4 chỗ gồm 16 Hội, 255 phẩm, 200.000 bài kệ. Bốn chỗ là: 1- Tại Linh-thứu sơn, 6 hội. 2- Thệ-đa-lâm, 8 hội. 3- Ma ni bảo điện ở Tha-hóa-tự-tại thiên, 1 hội. 4- Bên ao Bạch-hạc trong vườn Trúc-lâm, 1 hội.