-
328. Thiền sàng.
Hòa An Thông thiền sư nói với Ngưỡng Sơn:
- Mang thiền sàng lại đây!
Ngưỡng Sơn mang thiền sàng lại.
- Mang về chỗ cũ.
Ngưỡng Sơn lại mang về chỗ cũ.
- Thiền sàng bên đó là vật gì?
- Không vật.
- Ngưỡng Sơn.
- Dạ!
- Đi ra!
(Thiền Cơ)
-----------------
Bên này, bên kia đều là biên kiến phải bỏ. Khi Ngưỡng Sơn dạ là rơi vào giữa, nhưng ở giữa cũng phải bỏ nên thiền sư bảo " Đi ra.”
____________
Khi sư phụ test : "Thiền sàng bên đó là vật gì?", Ngưỡng Sơn đã tỉnh thức trả lời :
- Không vật.
Vậy là đã "đở" được "chiêu kiếm" thứ nhất, nhưng khi sư phụ "tiếp chiêu" :
- Ngưỡng Sơn.
Thì đáng ra gả đệ tử nên :
- Dạ ! Để con đi kiếm NÓ về.
-
329. Trăng như vành cung.
Buổi tham tối xong, đại chúng sửa soạn giải tán. Khả Quán nói:
- Đại chúng!
Đại chúng quay đầu lại.
- Ngắm trăng!
Đại chúng ngắm trăng.
- Trăng giống vành cung; ít mưa, nhiều gió.
Đại chúng không đáp được.
(Thiền Cơ)
-----------------
Khả Quán ám thị đại chúng tham ngắm trăng trên trời, đánh mất ngọc quý trong tay.
____________
"- Trăng giống vành cung; ít mưa, nhiều gió."
Mất một mủi tên ! Không có con nhạn nào rơi cả.
-
330. Xem tên.
Thạch Củng thường lắp tên, trương cung tiếp đãi các ông tăng. Một hôm có Nghĩa Trung tới:
- Xem tên!
Nghĩa Trung liền cởi áo bầy ngực ra.
- 30 năm ta lắp tên, trương cung, chỉ bắn trúng được một nửa người.
(Thiền Cơ)
---------------
Mũi tên chỉ tự tánh.
Còn cái vị "bình giả" này, bạ cái gì cũng quy kết là tự tánh hết, đọc chán phèo.
-
331. Nửa đêm bàn chuyện.
Tây Mục bỗng nhiên gọi:
- Thị giả!
- Dạ!
- Đợi đến nửa đêm sẽ bàn chuyện với ngươi!
(Thiền Cơ)
--------------
Câu nói của Tây Mục ám chỉ hiện tại ngươi tự bàn chuyện.
__________
Lại một lời bình "trớt quớt" !
----------
Tây Mục bỗng nhiên gọi:
- Thị giả!
- Hắn chết rồi !
(Trả lời như vầy mới thỏa lòng sư phụ).
-
332. Bát sứ Định Châu.
Có một ni cô đem đến một cái bát sứ. Như Mẫn nâng bát lên hỏi:
- Cái bát này làm ở đâu?
- Đây là bát sứ Định Châu.
Như Mẫn liền đập bát vỡ tan.
(Thiền Cơ)
--------------
Bát sứ Định Châu là thuộc lãnh vực trí thức, muốn đạt được bản lai diện mục (tự tánh) thì phải đập vỡ đi.
__________
Nếu hành giả đã "chín mùi", thì động tác đập một cái chén quý của Như Mẫn sẽ là "tiếng sấm bên tai" giúp hành giả "lìa cành"
(Còn lời bình màu trên, thì "thả trôi sông" đi).
-
333. Chỗ trú của Triệu Châu.
Triệu Châu đến thăm Vân Cư, Vân Cư hỏi:
- Lão đại hán, sao không tìm chỗ trụ trì lúc tuổi già rồi?
- Có thể ở đâu được?
- Trên núi có một chùa cổ.
- Tốt nhất ngươi tự mình ở!
Vân Cư không trả lời. Sau đó Triệu Châu lại đến thăm Ngạc Châu, Ngạc Châu cũng hỏi:
- Lão đại hán, sao không tìm chỗ trụ trì?
- Có thể ở đâu được?
- Lão đại hán, ngay chỗ cư trú cũng không biết sao?
- Ta từng cưỡi ngựa 30 năm, nay bị ngã từ lưng lừa.
(Zen Koans)
-------------------
Triệu Châu bắt đầu đi tham học vào tuổi 61 (sau khi Nam Tuyền mất) Đến năm 80 ông trụ trì ở Quán Âm Viện, Triệu Châu. Ông thọ 120 tuổi và nổi tiếng trong các cuộc tranh luận với các thiền sư khi đi thăm viếng các thiền viện. Ông để lại nhiều công án hơn bất cứ một vị thiền sư nào. Khi Vân Cư đề nghị ông ngưng thăm viếng và trụ trì ở một chỗ nhất định; ông đã biết chỗ ở của mình rồi và không lúc nào rời nó. Vì vậy câu trả lời "Có thể ở đâu được" là một câu nói móc. Còn như Vân Cư đề nghị Triệu Châu ở ngôi chùa cổ, Triệu Châu bảo ông hãy tự mình ở vì đối với Triệu Châu thiền không có nghỉ hưu; thiền sư tự do làm gì mình muốn làm. Khi Triệu Châu viếng thăm Ngạc Châu cũng bị hỏi cùng câu hỏi và cũng đưa ra cùng câu trả lời. Nhưng Ngạc Châu lại coi câu trả lời ở bề mặt nên nói:
- Thật xấu hổ cho ngươi, ở tuổi ngươi ngươi phải biết chỗ trụ trì của mình ngay dưới chân chứ.
Để trả lời, Triệu Châu nói ông thường quen đối phó với ngựa chứ không với lừa. Lâm Tế nổi tiếng với tiếng hét, Đức Sơn với cây gậy và Triệu Châu với lời nói đúng lúc.
-
334 Biển khổ sóng lớn.
Một ông tăng hỏi Đại Diên:
- Biển khổ sóng lớn, dùng thứ gì để kết bè?
- Dùng trúc.
- Như vậy là có thể qua biển sao?
- Người mù theo người mù đi trước; người câm theo người câm đi trước.
(Thiền Cơ)
--------------
Dùng trúc kết bè là phụ thuộc vào ngoại vật, cũng như người mù, câm phải theo người đi trước, sao bằng tự độ?
__________
Đại Diên chỉ là không muốn hí luận, cho nên trả lời "cắt ngang", cũng là cắt dòng Ý Thức, còn "bình giả" thì luôn "vẽ rắn thêm chân".
-
335 Người trong làng.
Có ông tăng hỏi Linh Thụy:
- Phật là gì?
- Ngươi là người trong làng.
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
- 10 vạn 8 ngàn dặm.
(Thiền Cơ)
-----------------
Người trong làng là chỉ Phật trong người. Còn hỏi ý tổ sư từ Tây sang là còn mong cầu thì hãy còn xa làng đến 10 vạn 8 ngàn dặm vậy!
____________
Lời bình này cũng là "vẽ râu cho bà bóng" !
-
336 Cái nón.
Viên Trí cầm nón định đi ra, Vân Nham hỏi:
- Để làm gì?
- Có chỗ dùng.
- Gió, mưa đến phải làm sao đây?
- Đội lên.
- Nó còn bị đội sao?
(Thiền Cơ)
---------------
Nó chỉ tự tánh; gió, mưa chỉ ngoại duyên, ngoại trần.
-
337. Phật ở trong nhà.
Dương Phủ từ biệt cha mẹ đến Tứ Xuyên bái phỏng Vô Tế bồ tát. Trên đường đi, gập một vị hòa thượng già, vị này hỏi:
- Ngươi đi đâu?
Dương Phủ nói ý định đi học với bồ tát Vô Tế. Vị hòa thượng già nói:
- Tìm bồ tát chẳng thà tìm Phật còn hơn.
- Phật ở đâu mà tìm?
- Ngươi cứ về nhà thấy người nào khoác chăn, đi dép ngược ra đón ngươi thì người đó chính là Phật.
Dương Phủ y lời về nhà. Lúc đó đã nửa đêm, mẹ ông nghe tiếng con mình gọi cửa, mừng rỡ không kịp mặc áo, khoác vội cái chăn, xỏ lộn dép chạy vội ra mở cửa. Dương Phủ nhìn thấy, lập tức đại ngộ. Từ đó về sau chuyên tâm phụng dưỡng bố mẹ, lại còn viết sách chú thích hiếu kinh.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
---------------
Nhà Phật coi luân lý rất trọng, không dạy người ta điều gì ngoài luân lý. Bất cứ người nào nếu không được cha mẹ cho phép đều không được xuất gia.
___________
"Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông", có lẻ tiêu đề sách này nên sửa lại, chớ để như vầy thấy có 3 cụm từ bị lạm dụng trắng trợn : "Minh Tâm, Kiến Tánh, Thiền Tông".