Cuốn 17 _ CHƯƠNG 26
GIẢI THÍCH: THIỀN BA-LA-MẬT
KINH: Do không loạn, không ưa đắm, nên đầy đủ Thiền Ba-la-mật.
LUẬN: Hỏi: Bồ-tát là lấy việc độ hết thảy chúng sanh làm sự nghiệp, cớ sao lại ngồi nhàn trong rừng, chằm, ở yên lặng trong núi, lo tốt riêng cho mình mà bỏ rơi chúng sanh?
Đáp: Thân Bồ-tát tuy xa lìa chúng sanh, mà tâm thường không bỏ, ở chỗ yên vắng cầu định, chứng được trí huệ chơn thật để độ hết thảy. Ví như lúc uống thuốc nuôi thân, tạm thời dứt mọi công việc, đến khi khí lực bình phục, tráng kiện thời làm việc lại như cũ. Bồ-tát ở yên lặng cũng như vậy, dùng sức thiền định, uống thuốc trí tuệ, được đức thần thông, trở lại ở với chúng sanh, hoặc ở với cha mẹ, vợ con, hoặc thầy trò tông trưởng, hoặc trời hoặc người, xuống đến súc sanh, dùng các thứ ngữ ngôn, phương tiện khai đạo.
Lại nữa, Bồ-tát thực hành ba sự là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, gọi là phước đức môn, trong vô lượng đời được làm Thiên-vương, Thích-đề-hoàn-nhơn, Chuyển luân Thánh vương, Diêm-phù-đề vương, thường đem y phục bảy báu thí cho chúng sanh, theo sự ưa muốn của năm căn, đời này đời sau đều làm cho đầy đủ, như trong kinh nói Chuyển luân Thánh vương đem mười điều thiện dạy dân tu, đời sau đều được sanh lên cõi trời, đời đời làm lợi ích chúng sanh khiến được khoái lạc. Nhưng cái vui ấy vô thường, còn trở lại chịu khổ, Bồ-tát nhân đó phát tâm đại bi, muốn đem cái Niết-bàn thường vui làm lợi ích chúng sanh. Niết-bàn thường vui nầy từ trí tuệ chơn thật sanh, trí tuệ chơn thật lại từ nhất tâm thiền định sanh, ví như đốt đèn, đèn tuy cháy đỏ nhưng ở giữa gió to thời không thể dùng được, nếu để nhà kín, công dụng của nó mới toàn vẹn. Trí tuệ ở giữa tán tâm cũng như vậy, nếu không có nhà thiền định yên lặng, thời có trí tuệ mà công dụng của nó không toàn, nếu được có thiền định thời trí tuệ chơn thật sanh. Do vậy nên Bồ-tát tuy xa lìa chúng sanh, ở chỗ xa vắng, để cầu được thiền định. Do thiền định thanh tịnh nên trí tuệ cũng thanh tịnh, ví như dầu và tim sạch thì ánh sáng trong. Do vậy nên người muốn được trí tuệ thanh tịnh, phải thực hành thiền định.
Lại nữa, nếu muốn cầu việc thiển cận của thế gian, mà không chuyên tâm thời sự nghiệp cũng không thành, huống gì cầu Phật đạo thậm thâm mà lại không dùng đến thiền định? Thiền định là thu nhiếp các loạn tâm, loạn tâm nhẹ bay hơn cả lông hồng, chạy tán loạn không dừng, nhanh hơn gió lốc, không thể cấm chỉ, quá hơn khỉ vượn, vừa hiện liền mất, nhanh hơn điện chớp. Tâm tướng như vậy, không thể cấm chỉ, nếu muốn chế ngăn mà không tu thiền không thể định được, như kệ nói:
“Thiền là kho giữ trí,
Là ruộng phước công đức,
Thiền là nước thanh tịnh,
Rửa sạch các dục trần.
Thiền là áo Kim-cang,
Ngăn mũi tên phiền não,
Tuy chưa chứng Vô dư,
Đã được phần Niết-bàn.
Chứng tam muội Kim-cang,
Xô nát núi kiết sử,
Được sáu thần thông lực,
Hoá độ vô lượng người.
Bụi bay che mặt trời,
Mưa lớn làm tan mất,
Gíó giác quán tán tâm,
Thiền định làm tiêu diệt”.