Cuốn 15
GIẢI THÍCH: SẰN-ĐỀ BA-LA-MẬT PHÁP NHẪN
Sao gọi là pháp nhẫn?
Nhẫn đối với chúng sanh cung kính cúng dường và đối với các người phiền não, dâm dục; ấy gọi là Sanh nhẫn. Nhẫn đối với pháp cung kính cúng dường và pháp phiền não, dâm dục; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, Pháp nhẫn là trong không đắm sáu căn, ngoài không thọ sáu trần. Đối với hai thứ đó không khởi tâm phân biệt, vì sao? Vì tướng trong như ngoài, tướng ngoài như trong, cả hai tướng đều không thể có được (bất khả đắc), vì là nhất tướng, vì là nhân duyên hợp, vì là nó thật không, vì là hết thảy pháp tướng thường thanh tịnh, vì là như tánh tướng pháp chơn tế, vì là bất nhị thập, tuy không hai cũng không một. Quán các pháp như vậy, tâm tin chắc không lay chuyển, ấy gọi là nhẫn. Như trong kinh Tỳ-ma-la-cật nói: ”Bồ-tát Pháp-Trụ nói: Sanh và diệt là hai, bất sanh bất diệt là nhập pháp môn bất nhị. Cho đến Văn-thù-thi-lỵ nói: “Không nghe, không thấy, tất cả tâm duyệt, không thuyết, không nói là nhập pháp môn bất nhị. Tỳ-ma-la-cật thì im lặng không nói. Các Bồ-tát tán thán: “Lành thay! Lành thay! Ấy thật là nhập pháp môn bất nhị”.
Lại nữa, hết thảy pháp có hai: 1- Chúng sanh, 2- Các pháp. Bồ-tát nhẫn đối với chúng sanh, như trước đã nói. Nay nói nhẫn đối với pháp. Pháp có hai là: Tâm pháp và phi tâm pháp. Trong phi tâm pháp có nội có ngoại. Ngoại có rét, nóng, gió, mưa v.v... Nội có đói, khát, già, bệnh, chết, v.v... Các thứ như vậy gọi là phi tâm pháp. Trong tâm pháp có hai: 1-Sân nhuế, ưu sầu, nghi, v.v... 2- Dâm dục, kiêu mạn, v.v... Hai thứ đó gọi là tâm pháp. Bồ-tát đối với hai pháp đó, an nhẫn không lay động, ấy gọi là Pháp nhẫn.
Hỏi: Đối với chúng sanh hoặc làm họ sân hận, làm não hại mạng họ thì mắc tội, nếu thương xót họ thì được phước. Còn đối với lạnh, nóng, gió, mưa ... không có làm tăng hay tổn gì ai, vì sao mà phải nhẫn?
Đáp: Tuy không tăng hay tổn, song tự mình sanh não loạn ưu khổ thì sẽ làm hại Bồ-tát đạo, vì vậy nên phải nhẫn.
Lại nữa, không phải chỉ sát hại bức não chúng sanh nên mắc tội, mà vì ác tâm làm nhân duyên nên mắc tội. Vì sao? Vì tuy giết chúng sanh mà tâm vô ký, là không mắc tội, thường nghĩ tới chúng sanh, tuy không cho gì mà rất được phước. Lạnh, nóng, gió, mưa... tuy không làm tăng tổn, nhưng vì ác ý cho nên mắc tội. Do vậy, nên phải nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát tự biết do nhân duyên của tội đời trước nên sanh vào chỗ khổ này. Ấy là do ta làm, ta nên tự chịu. Suy nghĩ như vậy, cho nên hay nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Quốc độ có hai thứ: Có thứ tịnh, có thứ không tịnh. Bồ-tát nếu sanh vào trong Quốc độ không tịnh, chịu cay đắng, đói rét các khổ, thì tự phát lời nguyện thanh tịnh rằng: “Khi ta thành Phật, trong Quốc độ không có các thứ khổ ấy...”. Như vậy, quốc độ đây tuy không tịnh, nhưng mà có lợi cho ta.