Printable View
Pháp thân
63. Mọi sự vật hiện hữu là dòng tương tục thanh tịnh bổn nhiên của Pháp thân ; Nếu con gặp Pháp thân mặt đối mặt, nó là Quán Thế Âm – Không có cái gì khác ngoài Bậc Tối Cao Thiêng Liêng của Vũ Trụ. Trong dòng tương tục của thanh tịnh toàn khắp, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Quán Thế Âm và tất cả chư Phật trong mọi phương diện của các ngài, hoặc trên cấp độ Báo thân hay Hóa thân, đều khởi từ nền tảng của Pháp thân. Pháp thân là cảnh giới tuyệt đối và bao la vượt khỏi mọi tạo tác trí thức. Nó bao gồm trong bản tánh của nó tất cả phẩm tính giác ngộ của Phật tánh.(66) Nó là trí huệ bổn nguyên đã ở cùng chúng ta từ thời vô thủy. Trí huệ vốn sẵn có này có thể được nhận biết qua những thực hành thiền định về an định và quán chiếu. An định là sự làm bình lặng trạng thái ồn náo bình thường của tâm thức, và quán chiếu là sự khai triển của sự nhìn thấy rộng rãi hơn và sự chứng ngộ sâu xa hơn kèm theo. Khi an định và quán chiếu hòa lẫn không thể phân chia, Pháp thân được chứng ngộ.
Khi các bạn tiến bộ theo con đường Bồ tát, liên tục hộ trì sự thực hành trong cả thiền định lẫn sau thiền định, cuối cùng các bạn đạt đến địa thứ nhất(67) và đi vào con đường nhìn thấy ; gọi như thế bởi vì lần đầu tiên các bạn thực sự thoáng thấy thực tại tối hậu, bản tánh trống không của mọi sự vật. Kinh nghiệm này về tánh Không vẫn chưa đạt đến mức độ trọn vẹn của nó và phải được dần dần mở rộng qua mỗi mức độ liên tiếp nhau cho đến cuối cùng, tới địa thứ mười, khung dệt cấu thành của hai loại che chướng biến mất vĩnh viễn, và trí huệ kim cương bổn nguyên được hoàn toàn phát lộ. Các bạn đạt đến cái gọi là con đường không học nữa, mức độ của Phật tánh, nơi tâm thức là một với tâm trí huệ của Pháp thân. Người nào hoàn thành mức độ bất nhị này của giác ngộ thực sự hiện thân những lý tưởng cao nhất của tất cả trong ba cõi của cuộc sống.
Quán Thế Âm chính là Như Lai, tinh túy rốt ráo của Phật tánh, và mọi phẩm tính của Pháp thân sẽ khai triển không cần cố gắng qua sự trì tụng thần chú sáu âm của ngài.
KẾT LUẬN BÀI GIẢNG THỨ HAI
64. Một bổn tôn, Quán Thế Âm, hiện thân của tất cả chư Phật ;
Một thần chú, sáu âm, hiện thân tất cả thần chú ;
Một Pháp, Bồ đề tâm, hiện thân cả thảy những thực hành của hai giai đoạn phát triển và thành tựu.
Biết cái một giải thoát cho tất cả, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni là một xuất sanh của Quán Thế Âm ; Pháp, cái chỉ cho chúng ta điều cần tránh và điều cần trau dồi, thì hoàn toàn chứa đựng trong thần chú sáu chữ ; Tăng, những Bồ tát giúp đỡ chúng ta suốt con đường, cũng là những xuất sanh của Quán Thế Âm. Như thế Quán Thế Âm là sự hợp nhất của Tam Bảo. Như một hồ chứa tích trữ những giọt mưa, lòng bi của Quán Thế Âm bao gồm tất cả trí huệ của Manjushri (Văn Thù) và tất cả năng lực của Vajrapani (Kim Cương Thủ). Với một hóa thần bổn tôn, một thần chú và một thực hành này, các bạn có thể thành tựu mọi sự.
Những hóa thần thì vô cùng khác biệt : an bình hay hung nộ, với một, ba hay nhiều đầu, và với hai, bốn, sáu hay nhiều hơn nữa các cánh tay, mỗi cái tượng trưng một phẩm tính khác nhau. Tuy nhiên các bạn có thể tin rằng tất cả chúng đều bao hàm trong Quán Thế Âm. Theo cùng cách ấy, bởi vì tất cả năng lực lợi lạc của vô số thần chú khác được bao gồm trong thần chú sáu âm, các bạn có thể đem tất cả lòng mình để trì tụng chỉ một thần chú. Thân, ngữ và tâm thức các bạn tự nền tảng là một với thân, ngữ và tâm của Quán Thế Âm ; các bạn cần nhận ra điều này như là tinh túy của sự thực hành.
Đồng thời, để theo trọn con đường giác ngộ đến mục tiêu tối hậu của nó, điều sống chết là thường trực duy trì và làm mạnh thêm thái độ bao la của Bồ đề tâm. Theo những giáo huấn cốt lõi của những bậc thầy Kadampa quý báu, trước tiên các bạn được đưa vào bản tánh của tâm, Bồ đề tâm tuyệt đối, và rồi các bạn trau dồi lòng bi với tất cả chúng sanh, tức là Bồ đề tâm tương đối.
Thật là khó khăn nếu đem cái tâm thức hoang dã vào dưới sự kiểm soát mà trước tiên không nhận biết rằng những tư tưởng lang thang trong thật tế không bao giờ sanh và do đó không bao giờ có thể trụ cũng không thể diệt. Với sự nhận biết này, không theo đuổi những tư tưởng khi chúng khởi lên mà chỉ an trụ trong sự đơn giản không cách hở của trạng thái tự nhiên vốn vậy của tâm, đó là cái được gọi là Bồ đề tâm tuyệt đối.
Một khi các bạn có một thoáng thấy bản tánh của tâm theo cách này, sự chứng ngộ Bồ đề tâm tuyệt đối của các bạn được sâu xa thêm qua sự trau dồi Bồ đề tâm tương đối trong hai phương diện của nó : ước mong thành tựu giác ngộ vì tất cả chúng sanh và thật sự đem nguyện vọng ấy vào thực hành. Như chúng ta đã thấy ở trước, chỉ mong muốn giúp đỡ người khác thì không đủ. Các bạn phải đảm trách việc làm lợi lạc thật sự cho tất cả chúng sanh, giống như Quán Thế Âm, và chính vì để hoàn thành mục đích này mà các bạn quán tưởng Quán Thế Âm, trì tụng thần chú của ngài và thiền định về bản tánh của trí huệ ngài. Khi các bạn liên tục thực hành theo cách này, những tư tưởng hư vọng càng lúc càng trở nên ít đi, trong khi trí huệ nở hoa trong hiện thể của các bạn, cho phép các bạn đáp ứng những nhu cầu tức thời và tối hậu của chính các bạn và tất cả những người khác.