Cuốn 13
CHƯƠNG 21
GIẢI THÍCH: THI-LA BA-LA-MẬT
KINH: Vì tội và không tội không thể có được, nên đầy đủ Thi-la Ba-la-mật.
Thi-la (Tàu dịch là Tánh thiện), là ưa hành thiện đạo, không tự phóng dật, gọi là Thi-la. Hoặc thọ giới mà hành thiện, hoặc không thọ giới mà hành thiện, đều gọi là Thi-la. Nói tóm lược có tám thứ luật nghi nơi thân và miệng: Không não hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không uống rượu và nuôi sống một cách thanh tịnh; ấy là giới. Nếu buông bỏ không nhiếp hộ; ấy là phá giới. Người phá giới bị đọa vào trong đường ác. Nếu trì giới bậc hạ thì sanh trong loài người; trì giới bậc trung thì sanh trong cõi trời Lục Dục; trì giới bậc thượng lại tu hành bốn Thiền, bốn Không định thì sanh trong các cõi trời Sắc và Vô sắc thanh tịnh.
Trì giới bậc thượng có ba hạng: Trì giới thanh tịnh bậc hạ thì chứng A-la-hán; trì giới thanh tịnh bậc trung thì chứng được Bích-chi-Phật; trì giới thanh tịnh bậc thượng thì được Phật đạo. Không đắm trước, không ỷ y, không phá, không khuyết, được Thánh nhân khen ngợi yêu thích, như vậy gọi là thanh tịnh bậc thượng. Nếu vì thương xót chúng sanh, vì độ chúng sanh, cũng vì biết thật tướng của giới; tâm không ỷ y, đắm trước; trì giới như thế, tương lai chứng đến Phật đạo. Như vậy gọi là được giới vô thượng Phật đạo. Nếu người muốn cầu được thiện lợi lớn, hãy kiên trì giới, như tiếc châu báu quý trọng, như giữ thân mạng, vì cớ sao? Vì như đại địa, hết thảy vạn vật hữu hình, đều nương đất mà tồn tại. Giới cũng như vậy, giới là trú xứ của hết thảy thiện pháp.
Lại nữa, ví như không chân mà muốn đi; không cánh mà muốn bay; không thuyền mà muốn qua sông, là không thể được. Nếu không có giới mà muốn cầu quả báo tốt cũng như vậy. Nếu người bỏ giới này, tuy ở núi tu khổ hạnh, ăn trái cây, uống thuốc, thì không khác gì cầm thú. Hoặc có người chỉ uống cho là giới; hoặc uống sữa, hoặc hớp không khí; hoặc cắt tóc; hoặc mặc Ca-sa; hoặc mặc áo trắng; hoặc mặc áo cỏ, hoặc áo da cây; hoặc mùa đông vào nước; hoặc mùa hạ hơ lửa; hoặc từ núi cao sa xuống; hoặc tắm sông Hằng; hoặc ngày tắm ba lần; lại cúng dường lửa, tế tự đủ cách, chú nguyện đủ kiểu; chịu thực hành các khổ hạnh, cho đó là giới, chỉ là trống không, không được gì.
Nếu có người tuy ở nhà cao điện lớn, mặc đẹp ăn ngon, mà thực hành được giới này, cũng được sanh chỗ tốt và được đạo quả. Hoặc người sang kẻ hèn, người lớn kẻ nhỏ, thực hành được giới này, thì đều được lợi lớn. Nếu phá giới này, thời không kể sang hèn, lớn nhỏ, đều không được tùy ý sanh vào chỗ lành.
Lại nữa, người phá giới, cũng ví như ao trong mát màcó rắn độc, không đáng tắm rửa, cũng như cây có hoa quả ngon mà có nhiều gai nghịch. Như người tuy được sanh ở nhà quý trọng, thân thể đoan chánh, học rộng nghe nhiều, mà không ưa trì giới, không có tâm từ bi, lại cũng như vậy, như kệ nói:
"Sang mà vô trí thời là suy,
Trí mà kiêu mạn cũng là suy,
Người trì giới mà lại phá giới,
Cả đời này đời sau đều suy"
Người tuy nghèo hèn mà trì giới, hơn người giàu sang mà phá giới. Hương của hoa, hương của cây, không thể bay xa; hương của trì giới, bay khắp cả mười phương. Người trì giới, được đầy đủ sự an vui, tiếng tăm nghe xa, trời người yêu kính, hiện đời thường được các thứ khoái lạc. Nếu muốn sanh vào cõi trời cõi người, thủ lấy sự giàu sang, sống lâu không khó. Người trì giới thanh tịnh, ước gì đều được nấy.
Lại nữa, người trì giới, thấy người phá giới bị hình ngục tra khảo, đủ các thứ khổ não, mà tự biết mình vĩnh viễn xa lìa việc ấy, lấy đó làm vui mừng. Nếu người trì giới, thấy người lành được có vinh dự, danh tiếng, khoái lạc, thì tâm sự suy nghĩ: "Như người được vinh dự, ta cũng có phần". Người trì giới, khi mệnh chung, dù có gió đao cắt thân, gân mạch đoạn tuyệt, tự biết mình trì giới thanh tịnh, tâm không sợ hãi, như kệ nói:
"Trong bệnh rất dữ,
Giới là thuốc hay,
Trong sợ hãi lớn.
Giới làm thủ hộ.
Trong chết tối tăm,
Giới làm đèn sáng,
Trong chỗ đường ác,
Giới là cầu đò,
Trong nước biển chết,
Giới là thuyền lớn".
Lại nữa, người trì giới thường được người đời nay cung kính cúng dường, tâm vui không hối hận, áo cơm không thiếu, chết được sanh lên trời, sau chứng được Phật đạo. Người trì giới, không việc gì không có được; người phá giới, tất cả đều mất. Ví như có người thường cúng dường trời, người ấy nghèo cùng, một lòng cúng dường mãn mười hai năm, mong cầu giàu sang, trời thương người đó, tự hiện thân ra, mà hỏi rằng: "Ngươi cầu những gì?" Người kia đáp: "Tôi cầu giàu sang, muốn cho những điều tâm nguyện, hết thảy đều được". Trời trao cho một đồ vật, gọi là cái bình đức, và nói: "Mọi vật cần dùng, từ trong bình này xuất ra".
Người kia được bình rồi, ứng theo ý muốn, mọi sự đều được. Được như ý gây dựng nhà tốt. Voi Ngựa, xe cộ, bảy báu đầy đủ, cung cấp cho tân khách, không thiếu sự gì. Khách hỏi: "Trước ông nghèo cùng, nay sao do đâu được giàu như thế này?" Đáp: "Tôi được cái bình trời cho, xuất ra các thứ vật, cho nên giàu như vậy". Khách nói: "Đua bình cho xem, kể cảvật từ bình xuất ra". Liền đưa bình ra, trong bình dẫn ra đủ các thứ vật, người khách kia kiêu căng phóng túng, đứng lên trên bình nhảy múa, bình liền vỡ nát. Hết thảy các vật cùng một lúc tiêu mất. Người trì giới cũng như vậy. Các thứ diệu lạc, ước mong đều được, nếu người phá giới, kiêu căng phóng túng tự do, cũng như người kia phá vỡ bình, mất lợi.