-
218. Vì ta ở đây.
Có một vị hòa thượng tuổi tác đã cao, phơi nấm dưới trời nắng gắt. Một ông tăng hỏi:
- Thầy bao nhiêu tuổi?
- 68.
- Tại sao làm việc cực khổ ở đây vậy?
- Vì ta ở đây.
- Đành vậy! Nhưng tội gì phải làm dưới trời nắng gắt này?
- Vì trời nắng!
(Thiền Thuyết)
-----------------
Trời đất nuôi dưỡng vạn vật, không bỏ bê ai, cũng không tư vị ai. Một người gắng công làm việc không ta thán là hợp với đạo tự nhiên vậy.
____________
Quote:
Nguyên văn bởi
lavinhcuong
http://www.phatphapthuchanh.com/show...-T%C3%A2m-Minh
-
219. Trực chỉ nhân tâm.
Ích Trung hòa thượng là một nhà danh họa. Một hôm, có một người đến thưa:
- Xin thầy vẽ cho con cái tâm trong câu "Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật"
Ích Trung bèn lấy bút chấm một điểm trên má người ấy. Người ấy tức giận la lên:
- Thầy làm gì vậy?
Ích Trung bèn hoa bút vẽ một bức chân dung người ấy đang giận dữ, và giơ lên:
- Đây là tâm!
Người kia nói:
- Thấy tánh thành Phật, thầy có thể vẽ cái tánh ấy cho con coi chút được không?
- Ngươi hãy mang cái tánh ấy ra đây, ta sẽ vẽ cho ngươi.
(Thiền Thuyết)
-----------------
Tự tánh đầy đủ không thiếu gì cả. Mỗi người phải tự mình khám phá, chứ không có cách nào khác.
____________
Nguyên văn là :
Giáo ngoại biệt truyền, 敎 外 別 傳
Bất lập văn tự, 不 立 文 字
Trực chỉ nhân tâm, 直 指 人 心
Kiến Tính thành Phật. 見 性 成 佛
-
220. Đồ cổ của một vị tướng.
Có một vị tướng quân, lúc ở nhà mang đồ cổ ra ngắm nghía, sẩy tay đồ cổ rơi xuống; nhưng may mắn là ông chụp lại kịp thời. Ông sợ đến toát mồ hôi. Ông nghĩ thầm: "Ta đã từng lãnh đạo hàng ngàn vạn quân sĩ xông pha nơi trận mạc, không tiếc gì thân mạng mà chưa bao giờ sợ đến thế! Tại sao hôm nay chỉ vì một cái chén nhỏ mà trở nên như thế này?"
Cuối cùng ông đã hiểu suốt vì chấp thủ nên đưa đến lo sợ bị mất. Do đó, tiện tay ông quẳng cái chén xuống đất, vỡ tan.
(Thiền Thuyết)
----------------
Vì có được và mất nên mới có vui buồn. Nếu có thể vượt lên được thiện, ác, được, mất; cứ để tùy duyên thì là phúc vậy.
___________
Nã Phá Luân (một vị Tướng "bách chiến bách thắng") nói "Chiến thắng vạn quân không bằng tự thắng được lòng mình".
-
221. Sóng lớn trong lòng.
Có một nhà cao thủ đô vật tên là Đại Ba. Không những ông có sức mạnh mà còn tinh nghề đô vật nữa. Bình thường trong những cuộc đấu riêng, ông rất lợi hại, ngay cả sư phụ ông cũng không địch lại được ông. Nhưng những trận đấu trước công chúng thì ông lại rụt rè, ngay đệ tử của ông cũng hạ ông dễ dàng. Do đó, ông tìm vào núi sâu, thỉnh giáo một vị thiền sư. Vị thiền sư bảo:
- Tên ngươi là Đại Ba (sóng lớn) vậy ngươi hãy quán tưởng ngươi là ngọn sóng lớn, cuốn trôi đi tất cả những gì làm trở ngại trước mặt. Cứ như thế, ngươi sẽ là nhà vô địch đô vật, không ai có thể hạ ngươi được.
Do đó, Đại Ba ngồi thiền ở chùa, quán tưởng mình là sóng. Mới đầu tâm ông không được ổn định, tạp niệm nổi lên rất nhiều, nhưng về sau, ông đã quán tưởng được, mình là sóng. Đêm càng khuya sóng càng lúc càng lớn, cuốn trôi đi bình bông, tượng Phật, rồi tràn ngập cả chùa, gần sáng thì không còn gì cả, chỉ thấy đại dương bát ngát.
Đến sáng thiền sư lay tỉnh ông:
- Từ nay không gì làm ngươi phiền não nữa !
- Cám ơn sư phụ.
Từ đó Ông trở thành nhà đô vật vô địch toàn quốc.
(Thiền Thuyết)
-----------------
Chỉ dùng phương pháp trực tiếp đối phó với hoàn cảnh: ta thành cảnh, cảnh thành ta.
-
222. Bà già hay khóc.
Có một bà già có biệt hiệu là "bà già hay khóc.” Trời mưa bà khóc, trời tạnh bà cũng khóc. Một ông tăng hỏi bà:
- Bà lão, vì sao bà lại khóc?
Bà trả lời:
- Tôi có hai đứa con gái, đứa lớn gả cho người thợ làm giầy
vải, đứa nhỏ gả cho người làm dù. Khi trời đẹp tôi nghĩ thương cho đứa nhỏ, dù của nhà nó không bán được. Khi trời mưa, tôi nghĩ thương cho đứa lớn. Ai mua giầy vải vào ngày mưa?
Ông tăng khuyên:
- Bà lão, khi trời đẹp bà nên mừng cho đứa lớn vì giầy sẽ bán được; khi trời mưa bà nên mừng cho đứa nhỏ vì dù sẽ bán được.
- A! Phải ha!
Từ đó, bà già hay khóc không còn khóc nữa. Dù mưa hay nắng bà vẫn cười hì hì.
(Thiền Thuyết)
---------------
"Tức tâm, tức Phật", bất cứ việc gì thuận lợi hay không là do cách nhìn của chúng ta.
-
223. Ông tăng tương tư.
Huệ Xuân là một ni cô Nhật Bản rất xinh đẹp. Trong một thiền hội, một ông tăng yêu thầm cô. Ông viết một lá thư tình hẹn gặp gỡ. Ngày hôm sau, khi thiền sư giảng xong, Huệ Xuân đứng lên, đến trước mặt ông tăng đã viết thư cho cô và nói: " Nếu quả thật anh yêu tôi tha thiết như thế, hãy đến ôm lấy tôi nào!"
(Thiền Thuyết)
-----------------
Bản chất con người là xung đột, giằng xé giữa 2 dục vọng đối nghịch làm tâm mất quân bình. Vì vậy chúng ta phải tỉnh thức trong mọi quán niệm.
Giả sử Ông Tăng được ôm Ni cô ấy, thì liệu có hóa giải được bệnh tương tư hay không ? Thưa không ! Vì niệm thì cứ sanh khởi liên tục, được thế này, lại muốn thế khác, và thế khác nữa.
Chỉ trừ khi ta thực sự nhận ra bản chất hư huyễn của niệm khởi, nhưng điều này thì tỷ lệ nghịch với Nghiệp chướng. Nghiệp chướng càng dày, thì đầu óc ta càng hôn muội. Đầu óc hôn muội thì chẳng có quán tưởng gì được !
-
224. Chết rồi đi đâu?
Thiên hoàng Hậu Dương Thành đến tham học với thiền sư Ngu Đường.
- Thiền tông dậy tức tâm, tức Phật có đúng không?
- Nếu lão nạp nói đúng, bệ hạ sẽ tưởng rằng mình hiểu mà kỳ thực không hiểu, nếu nói không thì trái với sự kiện nhiều người đã hiểu.
- Bậc giác ngộ khi chết đi đâu?
- Lão nạp không biết.
- Sao lại không biết?
- Vì lão nạp chưa chết.
(Thiền Thuyết)
----------------
Khi sống chúng ta nên hưởng thụ những vẻ đẹp và sự kỳ diệu của đời sống, bất tất phải lo lắng về đời sống sau khi chết. Ngày hôm nay, hãy sống ngày hôm nay, đừng lo buồn về ngày mai, vì những ưu phiền ngày mai, ngày mai sẽ đến.
_____________
Lời bình trên đã làm mất chất một giai thoại Thiền, đọc những giai thoại Thiền chúng ta phải đọc bằng con mắt nhà Thiền, cớ sao lại đọc bằng con mắt của sĩ phu Trung Hoa (Nhân Thừa) ?
-
225. Tu hành như thế nào?
Một người kia hỏi một thiền sư:
- Người tu hành là hạng người thế nào?
- Giống như ta vậy.
- Đại sư cũng phải tu sao?
- Tu hành không ngoài mặc áo, ăn cơm.
- Đó là những việc vụn vặt hằng ngày sao gọi là tu được?
- Vậy ngươi nghĩ ta làm gì mỗi ngày?
(Thiền Thuyết)
-----------------
Tu hành là từ trong những sự việc hàng ngày như nói chuyện, rửa mặt, ăn cơm, ta làm với sự tỉnh thức.
____________
Đã đành rằng "bình thường tâm" cũng không ngoài Đạo, nhưng ta chớ hiểu lầm rằng cứ sống như những kẻ ngu phu là đúng !
-
226. Giầu và nghèo.
Có một nông phu đào đất được một tượng La Hán bằng vàng đáng giá. Thân thích, bạn bè đều mừng cho ông.
- Tượng ít nhất cũng nặng 100 cân vàng.
- Ha! Ha! Tiêu cả đời cũng không hết.
Nhưng ông nông phu vẫn buồn rầu, cả ngày nhăn mày, nhăn mặt.
Bạn bè hỏi:
- Ông đã thành phú ông rồi, còn việc gì lo rầu nữa?
- Tôi cứ nghĩ mãi không biết 17 vị La Hán kia ở đâu?
(Thiền Thuyết)
-----------------
Giàu thật không phải là có nhiều tiền, mà là có biết đủ hay không.
____________
Đây là giáo lý "Tri túc tiện túc, bất tri túc hà thời túc" của Nhân Thiên Thừa, chớ không dính dáng gì đến Thiền học cả.
-
227. Khô mộc Thiền.
Có một bà lão dựng một am cỏ, cung dưỡng một ông tăng trong 20 năm trời. Bình thời đều do một cô gái xinh đẹp tuổi đôi tám phục thị. Một hôm, bà lão muốn thử công phu tu tập của ông tăng bèn dặn cô gái khi mang cơm đến thì ôm lấy ông tăng coi ông phản ứng như thế nào? Cô gái làm y lời dặn và hỏi ông tăng:
- Thầy cảm thấy thế nào?
- Giống như cây khô trên núi lạnh, giống như trời Đông băng giá không chút hơi ấm.
Nghe cô gái thuật lại, bà lão bèn đuổi ông tăng đi, đốt trụi am cỏ, nói rằng:
- Ta đã phí 20 năm cung dưỡng một tên tục tử.
(Thiền Thuyết)
Tu sĩ dĩ nhiên là không được gần nữ sắc, nhưng mà tu hành 20 năm mà một điểm từ bi cũng không có thì quả thật là một tên tục tử.
____________
Câu chuyện không nhằm nói "Từ Bi hay không Từ Bi", mà muốn nói :"Tử tâm" là "nước chết" ! Nguyên văn câu đáp của nhà sư là:
- Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí.
(ví như cây khô nương tựa gộp đá lạnh, lại ở vào ba tháng mùa đông, tìm một chút hơi ấm cũng không có) Đây là chỗ "kẹt" của hầu hết Phật tử, kể cả của những vị Đại sư, vướng chỗ này thì không thể thấy "Trời quang mây tạnh" được.
Xin kính mời quý đạo hữu đọc lại bài phân tích của anh Hoàng Trí :
http://www.phatphapthuchanh.com/show...ull=1#post1359