-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
Hỏi: Nếu như vậy, sao Phật không từ xa rải hoa đến trên Phật Thích-ca Mâu-ni, mà lại sai người đi cúng dường?
Đáp: Vì ở đây các Bồ-tát tin nơi Phổ Minh vậy.
Lại nữa, sứ giả của Phật sai đi, nước, lửa, binh, độc, trăm ngàn thứ hại, không thể làm thương tổn, đường sá xa xôi, muốn cho được an ổn.
Hỏi: Sao không lấy bảo vật đẹp đẽ, kinh điển sâu xa, hay Phật bảo, Bồ-tát bảo (tức là thứ báu này chư thiên không thấy được, nó xuất sanh các thứ vật quý như ngọc Ma-ni, nên gọi là Phật bảo) làm tin, mà lại lấy Hoa sen? Hoa sen là vật nhỏ mọn đâu đủ làm tin?
Đáp: Phật không cần vật. Bảo vật của Phật, bảo vật của trời còn không cần huống là bảo vật của người. Vì không cần nên không sai mang đi. Cũng vì các Phật tự có đủ như nhau, nên không sai mang đi. Kinh điển sâu xa cũng vậy.
Lại nữa, các Kinh đối với Phật không có gì thậm thâm, nói thậm thâm là xuất tự nơi người phàm. Điều người phàm nghi ngờ, đối với Phật vô ngại. Khó đối với người phàm, đối với Phật đều dễ. Lại nữa, hoa hương thanh diệu, đáng dùng để cúng dường, như người hiến tặng, tất phải dùng vật lạ.
Hỏi: Sao chỉ dùng Hoa sen, không dùng vật khác?
Đáp: Cúng dường thì chỉ dùng hoa, hương, tràng phan, bảo cái. Hoa có hai sự là sắc và hương.
Hỏi: Hoa khác cũng có hương, có sắc, sao chỉ dùng Hoa sen cúng dường?
Đáp: Như trong Kinh Hoa Thủ nói: "Mười phương Phật đều lấy hoa cúng dường Thích-ca Văn Phật".
Lại nữa, Hoa sen có ba loại: Hoa của người, hoa của trời, hoa của Bồ-tát. Hoa của người, thứ hoa sen lớn có trên 10 cánh, hoa của trời có 100 cánh, hoa của Bồ-tát 1000 cánh. Trong thế giới kia, phần nhiều có Hoa sen ngàn cánh sắc vàng chói sáng. Trong thế giới Ta-bà tuy có hoa biến hóa ngàn cánh, mà không có hoa sanh trong nước, cho nên Ngài sai mang đi. Hoa sen ngàn cánh sắc vàng ấy, như đã nói ở trong đoạn về tướng lưỡi.
Hỏi: Sao Phật sai Phổ Minh lấy hoa rải trên Phật?
Đáp: Pháp cúng dường là hoa, hương, phướn, lọng. Phướn, lọng thì nên ở trên, hương khô thì nên đốt, hương nước thì nên bôi dưới đất, hương bột và hương nước nên rải.
Hỏi: Sao không chỉ cúng dâng rồi thôi, mà còn tự tay rải lên trên?
Đáp: Tự tay cúng dường là thân nghiệp, lời nói êm dịu hỏi han là khẩu nghiệp, phát khởi thân nghiệp khẩu nghiệp là ý nghiệp. Ba nghiệp ấy được công đức bền chắc, làm nhân duyên cho Phật đạo.
Hỏi: Vì sao nói "Ông nên nhất tâm cung kính thận trọng, các Bồ-tát trong thế giới Ta-bà là khó bì kịp, khó hơn?"
Đáp: Phật, Bích-chi Phật, A-la-hán, tất cả các Hiền Thánh, đều nhất tâm cung kính thận trọng. Ma hoặc Ma dân, các kiết sử của nội thân, các tội báo đời trước đều là giặc. Gần các thứ giặc ấy, nên phải nhất tâm, cung kính, thận trọng. Cũng như đi vào giữa giặc, không tự thận trọng giữ gìn, thì giặc bắt. Vì vậy nên nói nhất tâm cung kính thận trọng để đi qua thế giới kia.
Lại nữa, vì lòng người dễ tán loạn, như cuồng như say, nhất tâm cung kính thận trọng là đầu của các công đức. Nhiếp tâm được thiền, liền được trí tuệ chơn thật, được trí tuệ chơn thật, liền được giải thoát, được giải thoát liền được hết khổ. Những việc như vậy, đều từ nhất tâm mà được. Như sau khi Phật Bát Niết-bàn một trăm năm, có một thầy Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-cúc, là vị A-la-hán chứng được lục thông, làm Đại đạo sư của cõi Diêm-phù-đề lúc bấy giờ. Lúc ấy có một Tỳ-kheo-ni, 120 tuổi, vị Tỳ-kheo-ni ấy lúc nhỏ đã từng thấy Phật. Ngài Ưu-ba-cúc vào nhà bà để hỏi về dung nghi của Phật, trước tiên sai đệ tử đến nói với Tỳ-kheo-ni rằng: "Đại sư tôi là Ưu-ba-cúc muốn đến thăm bà để hỏi về dung nghi của Phật".
Khi ấy vị Tỳ-kheo-ni lấy bình bát đựng đầy dầu mè, đặt dưới cánh cửa để thử coi oai nghi của Ưu-ba-cúc có được rõ ràng chăng? Ưu-ba-cúc đi vào, từ từ đẩy cánh cửa, làm đổ một ít dầu. Ngồi xong, Ngài hỏi Tỳ-kheo-ni: "Bà đã từng thấy Phật chăng? Dung mạo giống như thế nào? Xin nói cho tôi được rõ". Tỳ-kheo-ni đáp: "Lúc ấy tôi còn niên thiếu, thấy Phật đi vào làng, mọi người đều nói "Phật đến", tôi theo mọi người chạy ra, trông thấy ánh sáng của Ngài tôi liền lễ bái, chiếc thoa vàng trên đầu tôi rơi xuống đất, tại rừng cây tối mù, ánh sáng Phật soi đến, mọi vật u ẩn đều được trông thấy, tôi liền lượm được thoa. Từ đó về sau, tôi làm Tỳ-kheo-ni. Ưu-ba-cúc lại hỏi: "Lúc Phật còn ở đời, oai nghi lễ pháp của các Tỳ-kheo như thế nào?" Đáp: " Lúc Phật còn ở đời, Lục quần Tỳ-kheo rất là tệ ác, không biết tàm quý, mà oai nghi phép tắc hơn ông bây giờ, vì sao mà biết thế? Vì Lục quần Tỳ-kheo đi vào cửa, không làm dầu đổ. Lục quần Tỳ-kheo tuy là tệ ác, mà đúng như nghi pháp của Tỳ-kheo, đi, đứng, nằm, ngồi không mất pháp tắc. Ông tuy là A-la-hán có sáu thần thông mà không bằng bọn họ." Ưu-ba-cúc nghe nói lời ấy, hết sức hổ thẹn. Vì vậy nên nói nhất tâm cung kính thận trọng, là tướng trạng của bậc thiện nhân vậy.
-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
Lại nữa, vì sao nói là nhất tâm cung kính thận trọng? Vì các vị Bồ-tát ấy khó hơn, khó bì kịp, khó phá, khó gần. Cũng như Sư tử chúa to lớn, khó hơn, khó phá hoại; cũng như Bạch tượng vương và Long vương; cũng như ngọn lửa lớn, đều khó có thể đến gần. Các Bồ-tát ấy có đại phước đức trí tuệ lực, nếu người nào muốn hơn hay muốn phá hoại, đều không thể được; mà chỉ có thể tự hại mà thôi. Thế nên nói là khó gần.
Hỏi: Hết thảy đại Bồ-tát đều có đại công đức, trí tuệ lợi căn, hết thảy đều khó gần, cớ sao chỉ nói các Bồ-tát trong thế giới Ta-bà là khó gần?
Đáp: Đúng như lời ấy. Chỉ vì các Bồ-tát từ trong thế giới Đa Bảo đi đến, thấy thế giới Ta-bà này không bằng, toàn đá, cát, ô uế, xấu xa, thân Bồ-tát thì nhỏ, tất cả mọi sự đều không bằng, chắc sanh lòng nghi mạn, thế nên Phật nói hãy nhất tâm cung kính thận trọng, các Bồ-tát kia khó gần.
Lại nữa, người sanh ở chỗ vui, phần nhiều không dũng mãnh, không thông minh, ít trí tuệ, như người sanh ở châu Uất-đơn-la-việt, vì quá vui mà không xuất gia, không thọ giới. Sanh trong cõi Trời cũng vậy, còn trong thế giới Ta-bà này nhân duyên của sự vui ít, có ba điều dữ là già, bệnh, chết, cách nuôi sống theo đất đai khó, cho nên dễ sanh tâm nhàm chán. Thấy già bệnh chết kéo đến, tâm rất chán sợ, thấy người nghèo cùng, biết do nhân duyên đời trước gây nên, sanh tâm rất chán, do vậy nên nói có trí tuệ lợi căn. các Bồ-tát ở trong cõi kia, là thế giới bảy báu, các thứ cây báu, tâm tưởng tới uống ăn, tùy ý liền có được. Như vậy nên khó sanh tâm nhàm chán, cho nên trí tuệ không thể thông lợi, lớn lao. Cũng như dao bén, đặt vào trong đồ uống ăn tốt, dao dễ sanh rỉ sét, đồ uống ăn tuy tốt nhưng không thích hợp với dao. Nếu lấy đá mà mài, lấy mỡ, tro mà lau chùi, thì rỉ sét liền sạch, dao được bén. Bồ-tát cũng như vậy, sanh trong thế giới hỗn tạp, nên có lợi trí mà khó gần. Như người lúc nhỏ siêng năng khó nhọc, thì có nhiều tài năng, cũng kham được nhiều việc. Lại như nuôi Ngựa mà không cỡi, thì không dùng được việc gì.
Lại nữa, trong thế giới Ta-bà, Bồ-tát có nhiều phương tiện nên khó gần, các nơi khác thì không vậy. Như Phật nói: "Ta tự nhớ đời trước, một ngày bố thí cho người nghìn thân mạng, vì để độ chúng sanh. Tuy các công đức, sáu Ba-la-mật, tất cả Phật sự đầy đủ mà không làm Phật, thường dùng phương tiện độ thoát chúng sanh. Vì những việc ấy, các Bồ-tát trong thế giới Ta-bà là khó gần.
-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
KINH: Bấy giờ Phổ Minh Bồ-tát từ nơi Phật Bảo Tích nhận lấy Hoa sen sắc vàng ngàn cánh, với vô số hàng xuất gia, tại gia và các đồng nam đồng nữ cùng cất bước.
LUẬN: Hỏi: Phổ-Minh Bồ-tát có đại lực thần thông nên có thể đi đến, còn hàng xuất gia, tại gia Bồ-tát, và các đồng nam đồng nữ làm sao tự đi được? Đa Bảo thế giới ở tận cùng phía Đông, dặm đường xa xôi, các hàng ấy tự dùng sức mình mà đi, hay là sức của Phật Bảo Tích? Hay là sức của Phổ-Minh Bồ-tát? Hay là sức của Phật Thích-ca Mâu-ni?
Đáp: Hoàn toàn do sức của cả bốn hạng người. Các hàng Bồ-tát xuất gia tại gia ấy là những Bồ-tát đã được bất thối, thành tựu ngũ thông, khéo tu bốn Như ý túc, có nhân duyên với đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ đời trước, cũng do tự sức mình, cũng do sức của Bồ-tát Phổ-Minh, vì cớ sao? Trong đó, người thế lực mỏng thời do sức của Bồ-tát Phổ-Minh mà đến được. Như khi Chuyển luân Thánh vương bay đi, thì cả bốn thứ binh và các cung, quán, súc vật, thú vật tất cả đều bay. Vì công đức của Chuyển luân Thánh vương rất lớn, đủ khiến cho tất cả bay đi. Đây cũng như vậy, người thế lực mỏng thì do sức của Bồ-tát Phổ-Minh, đều cũng đi theo được. Cũng là do sức của Phật Bảo Tích và ánh sáng của Phật Thích-ca Mâu-ni soi cho. Nếu tự không có sức, chỉ do ánh sáng của Phật Thích-ca Mâu-ni soi đến cũng có thể đến được, huống gì có cả ba sức.
Hỏi: Bồ-tát Phổ-Minh sao không chỉ đi một mình mà đem nhiều người thế?
Đáp: Vì đúng lẽ là có vây cánh đi theo vậy. Cũng như khi Quốc vương đi ra ngoài, tất cả có quần thần đi theo.
Lại nữa, đó là người có nhân duyên với Phổ-Minh Bồ-tát và đức Phật Thích-ca Mâu-ni, cớ sao vậy? Vì trong đại chúng kia hai chúng cùng đến, nên biết kẻ có nhân duyên thì đi đến, kẻ không có nhân duyên thì ở lại.
Hỏi: Vị Bồ-tát ấy vì sao cùng đi đến với các tại gia, xuất gia, đồng nam, đồng nữ?
Đáp: Bảy chúng đệ tử Phật là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Học giới ni, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu -bà-tắc, Ưu-bà-di. Ưu -bà-tắc, Ưu-bà-di là tại gia, năm chúng kia là xuất gia. Trong chúng xuất gia tại gia hoặc có hai hạng, hoặc lớn tuổi, hoặc nhỏ tuổi. Nhỏ là đồng nam, đồng nữ, ngoài ra là lớn tuổi.
Hỏi: Người lớn nên đi, còn người nhỏ làm sao có thể đến được?
Đáp: Tại công đức, không tại lớn nhỏ. Nếu mất sự lợi ích của công đức, làm điều bất thiện, thì tuy già mà nhỏ, nếu có công đức lợi ích, làm điều thiện, thời tuy nhỏ mà lớn.
Lại nữa, thấy người nhỏ đi đến, người trông thấy sẽ khen: "Nhỏ mà còn được vậy, còn vì pháp mà từ xa đi đến". Cũng hiển bày Phật pháp dù nhỏ hay lớn đều được phụng hành.
Trong pháp của ngoại đạo, hàng Bà-la-môn mới được hành pháp đó, chẳng phải Bà-la-môn thì không được hành. Phật pháp không kể lớn, không kể nhỏ, không kể trong, không kể ngoài, hết thảy đều được tu hành, cũng như uống thuốc, cốt để trừ bệnh, không lựa người sang, hèn, lớn nhỏ.
-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
KINH: Đều cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán các đức Phật ở phương Đông.
LUẬN: Hỏi: Nếu cúng dường khắp cả các đức Phật ở phương Đông, thì các đức Phật rất nhiều, biết bao giờ mới cúng xong mà đến được nơi ấy?
Đáp: Các Bồ-tát không cúng dường theo cách của người, trời, mà tự làm theo cách của Bồ-tát. Cách cúng dường của Bồ-tát, thân vào thiền định, thân ấy đi thẳng đến, rồi từ trên thân ấy, xuất ra vô lượng thân, hoá làm đủ thứ vật cúng dường, đầy khắp thế giới của chư Phật, cũng như khi Long vương đi, từ thân tuôn nước, mưa khắp thiên hạ.
Hỏi: Các Bồ-tát ấy muốn đi đến chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni, cớ sao giữa đường lại cúng dường chư Phật?
Đáp: Chư Phật là phước điền bậc nhất, nếu ai cúng dường thì được quả báo lớn. Cũng như người sửa sang nhiều công nghiệp ruộng vườn là để được nhiều lúa. Chư Bồ-tát thấy chư Phật cúng dường mà được quả báo làm Phật, cho nên cúng dường.
Lại nữa, Bồ-tát thường kính trọng Phật, như người ta kính trọng cha mẹ. Chư Bồ-tát nhờ nghe Phật thuyết pháp mà được các thứ Tam muội, các thứ Đà-la-ni, các thứ thần lực. Vì biết ơn Phật cho nên cúng dường rộng khắp. Như trong kinh Pháp Hoa, Bồ-tát Dược vương từ nơi Phật mà được Tam muội Biến hiện sắc thân, mới suy nghĩ rằng: "Ta sẽ cúng dường Phật và Pháp Hoa Tam muội như thế nào?" Liền bay lên đến giữa trời, dùng sức Tam muội mưa xuống bảy báu, hương hoa, tràng phan, bảo cái, cúng dường Phật. Sau khi ra khỏi Tam muội, ý còn cho như vậy là chưa đủ, trong một ngàn hai trăm năm ăn những thức ăn thơm, uống các dầu thơm, rồi sau dùng giạ trắng quấn vào mình mà đốt lên và tự phát thệ rằng: "Mong cho ánh sáng của thân tôi chiếu đến tám mươi hằng hà sa thế giới Phật". Chư Phật trong tám mươi hằng hà sa thế giới ấy tán thán rằng: "Làng thay, lành thay! Thiện nam tử! Lấy thân cúng dường, ấy là bậc nhất, hơn đem quốc thành thê tử cúng dường gấp trăm ngàn vạn lần, không thể đem thí dụ so sánh". Trong một ngàn hai trăm năm, thân cháy mãi không tắt.
Lại nữa, sự cúng dường Phật ấy được vô lượng tiếng tăm, phước đức lợi trí. Các việc bất thiện đều diệt trừ hết, các thiện căn được tăng trưởng, đời này đời sau thường được quả báo cúng dường, lâu về sau sẽ được làm Phật.
Cúng dường Phật như vậy, được vô lượng các thứ lợi ích, thế nên các Bồ-tát cúng dường Phật.
-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
KINH: Cầm các hoa hương, Anh lạc, hương bột, hương nước, hương đốt, hương xoa, y phục, tràng phan, bảo cái, hướng đến chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni, đến rồi đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên.
LUẬN: Hỏi: Nếu có lễ, cớ sao nói đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật?
Đáp: Trong thân thể người ta quý nhất là đầu, vì là nơi chứa đựng ngũ tinh (năm giác quan) và ở trên hết. Chân là cái hèn nhất, vì đạp lên chỗ bất tịnh và ở dưới hết. Cho nên đem cái quý mà lễ cái hèn, là vì cúng dường một cách quý trọng nhất.
Lại nữa, lễ có bậc thấp, bậc giữa, bậc cao. Lễ bậc thấp là vái, bậc giữa là quỳ, bậc cao là cúi đầu. Đầu mặt lễ dưới chân là cách cúng dường bậc cao. Do vậy, trong Luật tạng của Phật, hạ tọa Tỳ-kheo hai tay đỡ hai chân thượng tọa, đầu mặt cúi lễ.
Hỏi: Oai nghi của thân có bốn là hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc đi, hoặc nằm, cớ sao chỉ đứng một bên?
Đáp: Vì mới đến nên không nên đi, vì cung kính nên không nên nằm, việc ấy thật dễ rõ, đâu cần phải hỏi. Nên hỏi tại sao ngồi, tại sao đứng. Ngồi là sự cúng dường không tôn trọng, còn đứng là sự cúng dường tôn trọng.
Lại nữa, trong Phật pháp, các hàng ngoại đạo xuất gia và hàng cư sĩ khi đi đến chỗ Phật đều ngồi. Ngoài đạo là đạo khác, khinh Phật nên họ ngồi, kẻ cư sĩ thì như khách, cho nên ngồi. Còn hết thảy năm chúng, thân tâm thuộc vào Phật, cho nên đứng. Nếu là A-la-hán đắc đạo như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề v.v... việc phải làm đã làm xong, cho nên được phép ngồi, ngoài ra các người khác, tuy được chứng ba đạo quả Sơ, Nhị, Tam cũng không được phép ngồi, vì chưa làm xong đại sự, chưa phá hết giặc kiết sử. Cũng như vua tôi, người có công lớn nên được ngồi. Trong các hàng Bồ-tát tuy có kẻ cư sĩ, mà vì từ xa đi đến cúng dường Phật cho nên đứng.
-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
KINH: Bạch Phật rằng: "Bảo Tích Như Lai gởi lời hỏi thăm Thế Tôn, được ít bệnh, ít não, đi và ở được nhẹ nhàng, lanh lợi, khí lực được an vui chăng?", lại lấy Hoa sen sắc vàng ngàn cánh cúng dường Thế Tôn.
LUẬN: Hỏi: Phật Bảo Tích là bậc Nhất thiết trí, sao lại còn phải hỏi Phật Thích-ca Mâu-ni "được ít bệnh, ít não, đi và ở được nhẹ nhàng, lanh lợi, khí lực được an vui chăng?"
Đáp: Pháp của Phật tự nhiên là vậy, biết mà cố hỏi. Như trong Luật tạng, Tỳ-kheo Đặc-ni-ca làm một cái hang bằng gạch màu đỏ, Phật thấy vậy, đã biết mà cố hỏi A-nan: "Cái đó là vật gì vậy?" A-nan thưa: "Đó là con của người thợ gốm xuất gia, tên là Đặc-ni-ca, làm cái nhà nhỏ bằng cỏ, thường bị trâu phá đi, ba lần làm, ba lần bị phá, do đó mới làm cái nhà gạch ngói này". Phật hỏi A-nan: "Hãy phá cái hang gạch ấy đi, vì cớ sao? Vì bọn ngoại đạo sẽ nói: "Khi Phật đại sư còn đó, pháp lọt ra từ chỗ rỉ". Nhiều chỗ như vậy, biết mà cố hỏi.
Lại nữa, Phật tuy là bậc Nhất thiết trí, nhưng tùy theo pháp thế gian, người thế gian hỏi thăm, Phật cũng hỏi thăm. Phật sanh ở trong loài người, chịu theo pháp loài người, lạnh, nóng, sống, chết v.v... cùng với người như nhau.
Lại nữa, thế giới của Phật Đa Bảo đó là thanh tịnh trang nghiêm, thân Phật sắc tướng sáng chói cũng lớn, nếu không hỏi thăm thì người ta cho là khinh mạn. Lại muốn bày tỏ cho thế giới và thân sắc, ánh sáng của Phật, tuy có nhiều chỗ hơn, mà trí tuệ thần lực thì đều như nhau không khác, cho nên hỏi thăm.
Hỏi: Tại sao hỏi ít não, ít bệnh?
Đáp: Có hai thứ bệnh: Một là bệnh do nhân duyên bên ngoài, hai là bệnh do nhân duyên bên trong. Bên ngoài là lạnh, nóng, đói, khát, binh, nhẫn, đao, gậy, bị rơi, bị ngã, bị xô, bị đè ... những thứ như vậy gọi là bệnh ngoài, gọi là não. Bên ngoài là ăn uống không tiết độ, nằm, đi thất thường, bốn trăm lẻ bốn bệnh, những thứ như thế gọi là bệnh trong. Hai thứ bệnh đó hễ có thân đều khổ. Cho nên hỏi "Ít não ít bệnh chăng?"
Hỏi: Sao không hỏi không não, không bệnh, mà lại hỏi ít não, ít bệnh?
Đáp: Thánh nhân thật biết thân là gốc khổ, không lúc nào không bệnh, vì sao? Vì bốn đại hợp lại làm thân; đất, nước, gió, lửa tánh không hợp nhau, mỗi thứ hại lẫn nhau cũng như ung thư, không lúc nào không đau, nếu lấy thuốc xoa, có thể bớt được mà không thể lành. Thân người cũng vậy, thường bệnh, thường trị, trị thì được sống, không trị thì chết. Vì lẽ ấy, không thể hỏi không não, không bệnh. Bệnh hoạn bên ngoài thường bị gió, mưa, lạnh, nóng làm bức não. Lại thân có bốn oai nghi ngồi, nằm, đi, đứng, ngồi lâu thì rất não; nằm lâu, đứng lâu, đi lâu cũng não. Cho nên hỏi ít não, ít bệnh.
-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
Hỏi: Hỏi ít bệnh ít não là đủ, sao còn nói đi và ở nhẹ nhàng lanh lợi?
Đáp: Người ta tuy bệnh lành mà chư a được bình phục, vì vậy nên hỏi đi và ở nhẹ nhàng lanh lợi.
Hỏi: Sao lại còn nói khí lực an lạc chăng?
Đáp: Có người bệnh lành, tuy đi lại ngồi dậy được, nhưng khí lực chưa đủ không thể làm lụng thi vi, xách nhẹ, vác nặng, do đó hỏi về "khí lực". Có người tuy bệnh lành, có thể vác nặng xách nhẹ, nhưng chưa được yên vui. Do đó hỏi "Có yên vui chăng?"
Hỏi: Nếu không bệnh mà có sức, vì sao chưa được an vui?
Đáp: Có người vì nghèo cùng, sợ hãi, ưu não, không được an vui. Do đó nên hỏi "Được an vui chăng?"
Lại nữa, có hai cách hỏi thăm: Hỏi thăm về thân, hỏi thăm về tâm. Nếu nói ít não, ít bệnh, đi và ở nhẹ nhàng lanh lợi, khí lực là hỏi thăm về thân. Nếu an vui chăng, là hỏi thăm về tâm. Các thứ bệnh bên trong, bên ngoài đều được gọi là thân bệnh. Các thứ phiền não dâm dục, sân nhuế, tật đố, xan tham, ưu sầu, sợ hãi v.v..., chín mươi tám kiết sử, năm trăm triền cái, các thứ mong cầu, ham muốn, v.v... đều được gọi là tâm bệnh. Vì hỏi thăm hai thứ bệnh ấy nên nói "ít não, ít bệnh, đi và ở nhẹ nhàng lanh lợi, khí lực an vui chăng?"
Hỏi: Cách hỏi thăm của loài người thì hỏi như vậy. Hàng chư thiên còn không nên hỏi thăm như vậy, huống gì là đối với Phật?
Đáp: Thân Phật có hai: Một là thân thần thông biến hóa, hai là thân cha mẹ sanh. Thân cha mẹ sanh thì chịu theo phép loài người, không như chư thiên, do đó phải theo phép loài người mà hỏi thăm.
Hỏi: Đối với hết thảy Hiền thánh, tâm không còn bị dính mắc, không tham thân, không tiếc tuổi thọ, không ghét chết, không ưa sống, nếu như vậy thì cần gì hỏi thăm?
Đáp: Vì theo phép thế gian chịu theo phép loài người mà thăm hỏi. Sai thăm hỏi, cũng là chịu theo phép của loài người.
Hoa sen sắc vàng ngàn cánh, như trên đã nói.
-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
KINH: Bấy giờ, Phật Thích-ca Mâu-ni sau khi nhận Hoa sen sắc vàng ngàn cánh, Ngài rải đến chư Phật trong Hằng hà sa thế giới ở phương Đông.
LUẬN: Hỏi: Phật là bậc không ai hơn, không ai bằng, sao nay lại rải hoa cúng dường chư Phật ở phương Đông? Như khi Phật mới đắc đạo, tự suy nghĩ rằng: "Người mà không có chỗ để tôn thờ thời sự nghiệp sẽ không thành, nay trong mười phương trời đất ai là kẻ đáng tôn thờ. Ta sẽ kính làm Thầy mà thờ". Khi ấy Phạm-thiên-vương cùng chư Thiên bạch Phật rằng: "Phật là trên hết, không ai vượt qua Phật". Phật cũng tự dùng Thiên nhãn xem thấy trong ba đời và mười phương trời đất, không có ai hơn Phật. Tâm tự nghĩ rằng: "Ta thực hành Đại Bát-nhã Ba-la-mật mà nay tự mình được làm Phật. Đây là chỗ cho Ta tôn thờ, tức là Thầy của Ta. Ta sẽ cung kính cúng dường tôn thờ pháp ấy". Thí như có một gốc cây tên là Hảo-kiên, ở trong lòng đất một trăm năm, cành lá đầy đủ, một ngày kia ra khỏi lòng đất, cao một trăm trượng. Cây ấy ra khỏi rồi, muốn tìm gốc cây lớn để che mát cho mình. Khi ấy trong rừng có vị thần nói với Hảo-kiên rằng: "Trong đời không còn cây nào lớn hơn ngươi, các cây khác đều ở trong bóng mát của ngươi". Phật cũng như vậy, Vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, sanh ở trong lòng đất Bồ-tát, một ngày kia ở tại dưới gốc Bồ-đề, ngồi trên chỗ tòa Kim-cang, như thật biết rõ hết thảy các pháp tướng, chứng thành Phật đạo. Bấy giờ tự nghĩ: "Ai đáng tôn thờ để làm thầy, ta sẽ hầu hạ cung kính cúng dường". Khi ấy ấy Phạm-thiên-vương cùng chư Thiên bạch Phật rằng: "Phật là vô thượng, không ai hơn Phật". Vậy nay cớ sao lại cúng dường chư Phật ở phương Đông?
Đáp: Phật tuy trên hết, trong ba đời mười phương trời đất, không ai hơn Phật để mà thực hành sự cúng dường. Cúng dường có thượng, trung, hạ. Cúng dường người thua mình là cúng dường bậc hạ, cúng dường người hơn mình là cúng dường bậc thượng, cúng dường ngươì ngang mình là cúng dường bậc trung. Cũng như Tỳ-kheo-ni Đại-ái-đạo cùng 500 Tỳ-kheo-ni A-la-hán, trong một ngày cùng một lần vào Niết-bàn. Khi ấy hàng Ưu-bà-tắc chứng đắc ba đạo quả đỡ giường của 500 Tỳ-kheo-ni, Tứ-thiên-vương đỡ giường nhũ mẫu của Phật là Đại-ái-đạo, còn Phật tự ở trước bưng lò hương, đốt hoa cúng dường. Phật nói với các Tỳ-kheo: "Các ông hãy giúp Ta cúng dường thân nhũ mẫu". Bấy giờ các Tỳ-kheo A-la-hán, mỗi người dùng lực thần túc, đi đến trên núi Ma-lê, lấy củi hương Chiên-đàn ngưu đầu chất thành đống giúp Phật. Ấy là cúng dường bậc hạ. Do đó, tuy không cầu chứng quả mà vẫn thực hành cúng dường bình đẳng.
Lại nữa, chư Phật nên phải cúng dường Phật, các người khác không biết đức của Phật, như kệ nói:
"Người trí kính người trí,
Trí luận người trí mừng,
Người trí biết được trí,
Như Rắn biết chân Rắn".
Vì vậy, chư Phật là bậc Nhất thiết trí cúng dường bậc Nhất thiết trí.
-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
Lại nữa, mười phương Phật đời đời khuyến trợ Phật Thích-ca Mâu-ni. Như Thất trụ Bồ-tát quán các pháp là không, vô sở hữu, bất sanh bất diệt. Quán như vậy rồi, trong hết thảy thế giới, tâm không dính mắc, muốn buông thả sáu Ba-la-mật mà nhập Niết-bàn. Cũng như người trong khi mộng làm bè để vượt qua sông lớn, tay chân mỏi mệt, sanh tâm nhàm chán, đang ở giữa lòng sông mộng tỉnh, tự nghĩ rằng: "Đâu có sông để có thể vượt qua?" Khi ấy, tâm chuyên cần cũng buông bỏ hết, Bồ-tát cũng như vậy. Ở trong địa vị Thất trụ, chứng được Vô sanh Pháp nhẫn, tâm hành đều đình chỉ, muốn vào Niết-bàn. Bấy giờ mười phương chư Phật đều phóng ánh sáng, chiếu trên thân Bồ-tát, lấy tay phải xoa đầu, nói rằng: "Thiện nam tử! Chớ sanh tâm tưởng ấy. Ông nên nhớ lại bản nguyện của ông là muốn độ chúng sanh. Ông tuy biết các pháp là không, mà chúng sanh thì không biết. Ông nên nhóm các công đức, giáo hóa chúng sanh, chớ vào Niết-bàn. Ông chưa được thân kim sắc, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, vô lượng quang minh, ba mươi hai nghiệp. Ông nay mới chứng được Vô sanh pháp môn, chớ có mừng lớn." Khi ấy Bồ-tát nghe lời chư Phật giáo huấn, trở lại sanh tâm nguyện như trước, thực hành sáu Ba-la-mật để độ chúng sanh. Như vậy, lúc mới đắc Phật đạo, được sự tá trợ ấy. Lại lúc Phật mới đắc đạo, tâm tự suy nghĩ: "Pháp này rất sâu xa, chúng sanh ngu muội bạc phước, Ta cũng sanh trong đời ngũ ác, phải làm sao đây? Suy nghĩ xong, Ta sẽ từ trong một pháp chia làm ba phần thành ba thừa để độ chúng sanh". Khi suy nghĩ như vậy, chư Phật mười phương đều hiện ánh sáng tán thán rằng: "Lành thay! Lành thay! Chúng ta cũng ở trong đời ngũ ác, chia một pháp làm ba phần để độ chúng sanh". Khi ấy, Phật nghe tiếng nói của chư Phật mười phương, liền rất hoan hỷ, xưng niệm "Nam Mô Phật".
Như vậy, mười phương Phật, nơi nơi đều khuyến trợ làm lợi ích lớn. Vì biết ân nặng ấy, cho nên lấy hoa cúng dường mười phương Phật. Phước đức tối thượng, không gì vượt qua phước đức này, vì cớ sao? Hoa ấy do công đức lực của Phật Bảo Tích sinh ra, chứ không phải hoa từ trong nước sanh. Phổ Minh là vị Bồ-tát pháp thân ở địa vị Thập trụ, đưa hoa ấy đến dâng lên Phật Thích-ca Mâu-ni. Phật Thích-ca Mâu-ni biết mười phương Phật là phước điền đệ nhất, cho nên cúng dường, phước ấy nhiều gấp bội, vì cớ sao? Vì Phật tự cúng dường Phật vậy.
Trong Phật pháp có bốn hạng bố thí: 1- Người thí thanh tịnh, người thọ không thanh tịnh, 2- Người thí không thanh tịnh, người thọ thanh tịnh, 3- Người thí thanh tịnh, người thọ cũng thanh tịnh , 4- Người thí không thanh tịnh, người thọ không thanh tịnh. Nay thí cho Phật ở phương Đông là cả hai đều thanh tịnh, phước ấy rất lớn. Vì vậy nên Phật tự cúng dường mười phương Phật.
Hỏi: Hết thảy Thánh nhân đều không thọ quả báo, đời sau không còn sanh trở lại, cớ sao nói phước bố thí ấy rất lớn?
Đáp: Phước ấy tuy không có người thọ hưởng, mà tướng nó lại lớn. Nếu có người thọ hưởng thì quả báo ấy vô lượng. Các Thánh nhân biết pháp hữu vi đều là vô thường, không, cho nên xả bỏ mà vào Niết-bàn, phước ấy cũng xả. Thí như thoi vàng đốt cháy, tuy mắt thấy nó đẹp mà không thể lấy tay đụng, vì sợ cháy tay người.
Lại nữa, như người bị mụn nhọt thời phải dùng thuốc bôi, nếu người không bị nhọt thì thuốc vô dụng; người có thân cũng như vậy, thường bị đói khát, lạnh nóng bức bách. Cũng như bị mụn nhọt, phải lấy áo chăn, ăn uống, ấm nóng làm cho dễ chịu, như lấy thuốc bôi mụn nhọt. Còn như kẻ ngu si, vì ham thuốc chứ không phải dùng bôi mụt. Nếu không mụn nhọt, thì thuốc cũng vô dụng. Chư Phật cho thân là một mụn nhọt, vì phóng xả thân mụn nhọt nên cũng không lãnh thọ thuốc quả báo. Vì vậy nên tuy có đại phước, cũng không thọ báo.
-
ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN Tập 1 _ Cuốn 10
__________________________________________________ ______________________________________
KINH: Hoa sen được rải đến chư Phật thế giới nhiều như Hằng hà sa số ở phương Đông.
LUẬN: Hỏi: Hoa ít mà thế giới nhiều, làm sao rải khắp?
Đáp: Do thần thông lực của Phật. Những sự như trên, có tám cách tụ do biến hóa: Khiến nhỏ thành lớn, khiến lớn thành nhỏ, khiến nặng thành nhẹ, khiến nhẹ thành nặng, tự tại vô ngại, tùy ý đi đến, rung động đại địa, thành tựu sở nguyện. Các đại Thánh nhân đều có tám cách biến hóa tự tại ấy, cho nên Phật có thể lấy một ít hoa rải khắp Hằng hà sa số thế giới ở phương Đông.
Lại nữa, để chỉ cho chúng sanh thấy phước báu vị lai, một ít hoa như thế mà rải khắp thế giới ở phương Đông. Lại để khuyên Bồ-tát ở phương Đông rằng gieo phước vào trong ruộng Phật thời được quả báo cũng như hoa ấy đầy khắp vô lượng. Các ông từ xa đi đến, phải nên hoan hỷ, gặp được phước điền ấy, quả báo vô lượng.
KINH: Các Bồ-tát xuất gia, tại gia và đồng nam đồng nữ, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật Thích-ca Mâu-ni, mỗi người đem đồ cúng dường mà cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán Phật Thích-ca Mâu-ni. Các Bồ-tát xuất gia, tại gia và đồng nam đồng nữ ấy, mỗi mỗi nhờ năng lực thiện căn phước đức mà được cúng dường Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác.
LUẬN: Như kệ nói:
"Con đường các Thánh đến,
Phật cũng đến như vậy,
Thật tướng và chỗ đi,
Phật như vậy không khác.
Chư Thánh nói như thật,
Phật nói cũng như thật,
Do vậy nên gọi Phật,
Là đấng hiệu Như Lai (Tathàgata)
Giáp nhẫn: Tâm kiên cố,
Cung tinh tấn: Sức mạnh,
Tên trí tuệ: Nhọn cứng,
Phá các giặc kiêu mạn.
Đáng lãnh thọ cúng dường,
Của loài Trời, loài Người.
Do vậy nên gọi Phật.