-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
2.2.1 Hành nghiệp tương ứng với nguyên nhân
Quả này là một xu hướng thích hợp với những hành vi cùng loại, giống như là nhân lúc ban đầu. Nếu trước đó chúng ta từng sát sinh thì chúng ta vẫn còn thích giết hại; nếu chúng ta đã từng ăn trộm, chúng ta vẫn thích thú khi lấy những gì không được cho; và v.v. Điều này giải thích lý do tại sao, có một số người nào đó ngay từ lúc còn rất nhỏ đã giết tất cả các côn trùng và ruồi muỗi mà họ nhìn thấy. Một khuynh huớng sát sinh như thế tương ứng với những hành vi tương tự mà họ đã thực hiện trong các đời trước. Từ khi mới lọt lòng, mỗi người trong chúng ta hành động hoàn toàn khác biệt nhau, bị dẫn dắt bởi những thôi thúc của nghiệp lực khác nhau. Một số thích giết hại, một số thích ăn trộm, trong khi những người khác lại không cảm thấy ham thích những hành vi như thế và thay vào đó họ thích làm việc thiện.
Tất cả những khuynh hướng như vậy là những gì còn sót lại của những hành động trước kia, hay nói khác đi là quả tương tự với nhân. Đó là điều mà tại sao người ta lại nói:
Muốn biết những gì bạn làm trước kia, hãy nhìn bạn bây giờ.
Muốn biết nơi bạn sắp sinh vào, hãy nhìn những gì bây giờ bạn đang làm.81
Đối với loài vật thì cũng thế. Bản năng của những loài thú như chim ưng và chó sói là giết hại; bản năng của chuột là ăn trộm – trong mỗi trường hợp là một kết quả tương ứng với nguyên nhân, và được tạo nên bởi hành nghiệp trước đây của chúng.
2.2.2 Kinh nghiệm tương ứng với nguyên nhân
Mỗi một hành vi trong mười hành vi bất thiện đều dẫn tới một cặp hậu quả (a pair of effects) cho những kinh nghiệm mà chúng ta phải trải qua sau đó.
Sát sinh. Việc sát sinh ở một kiếp trước không chỉ làm cho thọ mạng của đời hiện tại của chúng ta bị thâu ngắn mà ta sẽ còn thường xuyên bị bệnh tật. Đôi khi có những đứa bé đã chết ngay khi mới sinh ra đời như là quả tương tự với nhân của việc chúng đã từng sát sinh trong một đời quá khứ; trong nhiều kiếp, chúng có thể tiếp tục chết ngay lập tức khi vừa sinh ra đời và cứ lập đi lập lại như vậy. Cũng có những người sống tới tuổi trưởng thành nhưng từ thuở ấu thơ đã bị bệnh tật hành hạ, hết bệnh này tới bệnh kia không ngưng nghỉ cho tới khi chết -- một lần nữa, đó là kết quả của việc giết hại và hành hung những người khác trong một kiếp trước. Đối mặt với những tình huống như vậy, điều quan trọng là phải sám hối với lòng ân hận về những hành động đã làm trong quá khứ, hơn là tìm cách làm dịu đi những khó khăn trước mắt. Chúng ta nên sám hối với lòng hối hận và phát nguyện từ bỏ những hành vi như vậy; và như một cách đối trị với những quả báo của nghiệp cũ, hãy nỗ lực làm những thiện hạnh và từ bỏ những ác hạnh.
-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
Lấy những gì không được cho. Việc trộm cắp trong đời quá khứ không chỉ làm chúng ta nghèo hèn trong đời này mà ta còn có thể phải bị chịu đựng cướp bóc, mất trộm, hoặc những tai họa khác chẳng hạn như là việc kẻ thù và đối thủ của chúng ta chia năm xẻ bảy những món tài sản ít oi mà ta kiếm được. Vì lý do này, bất cứ ai hiện nay đang thiếu thốn tiền bạc hay của cải thì tốt hơn hết là nên tạo ra thậm chí một tia lửa nhỏ công đức còn hơn là bỏ đi lên núi làm giàu. Nếu số phận bạn không giàu có vì bạn ít bố thí trong những đời trước, thì không nỗ lực nào trong đời này có thể giúp bạn được. Hãy xem của cải mà hầu hết những kẻ trộm cướp có được từ mỗi chuyến cướp bóc của họ – thường thì hầu như nhiều hơn những gì bản thân mặt đất có thể giữ được. Tuy nhiên những người sống bằng nghề trộm cướp luôn luôn kết thúc đời mình trong sự đói khát. Cũng hãy chú ý đến những thương nhân hay những kẻ chiếm đoạt tài sản của Tăng Đoàn đã thất thu trong việc kiếm tiền ra sao, cho dù tài sản của họ có lớn tới đâu chăng nữa. Trái lại, những người hiện nay đang được hưởng quả lành của việc bố thí của họ trong quá khứ thì trọn đời họ chẳng bao giờ thiếu thốn của cải, và đối với nhiều người trong số những người này thì mọi việc tốt lành xảy tới mà họ không cần chút xíu nỗ lực nào. Vậy, nếu bạn hy vọng trở nên giàu có, hãy dành hết mọi nỗ lực của bạn để làm việc từ thiện và cúng dường!
Châu Diêm Phù Đề này (Jambudvipa – cõi người) là nơi có thể tạo được những điều kiện đặc biệt dành cho quả báo trổ sinh từ những hành động của ta trong quá khứ, khiến những gì chúng ta làm trong đời khi trước thì về sau có khả năng trổ quả cũng trong đời này – hay thậm chí ngay lập tức nếu những việc ta làm đã được tạo trong những hoàn cảnh đặc thù nào đó. Vì thế dùng tới cách trộm cướp, lừa gạt hay những phương cách khác để lấy đi những gì không được cho với hy vọng làm giàu thì điều này hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta dự định. Nghiệp báo sẽ giam giữ chúng ta trong thế giới Ngạ quỷ trong nhiều đại kiếp. Thậm chí cho đến cuối đời này, quả báo sẽ bắt đầu có ảnh hưởng và sẽ làm chúng ta ngày càng nghèo khổ, ngày càng khó khăn. Chúng ta sẽ bị tước mất sự kiểm soát trên một số ít của cải còn sót lại của mình. Cho dù chúng ta giàu có tới đâu, tính tham lam sẽ làm chúng ta càng ngày càng cảm thấy thiếu thốn và mất mát. Của cải của chúng ta sẽ trở thành nguyên nhân của những ác hạnh. Ta sẽ giống như những Ngạ quỷ canh giữ kho tàng nhưng không thể sử dụng những gì chúng sở hữu. Hãy để ý kỹ những người bên ngoài có vẻ giàu có. Nếu họ không biết phát triển lòng quảng đại hay bố thì tài sản của họ một cách rộng rãi cho Giáo Pháp – nguồn gốc của hạnh phúc và an lành trong đời này và trong những đời kế tiếp -- hoặc ngay cả họ không biết rộng rãi trong việc mua thực phẩm và quần áo, thì họ thực sự còn nghèo hơn cả những người nghèo khó. Kinh nghiệm tương tự như kiếp Ngạ quỷ của họ ngay bây giờ là quả tương tự với nhân, và điều này xảy ra là do việc bố thí bất tịnh của họ trong quá khứ. 82
-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
Tà dâm. Ta được biết rằng việc thả mình trong các hành động tà dâm sẽ làm chúng ta có một người vợ (hay chồng) chẳng những không duyên dáng mà còn có lối cư xử phóng đãng hay thù địch nữa. Khi những cặp vợ chồng không thể ngưng tranh cãi hoặc đánh nhau, mỗi người thường đổ lỗi cho những tánh xấu của người kia. Trong thực tế, mỗi người trong những cặp vợ chồng đó đang kinh nghiệm hậu quả tương tự với nguyên nhân, là quả báo của sự tà dâm của họ trong quá khứ. Thay vì thù ghét nhau, họ nên nhận ra rằng đó là kết quả của những hành vi bất thiện trong quá khứ của họ và nên nhẫn nhịn lẫn nhau. Ngài Padampa Sangye có nói:
Gia đình thì thoáng qua như đám đông trong phiên chợ;
Dân chúng xứ Tingri, đừng nên cãi vã hay đánh nhau!
Nói dối. Kinh nghiệm tương tự với nguyên nhân gây ra từ sự nói dối trong những đời quá khứ là chúng ta không những thường bị chỉ trích hay xem thường mà còn hay bị người khác nói dối ngược lại. Nếu bây giờ bạn bị kết tội và chỉ trích không đúng, thì đó là kết quả của việc bạn đã từng nói dối trong quá khứ. Thay vì nổi giận và lăng mạ những người đã nói những điều như thế về bạn, hãy biết ơn họ vì họ đã giúp bạn làm cạn kiệt những quả báo của nhiều hành động bất thiện. Bạn nên cảm thấy hạnh phúc. Ngài Rigdzin Jigme Lingpa nói:
Kẻ thù đáp trả việc tốt của bạn bằng việc xấu giúp bạn tinh tấn trong thực hành.
Lời buộc tội sai lầm là một ngọn roi dẫn bạn tới đức hạnh.
Kẻ ấy là vị thầy tiêu diệt tất cả bám chấp và tham dục trong bạn.
Hãy nhìn vào tấm lòng tử tế to lớn của hắn mà bạn không bao giờ có thể đền đáp!
Gieo mối bất hoà.
Kết quả tương tự với nguyên nhân của việc gieo mối bất hoà trong đời trước là không chỉ những người cộng sự và tôi tớ của ta không thể thuận thảo với nhau mà họ còn hay tranh cãi và chống đối chúng ta. Phần nhiều, các vị thị giả của các Lạt ma, những người tuỳ viên của các vị lãnh đạo hay những người phục vụ cho chủ nhà, giữa họ lại không hòa thuận với nhau, và tuy nhiều lần được yêu cầu làm việc gì đó, họ từ chối không nghe lời và còn bướng bỉnh tranh cãi. Những kẻ đầy tớ của người bình thường thì giả vờ như không nghe thấy khi được chủ yêu cầu làm những việc vặt, ngay cả những việc dễ làm. Chủ nhà phải lập lại mệnh lệnh hai, ba lần; và sau cùng chỉ khi ông ta nổi giận và nói nặng với họ thì họ mới chịu làm những gì đã được yêu cầu một cách chậm chạp và miễn cưỡng. Ngay cả khi làm xong việc họ cũng chẳng nghĩ tới chuyện quay trở lại báo cho chủ biết. Họ thường ở trong một tâm trạng không tốt. Nhưng người chủ chỉ đang gặt hái kết quả của sự bất hòa mà chính ông đã gieo trong quá khứ. Do đó, ông ta nên hối tiếc những hành vi bất thiện của chính mình, và giải hòa những mối bất đồng của riêng ông và những người khác.
-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
Nói cay nghiệt. Việc nói cay nghiệt trong những đời quá khứ sẽ không chỉ khiến mọi điều người khác nói với chúng ta là những lời công kích và sỉ nhục, mà hơn nữa, kết quả của việc này là mọi điều ta nói ra cũng đều gây nên những sự tranh cãi.
Lời nói cay nghiệt thì tệ hại nhất trong bốn hành vi bất thiện của khẩu. Như tục ngữ có nói:
Lời nói không có cung tên cũng không đao kiếm, nhưng xé rách tâm người ta thành từng mảnh.
Việc đột ngột kích động sự hận thù nơi người khác, hay – còn tệ hơn nữa – thậm chí chỉ nói một lời công kích một bậc Hiền Thánh sẽ khiến ta phải trải qua nhiều đời trong những cõi thấp mà không có bất kỳ cơ hội nào để giải thoát. Có lần một người Bà la môn tên là Kapila lăng mạ những tu sĩ của Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa), gọi họ là “đầu ngựa,” “đầu bò” và nhiều tên khác giống như vậy. Ông ta bị tái sinh thành con yêu quái giống-như-cá ở biển với mười tám cái đầu. Ông không thoát khỏi trạng thái đó trong suốt một kiếp và thậm chí sau đó còn bị tái sinh trong Địa ngục. Một Ni cô gọi một vị Ni khác là chó cái, bản thân cô bị tái sinh làm chó cái năm trăm đời. Có nhiều câu chuyện tương tự như thế. Vậy hãy học cách luôn nói năng dịu dàng. Ngoài ra, vì bạn không bao giờ biết được ai là một bậc Thánh hay Bồ Tát, hãy tu tập bản thân để thấy tất cả chúng sinh đều thanh tịnh. Hãy học cách tán thán họ và ca tụng những thành tựu và phẩm hạnh tốt lành của họ. Người ta nói rằng chỉ trích hay nói công kích một vị Bồ Tát thì còn tệ hại hơn việc giết hại tất cả chúng sinh trong tam giới:
Phỉ báng một Bồ Tát là một trọng tội,
Nặng hơn cả việc giết hại tất cả chúng sinh trong tam giới;
Tất cả những lỗi lầm lớn nhỏ như thế mà con từng tích lũy, con xin phát lồ sám hối.
Nói chuyện tầm phào vô ích. Kết quả tương tự với nguyên nhân của việc nói chuyện tầm phào vô ích không chỉ làm cho những gì ta nói không có giá trị, mà còn làm chúng ta thiếu cương quyết và tự tin. Không ai tin chúng ta ngay cả khi ta nói sự thật, và chúng ta sẽ thiếu tự tin khi nói trước đám đông.
Tham lam. Hậu quả của sự tham lam không chỉ ngăn trở không cho ta đạt được những gì mong muốn nhất, mà còn gây ra tất cả những tình huống mà ta ít ưa thích nhất.
Mong ước làm tổn hại người khác. Như kết quả của ước muốn làm hại người khác, chúng ta sẽ không chỉ sống trong nỗi sợ hãi liên tục mà sẽ còn phải chịu đựng sự tổn hại thường xuyên.
Tà kiến. Hậu quả của việc nuôi dưỡng tà kiến là chúng ta sẽ không chỉ khăng khăng cố chấp trong những tin tưởng có hại như vậy, mà tâm ta cũng sẽ bị những điều dối gạt và những nhận thức sai lầm làm cho rối loạn.
-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
2.3 QUẢ TRỔ SANH NGHIỆP CẢNH
Quả trổ sinh thành nghiệp cảnh là tác động của quả trên môi trường sống của chúng ta. Việc sát sinh đưa đến sự tái sinh vào những nơi hiểm trở, tăm tối, gồm toàn những khe núi và vách đá đầy sự nguy hiểm rình rập. Việc lấy những gì không được cho đưa đến sự tái sinh vào những miền tả tơi nghèo đói, ở đó sương muối và mưa đá hủy diệt các vụ mùa và cây cối không sinh trái quả. Sự tà dâm buộc chúng ta phải sống ở những nơi kinh tởm đầy phân và những chất thải, những đầm lầy, v.v. Việc nói dối sẽ đem tới cho chúng ta vật chất bấp bênh, thường xuyên hoảng loạn thần kinh và hay gặp những sự việc và hoàn cảnh khủng khiếp. Việc nói gây bất hoà khiến chúng ta phải cư trú ở những vùng khó đi lại, bị cắt xẻ với những hẻm núi sâu, những ngọn đèo lởm chởm đá và những nơi tương tự. Việc nói lời cay nghiệt đưa đến sự tái sinh trong một miền đất ảm đạm, toàn đá và gai góc. Việc nói chuyện tầm phào vô ích sẽ khiến ta tái sinh vào miền đất trơ trụi và cằn cỗi, mặc dù làm việc cật lực cũng không sản xuất được gì; thời tiết không thích hợp và không dự đoán được. Tánh tham lam sẽ gây nên những vụ mùa kém cỏi và tất cả những thứ bệnh tật khác tại những nơi chốn và thời đại khó sống. Việc mong muốn làm tổn hại người khác dẫn tới việc tái sinh vào những nơi đầy rẫy sự ghê sợ khủng khiếp với nhiều nỗi khổ khác nhau. Tà kiến khiến tái sinh vào những hoàn cảnh bần cùng không nơi nương tựa hay người che chở.
2.4 QUẢ TĂNG TRƯỞNG LIÊN TỤC
Quả tăng trưởng liên tục là chúng ta sẽ có khuynh hướng lập đi lập lại nhiều lần bất kỳ hành động nào ta đã làm trước đó trong đời trước. Điều này đem lại một chuỗi đau khổ vô tận trong suốt tất cả những đời sau của chúng ta. Khi đó những hành vi bất thiện của chúng ta sinh sôi nẩy nở nhiều hơn nữa và khiến chúng ta phải lang thang vô tận trong luân hồi.
-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
II. NHỮNG THIỆN HẠNH NÊN LÀM (Thập thiện)
Nói một cách tổng quát thì mười hành động tích cực hay thập thiện bao gồm việc sau khi đã hiểu rõ những hậu quả tai hại của ác hạnh, ta hứa nguyện là sẽ dứt khoát không bao giờ phạm phải bất cứ hành động bất thiện nào, chẳng hạn như sát sinh, lấy những gì không được cho và v. v…
Thọ một giới nguyện như vậy trước mặt một vị Thầy hay một vị Giáo thọ thì không nhất thiết phải buộc là như vậy; mặc dù bản thân bạn quyết định từ nay sẽ tránh tất cả những việc sát sinh, chẳng hạn thế – hoặc tránh sát sinh ở một nơi đặc biệt hoặc vào những thời điểm đặc biệt, hay tránh giết những súc vật nào đó – thì tự chính điều này đã là một hành vi tích cực rồi. Tuy nhiên, nếu bạn hứa nguyện dưới sự chứng giám của một vị Thầy, một bằng hữu tâm linh hay một biểu tượng của Tam Bảo thì sẽ khiến cho việc hứa nguyện đó trở thành đặc biệt mạnh mẽ.
Việc bạn ngẫu nhiên chấm dứt việc sát sinh hay ngừng làm những hành động bất thiện khác thì chưa đủ. Hãy đếm thử xem đã bao nhiêu lần bản thân bạn hứa nguyện là sẽ tránh làm những ác hạnh, dù cho có điều gì xảy ra chăng nữa. Do đó, ngay cả người thường, không thể hoàn toàn kiêng cữ việc sát sinh, vẫn có thể rút ra được lợi ích to lớn từ việc thọ giới không sát sinh trong một thời kỳ nào đó hằng năm, hoặc là trong tháng giêng là Tháng Huyền Nhiệm; hoặc trong tháng tư, được gọi là Vaisakha – tháng Tam Hiệp (đức Phật đản sinh, Thành đạo và Nhập diệt cùng một ngày); hoặc vào mỗi ngày rằm hay mồng một, hay trong một năm, tháng hay ngày đặc biệt nào đó.
Ngày xưa, một người đồ tể trong làng lập một lời nguyện trước sự chứng giám của Ngài Katyayana tôn quý rằng ông sẽ không sát sinh vào ban đêm. Ông ta bị tái sinh vào một trong những địa ngục Cô Độc, ở đó mỗi ngày ông ta bị hành hạ suốt ngày trong một căn nhà bằng kim loại nóng chảy. Nhưng mỗi đêm ông ta lại được nghỉ ngơi thật hạnh phúc và thoải mái trong một cung điện cùng với bốn thiên nữ.
Như vậy, mười thiện hạnh bao gồm việc từ bỏ mười hành vi bất thiện cùng với việc thực hành thập thiện như là những pháp tốt lành để đối trị lại với thập ác.
-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
Ba hành vi tốt lành của thân là: (1) từ bỏ sát sinh, thay vào đó là bảo vệ mạng sống của chúng sinh; (2) từ bỏ việc lấy những gì không được cho, và thay vào đó là hành hạnh bố thí (rộng lượng); và (3) từ bỏ sự tà dâm, và thay vào đó là tuân theo những giới luật.
Bốn hành vi tốt lành của khẩu là: (1) từ bỏ việc nói dối, thay vào đó là nói sự thật, (2) từ bỏ việc gieo mối bất hoà; thay vào đó là giải hòa các cuộc tranh luận; (3) từ bỏ việc nói những lời cay nghiệt, thay vào đó nói những lời êm tai; và (4) chấm dứt nói chuyện tầm phào vô ích, thay vào đó là trì tụng những lời cầu nguyện.
Ba hành vi tốt lành của ý là: (1) từ bỏ lòng tham, thay vào đó là học cách bố thí; (2) từ bỏ việc mong muốn làm hại người khác, thay vào đó là nuôi dưỡng ước muốn giúp đỡ họ; và (3) đoạn diệt những tà kiến, thay vào đó củng cố cho mình quan điểm chân chính và xác thực.
Quả chín muồi trổ sinh của những hành vi này là bạn sẽ được tái sinh vào một trong ba cảnh giới cao.
Quả tương tự với nhân, hay với hành vi tạo tác, là bạn sẽ vui thích trong khi làm những thiện hạnh trong tất cả những đời sau, và nhờ đó, công đức của bạn càng ngày càng tăng trưởng.
Quả tương tự với nhân, trên phương diện kinh nghiệm phải trải qua, được mô tả như sau đối với mỗi một hành vi thiện lành trong mười thiện hạnh: đối với việc từ bỏ sát sinh, bạn sẽ có một cuộc đời trường thọ ít bệnh tật; đối với việc từ bỏ trộm cướp, bạn sẽ không bị những kẻ thù hay bị ai cướp đoạt mất tự do, thịnh vượng; đối với việc từ bỏ tà dâm, sẽ có một người được phối ngẫu duyên dáng và ít gặp phải các tình địch; đối với việc từ bỏ nói dối là được mọi người tán thán và thương yêu; đối với việc từ bỏ gieo mối bất hoà là được bạn bè và những người hầu hạ tôn kính; đối với việc từ bỏ những lời nói cay nghiệt, bạn sẽ chỉ nghe những lời êm ái dễ chịu; đối với việc từ bỏ việc nói chuyện tầm phào vô ích, bạn sẽ được người khác lắng nghe một cách nghiêm trang; đối với việc từ bỏ lòng tham muốn, bạn ta sẽ được thỏa mãn những ước nguyện; đối với việc từ bỏ những tư tưởng ác hại, bạn sẽ không gặp phải những hoạ hại; và đối với việc từ bỏ các tà kiến thì chánh kiến trong tâm bạn sẽ tăng trưởng.
Quả dẫn đến nghiệp cảnh là, trong mỗi trường hợp bạn làm việc thiện lành, nơi chốn bạn sinh vào sẽ trái ngược lại với nơi chốn của những quả bất thiện: nghĩa là bạn sẽ được sinh vào những nơi có tất cả những hoàn cảnh hoàn hảo nhất.
Quả tăng trưởng liên tục là bất kỳ những thiện hạnh nào bạn làm cũng sẽ được nhân lên gấp bội, đem tới cho bạn sự may mắn không bao giờ dứt…
-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
III. TÍNH CHẤT HOÀN TOÀN QUYẾT ĐỊNH CỦA CÁC HÀNH VI TẠO NGHIỆP
Trong sự muôn màu muôn vẻ không thể nghĩ bàn, những niềm vui và nỗi khổ mà mỗi chúng sinh phải kinh qua – từ những cõi giới cao nhất xuống tới địa ngục sâu thẳm nhất – tất cả những quả vui và khổ ấy cũng chỉ phát sinh từ những hành vi thiện và bất thiện mà mỗi cá nhân đã tích lũy trong quá khứ. Điều này đã được nói đến trong Kinh Bách Nghiệp:
Mọi hoan hỷ và phiền não của chúng sinh
Đều đến từ những hành nghiệp của họ,
Đức Phật đã dạy như thế.
Hành nghiệp đa dạng như thế nào
Tạo nên chúng sinh đa dạng như thế ấy,
Và thúc đẩy những cuộc lang thang đa dạng của họ.
Quả thực mạng lưới của hành nghiệp bao la xiết bao!
Bất kỳ sức mạnh, quyền lực, của cải, hay tài sản nào mà giờ đây có thể chúng ta đang tận hưởng, chẳng có thứ gì trong những thứ ấy đi theo chúng ta khi ta chết. Chúng ta chỉ có thể mang theo những hành vi thiện và ác mà chúng ta đã tạo ra trong đời mình, là những thứ sẽ đẩy chúng ta tới những cảnh giới luân hồi cao hay thấp. Trong Thắng Quân Vương Sở Vấn Kinh, chúng ta đọc được những câu sau đây:
Khi tới lúc phải ra đi, Ôi Bệ Hạ,
Chẳng có bạn bè, của cải, hay gia đình đi theo được.
Nhưng cho dù chúng sinh từ đâu đến, và dù họ đi về đâu,
Hành nghiệp của họ sẽ theo họ như hình với bóng.
Kết quả của những hành vi thiện và bất thiện của chúng ta có thể không biểu hiện ra ngay lập tức và không dễ dàng nhận thấy được, nhưng chúng cũng không hoàn toàn biến mất. Chúng ta sẽ kinh nghiệm quả báo của từng hành vi một khi hội đủ những nhân duyên thích hợp.
-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
Ngay cả sau một trăm kiếp
Hành nghiệp của chúng sinh sẽ không bao giờ mất đi.
Khi hội đủ các nhân duyên
Quả hoàn toàn chín muồi sẽ trổ.
như trong Kinh Bách Nghiệp đã nói. Và trong bản văn Kho Báu Thiện Đức, chúng ta đọc thấy như sau:
Khi chim đại bàng cất cánh bay cao vút,
Thời gian trôi qua, chẳng thể nào thấy bóng nó đâu;
Nhưng chim và bóng vẫn còn nối kết.
Hành nghiệp của ta cũng thế:
Khi hội đủ nhân duyên, quả sẽ hiển hiện.
Khi một con chim cất cánh và bay cao lên bầu trời, cái bóng của nó dường như biến mất. Nhưng điều này không có nghĩa là cái bóng không còn hiện hữu. Sau cùng, bất cứ nơi nào con chim đáp xuống thì ở đó lại có bóng của nó, hoàn toàn sẫm màu và rõ ràng như trước. Tương tự như vậy, cho dù trong chốc lát không thể thấy được những hành vi thiện hay ác của ta trong quá khứ nhưng những hành nghiệp ấy chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ quay trở lại với ta vào lúc kết thúc.
Thật vậy, làm sao những điều này lại không xảy đến đối với những người bình thường như chúng ta, khi ngay cả chư Phật và các bậc A La Hán, là những bậc đã thoát khỏi mọi chướng ngại của hành nghiệp và cảm xúc, vẫn còn phải chịu nhận những hậu quả của các hành vi trong quá khứ.
Một ngày nọ, quân đội của Virudhaka, quốc vương xứ Sravasti, tấn công thành phố của bộ tộc Sakya (Thích Ca)*
* Bộ tộc của Đức Phật, ngày nay sống ở biên giới Ấn Độ và Nepal.
và tàn sát 80.000 người. Vào lúc đó, Đức Phật bị nhức đầu. Khi các đệ tử của Ngài hỏi tại sao có chuyện như thế thì Ngài trả lời:
“Nhiều kiếp trước, những người Sakya đó là ngư phủ sống bằng nghề đánh bắt và ăn nhiều cá. Một hôm họ bắt được hai con cá lớn, và thay vì giết ngay thì họ lại cột chúng vào một cái cọc. Khi hai con cá bị mắc cạn quằn quại vì đau đớn, chúng nghĩ: “Những người này đang giết chúng ta, mặc dù ta chẳng làm điều gì hại họ. Để báo thù, cầu mong có ngày chúng ta giết được họ, dù họ không làm gì hại ta.” Kết quả ý nghĩ của hai con cá lớn là chúng tái sinh làm vua Virudhaka và tể tướng Matropakara, trong khi tất cả những con cá khác bị ngư phủ giết trở thành quân đội của họ. Ngày nay họ đã tàn sát những người của bộ tộc Sakya.
-
Lời vàng của thầy tôi PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
__________________________________________________ ______________________________________
“Vào lúc đó, ta là con của một trong những ngư phủ đó và ta đã cười vui khi thấy hai con cá bị cột đang quằn quại đau đớn. Hậu quả của hành vi đó là ngày nay ta bị nhức đầu. Nếu ta không thành tựu được những phẩm hạnh ta hiện có, thì ta cũng đã bị quân đội của vua Virudhaka giết.”
Trong một dịp khác, chân của Đức Phật bị thương vì mảnh cây keo 84 – là hậu quả của việc Ngài đã giết hại một chiến sĩ mang giáo đen trong một đời trước khi Ngài là một Bồ Tát.
Trong tất cả các đệ tử Thanh Văn của Đức Phật thì Ngài Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) là bậc có oai lực thần thông đệ nhất. Tuy nhiên, Ngài vẫn bị Parivrajikas giết hại, bởi nghiệp lực chiêu cảm của những hành vi trong quá khứ của Ngài. Chuyện xảy ra như sau:
Ngài Xá Lợi Phất (Sariputra) siêu phàm và Ngài Đại Mục Kiền Liên thường du hành đến những thế giới khác như các cõi Địa ngục hay Ngạ quỷ để làm lợi ích cho chúng sinh ở đó. Một ngày kia, trong lúc ở Địa ngục, các Ngài đi ngang một vị thầy Ngoại đạo tên là Purnakasyapa bị tái sinh ở đó và phải chịu vô số nỗi đau khổ khác nhau.
Ông ta nói với các Ngài: “Các bậc Tôn Quý, khi các Ngài trở về cõi người, làm ơn nói với những đệ tử trước đây của tôi là đạo sư Purnakasyap của họ đã bị đọa Địa ngục. Hãy nói với họ dùm tôi là con đường của các Parivrajika không phải là con đường đạo đức. Con đường đạo đức nằm trong giáo lý của Đức Phật Thích Ca. Con đường của chúng tôi thì sai lầm; họ nên từ bỏ nó, hãy học hỏi để đi theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và đặc biệt, xin nói với họ là bất cứ khi nào họ hành lễ cúng dường trước lăng mộ mà họ xây để chứa xương cốt của tôi thì một cơn mưa kim loại nóng chảy lại đổ xuống người tôi. Tôi van các Ngài, xin nói với họ đừng cử hành các lễ cuộc cúng dường như vậy nữa.”
Hai Ngài trở về cõi người. Xá Lợi Phất tới trước tiên và đưa cho những người Ngoại đạo thông điệp của vị thầy của họ nhưng vì thiếu những nhân duyên thuộc nghiệp tất yếu nên họ không nghe Ngài. Khi Mục Kiền Liên tới, Ngài hỏi Xá Lợi Phất đã trao cho những người ngoại đạo thông điệp của Purnakasyapa chưa.
“Rồi!” Xá Lợi Phất trả lời, “nhưng họ không nói một lời nào”.
Mục Kiền Liên nói: “Vì họ không hiểu được những gì ông nói, tự tôi sẽ nói với họ”. Và Ngài ra đi để thuật lại với họ những điều Purnakasyapa đã nói.
Nhưng những kẻ Ngoại đạo nổi giận: “Không chấp nhận được kẻ sỉ nhục chúng ta, hắn đang chỉ trích Đạo Sư (Guru) của chúng ta!” họ nói. “Hãy đánh hắn!” Họ tấn công Ngài, đánh Ngài mềm người và bỏ Ngài nằm đó.