PDA

Xem phiên bản đầy đủ : Cùng Ôn Học Kinh Kim Cang



tâm trì
07-29-2017, 07:43 PM
Tâm trì có một đề xuất để chủ đề ôn học phật pháp không gián đoạn và tràn lan chúng ta nên chú trọng vào một đề tài chính thôi. tâm trì đề nghị cùng nhau ôn học kinh Kim cang đi được không quý đạo hữu.Và để có tính liên tục cho người mới học Kim cang chúng ta nên bắt đầu từ đầu nhé

Thanh Trúc
07-30-2017, 07:46 AM
Tâm trì có một đề xuất để chủ đề ôn học phật pháp không gián đoạn và tràn lan chúng ta nên chú trọng vào một đề tài chính thôi. tâm trì đề nghị cùng nhau ôn học kinh Kim cang đi được không quý đạo hữu.Và để có tính liên tục cho người mới học Kim cang chúng ta nên bắt đầu từ đầu nhé


Hoan nghinh tâm trì !

Vậy việc đầu tiên cần làm là Mở Chủ đề, tiếp theo là chép lại Kinh Kim Cang, để đối chiếu tại chỗ, sau đó chúng ta nếu có thắc mắc, có vấn đề gì cần tìm hiểu thêm thì cứ xin mời mạnh dạn nêu lên (Vì chúng ta không có ai là Giảng sư để thuyết giảng "có đầu có đuôi" theo trình tự). Rồi chúng ta cùng thảo luận.

Thanh Trúc xin làm việc Mở Chủ đề, phần chép lại xin nhờ một thành viên (vị nào cũng được) góp sức (Kinh Kim Cang cũng ngắn thôi mà !)

Chúc chúng ta tinh tấn, trí huệ mở thông !

tâm trì
07-30-2017, 12:04 PM
Đây là kinh Kim Cang đoạn 1 và đoạn 2 mình chép ở thư viện Hoa sen, do thầy Thanh Từ giảng, mình không chép bài giảng vào đây. Quý đạo hữu cùng đọc và chúng ta cùng thảo luận nhé, mình thấy cách học nầy rất hay.

ĐOẠN 1

ÂM:

PHÁP HỘI NHÂN DO.

Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Xá-vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên dữ đại Tỳ-kheo chúng thiên nhị bách ngũ thập nhân câu. Nhĩ thời Thế Tôn thực thời, trước y trì bát, nhập Xá-vệ đại thành khất thực. Ư kỳ thành trung thứ đệ khất dĩ, hoàn chí bổn xứ. Phạn thực ngật, thu y bát, tẩy túc dĩ, phu tòa nhi tọa.

DỊCH:

NGUYÊN DO CỦA PHÁP HỘI.

Tôi nghe như vầy: Một hôm đức Phật ở nước Xá-vệ (Sràvasti) tại rừng Kỳ-đà (Jeta) trong vườn Cấp Cô Độc cùng với chúng đại Tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị. Khi ấy gần đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại thành Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi.

ĐOẠN 2

ÂM:

THIỆN HIỆN KHẢI THỈNH.

Thời trưởng lão Tu-bồ-đề tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính nhi bạch Phật ngôn:

"Hy hữu Thế Tôn! Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát, thiện phó chúc chư Bồ-tát. Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?"

Phật ngôn:

"Thiện tai, thiện tai! Tu-bồ-đề, như nhữ sở thuyết, Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát, thiện phó chúc chư Bồ-tát, nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết. Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, ưng như thị trụ, như thị hàng phục kỳ tâm".

- "Duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện nhạo dục văn".

DỊCH:

THIỆN HIỆN THƯA HỎI.

Khi ấy trưởng lão Tu-bồ-đề (Subhuti) ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên mặt, gối mặt quì xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:

"Thế Tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia?"

Đức Phật bảo:

"Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề, như lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát, nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói. Người thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm kia".

- "Xin vâng, bạch Thế Tôn! Con nguyện thích được nghe".

tâm trì nghĩ chúng ta nên ôn học từng đoạn thế nầy, chúng ta sẽ nắm chắc bài hơn.

Gia Bảo
07-30-2017, 04:14 PM
Dạ, Gia Bảo có thắc mắc ở chủ đề "cùng Ôn Học Kinh Kim Cang" nhưng không thể hỏi ở đó.

Kính xin Ban Điều Hành "mở cửa" cho Gia Bảo vào với.

Kính !

tâm trì
07-30-2017, 05:50 PM
Chào đạo hữu gia bảo. Thanh trúc đã nói ở trên rồi mà, ai muốn hỏi hay nêu ý kiến gì cũng được mà, chúng ta cùng ôn cùng học mà. gia bảo cứ nêu ý kiến đi nhé.

Gia Bảo
07-31-2017, 07:31 AM
Chào đạo hữu gia bảo. Thanh trúc đã nói ở trên rồi mà, ai muốn hỏi hay nêu ý kiến gì cũng được mà, chúng ta cùng ôn cùng học mà. gia bảo cứ nêu ý kiến đi nhé.

Dạ, cám ơn anh tâm trì!

Câu trên là em hỏi ngoài mục HỎI & ĐÁP, rồi Mod di chuyển vào đấy. Bây giờ em vẫn tạm thời nêu câu hỏi ở đây, rồi nhờ BĐH đem vào.

Thường thường em thấy các Kinh khác, phần Nhập Đề RẤT TRANG TRỌNG (có khi mất nhiều trang giấy mới chép xong), còn Kinh Kim Cang này nhập đề QUÁ ĐƠN GIẢN, quý anh chị có thấy như thế không ? Vì sao thế ? Đây là một sự vô tình hay cố ý ? Kinh này không quan trọng lắm phải chăng ?

Kính nhờ BĐH di chuyển dùm, xin cám ơn.

tâm trì
07-31-2017, 10:09 AM
kính chào Gia bảo.
Trước khi vào kinh thì có phần nghi lễ, nhưng ở chủ đề nầy tâm trì không chép vào vì ở đây chúng ta cùng ôn và học mà nên ttri chỉ chép phần chánh văn thôi. Các bộ kinh khác dài nên chia nhiều phẩm nên thường có phẩm tựa riêng.Còn bộ kinh nầy có quan trọng hay không thì Gia bảo cố gắng theo dõi chủ đề nấy sau khi nắm vững được kinh thì sẽ biết đức Phật dạy gì và có quan trọng cho người học đạo và hành đạo hay không.
Chúc Gia bảo tinh tấn.

Ngọc Quế
07-31-2017, 04:42 PM
Thường thường em thấy các Kinh khác, phần Nhập Đề RẤT TRANG TRỌNG (có khi mất nhiều trang giấy mới chép xong), còn Kinh Kim Cang này nhập đề QUÁ ĐƠN GIẢN, quý anh chị có thấy như thế không ? Vì sao thế ? Đây là một sự vô tình hay cố ý ? Kinh này không quan trọng lắm phải chăng ?

Kính nhờ BĐH di chuyển dùm, xin cám ơn.

Chào Gia Bảo và quý Đạo hữu !

Đúng vậy ! Đây là một mở đầu Kinh ngắn gọn "hết mức có thể", rất đơn giản bình thường, đây là DỤNG Ý của đức Phật, không phải vô tình, mặc dầu Kinh này RẤT QUAN TRỌNG trong "nấc thang Giáo lý" của Đạo Phật.

Không tính Mật Tông, chỉ tính phần Hiễn Giáo, nếu Kinh PHÁP HOA được xem là "Kinh Vua" thì Kinh Kim Cang là "Kinh Tướng" ! Chớ không phải là không quan trọng, mà là thuộc loại RẤT QUAN TRỌNG.

Mến !

socnho
07-31-2017, 08:35 PM
Chào Gia Bảo và quý Đạo hữu !

Đúng vậy ! Đây là một mở đầu Kinh ngắn gọn "hết mức có thể", rất đơn giản bình thường, đây là DỤNG Ý của đức Phật, không phải vô tình, mặc dầu Kinh này RẤT QUAN TRỌNG trong "nấc thang Giáo lý" của Đạo Phật.

Không tính Mật Tông, chỉ tính phần Hiễn Giáo, nếu Kinh PHÁP HOA được xem là "Kinh Vua" thì Kinh Kim Cang là "Kinh Tướng" ! Chớ không phải là không quan trọng, mà là thuộc loại RẤT QUAN TRỌNG.

Mến !



Kính bác Ngọc Quế !

Con cũng thắc mắc như anh Gia Bảo, nếu Kinh này RẤT QUAN TRỌNG thì tại sao phần nhập đề không nói có vô lượng chư Bồ Tát, Chư Thiên câu hội, ...v....v..., mà chỉ là Đức Phật đi khất thực, về ăn, rửa bát, trải tòa rồi ngồi, XONG (Hết phần giới thiệu).

Ở trên bác NQ có nói "đây là DỤNG Ý của đức Phật" con kính xin bác giải thích rõ hơn DỤNG Ý gì ? Được không ạ ?

Kính !

Ngọc Quế
08-01-2017, 07:38 AM
Kính bác Ngọc Quế !

Con cũng thắc mắc như anh Gia Bảo, nếu Kinh này RẤT QUAN TRỌNG thì tại sao phần nhập đề không nói có vô lượng chư Bồ Tát, Chư Thiên câu hội, ...v....v..., mà chỉ là Đức Phật đi khất thực, về ăn, rửa bát, trải tòa rồi ngồi, XONG (Hết phần giới thiệu).

Ở trên bác NQ có nói "đây là DỤNG Ý của đức Phật" con kính xin bác giải thích rõ hơn DỤNG Ý gì ? Được không ạ ?

Kính !



Chào socnho, chào các bạn !

Các bạn thấy chuyện "đi khất thực, về ăn, rửa bát, trải tòa rồi ngồi" là BÌNH THƯỜNG lắm phải không các bạn ? Có lẻ chúng ta chờ đón một cái gì PHI THƯỜNG chăng ? Các bạn có biết "vượt trên cái PHI THƯỜNG là gì chăng ? Đó là cái PHI PHI THƯỜNG phải không ? Ai có biết đâu, cái PHI PHI THƯỜNG chính là cái BÌNH THƯỜNG đó các bạn ạ !

Trước đó, Đức Phật dạy cho Tứ chúng vươn tới CÁI SỐNG PHI THƯỜNG, tức là Vượt thoát Sinh Tử Luân Hồi, ra khỏi 6 cõi Mê Lầm, đắc Niết Bàn an lạc.

Bây giờ Đức Phật sắp sửa dạy cho chúng ta Cái Giáo Lý Mới siêu việt hơn cái chuyện Vượt thoát Sinh Tử Luân Hồi, đắc Niết Bàn an lạc, há không phải là Giáo Lý Phi Phi Thường hay sao ?! cho nên phần Nhập Đề rất đổi BÌNH THƯỜNG.

Còn về chi tiết "Phi Phi Thường ra sao ?, chỗ nào ? câu nào ?" thì sau khi Ôn Học xong Kinh Kim Cang này, các bạn có thể không cần hỏi nữa.

Mến !

tâm trì
08-01-2017, 10:50 AM
ĐOẠN 3

ÂM:

ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG.

Phật cáo Tu-bồ-đề: Chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại, nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng, ngã giai linh nhập vô dư Niết-bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ-tát.

DỊCH:

CHÁNH TÔNG CỦA ĐẠI THỪA.

Phật bảo Tu-bồ-đề : Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.

hungcom
08-01-2017, 08:28 PM
THIỆN HIỆN THƯA HỎI.

Khi ấy trưởng lão Tu-bồ-đề (Subhuti) ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên mặt, gối mặt quì xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:

"Thế Tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia?"

Đức Phật bảo:

"Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề, như lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát, nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói. Người thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm kia".

- "Xin vâng, bạch Thế Tôn! Con nguyện thích được nghe".



(Anh tâm trì chậm chậm đăng bài một tí nhé !) Đoạn 2 này hungcom còn có điều muốn hỏi.

_ Kính bác Ngọc Quế và quý trưởng bối ! Con thắc mắc :

1) "Phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác" có phải là phát Bồ Đề Tâm hay không ?

2) Phát Bồ Đề Tâm (PBDT) là chuyện tốt, nếu hỏi khi PBDT thì ta phải làm sao để duy trì, bảo lưu, phát triển, an trụ tâm ấy thì con hiểu, còn nói "hàng phục tâm kia" (vân hà hàng phục kỳ tâm) thì con không hiểu.

Phát Bồ Đề Tâm là chuyện tốt, sao lại phải "hàng phục" ?
Con nghĩ, thông thường chúng ta có những thói hư, tật xấu cần phải loại trừ, thì mới nói "chúng ta cần phải hàng phục phàm tâm !".

Kính thắc mắc !

Ngọc Quế
08-02-2017, 08:31 AM
(Anh tâm trì chậm chậm đăng bài một tí nhé !) Đoạn 2 này hungcom còn có điều muốn hỏi.

_ Kính bác Ngọc Quế và quý trưởng bối ! Con thắc mắc :

1) "Phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác" có phải là phát Bồ Đề Tâm hay không ?

2) Phát Bồ Đề Tâm (PBDT) là chuyện tốt, nếu hỏi khi PBDT thì ta phải làm sao để duy trì, bảo lưu, phát triển, an trụ tâm ấy thì con hiểu, còn nói "hàng phục tâm kia" (vân hà hàng phục kỳ tâm) thì con không hiểu.

Phát Bồ Đề Tâm là chuyện tốt, sao lại phải "hàng phục" ?
Con nghĩ, thông thường chúng ta có những thói hư, tật xấu cần phải loại trừ, thì mới nói "chúng ta cần phải hàng phục phàm tâm !".

Kính thắc mắc !



Cám ơn bạn hungcom ! Chào các bạn !

Câu hỏi rất hay! đúng, "Phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác" chính là phát Bồ Đề Tâm. Nhưng các bạn chú ý cho Phát Bồ Đề Tâm là dùng cái Tâm chưa Giác Ngộ hướng tới Tâm Giác Ngộ, chúng ta thấy có 2 cái Tâm : một cái Tâm Ý Thức và cái Tâm uyên nguyên tròn sáng. Cái Tâm Ý Thức thì cần phải được Phật bày cho đường lối để an trụ, để hàng phục.

Hàng phục cái gì ? Không phải đợi lâu xa, ngay đoạn 3 đã có đáp án :

Tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.

Phát tâm rồi làm sao an trụ ? _ Độ sinh đi, độ tất cả chúng sinh đi !

Nhưng độ sinh mà còn có thấy ta là người độ, kia là chúng sinh được độ (tức là tâm "bỉ thử") thì hãy còn sai.

Hàng phục là hàng phục cái sai đó.

Phải biết trong Chân Như Tâm : Chúng sinh là hình ảnh trong mơ của Ta đó, Diệt tận độ chúng sinh là hành giả Thực Chứng được : Không có chúng sinh mê, mà chỉ có "những đóa sen hồng lung linh trong nắng ấm".

Mến !

hungcom
08-02-2017, 05:25 PM
Con cám ơn bác Ngọc Quế đã giải thích, con còn điều thắc mắc nữa:

Theo con nhớ thì Trưởng lão Tu-bồ-đề (Subhuti) là một vị Đại A La Hán, một vị A La Hán sao lại lo lắng cho chư Bồ tát phát tâm "phải an trụ tâm mình ra sao, làm sao hàng phục tâm ?" ? Đây có phải là điều mà một vị A la Hán quan tâm lo lắng hay không ?

Kính !

Ngọc Quế
08-03-2017, 08:33 AM
Con cám ơn bác Ngọc Quế đã giải thích, con còn điều thắc mắc nữa:

Theo con nhớ thì Trưởng lão Tu-bồ-đề (Subhuti) là một vị Đại A La Hán, một vị A La Hán sao lại lo lắng cho chư Bồ tát phát tâm "phải an trụ tâm mình ra sao, làm sao hàng phục tâm ?" ? Đây có phải là điều mà một vị A la Hán quan tâm lo lắng hay không ?

Kính !



Chào bạn hungcom và quý đạo hữu !

Trưởng lão Tu Bồ Đề, hiện tướng là A La hán, nhưng thực ra Ngài là một vị Đại Bồ tát (cũng như Ngài Đại Ca Diếp, Ngài Xá Lợi Phất vậy) có nguyện theo Hộ Pháp, trợ đạo cho Phật Thích Ca. Trong bộ Kinh Đại Bát Nhã "Thiện Hiện thưa hỏi" là Ngài đó !

Các vị Đại Bồ tát vì muốn xương minh cho Phật pháp đã không ngại dấn thân vào mọi vị trí, mọi chỗ, kể cả Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, Tu la, Ngoại đạo, chỉ vì nguyện độ sinh mà thôi.

Chứ một vị A La Hán thuần túy thì không quan tâm đến những chuyện này.

Mến !

Thanh Mai
08-03-2017, 10:49 AM
Kính bác Ngọc Quế !

Kinh nói :

Phật bảo Tu-bồ-đề : Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.

Bác nói :

Phải biết trong Chân Như Tâm : Chúng sinh là hình ảnh trong mơ của Ta đó, Diệt tận độ chúng sinh là hành giả Thực Chứng được : Không có chúng sinh mê, mà chỉ có "những đóa sen hồng lung linh trong nắng ấm".

Con có thắc mắc :

Nếu "thật không có chúng sanh được diệt độ." thì Bồ tát thôi đi, đừng độ sinh làm chi cho vất vả.

Nếu "Chúng sinh là hình ảnh trong mơ của Ta", thì có lẻ Bồ tát không cần độ sinh làm gì, bởi "hình ảnh trong mơ" thì tự nó cũng đi vào hư vô mà thôi, có ích gì chăng khi phải độ "những hình ảnh trong mơ" cho nó tan biến ?

Kính xin bác chỉ dạy thêm.

Gia Bảo
08-03-2017, 07:35 PM
Con đã "vào" được rồi ! Kính cám ơn Ban Quản Trị !

Kính bác Ngọc Quế ! Con chưa hiểu chỗ này :

"nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát."

Xin bác cắt nghĩa cho con được rõ.

Kính !

tâm trì
08-03-2017, 07:39 PM
kính thưa quý đạo hữu, tâm trì không hiểu câu Phật nói:"ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó" nghĩa là sao.

homeless
08-04-2017, 08:53 AM
kính thưa quý đạo hữu, tâm trì không hiểu câu Phật nói:"ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó" nghĩa là sao.

Chào quý đạo hữu ! chào bạn tâm trì !
"Kẻ không nhà" này xin phép được góp lời. Đoạn này Phật nói :

Phật bảo Tu-bồ-đề : Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.

Theo "kẻ không nhà" này hiểu :

_ Các Bồ tát phát tâm Bồ Đề thì phải Độ Sinh. Không phải chỉ độ một nhóm hoặc 5 người, hoặc 10 người (như Tiên đạo) mà là độ TẤT CẢ CHÚNG SINH (bao gồm cả 6 loại chúng sinh và các Tinh linh nữa). Không phải chỉ cứu mạng sống cho họ, mà quan trọng là cứu cái tâm của họ, làm đủ cách (từ cỏng, đội, mang vác, ...) miễn làm sao họ được tiến bộ tâm linh. Không phải chỉ giúp họ đến đắc quả A La Hán, mà phải cỏng đội họ cho đến TOÀN GIÁC.

Một chúng sinh đến TOÀN GIÁC, đồng nghĩa là chúng sinh ấy đã được DIỆT TẬN ĐỘ.

Hi....Hi...! "Kẻ vô gia cư" này nghĩ như vậy, quý vị có đồng ý không ?

Kính góp lời.

tâm trì
08-04-2017, 12:11 PM
chào homeless
tâm trì muốn hỏi độ chúng sinh vào vô dư niết bàn là sao. sao không độ vào hữu dư mà độ vào vô dư. ôi khó hiểu quá!

tâm trì
08-04-2017, 12:13 PM
ĐOẠN 4

ÂM:

DIỆU HẠNH VÔ TRỤ.

Phục thứ Tu-bồ-đề, Bồ-tát ư pháp ưng vô sở trụ hành ư bố thí, sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thanh hương vị xúc pháp bố thí. Tu-bồ-đề, Bồ-tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố? Nhược Bồ-tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lương. Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Đông phương hư không khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-bồ-đề, Nam Tây Bắc phương tứ duy thượng hạ hư không, khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-bồ-đề, Bồ-tát vô trụ tướng bố thí, phước đức diệc phục như thị bất khả tư lương. Tu-bồ-đề, Bồ-tát đản ưng như sở giáo trụ.

DỊCH:

DIỆU HẠNH KHÔNG CHỖ TRỤ.

Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy.

- Này Tu-bồ-đề, hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy.

- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng lại như thế, không thể nghĩ lường. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ.

colaihi
08-04-2017, 03:46 PM
chào homeless
tâm trì muốn hỏi độ chúng sinh vào vô dư niết bàn là sao. sao không độ vào hữu dư mà độ vào vô dư. ôi khó hiểu quá!

Chào con trai !

Mục đích của Kinh Kim Cang là Phật muốn xóa bỏ cái hiểu biết "nửa vời", Hữu dư y Niết Bàn là quả vị chứng đắc chưa trọn vẹn. Cả những quả vị Bồ tát mà còn thấy có mình làm Phật sự, có chúng sinh là đối tượng của Phật sự, cũng hãy còn là Mê lầm. Xin lỗi, vị Bồ tát này hãy còn phải học thêm.

Mến !

Ngọc Quế
08-04-2017, 09:55 PM
Con đã "vào" được rồi ! Kính cám ơn Ban Quản Trị !

Kính bác Ngọc Quế ! Con chưa hiểu chỗ này :

"nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát."

Xin bác cắt nghĩa cho con được rõ.

Kính !

Chúc mừng Gia Bảo đã "vào cửa" được !

Chúng ta luôn thấy có MÌNH _ "TÔI - TA - NGÃ" cho nên mọi rắc rối theo đó mà phát sinh, có lầm chấp thì mới có 6 cõi (Địa ngục, ......Thiên đường). Có mê lầm bản ngã mới có Napoleon, Thành Cát Tư Hản, Hitler, ...v....v...., từ mê lầm bản ngã mới có 6 cõi luân hồi.

Đạo Phật gọi là Chấp Ngã (hay Ngã tướng), mê lầm Bản Ngã thì dù hành giả có được sinh Thiên đến cõi Trời cao nhất cũng vẫn phải Sinh Tử Luân Hồi (tức là nguyên nhân đau khổ hãy còn đó). Những vị A La Hán là vị đã không mê lầm Ngã tướng cho nên đã thoát khỏi Sinh Tử Luân Hồi.

Nhưng trong Kinh Kim Cang này đức Phật dạy ở một tầm cao hơn. Ngã tướng mà vị A La Hán đã không còn, thì hãy còn phần vi tế hoặc thẩm sâu mà trước đây Phật chưa đề cập đến (để cho hàng Thinh Văn yên ổn tu hành) đó là Nhân Tướng, Chúng sinh Tướng, Thọ Giả Tướng. Khi tính chung với Ngã Tướng thì gọi là Tứ Tướng _ tức là 4 cái thấy khiến cho hành giả ngăn cách với Biển Giác.

Tứ tướng là sao ? _ Căn bản là Mê lầm Chấp Ngã, vi tế hơn là chấp Nhân, vi tế hơn nữa là Chấp Chúng sinh Tướng, cuối cùng nếu còn chấp Thọ Giả Tướng thì cũng chưa đạt đến Đại Giác Ngộ.

Ở đây Ngọc Quế lấy những ví dụ đơn giản để Gia Bảo dể hiễu :

1. _ Có người điểm mặt chửi ta, ta nổi sân, đó là chấp Ngã đó ! Hay còn gọi là có Ngã tướng.

2. _ Có người đưa dĩa thức ăn cho chó, mời ta ăn, ta nổi "sùng" : Tui là con người, đâu phải chó mà ăn thứ này. Đó là chấp Nhân tướng đó, cho rằng mình là người, không phải súc sinh.

3. _ Trường hợp ta gặp hoạn nạn khó khăn, ta cầu xin sự cứu giúp của chư vị Đại Giác Ngộ, ta lý luận "con cũng là một chúng sinh, các Ngài có nguyện độ sinh sao lại không cứu con ?". Đó là chấp Chúng sinh tướng.

4. _ Có người cầm cây vừa đi vừa gõ bàn gõ ghế, gặp ta người ấy cũng gõ, ta phản ứng : Tao đâu phải là bàn ghế vô tri đâu, tao cũng biết đau vậy. Đây là chấp Thọ giả tướng.

Nói một cách khác, Chấp Ngã rất dễ phát hiện (ở phần THÔ), chấp tui là con người, cái Chấp Nhân này bao trùm hơn, Chấp Chúng sinh thì vi tế hơn, Chấp Thọ giả lại càng bao quát hơn. Ba Chấp theo sau vẫn là Chấp Ngã nhưng cái Ngã bấy giờ "to đùng bằng cả thế giới"

Câu mà G/B hỏi có nghĩa là : Nếu Bồ tát độ sinh mà còn thấy thực có chúng sinh được độ, thì vị ấy chưa phải là Bồ tát. (Vị ấy hãy còn sai lầm vi tế trong hiểu biết, mà điều vi tế này rất quan trọng), hay nói khác đi : Còn Chấp Ngã, dù rất vi tế, vẫn chưa thể cập vào bến Giác.

Mến !

colaihi
08-05-2017, 07:28 AM
Kính bác Ngọc Quế ! Con chưa hiểu chỗ này :

"nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát."

Xin bác cắt nghĩa cho con được rõ.

Kính !

Xin quý đạo hữu cho phép "già" góp lời chỗ này, trước đây Ngài Tuyên Hóa có nói :


2. Vô Nhân Tướng (không thấy có người): Nghĩa là mình không chướng ngại, không làm chuyện bất lợi cho kẻ khác.

khiến cho Kequaduong có ý kiến :


http://i172.photobucket.com/albums/w4/nonamerestore/tu%20tuong_zpsmhb4felz.jpg

Xin mời đọc lại :

http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/552-S%E1%BB%91-Kh%C3%B4ng-L%C3%A0-B%C3%AD-Quy%E1%BA%BFt-%C3%90%E1%BB%83-Ph%E1%BA%A3n-T%E1%BB%89nh-Ho%C3%A0n-Nguy%C3%AAn?p=15842&viewfull=1#post15842


Như thế đấy : Chúng ta vô minh, "sống ngây chết ngu", đức Phật nhìn rõ vấn đề "Các tầng lớp chấp nhất của Chúng sinh" cho nên đã khẳng định "Vị nào mà còn thấy thực có TA, thực có chúng sinh, thực có muôn loài, thực có Vô minh, thực có chứng đắc, có Ta cứu độ, có kẻ được cứu độ; thì vị ấy chẳng phải là Bồ tát".

Kính chia sẻ !

gaiden
08-05-2017, 08:56 AM
Kính bà bà colaihi ! Sao bà không chép luôn phát biểu này của kequaduong :


Những vị A La Hán do không lầm Ngã tướng mà Giải Thoát Sinh Tử Luân Hồi. Chúng ta mê lầm nhận cái "hợp thể Ngũ Uẩn" (Sắc Thọ Tưởng Hành Thức) là MÌNH, là TÔI, là TA. Mà 5 Uẩn này thì KHÔNG CÓ THẬT TƯỚNG, chúng như mây trên trời luôn dịch chuyển biến động. Chúng ta mê lầm ngở rằng 5 Uẩn này là chắc thiệt nên theo nó mà biến thiên, mà lòng vòng lên xuống 6 nẽo. Vị Giác Ngộ A La Hán nhận rõ Ngũ Uẩn như bèo giạt mây trôi, không nhận nó là MÌNH, cho nên gọi là Giác Ngộ, cho nên gọi là chứng quả VÔ SANH _ A La hán.

Nhưng chưa hết, đó chỉ mới là Giác Ngộ phần THÔ _ Giác Ngộ về Ngã Tướng; Đại Thừa đẩy chúng ta vào sâu hơn trong sự Giác Ngộ, tức là phải Giác Ngộ thêm rằng "Cả loài người cũng huyễn hóa _ vô Nhân tướng, Các chúng sinh khác cũng huyễn hóa _ vô Chúng sinh Tướng, Tất cả loài Hữu tình hay Vô tri (như cây cỏ dại) cũng huyễn hóa nốt đó gọi là vô Thọ giả Tướng.

Tức là càng tu chứng lên, chúng ta càng phá trừ những mê lầm chấp nhất vi tế hơn, cho đến khi không còn lầm chấp 4 Tướng _ Ngã, Nhân, Chúng Sinh, Thọ giả _ thì mới CHÍNH DANH BỒ TÁT. Đây là ý nghĩa của câu "Nhược Bồ tát hữu Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng tức phi Bồ Tát" (Nếu Bồ tát mà còn có Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sinh tướng, Thọ Giả tướng thì không phải là Bồ tát).

tâm trì
08-05-2017, 11:04 AM
ĐOẠN 5

ÂM:

NHƯ LÝ THẬT KIẾN.

Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Khả dĩ thân tướng kiến Như Lai phủ? Phất dã Thế Tôn!

Bất khả dĩ thân tướng đắc kiến Như Lai.

Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết thân tướng tức phi thân tướng.

Phật cáo Tu-bồ-đề:

_Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai.

DỊCH:

THẤY LẼ THẬT ĐÚNG LÝ.

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng?

- Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Không thể do thân tướng thấy được Như Lai.

Vì cớ sao? Như Lai đã nói thân tướng tức không phải thân tướng.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

_ Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.

Thanh Mai
08-05-2017, 04:29 PM
Kính bác Ngọc Quế !

Kinh nói :

Phật bảo Tu-bồ-đề : Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.

Bác nói :

Phải biết trong Chân Như Tâm : Chúng sinh là hình ảnh trong mơ của Ta đó, Diệt tận độ chúng sinh là hành giả Thực Chứng được : Không có chúng sinh mê, mà chỉ có "những đóa sen hồng lung linh trong nắng ấm".

Con có thắc mắc :

Nếu "thật không có chúng sanh được diệt độ." thì Bồ tát thôi đi, đừng độ sinh làm chi cho vất vả.

Nếu "Chúng sinh là hình ảnh trong mơ của Ta", thì có lẻ Bồ tát không cần độ sinh làm gì, bởi "hình ảnh trong mơ" thì tự nó cũng đi vào hư vô mà thôi, có ích gì chăng khi phải độ "những hình ảnh trong mơ" cho nó tan biến ?

Kính xin bác chỉ dạy thêm.



Anh tâm trì ơi ! xin anh chậm lại. Bác Ngọc Quế chưa kịp trả lời câu hỏi này của Thanh Mai.

Vã lại đoạn 4 chúng ta chưa kịp nghiên cứu học thêm, mà anh đã đăng đoạn 5 rồi.

Kính cám ơn !

Ngọc Quế
08-06-2017, 08:21 AM
Kính bác Ngọc Quế !

Kinh nói :

Phật bảo Tu-bồ-đề : Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.

Bác nói :

Phải biết trong Chân Như Tâm : Chúng sinh là hình ảnh trong mơ của Ta đó, Diệt tận độ chúng sinh là hành giả Thực Chứng được : Không có chúng sinh mê, mà chỉ có "những đóa sen hồng lung linh trong nắng ấm".

Con có thắc mắc :

Nếu "thật không có chúng sanh được diệt độ." thì Bồ tát thôi đi, đừng độ sinh làm chi cho vất vả.

Nếu "Chúng sinh là hình ảnh trong mơ của Ta", thì có lẻ Bồ tát không cần độ sinh làm gì, bởi "hình ảnh trong mơ" thì tự nó cũng đi vào hư vô mà thôi, có ích gì chăng khi phải độ "những hình ảnh trong mơ" cho nó tan biến ?

Kính xin bác chỉ dạy thêm.



Chào Thanh Mai và quý đạo hữu !

Ngọc Quế trả lời câu hỏi của bạn sau 2 câu hỏi kia, vì câu hỏi này QUAN TRỌNG (có người học Phật trên 50 năm vẫn không hề khởi nghi, đặt vấn đề này như bạn), vã lại khi 2 câu hỏi kia đã được giải tỏa, thì nó sẽ là nền tảng để Thanh Mai dễ hiểu vấn đề này hơn.

Câu nói "thật không có chúng sanh được diệt độ." là câu Phật nói, để phá chấp cho những vị Bồ tát. Hành trình Chân lý mà Phật bày ra có 3 giai đoạn :

Giai đoạn 1 hành giả tự phá Ngã Tướng (hay Ngã Chấp) thoát Sinh Tử Luân Hồi đắc A La Hán quả;

Giai đoạn 2, hành giả phải phá luôn Nhân Tướng, Chúng sanh Tướng, Thọ giả Tướng chứng ngộ Tánh Không;

Giai đoạn 3 là giai đoạn "hoàn thiện" (phạm vi bài này chúng ta chưa học tới).


Thanh Mai ơi ! Tuy "chúng sinh vốn Không tướng", nhưng Bồ tát phải hướng chúng sinh, phải độ sinh (trải qua thời gian lâu hay mau tùy mức độ tinh tấn của hành giả) thì mới Chứng ngộ được "Chúng sinh Không tướng".

Còn chỉ nghe Phật nói "thật không có chúng sanh được diệt độ" rồi buông xuôi không độ sinh nữa, thì sẽ không bao giờ biết được Thật tướng "Chúng sinh vốn Không", sẽ không bao giờ Giác Ngộ thực sự (như vậy trái với mục đích khi Phật thuyết Kinh Kim Cang.)

Mến !

Tuấn Kiệt
08-06-2017, 04:12 PM
ĐOẠN 4


DIỆU HẠNH KHÔNG CHỖ TRỤ.

Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.

......



Xin các bác giảng rộng chỗ này con chưa hiểu.

Kính !

Ngọc Quế
08-07-2017, 08:01 AM
Xin các bác giảng rộng chỗ này con chưa hiểu.

Kính !

Chào Quý đạo hữu và Tuấn Kiệt !

Trước đó, đức Phật đã dạy chung là quý Phật tử phải tu học và hành Lục Độ, đó là Bố thí, Trì giới, Tinh Tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí Tuệ :

Bố thí tức là cho để trừ lòng tham lam, bỏn xẻn.

Trì giới tức là giữ giới để trừ ô nhiễm, không tạo thêm nghiệp ác.

Nhẫn nhục tức là nhường nhịn để trừ sân giận, và cũng để bớt phiền toái rắc rối trong cuộc sống.

Tinh tấn tức là lúc nào cũng cố gắng để trừ thói hư lười biếng, giải đãi.

Thiền định để trừ loạn tâm, tạo điều kiện cho trí tuệ phát sinh.

Trí tuệ tức là học hỏi suy tư Kinh sách để trừ si mê, để dễ tiếp cận Chân Lý Phật pháp.

Đến giai đoạn 2 này, Phật dạy "nâng cao", Lục độ phải được thực hành trên một cấp độ khó khăn hơn. Đó là LỤC ĐỘ BA LA MẬT (LDBLM).

Hành giả hành (LDBLM) thì khi Bố thí, phải hồn nhiên Bố thí, không để tâm đối tượng là ai (trước đây có ân oán gì với chúng ta không ?), không nghĩ rằng đối tượng nhận thí: xứng đáng hay không xứng đáng; vật thí cũng không quan tâm lớn nhỏ, quan trọng hay không quan trọng với ta, hể người cần thì ta liền cho không đắn đo gì hết.

Đây gọi là "bất ưng trụ sắc sinh tâm" (gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí). Khó quá phải không các bạn ?! Điều này Phật không dạy cho hàng Phật tử sơ cơ như chúng ta, mà dạy cho chư Bồ tát đã phát Bồ Đề Tâm (tức là muốn Giác Ngộ hoàn toàn Chân Lý Tuyệt Đối).

Đó là chưa nói đến điều kiện thứ ba khi Bố thí Ba La Mật, đó là Không thấy Mình đang dang tay Bố thí. Cái Tâm tích lũy công phu, những cố gắng đã thi hành trong Phật sự, chính là chướng ngại, chính là Mê Lầm.

Ngày xưa, một vị Tăng pháp danh là Pháp Đạt đến cầu học nơi đức Lục tổ Huệ Năng, Tổ hỏi "đã làm được những gì ?" (mà sao cống cao Ngã mạn như vậy ?) Đạt thưa : "Đã tụng Kinh Pháp Hoa trên 2 ngàn lượt" Tổ quở ! (N/Q chỉ còn nhớ có một câu : "Không công _ phước vô tỉ !"

Ấy đó ! Trong pháp tu LDBLM không hề có Ngã, Ngã sở : không tích lủy công trạng mà mình đã làm được, như giếng sâu không đáy, làm được gì cũng rơi biệt tăm, không có âm vang phản hồi, không bao giờ bị "đầy giếng". Đây là bí quyết để thành tựu, nếu hành giả làm Phật sự mà thấy có Mình Làm, có những công trạng của mình; thì hành giả sẽ không vượt qua Chính Mình, sẽ không đến được "Bờ Bên Kia".

Mến !

Phúc Hạnh
08-08-2017, 11:06 AM
ĐOẠN 5

ÂM:

NHƯ LÝ THẬT KIẾN.

Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Khả dĩ thân tướng kiến Như Lai phủ? Phất dã Thế Tôn!

Bất khả dĩ thân tướng đắc kiến Như Lai.

Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết thân tướng tức phi thân tướng.

Phật cáo Tu-bồ-đề:

_Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai.

DỊCH:

THẤY LẼ THẬT ĐÚNG LÝ.

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng?

- Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Không thể do thân tướng thấy được Như Lai.

Vì cớ sao? Như Lai đã nói thân tướng tức không phải thân tướng.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

_ Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.




Kính các vị tiền bối !

Con là Phúc Hạnh, muốn được nghe các vị giải thích về đoạn 5 này. Riêng về tiêu đề được thêm vào : "Thấy lẽ thật đúng lý", con thắc mắc :

_ "Thấy đúng lý", phải chăng hãy còn cái "Thấy đúng như sự thật" ?

Kính !

colaihi
08-08-2017, 11:50 AM
Kính các vị tiền bối !

Con là Phúc Hạnh, muốn được nghe các vị giải thích về đoạn 5 này. Riêng về tiêu đề được thêm vào : "Thấy lẽ thật đúng lý", con thắc mắc :

_ "Thấy đúng lý", phải chăng hãy còn cái "Thấy đúng như sự thật" ?

Kính !



Chào con gái ! Đoạn này Phật muốn nói :

Quý Phật tử thường mê lầm mọi hình tướng, thấy cái gì cũng thật có, thân mình thật có, cõi này thật có, những cảnh khổ vui xảy ra hằng ngày quanh ta là thật có; Địa ngục Ngạ Quỷ Súc sanh là thật có, A Tu La Nhân Thiên là thật có. Thậm chí thấy Phật xuống thế độ sinh cũng là thật có.


16

"Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" (Phàm những gì có tướng đều là hư vọng), cho đến thân Phật 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp cũng là giả có, tạm có, hư vọng luôn.

Đây là sự thật mà tất cả chúng ta đều chưa thấy biết !.

Cái tiêu đề "NHƯ LÝ THẬT KIẾN" không sai, ta phải hiểu là "THẤY ĐÚNG NHƯ CHƠN LÝ", còn dịch THẤY LẼ THẬT ĐÚNG LÝ thì không rõ nghĩa, mới gây hiểu lầm cho P/H rằng sau chữ LÝ hãy còn chữ SỰ.

Kinh Kim Cang này Phật PHÁ CHẤP : Mọi sự vật là thật có.

Mến !

Phúc Hạnh
08-08-2017, 10:20 PM
Chào con gái ! Đoạn này Phật muốn nói :

Quý Phật tử thường mê lầm mọi hình tướng, thấy cái gì cũng thật có, thân mình thật có, cõi này thật có, những cảnh khổ vui xảy ra hằng ngày quanh ta là thật có; Địa ngục Ngạ Quỷ Súc sanh là thật có, A Tu La Nhân Thiên là thật có. Thậm chí thấy Phật xuống thế độ sinh cũng là thật có.


16

"Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" (Phàm những gì có tướng đều là hư vọng), cho đến thân Phật 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp cũng là giả có, tạm có, hư vọng luôn.

Đây là sự thật mà tất cả chúng ta đều chưa thấy biết !.

Cái tiêu đề "NHƯ LÝ THẬT KIẾN" không sai, ta phải hiểu là "THẤY ĐÚNG NHƯ CHƠN LÝ", còn dịch THẤY LẼ THẬT ĐÚNG LÝ thì không rõ nghĩa, mới gây hiểu lầm cho P/H rằng sau chữ LÝ hãy còn chữ SỰ.

Kinh Kim Cang này Phật PHÁ CHẤP : Mọi sự vật là thật có.

Mến !



Kính cám ơn "lão bà bà" đã giải thích, nhưng con nghĩ nếu : Phật với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp mà chỉ là hư ảo, thì chúng con mất chỗ quy hướng. Té ra tu theo Phật chỉ là đi theo một con đường vô vọng (vì Phật cũng chỉ là hư vọng thôi !).

Như vậy ......như vậy thì ......! Khó nói quá ! Nói ra chỉ sợ bị "chụp mủ" là PHÁ HOẠI, thôi con không nói đâu !

.......

Ngọc Quế
08-09-2017, 07:24 AM
Kính cám ơn "lão bà bà" đã giải thích, nhưng con nghĩ nếu : Phật với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp mà chỉ là hư ảo, thì chúng con mất chỗ quy hướng. Té ra tu theo Phật chỉ là đi theo một con đường vô vọng (vì Phật cũng chỉ là hư vọng thôi !).

Như vậy ......như vậy thì ......! Khó nói quá ! Nói ra chỉ sợ bị "chụp mủ" là PHÁ HOẠI, thôi con không nói đâu !

.......

Chào Quý đạo hữu, chào Phúc Hạnh !

Cám ơn "bà bà colaihi"

Kinh nói "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng", Phật Thích Ca Mâu Ni thì có hình tướng cho nên cũng "thuận thế vô thường", còn Như Lai tức Thể Pháp Thân Phật _ hay CHƠN NHƯ TÂM _ thì không có hình tướng, là đích hướng tâm của Phật tử chúng ta thì KHÔNG HƯ VỌNG.

Mến !

tâm trì
08-09-2017, 11:30 AM
ĐOẠN 6

ÂM:

CHÁNH TÍN HY HỮU.

Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Phả hữu chúng sanh, đắc văn như thị ngôn thuyết, chương cú, sanh thật tín phủ? Phật cáo Tu-bồ-đề: Mạc tác thị thuyết. Như Lai diệt hậu, hậu ngũ bách tuế, hữu trì giới tu phước giả, ư thử chương cú năng sanh tín tâm, dĩ thử vi thật, đương tri thị nhân bất ư nhất Phật, nhị Phật, tam tứ ngũ Phật nhi chủng thiện căn, dĩ ư vô lượng thiên vạn Phật sở, chủng chư thiện căn. Văn thị chương cú, nãi chí nhất niệm sanh tịnh tín giả, Tu-bồ-đề, Như Lai tất tri, tất kiến thị chư chúng sanh đắc như thị vô lượng phước đức. Hà dĩ cố? Thị chư chúng sanh vô phục ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giảtướng, vô pháp tướng diệc vô phi pháp tướng. Hà dĩ cố? Thị chư chúng sanh, nhược tâm thủ tướng tắc vi trước ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nhược thủ pháp tướng tức trước ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Hà dĩ cố? Nhược thủ phi pháp tướng tức trước ngã nhân chúng sanh thọ giả. Thị cố bất ưng thủ pháp, bất ưng thủ phi pháp. Dĩ thị nghĩa cố, Như Lai thường thuyết: Nhữ đẳng Tỳ-kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.

DỊCH:

CHÁNH TÍN ÍT CÓ

(Người tin đúng rất ít có).

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, vả lại có chúng sanh được nghe những lời nói và chương cú như thế, sanh lòng tin chân thật chăng? Phật bảo Tu-bồ-đề: Chớ nói như thế. Sau khi Như Lai diệt độ, sau khoảng năm trăm năm, có người giữ giới, tu phước, đối với những chương cú này hay sanh lòng tin cho đây là thật, nên biết người ấy không phải ở nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật gieo trồng căn lành mà đã ở chỗ vô lượng ngàn muôn đức Phật gieo trồng căn lành. Người nghe chương cú này cho đến một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, này Tu-bồ-đề, Như Lai ắt biết, ắt thấy các chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như thế. Vì cớ sao? Vì các chúng sanh ấy không còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không có tướng pháp cũng không tướng phi pháp. Vì cớ sao? Vì nếu các chúng sanh ấy, tâm còn chấp tướng là còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu còn chấp tướng pháp tức còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Vì cớ sao? Nếu còn chấp tướng phi pháp tức còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Thế nên không nên chấp pháp, không nên chấp phi pháp. Bởi do nghĩa ấy, Như Lai thường nói: Tỳ-kheo các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp.

Gia Bảo
08-09-2017, 03:40 PM
Kính các bác ! con thấy đoạn này, đức Phật nói "Sau khi Phật diệt, khoảng năm trăm năm vẫn còn có người tin hiểu Kinh này !" Con thấy câu này hình như nói "sau 2500 trở đi, không còn ai có thể tin hiểu Kinh này nữa".

Vậy chúng con đâu thể tin lời các bác được, vì các bác cũng như chúng con đều là những đối tượng không nằm trong tiên liệu của đức Phật rằng sẽ có thể tin hiểu cái Giáo lý cao siêu này của đức Phật.

Vậy chúng ta ôn học Kinh Kim Cang là đã làm việc vô bổ rồi chăng ?

Kinh !

colaihi
08-09-2017, 09:35 PM
Kính các bác ! con thấy đoạn này, đức Phật nói "Sau khi Phật diệt, khoảng năm trăm năm vẫn còn có người tin hiểu Kinh này !" Con thấy câu này hình như nói "sau 2500 trở đi, không còn ai có thể tin hiểu Kinh này nữa".

Vậy chúng con đâu thể tin lời các bác được, vì các bác cũng như chúng con đều là những đối tượng không nằm trong tiên liệu của đức Phật rằng sẽ có thể tin hiểu cái Giáo lý cao siêu này của đức Phật.

Vậy chúng ta ôn học Kinh Kim Cang là đã làm việc vô bổ rồi chăng ?

Kinh !

Chào con trai ! Kinh Phật chỉ có nói : Thời của chúng ta đang sống là thời Mạt Pháp, nghĩa là sự biến đổi của cuộc sống khiến cho con người bây giờ đa phần tin vào khoa học vật chất, tin vào những cảm tính nhất thời, tin vào những tư tưởng hời hợt nông nổi của mình, ít có người tin vào những Giáo lý cao siêu của đạo Phật. Chứ Phật không có nói thời Mạt pháp sẽ không có ai tin hiểu đạo Phật, Phật không có nói sẽ không có những vị Đại Bồ tát tình nguyện vào cái cõi ngũ trược ác thế này để cảnh tỉnh cho chúng ta. (Bạn xem lại Kinh Địa Tạng đi.)

Còn chuyện ôn học Kinh Kim Cang có vô bổ với 95% Phật tử đi chăng nữa, thì cũng còn 5% được lợi ích, bao nhiêu đó cũng là nhiều đấy, bạn trẻ ạ! Lão còn nhớ ở đâu đó trong Kinh Phật (hình như trong Bộ Kinh Đại Bát Nhã) có nói "giúp cho 100 người chứng quả A La Hán, không bằng giúp cho chỉ 1 người giác ngộ cái không tính của vạn pháp".

Cái ảnh avatar của Gia Bảo đã nhắc nhở rất nhiều cho Lão hủ.

Mến !

Gia Bảo
08-10-2017, 07:18 AM
Kính cám ơn "Lão bà bà colaihi" ! Con thắc mắc thì con buột miệng hỏi, nếu có quá lời thì xin cho con sám hối.

Dạ con xin được nghe giảng rộng về PHÁP & PHI PHÁP trong đoạn Kinh này :

"Nhược thủ phi pháp tướng tức trước ngã nhân chúng sanh thọ giả. Thị cố bất ưng thủ pháp, bất ưng thủ phi pháp".

Kính !

Ngọc Quế
08-11-2017, 09:44 AM
Kính cám ơn "Lão bà bà colaihi" ! Con thắc mắc thì con buột miệng hỏi, nếu có quá lời thì xin cho con sám hối.

Dạ con xin được nghe giảng rộng về PHÁP & PHI PHÁP trong đoạn Kinh này :

"Nhược thủ phi pháp tướng tức trước ngã nhân chúng sanh thọ giả. Thị cố bất ưng thủ pháp, bất ưng thủ phi pháp".

Kính !

Gia Bảo thân mến !

Từ PHÁP trong đoạn Kinh này là Phật Pháp đó ! Bao gồm vô lượng pháp môn mà Phật đã dạy hay chưa dạy, nhằm đối trị những phàm tâm, nghiệp chướng của chúng ta, những pháp môn đã dạy như là : Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục độ hoặc Lục Độ Ba La Mật, Tứ Nhiếp Pháp, ...v...v...(1)

Từ PHI PHÁP là nói chung tất cả những điều gì nghịch lại với đạo lý, ví dụ như Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Tà kiến, Biến kiến, Giới cấm thủ, ....v...v...(2)

Từ Nhị Thừa trở xuống Phật dạy Tứ chúng (Tỳ kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận sự Nam, Cận sự Nữ) phải kiên trì Giới Luật, kiên cố Thiền Định, chăm học Phật pháp. Nhưng ở Kinh Kim Cang (Đại Thừa Liễu Nghĩa) này, Phật nói :

_ Bản chất của (Phật) Pháp vốn là Không, cho nên chớ có bám chấp lắm, hãy buông xả luôn đi, thong thả như mây trời !

_ Phật pháp còn không nên nắm chặt (1), cho là "phải như vậy", hà huống chi những là Phiền não, Tham, Sân, Si, ........(2) Những thứ "Phi pháp" này lại càng phải thả cho nó trôi theo dòng nước, không nên dung dưỡng chúng nó. Còn nuôi dưỡng chúng nó thì sẽ ở mãi trong vòng luân hồi, không thoát ra được.

_ Bồ tát thì phải an trụ trong Tính Không, LÀM TẤT CẢ MÀ NHƯ CHƯA LÀM GÌ CẢ !

Mến !

trangsoiduong
08-11-2017, 04:30 PM
Gia Bảo thân mến !

Từ PHÁP trong đoạn Kinh này là Phật Pháp đó ! Bao gồm vô lượng pháp môn mà Phật đã dạy hay chưa dạy, nhằm đối trị những phàm tâm, nghiệp chướng của chúng ta, những pháp môn đã dạy như là : Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục độ hoặc Lục Độ Ba La Mật, Tứ Nhiếp Pháp, ...v...v...(1)

Từ PHI PHÁP là nói chung tất cả những điều gì nghịch lại với đạo lý, ví dụ như Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Tà kiến, Biến kiến, Giới cấm thủ, ....v...v...(2)

Từ Nhị Thừa trở xuống Phật dạy Tứ chúng (Tỳ kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận sự Nam, Cận sự Nữ) phải kiên trì Giới Luật, kiên cố Thiền Định, chăm học Phật pháp. Nhưng ở Kinh Kim Cang (Đại Thừa Liễu Nghĩa) này, Phật nói :

_ Bản chất của (Phật) Pháp vốn là Không, cho nên chớ có bám chấp lắm, hãy buông xả luôn đi, thong thả như mây trời !

_ Phật pháp còn không nên nắm chặt (1), cho là "phải như vậy", hà huống chi những là Phiền não, Tham, Sân, Si, ........(2) Những thứ "Phi pháp" này lại càng phải thả cho nó trôi theo dòng nước, không nên dung dưỡng chúng nó. Còn nuôi dưỡng chúng nó thì sẽ ở mãi trong vòng luân hồi, không thoát ra được.

_ Bồ tát thì phải an trụ trong Tính Không, LÀM TẤT CẢ MÀ NHƯ CHƯA LÀM GÌ CẢ !

Mến !



Kính bác Ngọc Quế ! Con vẫn chưa hiểu, đã là Phật tử thì lời Phật dạy là KIM CHỈ NAM, chúng ta phải cố gắng thực hành, làm được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, những gì chưa làm được thì tương lai sẽ làm được; người Phật tử TIN Phật mà lời Phật dạy thì chỉ để "thi Tốt Nghiệp" (Cử Nhân hay Tiến sĩ Phật Học), rồi sau đó lấy bằng cấp "lộng kiếng", còn lời Phật dạy không hề được ứng dụng trong cuộc sống tu hành.

Kính !

colaihi
08-12-2017, 08:20 AM
Kính bác Ngọc Quế ! Con vẫn chưa hiểu, đã là Phật tử thì lời Phật dạy là KIM CHỈ NAM, chúng ta phải cố gắng thực hành, làm được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, những gì chưa làm được thì tương lai sẽ làm được; người Phật tử TIN Phật mà lời Phật dạy thì chỉ để "thi Tốt Nghiệp" (Cử Nhân hay Tiến sĩ Phật Học), rồi sau đó lấy bằng cấp "lộng kiếng", còn lời Phật dạy không hề được ứng dụng trong cuộc sống tu hành.

Kính !



Kính chào trangsoiduong !

Những vị như bạn nói không phải là người hiểu Kinh Kim Cang, Kinh nói "bất ưng thủ phi pháp" (chẳng nên thủ phi pháp) kia mà.

Vì sao chúng ta muốn buông xả "Phi Pháp" (phiền não, thói hư tật xấu, .....) mà đầu óc cứ sống trong loạn cuồng như thế ? Vì chúng ta chưa thực sự thấy được Tánh Không của vạn pháp, cho nên miệng nói KHÔNG (chỉ là "trả bài"), mà tâm tư luôn CÓ; đó là tập khí, nghiệp chướng sâu dày.

Chúng ta lừa dối người đời được, chứ đâu lừa dối "con tim" mình được, rồi chúng ta sẽ bị chiêu cảm những nhân quả XẤU, sẽ sa vào chốn tối tăm, đầy đau khổ mà thôi.

Điều đó chắc chắn như vậy, hạt giống gai góc, thì sẽ mọc lên những bụi gai góc um tùm !

Hãy nhớ, tuy với Bậc Giác Ngộ bụi gai chẳng khác khóm hoa hồng, nhưng với kẻ "nghịch tử" thì khóm hoa hồng chẳng khác bụi gai.

Cái này, hôm nay ta còn phước báo mà cứ sống trôi lăn theo Ác nghiệp, mai kia Ác nhân trổ Ác quả, thì không ai có thể giúp gì được nữa. "Khi lảnh quả Ác, Phật đành làm thinh"

Mến !

trangsoiduong
08-12-2017, 08:53 PM
Kính chào trangsoiduong !

Những vị như bạn nói không phải là người hiểu Kinh Kim Cang, Kinh nói "bất ưng thủ phi pháp" (chẳng nên thủ phi pháp) kia mà.

Vì sao chúng ta muốn buông xả "Phi Pháp" (phiền não, thói hư tật xấu, .....) mà đầu óc cứ sống trong loạn cuồng như thế ? Vì chúng ta chưa thực sự thấy được Tánh Không của vạn pháp, cho nên miệng nói KHÔNG (chỉ là "trả bài"), mà tâm tư luôn CÓ; đó là tập khí, nghiệp chướng sâu dày.

Chúng ta lừa dối người đời được, chứ đâu lừa dối "con tim" mình được, rồi chúng ta sẽ bị chiêu cảm những nhân quả XẤU, sẽ sa vào chốn tối tăm, đầy đau khổ mà thôi.

Điều đó chắc chắn như vậy, hạt giống gai góc, thì sẽ mọc lên những bụi gai góc um tùm !

Hãy nhớ, tuy với Bậc Giác Ngộ bụi gai chẳng khác khóm hoa hồng, nhưng với kẻ "nghịch tử" thì khóm hoa hồng chẳng khác bụi gai.

Cái này, hôm nay ta còn phước báo mà cứ sống trôi lăn theo Ác nghiệp, mai kia Ác nhân trổ Ác quả, thì không ai có thể giúp gì được nữa. "Khi lảnh quả Ác, Phật đành làm thinh"

Mến !



Kính các tiền bối !

Theo con thấy thì vị Giáo chủ nào cũng nói : "Lời ta là Khuôn vàng thước ngọc, các ông phải vâng nghe theo tuyệt đối, chính xác từ chữ", sao ở đây đức Phật nói:

"Tỳ-kheo các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp".

Con chưa từng thấy vị Giáo chủ nào kêu chúng đệ tử "hãy nên thả trôi sông lời ta nói". Con thắc mắc "không biết đức Phật có thật tâm khuyên chúng ta như vậy hay không ?"

Kính !

Ngọc Quế
08-13-2017, 07:55 AM
Kính các tiền bối !

Theo con thấy thì vị Giáo chủ nào cũng nói : "Lời ta là Khuôn vàng thước ngọc, các ông phải vâng nghe theo tuyệt đối, chính xác từ chữ", sao ở đây đức Phật nói:

"Tỳ-kheo các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp".

Con chưa từng thấy vị Giáo chủ nào kêu chúng đệ tử "hãy nên thả trôi sông lời ta nói". Con thắc mắc "không biết đức Phật có thật tâm khuyên chúng ta như vậy hay không ?"

Kính !



Xin chào đạo hữu trangsoiduong và quý Chân Phật tử !

Đây là điểm khác biệt giữa Phật giáo và Ngoại đạo, vì tất cả Ngoại đạo đều "hữu Ngã tướng", còn Ngã tướng thì còn kèm theo Ngã sở, (tức là "lời ta nói"); còn Ngã tướng _ Chấp Ngã _ thì sẽ không Giải Thoát Sinh Tử luân hồi, sẽ không làm sao ra khỏi 6 cõi.

Đức Phật _ ngoại trừ khi nói Giáo lý Nhân Thiên Thừa _ luôn luôn Ngài dạy PHÁ Ngã tướng. Riêng khi dạy "nâng cao" _ Giáo lý Đại Thừa, như Kinh Kim Cang này _ thì Phật dạy chư Bồ tát PHÁ luôn 4 Tướng (Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng), nghĩa là không còn CHẤP vào NÓ nữa. Vì Chân Như không có 4 Tướng, vị Đại Giác Ngộ trong đạo Phật không có 4 Tướng, thì chư Phật tử muốn học Phật, phải xả bỏ 4 Tướng.

Chúng sinh mê lầm đau khổ lo lắng vì thấy CÁI GÌ CŨNG THẬT CÓ, Kinh Kim Cang này Phật chỉ ra "một chân trời" mới : KHÔNG CÓ CÁI GÌ LÀ THẬT CÓ.

Mến !

muabuon
08-13-2017, 05:23 PM
Dạ. thấy đã đến lúc cần đăng đoạn 7, mà anh tâm trì bận việc, không lên mạng, muabuon xin phép làm thay công việc, kính !

ĐOẠN 7

ÂM:

VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT

Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề da? Như Lai hữu sở thuyết pháp da? Tu-bồ-đề ngôn: Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, vô hữu định pháp, danh A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi pháp, phi phi pháp. Sở dĩ giả hà? Nhất thiết Hiền Thánh giai dĩ vô vi pháp nhi hữu sai biệt.

DỊCH:

KHÔNG ĐƯỢC, KHÔNG NÓI

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Như Lai có nói pháp chăng? Tu-bồ-đề thưa: Như con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có pháp nhất định tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói. Vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Vì tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt.

Gia Bảo
08-13-2017, 08:46 PM
Kính các bác ! Con thật vô cùng ngạc nhiên với câu hỏi này :

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

Chúng ta _ những Phật tử có xem Kinh đọc sách _ đều biết rằng : "Khó khăn lắm Sa môn Cồ Đàm mới 'xé toạt màng vô minh' chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người khác (Ngoại đạo) gian khổ hơn nhiều, mà thu hoạch có là bao !". Vậy sao Phật lại hỏi câu trên ?

Hỏi như thế, khiến con ngờ ngợ rằng, Phật muốn nói :"Các ông không biết đó thôi ! Chứ Như lai đâu có chứng gì đâu." (Như Lai chỉ làm ảo thuật thôi, hay nói khác đi là Như lai "chơi ăn gian" đó)

Kính các bác ! Chuyện này là sao ? Xin các bác thứ lỗi cho con đã mạo phạm đến đức Phật, con sẽ sám hối sau, bây giờ con phải hỏi thẳng.

Kính !

colaihi
08-14-2017, 09:06 AM
Kính các bác ! Con thật vô cùng ngạc nhiên với câu hỏi này :

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

Chúng ta _ những Phật tử có xem Kinh đọc sách _ đều biết rằng : "Khó khăn lắm Sa môn Cồ Đàm mới 'xé toạt màng vô minh' chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người khác (Ngoại đạo) gian khổ hơn nhiều, mà thu hoạch có là bao !". Vậy sao Phật lại hỏi câu trên ?

Hỏi như thế, khiến con ngờ ngợ rằng, Phật muốn nói :"Các ông không biết đó thôi ! Chứ Như lai đâu có chứng gì đâu." (Như Lai chỉ làm ảo thuật thôi, hay nói khác đi là Như lai "chơi ăn gian" đó)

Kính các bác ! Chuyện này là sao ? Xin các bác thứ lỗi cho con đã mạo phạm đến đức Phật, con sẽ sám hối sau, bây giờ con phải hỏi thẳng.

Kính !



Chào Gia Bảo ! Câu hỏi của "con trai" lắc-léo lắm đó ! Nhưng cũng gần như con trai đã nghĩ.

Đức Phật Thích Ca được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chỉ là DIỄN TUỒNG thôi. Vở tuồng Thành Phật Độ sinh trong cõi Mộng mơ này, chứ Như Lai vốn đã là Phật thì còn thành cái gì nữa.

Mến !

votam
08-14-2017, 08:27 PM
ĐOẠN 7

ÂM:

VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT

Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề da? Như Lai hữu sở thuyết pháp da? Tu-bồ-đề ngôn: Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, vô hữu định pháp, danh A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi pháp, phi phi pháp. Sở dĩ giả hà? Nhất thiết Hiền Thánh giai dĩ vô vi pháp nhi hữu sai biệt.

DỊCH:

KHÔNG ĐƯỢC, KHÔNG NÓI

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Như Lai có nói pháp chăng? Tu-bồ-đề thưa: Như con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có pháp nhất định tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói. Vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Vì tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt.



Kính các bác, con xin mạo muội thắc mắc về câu dịch của Dịch giả mà con đã gạch dưới, con thấy hình như không ổn (xin thứ lỗi cho con đã "vạch lá tìm sâu")

Kính !

colaihi
08-15-2017, 08:18 AM
Kính các bác, con xin mạo muội thắc mắc về câu dịch của Dịch giả mà con đã gạch dưới, con thấy hình như không ổn (xin thứ lỗi cho con đã "vạch lá tìm sâu")

Kính !

Kính chào quý đạo hữu votam !

Quý hữu đã rất tinh mắt khi đặt vấn đề này.

Câu "Như Lai hữu sở thuyết pháp da?" Phải được hiểu là "Như Lai có PHÁP để nói chăng ?"

Trọng tâm của đoạn này là nói :"Phật Pháp cũng Như huyễn".

Chớ không phải Phật muốn nói "Ta 49 năm, chưa từng NÓI lời nào" để mà dịch là "Như Lai có NÓI pháp chăng?"

Theo colaihi chỗ này Dịch giả đã dịch sai Ý Kinh.

Mến !

tâm trì
08-15-2017, 11:59 AM
ĐOẠN 8

ÂM:

Y PHÁP XUẤT SANH.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Nhược nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị nhân sở đắc phước đức, ninh vi đa phủ?

Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thị phước đức tức phi phước đức tánh, thị cố Như Lai thuyết phước đức đa.

- Nhược phục hữu nhân ư thử Kinh trung thọ trì nãi chí tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, kỳ phước thắng bỉ. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhất thiết chư Phật cập chư Phật A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề pháp, giai tùng thử Kinh xuất. Tu-bồ-đề, sở vị Phật pháp giả tức phi Phật pháp.

DỊCH:

Y NƠI CHÁNH PHÁP MÀ SANH RA TẤT CẢ QUẢ VỊ.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, người ấy được phước đức thật nhiều chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn rất nhiều! Vì cớ sao? Vì phước đức ấy tức chẳng phải là tánh phước đức, thế nên Như Lai nói phước đức nhiều.

- Nếu lại có người ở trong Kinh này, thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v. vì người khác giảng nói thì phước đức này còn hơn phước đức của người kia. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ nơi Kinh này ra. Này Tu-bồ-đề, nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.

votam
08-15-2017, 04:01 PM
Kính chào quý đạo hữu votam !

Quý hữu đã rất tinh mắt khi đặt vấn đề này.

Câu "Như Lai hữu sở thuyết pháp da?" Phải được hiểu là "Như Lai có PHÁP để nói chăng ?"

Trọng tâm của đoạn này là nói :"Phật Pháp cũng Như huyễn".

Chớ không phải Phật muốn nói "Ta 49 năm, chưa từng NÓI lời nào" để mà dịch là "Như Lai có NÓI pháp chăng?"

Theo colaihi chỗ này Dịch giả đã dịch sai Ý Kinh.

Mến !



Dạ, kính "lão bà bà" lần đầu tiên con nghe "Phật Pháp cũng Như huyễn". Câu này là do "bà bà" nói, chứ không phải Kinh nói, Phật nói, phải vậy chăng ?

Kính !

homeless
08-15-2017, 04:14 PM
Dạ, kính "lão bà bà" lần đầu tiên con nghe "Phật Pháp cũng Như huyễn". Câu này là do "bà bà" nói, chứ không phải Kinh nói, Phật nói, phải vậy chăng ?

Kính !

Xin phép bạn votam, cho kẻ "vô gia cư" này trả lời thay cho "lão bà bà". Đoạn Kinh này Phật đã giải thích rành rành ra đó, chỉ chưa dùng từ "Phật pháp cũng Như Huyễn" mà thôi. Không phải "bà bà" tự sáng tác, mà là Kinh đã nói như thế !




diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi pháp, phi phi pháp.

DỊCH:

cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói. Vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp.

Tuấn Kiệt
08-16-2017, 09:50 PM
Dạ, con xin các bác giảng rõ cho con chỗ này :




diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi pháp, phi phi pháp.

DỊCH:

cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói. Vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp.




Cái gì mà "phi pháp, phi phi pháp" con không hiểu gì hết ráo trọi !

Kính !

homeless
08-17-2017, 09:24 AM
Dạ, con xin các bác giảng rõ cho con chỗ này :

Cái gì mà "phi pháp, phi phi pháp" con không hiểu gì hết ráo trọi !

Kính !

Chào Tuấn Kiệt !

Tất cả 3 tạng Kinh điển của đạo Phật đều là pháp đối trị _ phiền não, phàm tâm, dục vọng, ..._ của chúng ta. Giả sử chúng ta có 84.000 phiền não thì đạo Phật có 84.000 pháp môn đối trị. Những Giáo lý, Pháp môn của đạo Phật không phải là đã có sẵn ở đâu đó, bây giờ Phật lấy ra dạy chúng ta; mà là tùy lúc, tùy nơi, tùy đối tượng mà đức Phật đã phương tiện giảng nói thích hợp với căn cơ chúng ta. Phật pháp hiện tại có đây thực chất vốn là từ Không, cho nên nói là PHI PHÁP (vốn chẳng phải giáo lý Phật pháp).

Tuy chẳng phải Phật pháp là "vàng 9999", nhưng chúng ta nếu muốn an ổn hạnh phúc, nếu muốn thấy được Chân Lý Tuyệt Đối thì phải tôn thờ, thực hành theo Phật pháp, vì hiện tại Phật pháp đang là "chiếc phao" giúp nạn nhân đang lênh đênh trên biển khổ là những kẻ vô minh như chúng ta. Cho nên tuy PHI PHÁP, nhưng cũng chẳng phải Phật pháp là "vô bổ", đây gọi là PHI PHI PHÁP.

Mến !

Tuấn Kiệt
08-17-2017, 09:10 PM
ĐOẠN 8



Tu-bồ-đề, sở vị Phật pháp giả tức phi Phật pháp.

Này Tu-bồ-đề, nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.




Kính các bác ! con lại gặp rắc rối chỗ này (đã trích dẫn ở trên).

ở chỗ "Phật pháp chẳng phải Phật pháp" Ý Kinh như thế nào xin các bác giải ra cho chúng con được hiểu.

Kính !

Ngọc Quế
08-18-2017, 08:57 AM
Kính các bác ! con lại gặp rắc rối chỗ này (đã trích dẫn ở trên).

ở chỗ "Phật pháp chẳng phải Phật pháp" Ý Kinh như thế nào xin các bác giải ra cho chúng con được hiểu.

Kính !

Cám ơn Tuấn Kiệt đã hỏi !

"Phật pháp (1) giả tức phi Phật pháp (2)"

"Phật pháp" (1) là nói tất cả Giáo Lý Phật pháp dù đã nói ra hay chưa nói ra, dù bằng bất cứ ngôn ngữ nào; trước mắt là chúng ta có Ngũ Tạng Kinh Điển. Tất cả Giáo Lý Phật pháp chỉ như "bóng trăng đáy nước" (BÓNG)

Phật pháp (2) là nói Chân Lý Tuyệt Đối mà tất cả Phật tử chúng ta đang hướng tới. Phật pháp (2) này như "mặt trăng trên cao" (HÌNH).

Nói "bóng trăng đáy nước" không phải là "mặt trăng trên cao" thì dễ hiểu hơn phải không bạn nhỏ ?!

BÓNG tuy chẳng lìa HÌNH mà có, nhưng BÓNG chẳng phải là HÌNH đâu, xin chớ lầm.

Đó là ý nghĩa của câu "PHẬT PHÁP PHI PHẬT PHÁP".

Mến !

minh thức
08-18-2017, 05:08 PM
ĐOẠN 8





- Nếu lại có người ở trong Kinh này, thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v. vì người khác giảng nói thì phước đức này còn hơn phước đức của người kia. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ nơi Kinh này ra. Này Tu-bồ-đề, nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.




Kính các bác, con không hiểu 4 câu kệ nào mà có "oai lực" lớn như vậy ? Phải chăng bài kệ "Chư pháp không thường còn, có sanh ắt có diệt, sanh tử như thủy triều, diệt tận chân phúc hiện" ?

Kính !

nguoidien
08-19-2017, 08:36 AM
Kính các bác, con không hiểu 4 câu kệ nào mà có "oai lực" lớn như vậy ? Phải chăng bài kệ "Chư pháp không thường còn, có sanh ắt có diệt, sanh tử như thủy triều, diệt tận chân phúc hiện" ?

Kính !

hê....hê...! Này "minh ngủ" câu đó chỉ là Phật Học vở lòng thôi, làm gì có "oai đức" lớn như Phật đã ca ngợi chứ !

Sướng quá ! sướng quá !

colaihi
08-19-2017, 09:11 AM
Kính các bác, con không hiểu 4 câu kệ nào mà có "oai lực" lớn như vậy ? Phải chăng bài kệ "Chư pháp không thường còn, có sanh ắt có diệt, sanh tử như thủy triều, diệt tận chân phúc hiện" ?

Kính !

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, người ấy được phước đức thật nhiều chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn rất nhiều! Vì cớ sao? Vì phước đức ấy tức chẳng phải là tánh phước đức, thế nên Như Lai nói phước đức nhiều.

- Nếu lại có người ở trong Kinh này, thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v. vì người khác giảng nói thì phước đức này còn hơn phước đức của người kia. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ nơi Kinh này ra. Này Tu-bồ-đề, nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.

Này con trai minh thức !

Ở trần gian này, giả sử chúng ta có một hột xoàn to bằng ngón chân cái thì đã là trùm thiên hạ rồi, mà trong Kinh nói đem 7 báu (tức là vàng, bạc, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, ...ủa quên mất một món rồi) "đầy cả tam thiên đại thiên thế giới" (tức là số của báu ấy chật cả bầu trời) đem ra bố thí hết. Wow ! người này phước đức thật là kinh khủng, vậy mà không bằng người thọ trì giảng nói 4 câu kệ.

Con hỏi "4 câu kệ gì mà oai đức lớn như vậy ?" đúng không ?

Trước nhất không phải 4 câu "Chư pháp không thường còn, có sanh ắt có diệt, sanh tử như thủy triều, diệt tận chân phúc hiện" (mặc dầu 4 câu này rất QUÝ : trong một tiến kiếp của đức Phật _ nhằm lúc thời Mạt Pháp _ Ngài đã hy sinh thân mạng để có được 4 câu kệ này ! ).

Mà là 4 câu kệ trong Kinh Kim Cang này. Vài bữa nữa chúng ta sẽ được học tới.

Mến !

Gia Bảo
08-20-2017, 10:06 AM
ĐOẠN 8




Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thị phước đức tức phi phước đức tánh, thị cố Như Lai thuyết phước đức đa.

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn rất nhiều! Vì cớ sao? Vì phước đức ấy tức chẳng phải là tánh phước đức, thế nên Như Lai nói phước đức nhiều.




Dạ ! Kính các bác, con chẳng hiểu tại sao "phước đức ấy tức chẳng phải là tánh phước đức" chẳng phải là chẳng phải ra làm sao ?

Xin các bác hoan hỉ, con hơi bị ngu.

Kính !

Ngọc Quế
08-20-2017, 11:46 AM
Dạ ! Kính các bác, con chẳng hiểu tại sao "phước đức ấy tức chẳng phải là tánh phước đức" chẳng phải là chẳng phải ra làm sao ?

Xin các bác hoan hỉ, con hơi bị ngu.

Kính !

Chào Gia Bảo ! Không sao đâu, không biết thì cứ hỏi, chỉ sợ không biết mà cứ gật gù, để rồi sau đó, khi đứng dậy "lời Phật trả lại Phật".

Ví dụ như vầy cho Gia Bảo dễ hiểu nhé :

Một hôm nào đó, Gia Bảo nằm mơ thấy lạc vào một bải biển, mà nơi ấy toàn là kim cương, xa cừ, mã não,....; Gia bảo hốt một bao đầy, đang khấp khởi vác về định bụng sẽ "đổi đời". Về chưa đến nhà, bổng đâu có người lay dậy, nguyên bao đá quý còn sót lại trong Mơ. Gia Bảo muốn Mơ tiếp để nhặt lại bao đá quý ấy, nhưng không được nữa rồi.

Bạn trẻ ơi ! Theo tinh thần Kinh Kim Cang : Phước đức mà ta đã gây tạo, dù lớn đến cở nào cũng chỉ như "bao đá quý trong Mơ", nó không hề thật có, cho nên gọi là "Thị phước đức tức phi phước đức tánh"

Phước đức tánh là gì ? Là cái không phải tạm có trong Mơ.

Mến !

tâm trì
08-21-2017, 07:11 AM
ĐOẠN 9

ÂM:

NHẤT TƯỚNG VÔ TƯỚNG.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tu-đà-hoàn năng tác thị niệm ngã đắc Tu-đà-hoàn quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tu-đà-hoàn danh vi Nhập lưu nhi vô sở nhập, bất nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thị danh Tu-đà-hoàn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tư-đà-hàm năng tác thị niệm: Ngã đắc Tư-đà-hàm quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tư-đà-hàm danh Nhất vãng lai nhi thật vô vãng lai, thị danh Tư-đà-hàm.

-Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? A-na-hàm năng tác thị niệm: Ngã đắc A-na-hàm quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? A-na-hàm danh vi Bất lai, nhi thật vô bất lai, thị cố danh A-na-hàm.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? A-la-hán năng tác thị niệm: Ngã đắc A-la-hán đạo phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thật vô hữu pháp danh A-la-hán. Thế Tôn! Nhược A-la-hán tác thị niệm: Ngã đắc A-la-hán đạo, tức vi trước ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Thế Tôn! Phật thuyết ngã đắc Vô tránh tam-muội, nhân trung tối vi đệ nhất, thị đệ nhất ly dục A-la-hán. Thế Tôn! Ngã bất tác thị niệm: Ngã thị ly dục A-la-hán. Thế Tôn! Ngã nhược tác thị niệm: Ngã đắc A-la-hán đạo, Thế Tôn tắc bất thuyết Tu-bồ-đề thị nhạo A-lan-na hạnh giả. Dĩ Tu-bồ-đề thật vô sở hành, nhi danh Tu-bồ-đề thị nhạo A-lan-na hạnh.

DỊCH:

MỘT TƯỚNG KHÔNG TƯỚNG.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tu-đà-hoàn hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tu-đà-hoàn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Tu-đà-hoàn gọi là Nhập lưu mà không có chỗ nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tư-đà-hàm hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tư-đà-hàm chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Vì Tư-đà-hàm tên là Nhất vãng lai mà thật không có vãng lai, ấy gọi là Tư-đà-hàm.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-na-hàm hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả A-na-hàm chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? A-na-hàm tên là Bất lai mà thật không có bất lai, thế nên tên A-na-hàm.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-la-hán hay khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Thật không có pháp tên là A-la-hán. Bạch Thế Tôn nếu A-la-hán khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán tức là còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Bạch Thế Tôn! Phật nói con được Vô tránh tam-muội là bậc đệ nhất trong số người đó, là A-la-hán ly dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn! Con không khởi nghĩ con là ly dục A-la-hán. Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ: Con được đạo A-la-hán, Thế Tôn ắt chẳng nói Tu-bồ-đề là người ưa hạnh A-lan-na. Do Tu-bồ-đề thật không có sở hành nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na.

Gia Bảo
08-21-2017, 10:16 AM
ĐOẠN 9



NHẤT TƯỚNG VÔ TƯỚNG.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tu-đà-hoàn năng tác thị niệm ngã đắc Tu-đà-hoàn quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tu-đà-hoàn danh vi Nhập lưu nhi vô sở nhập, bất nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thị danh Tu-đà-hoàn.


DỊCH:

MỘT TƯỚNG KHÔNG TƯỚNG.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tu-đà-hoàn hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tu-đà-hoàn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Tu-đà-hoàn gọi là Nhập lưu mà không có chỗ nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn.




Kính các bác, đọc đoạn này con không hiểu gì hết.

Con xin được nghe các bác phân giải ạ !

Kính !

Ngọc Quế
08-22-2017, 10:36 AM
Kính các bác, đọc đoạn này con không hiểu gì hết.

Con xin được nghe các bác phân giải ạ !

Kính !

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tu-đà-hoàn năng tác thị niệm ngã đắc Tu-đà-hoàn quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tu-đà-hoàn danh vi Nhập lưu nhi vô sở nhập, bất nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thị danh Tu-đà-hoàn.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tu-đà-hoàn hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tu-đà-hoàn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Tu-đà-hoàn gọi là Nhập lưu mà không có chỗ nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn.

Kính chào quý Phật tử, chào Gia Bảo !

Chắc quý Phật tử còn nhớ câu chuyện này:

Khi Tổ Đạt Ma hỏi Ngài Thần Quang "Ông muốn cầu gì ?"
Ngài Thần Quang nói "Bạch Thầy ! Tâm con không an."
Tổ nói "Không an chỗ nào ? Ông hãy đem nó ra đây, ta AN cho."
Sau vài phút, Ngài Thần Quang trả lời "Dạ, bạch Thầy ! Con tìm không thấy"
Tổ nói "Vậy là ta đã an cho ông rồi đó !"
Ngài Thần Quang hụt hẫng, "lọt vào Không" trong tích tắc.

Trường hợp này có thể gọi là Nhập Lưu đó. Nhập Lưu là nhập vào dòng Thánh kể từ đây Thần Quang không còn là Thần Quang nữa mà là Huệ Khả. "Lọt vào cái chỗ trống không" không có gì cả nên gọi là "Nhập lưu mà không có chỗ nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn"

Đối với "hành trình học Phật" thì cái tích tắc "không thấy gì" là trải nghiệm tuyệt vời mà cả đời hành giả có khi không gặp được. Đây là "cửa ải đầu tiên" trong Phật pháp mà hành giả đã lọt qua; nên gọi là Sơ quả Nhập Lưu (Tu Đà Hoàn).

Mến !

Tuấn Kiệt
08-22-2017, 11:58 AM
Kính các bác !

Con chưa hiểu gì là Nhất vãng lai và gì là Bất lai ?

Kính !

nguoidien
08-22-2017, 03:22 PM
Kính các bác !

Con chưa hiểu gì là Nhất vãng lai và gì là Bất lai ?

Kính !

Hic...hic....! Nhất vãng lai nghĩa là một lần trở lại. Ví dụ như ông kia nghiện rượu hứa với vợ : "sẽ không bao giờ uống rượu nữa", một hôm vợ bắt gặp, ông nói rằng "anh chỉ uống một chung nhỏ mà thôi! ", quả thật mỗi lần anh ta chỉ uống một chung nhỏ, xong rồi lại chuẩn bị một chung nhỏ khác. Nghĩa là thói hư tật xấu của người ấy có bớt, nhưng trong một thời điểm tật xấu ấy chỉ trở lại có một lần, nên gọi là Nhất vãng lai (đến thời điểm khác thì trở lại một lần nữa, cứ again như vậy.)

Còn Bất lai là những thói hư tật xấu bị "đóng thùng" gửi máy bay đem thả ở Bắc cực, như thế nó sẽ không trở về được nữa.

honglien
08-22-2017, 05:17 PM
Hic...hic....! Nhất vãng lai nghĩa là một lần trở lại. Ví dụ như ông kia nghiện rượu hứa với vợ : "sẽ không bao giờ uống rượu nữa", một hôm vợ bắt gặp, ông nói rằng "anh chỉ uống một chung nhỏ mà thôi! ", quả thật mỗi lần anh ta chỉ uống một chung nhỏ, xong rồi lại chuẩn bị một chung nhỏ khác. Nghĩa là thói hư tật xấu của người ấy có bớt, nhưng trong một thời điểm tật xấu ấy chỉ trở lại có một lần, nên gọi là Nhất vãng lai (đến thời điểm khác thì trở lại một lần nữa, cứ again như vậy.)

Còn Bất lai là những thói hư tật xấu bị "đóng thùng" gửi máy bay đem thả ở Bắc cực, như thế nó sẽ không trở về được nữa.

Dạ Kính bác nguoidien ! Con tra trên Wikipedia :

1. Nhị quả Tư-đà-hàm : Nhất vãng lai còn gọi là Nhất lai, nghĩa là còn trở lại một lần nữa. Quả vị này hiện hữu nơi người đã phá xong ba kiết sử trên và tiếp tục làm mỏng nhạt tham và sân. Người chứng Nhị quả chưa phải là người đã phá trừ hết hai kiết sử Tham và Sân, chỉ là bớt đi Tham và Sân, đủ để ta không bao giờ nhìn thấy vị ấy khởi tham lam và sân hận. Còn Tham và Sân vi tế, tiềm tàng thì khi diệt sạch sẽ đắc Tam quả.

Phật cũng ấn chứng cho người chứng được Nhị quả Tư-đà-hàm sẽ chỉ còn một lần tái sinh lại cõi đời này và chứng A-la-hán.

2. Tam quả A-na-hàm còn gọi là Bất lai, nghĩa là Không trở lại nữa, xuất hiện nơi vị đã diệt sạch hai kiết sử Tham và Sân.

Nhân duyên làm chúng ta cứ bị liên lụy với cõi đời này chính là do tham lam, tham dục, hận thù, ganh ghét. Hết hai kiết sử Tham và Sân rồi thì nhân duyên với thế gian này cũng hết. Do vậy, một vị chứng A-na-hàm thì không còn bị tái sinh về cõi này nữa, sẽ hóa sinh giữa cõi trời Sắc cứu kính, sau một thời gian không nhất định, sẽ chứng Niết bàn tại đây.

Chúng ta cũng không nghe nói là phải chứng được mức thiền nào thì chứng A-na-hàm, chỉ theo lời Phật dạy để biết rằng ai có thể diệt trừ năm kiết sử từ Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham và Sân thì đạt được đệ Tam Thánh quả.

https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%A9_th%C3%A1nh_qu%E1%BA%A3

Con thấy hơi khác với "định nghĩa" của bác.

Kính !

Ngọc Quế
08-23-2017, 10:10 AM
ĐOẠN 9

ÂM:

NHẤT TƯỚNG VÔ TƯỚNG.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tu-đà-hoàn năng tác thị niệm ngã đắc Tu-đà-hoàn quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tu-đà-hoàn danh vi Nhập lưu nhi vô sở nhập, bất nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thị danh Tu-đà-hoàn.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tư-đà-hàm năng tác thị niệm: Ngã đắc Tư-đà-hàm quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tư-đà-hàm danh Nhất vãng lai nhi thật vô vãng lai, thị danh Tư-đà-hàm.

-Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? A-na-hàm năng tác thị niệm: Ngã đắc A-na-hàm quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? A-na-hàm danh vi Bất lai, nhi thật vô bất lai, thị cố danh A-na-hàm.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? A-la-hán năng tác thị niệm: Ngã đắc A-la-hán đạo phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thật vô hữu pháp danh A-la-hán. Thế Tôn! Nhược A-la-hán tác thị niệm: Ngã đắc A-la-hán đạo, tức vi trước ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Thế Tôn! Phật thuyết ngã đắc Vô tránh tam-muội, nhân trung tối vi đệ nhất, thị đệ nhất ly dục A-la-hán. Thế Tôn! Ngã bất tác thị niệm: Ngã thị ly dục A-la-hán. Thế Tôn! Ngã nhược tác thị niệm: Ngã đắc A-la-hán đạo, Thế Tôn tắc bất thuyết Tu-bồ-đề thị nhạo A-lan-na hạnh giả. Dĩ Tu-bồ-đề thật vô sở hành, nhi danh Tu-bồ-đề thị nhạo A-lan-na hạnh.

DỊCH:

MỘT TƯỚNG KHÔNG TƯỚNG.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tu-đà-hoàn hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tu-đà-hoàn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Tu-đà-hoàn gọi là Nhập lưu mà không có chỗ nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tư-đà-hàm hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tư-đà-hàm chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Vì Tư-đà-hàm tên là Nhất vãng lai mà thật không có vãng lai, ấy gọi là Tư-đà-hàm.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-na-hàm hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả A-na-hàm chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? A-na-hàm tên là Bất lai mà thật không có bất lai, thế nên tên A-na-hàm.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-la-hán hay khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Thật không có pháp tên là A-la-hán. Bạch Thế Tôn nếu A-la-hán khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán tức là còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Bạch Thế Tôn! Phật nói con được Vô tránh tam-muội là bậc đệ nhất trong số người đó, là A-la-hán ly dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn! Con không khởi nghĩ con là ly dục A-la-hán. Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ: Con được đạo A-la-hán, Thế Tôn ắt chẳng nói Tu-bồ-đề là người ưa hạnh A-lan-na. Do Tu-bồ-đề thật không có sở hành nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na.




Kính quý Thiện tri thức ! kính các bạn trẻ !

Kinh Kim Cang này từ đầu đến cuối, chỉ nhằm dạy cho ta biết về TÁNH KHÔNG của muôn sự vật trong cõi mộng mơ này.

Trước đó vì độ hàng sơ cơ, đức Phật đã PHƯƠNG TIỆN bày ra nhiều Pháp môn, Giáo lý. Chúng đệ tử làm theo đã dừng đứng Ác nghiệp, tăng trưởng Thiện nghiệp, lần từng bước thực chứng KHÔNG CÓ TA, chính Phật đặt tên cho Tỳ kheo A _ vị đã nhất thời thoáng thấy MẤT TA _ là Tu Đà Hoàn. Rồi có những vị THẤY RÕ HƠN, Phật đặt tên cho trình độ thâm nhập Chân lý ấy là Tư Đà Hàm. Lại có những vị tiến bộ hơn nữa, Phật gọi là A Na Hàm. Những đệ tử siêu xuất THỰC CHỨNG BẢN THỂ TÂM, thì Phật định danh là A La Hán.

Kinh Kim Cang này, vạch rõ, nhấn mạnh là TẤT CẢ CHỈ LÀ GIẢ DANH, chỉ có giá trị tương đối trong cõi Mê này, điều mà các vị Thinh Văn chứng chỉ là THẤY KHÔNG CÓ TA, cho nên có thể nói là CHẲNG CÓ CHỨNG gì !

Gì là Nhất vãng lai ? Gì là Bất lai ? Như nguoidien nói cũng không hẵn là sai.

Kính !

tâm trì
08-24-2017, 05:04 PM
ĐOẠN 10

ÂM:

TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.

Phật cáo Tu-bồ-đề: Ư ý vân hà? Như Lai tích tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp hữu sở đắc phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như Lai tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc.

- Tu-bồ-đề ! ư ý vân hà? Bồ-tát trang nghiêm Phật độ phủ?

- Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm.

- Thị cố Tu-bồ-đề ! chư Bồ-tát Ma-ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Tu-bồ-đề ! thí như hữu nhân, thân như Tu-di sơn vương, ư ý vân hà? Thị thân vi đại phủ ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đại, Thế Tôn! Hà dĩ cố ? Phật thuyết phi thân, thị danh đại thân.

DỊCH:

TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.

Phật hỏi Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Như Lai thuở xưa ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp có sở đắc chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp thật không có sở đắc.

- Tu-bồ-đề ! ý ông nghĩ sao? Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.

- Thế nên Tu-bồ-đề ! các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia. Tu-bồ-đề, ví như có người thân to như núi chúa Tu-di (Sumeru), ý ông nghĩ sao? Thân ấy là lớn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Rất lớn, bạch Thế Tôn! Vì cớ sao? Phật nói chẳng phải thân, ấy gọi là thân lớn.

Thanh Mai
08-25-2017, 09:00 AM
Kính các bác !

Chúng con như người miền núi, chỉ thấy rừng cây rậm rạp và suối nhỏ, nay đọc đoạn Kinh này, chúng con choáng ngợp như được nhìn thấy biển rộng bao la không bến bờ.

Chỉ cảm thấy choáng ngợp; hiểu, thì không hiểu gì; muốn hỏi cũng không biết mở lời làm sao. Kính xin các bác giải thích cho chúng con rõ hơn.

Kính !

Gia Bảo
08-25-2017, 09:40 AM
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-la-hán hay khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Thật không có pháp tên là A-la-hán. Bạch Thế Tôn nếu A-la-hán khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán tức là còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Bạch Thế Tôn! Phật nói con được Vô tránh tam-muội là bậc đệ nhất trong số người đó, là A-la-hán ly dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn! Con không khởi nghĩ con là ly dục A-la-hán. Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ: Con được đạo A-la-hán, Thế Tôn ắt chẳng nói Tu-bồ-đề là người ưa hạnh A-lan-na. Do Tu-bồ-đề thật không có sở hành nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na.


Kính các bác ! Con tối dạ không hiểu :"không có pháp tên là A-la-hán". Vậy chư vị A La Hán thật không có chứng đắc gì hết sao ? Cũng đồng như gỗ đá chăng ?

Kính !

homeless
08-25-2017, 03:45 PM
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-la-hán hay khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Thật không có pháp tên là A-la-hán. Bạch Thế Tôn nếu A-la-hán khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán tức là còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Bạch Thế Tôn! Phật nói con được Vô tránh tam-muội là bậc đệ nhất trong số người đó, là A-la-hán ly dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn! Con không khởi nghĩ con là ly dục A-la-hán. Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ: Con được đạo A-la-hán, Thế Tôn ắt chẳng nói Tu-bồ-đề là người ưa hạnh A-lan-na. Do Tu-bồ-đề thật không có sở hành nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na.


Kính các bác ! Con tối dạ không hiểu :"không có pháp tên là A-la-hán". Vậy chư vị A La Hán thật không có chứng đắc gì hết sao ? Cũng đồng như gỗ đá chăng ?

Kính !

Hừm !

Gia bảo này ! Cái thằng người gỗ (mà con dùng làm ảnh đại diện) liệu có thể chứng đắc gì không ?

nguoidien
08-25-2017, 03:52 PM
Hừm !

Gia bảo này ! Cái thằng người gỗ (mà con dùng làm ảnh đại diện) liệu có thể chứng đắc gì không ?



Eo ôi ! Cái hình tượng gỗ không hoàn chỉnh ấy thì có thể "đi theo bà hỏa" để đun sôi một tách "cà phê", chứ sao lại không ?!

híc híc !

tâm trì
08-25-2017, 06:34 PM
trong đoạn này thấy khó hiểu nên tt xin chép nguyên bài giảng của thầy Thanh từ để quý vị tham khảo:
GIẢNG:

Trong đoạn này trước tiên đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề: Thuở xưa, ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đức Phật có pháp để được chăng? Nếu chúng ta đọc tiền thân Phật thì thấy trong đó Phật kể thuở xưa khi Ngài còn tu Bồ-tát hạnh nơi đức Phật Nhiên Đăng (Dipamkara-buddha), do Ngài cúng dường, bố thí nên được đức Phật Nhiên Đăng thọ ký sau sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni (Sàkyamuni). Như vậy ở nơi đức Phật Nhiên Đăng, đức Phật Thích-ca đã được thọ ký thành Phật. Nhưng ngài Tu-bồ-đề thưa: Không, ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đức Phật thật không có pháp để được. Quí vị thấy như là phủ nhận việc đức Phật đã nói trước kia, phải không? Nhưng không phải. Như đoạn trước nói nếu A-la-hán thấy được đạo A-la-hán là còn tướng ngã, tướng nhân v.v. Như vậy nếu Phật còn thấy có pháp để được thì cũng còn tướng ngã, tướng nhân. mà còn tướng ngã, tướng nhân thì làm sao được thọ ký thành Phật? Thế nên ngài Tu-bồ-đề xác định rằng đức Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng thật không có pháp để được.

Tiếp theo đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, Bồ-tát có trang nghiêm cõi Phật không? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Không. Vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật, tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm. Tại sao không phải trang nghiêm ấy gọi là trang nghiêm? Thường trong các kinh Đại thừa hay nói rằng: Người tu Bồ-tát hạnh nên trang nghiêm cõi Phật hay là trang nghiêm Tịnh độ. Muốn trang nghiêm Tịnh độ thì cõi đó ở đâu và chúng ta làm sao trang nghiêm? Về công hạnh đó, trong kinh nói: Mỗi đức Phật đều có hạnh nguyện. Ví dụ đức Phật Di-đà (Amita) có hạnh nguyện Di-đà, đức Phật Thích-ca có hạnh nguyện Thích-ca, hạnh nguyện đó gọi là để trang nghiêm cõi Phật. Vị nào nguyện làm hạnh nhẫn nhục viên mãn thì khi tu hạnh nhẫn nhục trong thế gian này là tạo nhân trang nghiêm cõi Phật của vị ấy, hoặc tu hạnh bố thíở cõi này, cũng là nhân trang nghiêm cõi Phật của vị ấy về sau. Thế nên những hạnh đó được viên mãn thì cõi Phật trang nghiêm đẹp đẽ phi thường. Chúng ta tu cái nhân ở đây tốt đẹp bao nhiêu thì cõi Phật của mình cũng sang cả tốt đẹp bấy nhiêu. Vậy ngay hiện tại chúng ta hành những hạnh hợp đạo lý, đó là chúng ta trang nghiêm cõi Phật. Chúng ta thử lấy ví dụtrong thế gian: Như có người dự trù năm năm nữa sẽ cất một cái nhà đẹp. Khi họ dự định như thế thì từ đó về sau họ phải tích lũy tiền, dự trữ sắt, đá v.v. Họ chuẩn bị những vật liệu tốt đầy đủ cho đến ngày xây nhà, đến lúc ấy họ mới thực hiện được một cái nhà đẹp. Như vậy khi chúng ta chuẩn bị những vật liệu hoặc tiền bạc tức là chúng ta trang nghiêm cho cái nhà mai sau phải không? Trái lại nếu hiện tại chúng ta không dự trữ cái gì hết, đến khi muốn cất nhà đẹp thì có cất được không?

Trong Phật pháp cũng vậy, khi chư Phật thành Phật rồi, cõi nước các Ngài đầy đủ công đức vô lượng vô biên là vì khi tu Bồ-tát hạnh các Ngài đã hành những công hạnh, những phước đức để trang nghiêm cõi nước của các Ngài mai sau, đến khi thành Phật thì tất cả đều viên mãn. Như quí vị đọc kinh Di-đà thấy trong kinh diễn tả nơi cõi Cực lạc, cái gì cũng sung mãn, cái gì cũng tốt đẹp, đó là do khi tu hạnh Bồ-tát, đức Di-đà đã nguyện như thế; cho nên mỗi công hạnh của Ngài đều hướng về cõi nước của Ngài sau này, đế�n khi viên mãn công hạnh thì được cõi nước trang nghiêm. Đức Phật muốn khi thành Phật được cõi nước trang nghiêm thì hiện tại Ngài cũng tập những công hạnh như thế. Vậy Bồ-tát có trang nghiêm cõi Phật không? Những công hạnh lục độ là trang nghiêm chớ gì? Song ở đây ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn không, vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm. Bởi vì tất cả công hạnh của mình đều là tướng hữu vi, mà tướng hữu vi là tướng duyên hợp; đã là tướng duyên hợp thì đâu phải là cố định, là chân thật nên không phải là trang nghiêm, nhưng theo thế tục gọi đó là trang nghiêm. Trên bản chất không phải là trang nghiêm vì là tướng duyên hợp, nhưng trên giả danh đó là trang nghiêm. Nếu thấy có trang nghiêm tức là chấp hành động đó thật, tức phi trí tuệ Bát-nhã. Không có trí tuệ Bát-nhã sao được gọi là Bồ-tát? Vì vậy chúng ta phải thấy rõ thâm ý của từng lời kinh, nói trang nghiêm tức không phải trang nghiêm, nếu chúng ta thấy thật có trang nghiêm thì cõi Phật của mình là cõi giả dối rồi!

Tiếp đến đức Phật liền nhắc lại một ý, tôi gọi là điệp khúc, tức là nhắc lại ý khi Ngài giảng về nghĩa an trụ tâm ở đoạn trước: An trụ tâm là không nên trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đức Phật bảo: Các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh. Như thế là sao? Chẳng nên trụ nơi sắc, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia, tức là đừng kẹt vào sáu trần, đó mới thật là trang nghiêm cõi Phật, mới thật là cứu kính của hàng Bồ-tát. Nếu vừa khởi niệm mình làm việc này là trang nghiêm cõi Phật, mình làm việc kia để dành mai sau chẳng hạn thì còn trụ vào sắc, thanh, hương v.v., tức là chưa phải trang nghiêm cõi Phật, chưa phải là Bồ-tát. Thế nên câu không nên kẹt nơi sắc,không kẹt nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên không chỗ kẹt mà sanh tâm kia, tức là không có chỗ trụ mới đúng là cái tâm thanh tịnh chân thật, bất sanh bất diệt.

Phật dạy tiếp: Này Tu-bồ-đề, như có người thân như núi chúa Tu-di, thân ấy lớn chăng? Quí vị thấy chỉ cần nói về kích thước của một cây cột hay là của một vật gì tương đối hơi lớn như cái nhà chẳng hạn thì thân mình có bằng một cây cột không? Chưa bằng. Thân mình có bằng cái nhà không? Cũng không bằng. Thường trong kinh nói núi Tu-di là ngọn núi lớn nhất có bốn châu thiên hạ ở chung quanh như Nam Thiệm bộ châu (Jambudvipa) - chỗ chúng ta ở - Bắc Câu Lô châu (Uttara-kuru) v.v. Vậy núi Tu-di khoảng bao lớn? Có người thân lớn bằng núi chúa Tu-di chớ không phải núi Tu-di thường. Giả sử có người thân bằng Núi Lớn Vũng Tàu này thì quí vị tưởng tượng người đó như thế nào? Họ nặng nề, họ đi tới đâu thì chết thiên hạ tới đó, không có đường sá nào họ đi được phải không? Nếu bằng núi chúa Tu di thì quá sức to không thể tưởng tượng. Khi Phật hỏi: Ý ông nghĩ sao, thân đó lớn chăng, ngài Tu-bồ-đề liền thưa: Bạch Thế Tôn rất lớn. Khi nói rất lớn rồi Ngài liền chuyển trở lại: Phật nói không phải thân, ấy mới gọi là thân lớn. Tại sao? Bởi vì nói thân lớn thì e chúng ta tưởng lầm tướng lớn tướng nhỏ là thật, thế nên Ngài liền nói "Không phải thân, ấy gọi là thân lớn". Không phải thân nghĩa là thân đó là tướng duyên hợp không thật, do nhiều duyên, nhiều yếu tố hợp thành thì nói là lớn, chớ sự thật nó không thật có, nếu chúng ta thấy có thân thật thì nó không phải lớn. Điều đó để cho chúng ta thấy rằng tất cả những tướng ở thế gian dù tướng thân to lớn cũng là tướng duyên hợp hư giả, mà đã là duyên hợp thì không phải thật lớn, chẳng qua nói lớn nói nhỏ là tùy theo giả danh mà nói thôi.

Gia Bảo
08-26-2017, 08:25 AM
Hừm !

Gia bảo này ! Cái thằng người gỗ (mà con dùng làm ảnh đại diện) liệu có thể chứng đắc gì không ?



Dạ, Cám ơn bác homeless và bác nguoidien !

Cái ảnh đại diện không phải là con _ con là người thật _ cũng như các Phật tử khác; những con người thật liệu có thể chứng đắc A La Hán quả hay không ?

Kính !

nguoidien
08-26-2017, 09:52 AM
Dạ, Cám ơn bác homeless và bác nguoidien !

Cái ảnh đại diện không phải là con _ con là người thật _ cũng như các Phật tử khác; những con người thật liệu có thể chứng đắc A La Hán quả hay không ?

Kính !

Hĩ....hix !

"con là người thật"! , người gỗ đốt dễ cháy, người thật vô lò thiêu cũng không còn. Vậy thật chỗ nào ? Chỗ tro tàn ấy chăng ? Hay là làn khói đen và một ít bụi ?

Hu.....hu....!

Gia Bảo
08-26-2017, 10:57 AM
Hĩ....hix !

"con là người thật"! , người gỗ đốt dễ cháy, người thật vô lò thiêu cũng không còn. Vậy thật chỗ nào ? Chỗ tro tàn ấy chăng ? Hay là làn khói đen và một ít bụi ?

Hu.....hu....!

Dạ, "Thác là thể xác, còn là tinh anh !" Thân xác con có thể cháy, nhưng tâm hồn con, thần thức của con thì vẫn còn _ đồng nghĩa là THẬT CÓ.

Kính !

colaihi
08-26-2017, 05:04 PM
Dạ, "Thác là thể xác, còn là tinh anh !" Thân xác con có thể cháy, nhưng tâm hồn con, thần thức của con thì vẫn còn _ đồng nghĩa là THẬT CÓ.

Kính !

Chào Gia Bảo ! Cái "tinh anh" của Gia Bảo có thể trở thành Thần Tiên không ? Có chứ gì !
Cái "tinh anh" của Gia Bảo có thể trở thành Ma Quỷ không ? Có chứ gì !
Như vậy NÓ đâu đã thật có ! Nếu thật là Ma Quỷ thì không thể trở thành Thần Tiên. Nếu thật là Thần Tiên thì không thể trở thành Ma Quỷ. Nó thay đổi được bởi nó do duyên mà có, một cái có theo duyên mà thay đổi thì nó đâu có thật.

Quả vị A La Hán là gì ? Là vị đã không còn lầm "cái tinh anh" là Mình nữa. Có thể nói chỉ là rủ bỏ được "cái tinh anh" mà thôi, chứ đâu có "nạm vàng nạm bạc" cho "cái tinh anh" mà gọi là chứng đắc. Đạo Phật khác với Thần Tiên Ngoại đạo ở điểm này.

Con trai suy nghĩ lại đi, nếu còn quan điểm như vầy thì rất dễ bị sa vào Ngoại Đạo.

Mến !

phuctoan
08-27-2017, 11:14 AM
ĐOẠN 10

ÂM:

TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.

Phật cáo Tu-bồ-đề: Ư ý vân hà? Như Lai tích tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp hữu sở đắc phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như Lai tại Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc.



DỊCH:

TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.

Phật hỏi Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Như Lai thuở xưa ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp có sở đắc chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp thật không có sở đắc.





Dạ, kính các bác !

Có phải câu này muốn nói : "Hồi xưa ở nơi Phật Nhiên Đăng, Phật Thích Ca chưa có sở đắc, bây giờ ở cõi Ta Bà này, Phật Thích Ca mới có sở đắc, thành chánh quả" ?

Kính !

homeless
08-27-2017, 02:08 PM
Dạ, kính các bác !

Có phải câu này muốn nói : "Hồi xưa ở nơi Phật Nhiên Đăng, Phật Thích Ca chưa có sở đắc, bây giờ ở cõi Ta Bà này, Phật Thích Ca mới có sở đắc, thành chánh quả" ?

Kính !

Cái này Thầy Thanh Từ có giải thích rồi, tuy nhiên Thầy nói dài dòng quá nên phuctoan không nắm được ý chính.

Với Kinh Kim Cang này Phật phá CHẤP NGÃ và CHẤP PHÁP, chỉ cho ta cái CHÂN THẬT TƯỚNG là tất cả các pháp _ dù là pháp thế gian hay xuất thế gian _ cũng vốn là KHÔNG mà ta lầm thấy là CÓ.

Nói "Như Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng(1), đối với pháp thật không có sở đắc.(2)" Vế đầu không quan trọng, mà quan trọng ở vế thứ (2).

Thật nghĩa của Phật pháp là "dù ở đâu, dù thời nào; không có pháp (môn) hữu vi nào là THẬT" Cho nên thời Phật Nhiên Đăng cũng GIẢ CÓ PHÁP MÔN, Pháp Môn Giả Có thì đắc cái gì ? Mà bất luận hiện tại hay vị lai cũng thế, NHƯ LAI CHẲNG CÓ SỞ ĐẮC PHÁP NÀO CẢ !

Bởi Như Lai là tất cả, mà không là gì cả !

Gia Bảo
08-28-2017, 11:09 AM
Cái này Thầy Thanh Từ có giải thích rồi, tuy nhiên Thầy nói dài dòng quá nên phuctoan không nắm được ý chính.

Với Kinh Kim Cang này Phật phá CHẤP NGÃ và CHẤP PHÁP, chỉ cho ta cái CHÂN THẬT TƯỚNG là tất cả các pháp _ dù là pháp thế gian hay xuất thế gian _ cũng vốn là KHÔNG mà ta lầm thấy là CÓ.

Nói "Như Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng(1), đối với pháp thật không có sở đắc.(2)" Vế đầu không quan trọng, mà quan trọng ở vế thứ (2).

Thật nghĩa của Phật pháp là "dù ở đâu, dù thời nào; không có pháp (môn) hữu vi nào là THẬT" Cho nên thời Phật Nhiên Đăng cũng GIẢ CÓ PHÁP MÔN, Pháp Môn Giả Có thì đắc cái gì ? Mà bất luận hiện tại hay vị lai cũng thế, NHƯ LAI CHẲNG CÓ SỞ ĐẮC PHÁP NÀO CẢ !

Bởi Như Lai là tất cả, mà không là gì cả !



Dạ kính bác homeless !

Dạ, lịch sử có ghi lại rằng Sa môn Cồ Đàm sau một thời gian tự tu đã đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có đủ Tam Minh Lục Thông. Dạ, rõ ràng trước khi thành Phật dưới cội Bồ Đề, thì Sa Môn Cồ Đàm không có gì hết (ngoài một chiếc bác đựng thức ăn).

Sao lại nói không có sở đắc pháp nào?

Kính !

homeless
08-28-2017, 06:18 PM
Dạ kính bác homeless !

Dạ, lịch sử có ghi lại rằng Sa môn Cồ Đàm sau một thời gian tự tu đã đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có đủ Tam Minh Lục Thông. Dạ, rõ ràng trước khi thành Phật dưới cội Bồ Đề, thì Sa Môn Cồ Đàm không có gì hết (ngoài một chiếc bác đựng thức ăn).

Sao lại nói không có sở đắc pháp nào?

Kính !

Chào Gia Bảo ! Đó là con nói theo Kinh Tạng Pa Li (Thượng Tọa Bộ), hầu hết chỉ là Giáo Lý Cấp 1.

Kinh Kim Cang này là Giáo lý Cấp 2, Giáo Lý Cấp 2 là Giáo Lý nâng cao, nâng cao thì khó hiểu hơn Giáo lý cấp 1, có nhiều điều phản bác lại Giáo Lý cấp 1. Vì sao thế ? Vì lúc này trình độ của Chư Trưởng lão Tu Bồ Đề, Xá Lợi Phất đã đủ để có thể học hiểu Giáo Lý Cấp 2.

Gia Bảo chú ý ! Chư Tổ xưa đã xếp Kinh Kim Cang vào Bát Nhã Tạng, với Bát Nhã Tạng này thì từ NHƯ LAI có nghĩa là Bản Thể Chân Như, chứ không phải nói Phật Thích Ca nữa. Phật Thích Ca (hay Sa môn Cồ Đàm, hay Thái tử Sĩ Đạt Ta) chỉ là cái BÓNG của Như Lai hiện trong vô minh.

Cái BÓNG ấy có hào quang, có thần thông gì là chuyện của NÓ, chứ "NHƯ LAI CHẲNG CÓ SỞ ĐẮC PHÁP NÀO CẢ !" Đây là câu nói thật lòng.

Lời NÓI THẬT thì rất quý giá, cho nên mới nói Công đức tin nhận thọ trì Kinh Kim Cang vô cùng lớn, vô cùng lớn vì là "động cơ chính" để giúp hành giả đi đến Toàn Giác (mặc dầu Toàn Giác rồi thì thấy KHÔNG ĐI KHÔNG ĐẾN).

Mến !

Phúc Hạnh
08-29-2017, 09:54 PM
ĐOẠN 10

ÂM:

TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.
- Tu-bồ-đề ! ư ý vân hà? Bồ-tát trang nghiêm Phật độ phủ?

- Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm.


DỊCH:

TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.


- Tu-bồ-đề ! ý ông nghĩ sao? Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.



Dạ, các bác cho con hỏi.

1. Sao gọi là "Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật" ? Phải chăng là treo đèn kết hoa, .............? Hay là làm những Phật sự gì khác ?
2. Sao gọi là "Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm" ?

Kính !

Ngọc Quế
08-30-2017, 04:32 PM
Dạ, các bác cho con hỏi.

1. Sao gọi là "Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật" ? Phải chăng là treo đèn kết hoa, .............? Hay là làm những Phật sự gì khác ?
2. Sao gọi là "Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm" ?

Kính !



Chào Phúc Hạnh ! Những cái này Thầy Thanh Từ cũng có nói rồi !

1. Chúng ta thường nghĩ phải làm tất cả mọi việc mà chúng ta cho là Phật sự, từ việc lau dọn bàn thờ Phật, quét lá sân chùa, đến những việc lớn như thuyết pháp giảng Kinh, rồi đến việc lớn hơn nữa là hy sinh thân mạng để bảo vệ Phật pháp. Tất cả những việc làm ấy dù có phát nguyện hồi hướng hay không, chúng ta cũng nghĩ là "Trang Nghiêm Cõi Phật". Tức là tích cóp những viên đá lót đường vào cõi Phật, hoặc là làm cho cõi Phật tương lai của ta sẽ tốt đẹp như những vị Phật khác.

2. Tất cả những việc làm hữu vi ấy dù có rõ rệt phát sinh từ tư tưởng lo cho mình ở kiếp lai sinh, hay ẫn sâu dưới mặt nạ vì đạo pháp, vì chúng sinh; mà ta tưởng là "Trang Nghiêm Cõi Phật" ấy đều là Phi trang nghiêm cả !

Chúng ta lầm tưởng rằng cõi Phật còn thiếu sót gì chăng ? Còn cần chúng ta làm thêm gì chăng ?

CÕI PHẬT KHÔNG CẦN CHÚNG TA TRANG NGHIÊM THÊM CÁI GÌ NỮA, nhưng chúng ta vẫn làm Phật sự một cách không mong cầu vì biết rằng Phật Quốc đã sẵn đủ. Nếu ai biết rõ Phật Quốc đã sẵn đủ, thì dù quét một lá đa cũng đồng nghĩa quét sạch phiền não của Tam Thiên Đại thiên Thế giới. ĐÂY MỚI THỰC LÀ TRANG NGHIÊM !

Mến !

tâm trì
08-30-2017, 07:47 PM
ĐOẠN 11

ÂM:

VÔ VI PHƯỚC THẮNG.

Tu-bồ-đề, như Hằng hà trung sở hữu sa số, như thị sa đẳng Hằng hà. Ư ý vân hà? Thị chư Hằng hà sa, ninh vi đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Đản chư Hằng hà, thượng đa vô số, hà huống kỳ sa.

- Tu-bồ-đề, ngã kim thật ngôn cáo nhữ, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, dĩ thất bảo mãn nhĩ sở Hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, dĩ dụng bố thí, đắc phước đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Phật cáo Tu-bồ-đề: Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân ư thử Kinh trung, nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, nhi thử phước đức thắng tiền phước đức.

DỊCH:

PHƯỚC VÔ VI LÀ HƠN HẾT.

Này Tu-bồ-đề, như trong sông Hằng có bao nhiêu số cát, số sông Hằng bằng số cát như thế, ý ông nghĩ sao? Số cát của các sông Hằng ấy thật là nhiều chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Chỉ các sông Hằng còn nhiều vô số, huống là số cát kia.

- Này Tu-bồ-đề, nay ta bảo thật với ông, nếu có người thiện nam, thiện nữ đem bảy báu đầy dẫy tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát những sông Hằng kia ra bố thí thì được phước nhiều chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu người thiện nam thiện nữ, đối trong Kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v. vì người khác giảng nói, phước đức này nhiều hơn phước đức trước.

Gia Bảo
08-31-2017, 10:44 AM
ĐOẠN 11

ÂM:

VÔ VI PHƯỚC THẮNG.


DỊCH:

PHƯỚC VÔ VI LÀ HƠN HẾT.




Kính các bác !
Đoạn này theo con là rất rõ ràng rồi, con không có gì để hỏi.

Tuy nhiên cái tiêu đề (không biết do vị nào đặt thêm) "VÔ VI PHƯỚC THẮNG" (PHƯỚC VÔ VI LÀ HƠN HẾT). đã làm con bối rối. Không biết PHƯỚC VÔ VI là phước ra làm sao ?

Tụng Kinh được PHƯỚC đã đành, thọ trì hiểu nghĩa Kinh cũng là PHƯỚC sao ?

Kính !

colaihi
08-31-2017, 04:08 PM
Kính các bác !
Đoạn này theo con là rất rõ ràng rồi, con không có gì để hỏi.

Tuy nhiên cái tiêu đề (không biết do vị nào đặt thêm) "VÔ VI PHƯỚC THẮNG" (PHƯỚC VÔ VI LÀ HƠN HẾT). đã làm con bối rối. Không biết PHƯỚC VÔ VI là phước ra làm sao ?

Tụng Kinh được PHƯỚC đã đành, thọ trì hiểu nghĩa Kinh cũng là PHƯỚC sao ?

Kính !

Chào con trai !

Ở bài trên bác homeless có nói :

....cho nên mới nói Công đức tin nhận thọ trì Kinh Kim Cang vô cùng lớn, vô cùng lớn vì là "động cơ chính" để giúp hành giả đi đến Toàn Giác (mặc dầu Toàn Giác rồi thì thấy KHÔNG ĐI KHÔNG ĐẾN).

Vâng, cái chuyện thọ trì hiểu nghĩa Kinh thì được gọi là CÔNG ĐỨC.

CÔNG ĐỨC là gì ? CÔNG ĐỨC chả có biểu hiện gì, nhưng là vũ khí sắc bén để chiến thắng các Ma chướng, bào mòn Nghiệp chướng, giúp hành giả ngày càng gần hơn với TUỆ GIÁC. Chính Công Đức xé toạt màn Vô Minh, chứ phước đức chỉ đem lại quả báo trong Nhân Thiên mà thôi.

"PHƯỚC VÔ VI" là do Dịch giả thêm vào cho rõ nghĩa, ai dè đâu lại làm rối nghĩa hơn.

Mến !

tâm trì
08-31-2017, 08:17 PM
ĐOẠN 12

ÂM:

TÔN TRỌNG CHÁNH GIÁO.

Phục thứ Tu-bồ-đề! Tùy thuyết thị Kinh nãi chí tứ cú kệ đẳng, đương tri thử xứ, nhất thiết thế gian thiên nhân A-tu-la giai ưng cúng dường như Phật tháp miếu, hà huống hữu nhân tận năng thọ trì, độc tụng. Tu-bồ-đề! Đương tri thị nhân thành tựu tối thượng đệ nhất hy hữu chi pháp. Nhược thị Kinh điển sở tại chi xứ tức vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ tử.

DỊCH:

TÔN TRỌNG KINH ĐIỂN CHÂN CHÁNH.

Lại nữa này Tu-bồ-đề, tùy nơi nói Kinh này cho đến bốn câu kệ v.v. nên biết chỗ này, tất cả thế gian Trời, Người, A-tu-la đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật, huống nữa có người trọn hay thọ trì đọc tụng. Này Tu-bồ-đề, nên biết người ấy thành tựu pháp tối thượng đệ nhất hy hữu. Nếu Kinh này ở chỗ nào ắt là có Phật hoặc là những đệ tử lớn của Phật.

Gia Bảo
09-01-2017, 08:46 AM
ĐOẠN 12

ÂM:

TÔN TRỌNG CHÁNH GIÁO.

Phục thứ Tu-bồ-đề! Tùy thuyết thị Kinh nãi chí tứ cú kệ đẳng, đương tri thử xứ, nhất thiết thế gian thiên nhân A-tu-la giai ưng cúng dường như Phật tháp miếu, hà huống hữu nhân tận năng thọ trì, độc tụng. Tu-bồ-đề! Đương tri thị nhân thành tựu tối thượng đệ nhất hy hữu chi pháp. Nhược thị Kinh điển sở tại chi xứ tức vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ tử.

DỊCH:

TÔN TRỌNG KINH ĐIỂN CHÂN CHÁNH.

Lại nữa này Tu-bồ-đề, tùy nơi nói Kinh này cho đến bốn câu kệ v.v. nên biết chỗ này, tất cả thế gian Trời, Người, A-tu-la đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật, huống nữa có người trọn hay thọ trì đọc tụng. Này Tu-bồ-đề, nên biết người ấy thành tựu pháp tối thượng đệ nhất hy hữu. Nếu Kinh này ở chỗ nào ắt là có Phật hoặc là những đệ tử lớn của Phật.




Kính các bác !

Dạ, Đoạn này thì con không có thắc mắc gì, ngoại trừ con muốn biết về 4 câu kệ mà Thế Tôn tán thán đó, nhưng không biết bây giờ đã hỏi được chưa ?

Kính !

minh thức
09-01-2017, 09:55 AM
Kính các bác !

Dạ, Đoạn này thì con không có thắc mắc gì, ngoại trừ con muốn biết về 4 câu kệ mà Thế Tôn tán thán đó, nhưng không biết bây giờ đã hỏi được chưa ?

Kính !

Kính anh Gia Bảo !

Theo em, thì đó là 2 bài tứ cú kệ, mà chị Thanh Trúc đã đăng :

1.





Kinh Kim Cang ảnh hóa 71


若 以 色 見 我
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Nếu thấy Ta qua sắc tướng

以 音 聲 求 我
dĩ âm thanh cầu ngã
hoặc nghe Ta qua âm thanh, câu chữ

是 人 行 邪 道
Thị nhân hành tà đạo,
Người ấy còn tà kiến,

不 能 見 如 來
bất năng kiến Như Lai.
chưa thấy được Như Lai.



https://scontent.fsgn5-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/21149883_127930427838788_2862952104217058556_n.jpg ?oh=f96e5c6d23e2f622a057192c0e82d264&oe=5A2B996B



http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=23997&viewfull=1#post23997


2.





Kinh Kim Cang ảnh hóa 82


一 切 有 為 法 如 夢 幻 泡 影
  Nhất thiết hữu vi pháp Như mộng huyễn bào ảnh
 Tất cả pháp hữu vi Như mộng, huyễn, bọt, bóng

  如 露 亦 如 電 應 作 如 是 觀
 Như lộ, diệc như điện, ưng tác như thị quán.
 Như sương, cũng như chớp, nên thường quán như thế.

Hết thảy các pháp trần lao
Đều như bọt biển, khác nào mộng mơ,
Giọt sương lóng lánh đầu bờ,
Như tia chớp giật, như thơ hoạt hình.




https://scontent.fsgn5-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/21192638_128475867784244_6493485295238769391_n.jpg ?oh=9b554f43f19fabd20f4d5bd6f688d0a4&oe=5A17EDCD



http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=24042&viewfull=1#post24042

Kính góp lời !

muabuon
09-02-2017, 04:34 PM
ĐOẠN 13

ÂM:

NHƯ PHÁP THỌ TRÌ.

Nhĩ thời Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Đương hà danh thử Kinh, ngã đẳng vân hà phụng trì? Phật cáo Tu-bồ-đề: Thị Kinh danh vi Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật, dĩ thị danh tự nhữ đương phụng trì. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Phật thuyết Bát-nhã ba-la-mật tức phi Bát-nhã ba-la-mật, thị danh Bát-nhã ba-la-mật. Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu sở thuyết pháp phủ? Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Như Lai vô sở thuyết.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tam thiên đại thiên thế giới, sở hữu vi trần, thị vi đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn!

- Tu-bồ-đề! Chư vi trần, Như Lai thuyết phi vi trần thị danh vi trần. Như Lai thuyết thế giới phi thế giới thị danh thế giới. Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng kiến Như Lai phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Bất khả dĩ tam thập nhị tướng đắc kiến Như Lai. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng.

- Tu-bồ-đề, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, dĩ Hằng hà sa đẳng thân mạng bố thí, nhược phục hữu nhân ư thử Kinh trung nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, kỳ phước thậm đa.

DỊCH:

ĐÚNG PHÁP THỌ TRÌ.

Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thế nào là tên của Kinh này, chúng con làm sao phụng trì ? Phật bảo Tu-bồ-đề: Kinh này tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, do danh tự ấy ông nên phụng trì. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, Phật nói Bát-nhã ba-la-mật tức không phải Bát-nhã ba-la-mật, ấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nói pháp chăng? Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như Lai không có nói pháp.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu vi trần, ấy là nhiều chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

- Này Tu-bồ-đề, các vi trần Như Lai nói không phải vi trần, ấy gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới không phải thế giới ấy gọi là thế giới. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng?

- Bạch Thế Tôn không vậy! Không thể do ba mươi hai tướng được thấy Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai nói ba mươi hai tướng tức không phải ba mươi hai tướng ấy gọi là ba mươi hai tướng.

- Này Tu-bồ-đề nếu có người thiện nam, người thiện nữ đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí, hoặc lại có người ở trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v… vì người khác nói thì phước này rất là nhiều.

Tuấn Kiệt
09-03-2017, 08:39 AM
Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu sở thuyết pháp phủ? Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Như Lai vô sở thuyết.


DỊCH:

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nói pháp chăng? Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như Lai không có nói pháp.



Dạ, kính các bác ! Ý này hôm trước các bác có nói là : Không phải Phật hỏi "Như Lai có nói pháp chăng ?", mà là Phật hỏi "Như Lai có pháp để nói chăng ?". Con xin các bác xác nhận lại.

Kính !

homeless
09-04-2017, 08:11 AM
Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu sở thuyết pháp phủ? Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Như Lai vô sở thuyết.


DỊCH:

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nói pháp chăng? Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như Lai không có nói pháp.

Dạ, kính các bác ! Ý này hôm trước các bác có nói là : Không phải Phật hỏi "Như Lai có nói pháp chăng ?", mà là Phật hỏi "Như Lai có pháp để nói chăng ?". Con xin các bác xác nhận lại.

Kính !

Chào Tuấn Kiệt !

Trong bản Hán Việt có từ SỞ, câu "hữu sở thuyết pháp phủ?" nghĩa là "Có pháp để nói chăng ?". Dịch giả Giảng sư vì ngại chúng ta nghe nói KHÔNG PHÁP thì sẽ sinh hư hỏng, cho nên cố tình dịch sai Ý nghĩa lời Phật nói.

Trong Kinh Kim Cang này, Phật nhắc đi nhắc lại rằng PHẬT PHÁP CŨNG VỐN KHÔNG, nhưng Giảng sư giảng Kinh Phật mà run, cho nên sâu trong tâm chưa chấp nhận ý này, thì làm sao khiến cho hậu học "thâm nhập Kinh tạng" được.

Mến !

phuctoan
09-04-2017, 05:52 PM
ĐOẠN 13

ÂM:

NHƯ PHÁP THỌ TRÌ.

Nhĩ thời Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Đương hà danh thử Kinh, ngã đẳng vân hà phụng trì? Phật cáo Tu-bồ-đề: Thị Kinh danh vi Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật, dĩ thị danh tự nhữ đương phụng trì. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Phật thuyết Bát-nhã ba-la-mật tức phi Bát-nhã ba-la-mật, thị danh Bát-nhã ba-la-mật. Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu sở thuyết pháp phủ? Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Như Lai vô sở thuyết.

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tam thiên đại thiên thế giới, sở hữu vi trần, thị vi đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn!

- Tu-bồ-đề! Chư vi trần, Như Lai thuyết phi vi trần thị danh vi trần. Như Lai thuyết thế giới phi thế giới thị danh thế giới. Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng kiến Như Lai phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Bất khả dĩ tam thập nhị tướng đắc kiến Như Lai. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng.

- Tu-bồ-đề, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, dĩ Hằng hà sa đẳng thân mạng bố thí, nhược phục hữu nhân ư thử Kinh trung nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, kỳ phước thậm đa.

DỊCH:

ĐÚNG PHÁP THỌ TRÌ.

Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thế nào là tên của Kinh này, chúng con làm sao phụng trì ? Phật bảo Tu-bồ-đề: Kinh này tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, do danh tự ấy ông nên phụng trì. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, Phật nói Bát-nhã ba-la-mật tức không phải Bát-nhã ba-la-mật, ấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nói pháp chăng? Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như Lai không có nói pháp.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu vi trần, ấy là nhiều chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

- Này Tu-bồ-đề, các vi trần Như Lai nói không phải vi trần, ấy gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới không phải thế giới ấy gọi là thế giới. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng?

- Bạch Thế Tôn không vậy! Không thể do ba mươi hai tướng được thấy Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai nói ba mươi hai tướng tức không phải ba mươi hai tướng ấy gọi là ba mươi hai tướng.

- Này Tu-bồ-đề nếu có người thiện nam, người thiện nữ đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí, hoặc lại có người ở trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v… vì người khác nói thì phước này rất là nhiều.



Kính các bác ! Con thấy đoạn này có rất nhiều thị danh như :

_ Phật thuyết Bát-nhã ba-la-mật tức phi Bát-nhã ba-la-mật, thị danh Bát-nhã ba-la-mật.

_ Chư vi trần, Như Lai thuyết phi vi trần thị danh vi trần.

_ Như Lai thuyết thế giới phi thế giới thị danh thế giới.

_ Như Lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng.

Đã được Dịch giả dịch ra "ấy gọi là" con chưa hiểu. Kính xin các bác nói lại cho chúng con nghe.

Kính cám ơn !

colaihi
09-05-2017, 08:24 AM
Kính các bác ! Con thấy đoạn này có rất nhiều thị danh như :

_ Phật thuyết Bát-nhã ba-la-mật tức phi Bát-nhã ba-la-mật, thị danh Bát-nhã ba-la-mật.

_ Chư vi trần, Như Lai thuyết phi vi trần thị danh vi trần.

_ Như Lai thuyết thế giới phi thế giới thị danh thế giới.

_ Như Lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng.

Đã được Dịch giả dịch ra "ấy gọi là" con chưa hiểu. Kính xin các bác nói lại cho chúng con nghe.

Kính cám ơn !



Chào Phúc Toàn ! Nếu ngày xưa khi sinh bạn ra mà cha mẹ không đặt tên cho bạn là Phúc Toàn, mà đặt là Gia Bảo chẳng hạn, thì nay bạn là Gia Bảo chứ không phải là Phúc Toàn. Vậy cụm từ Phúc Toàn CHỈ LÀ TÊN GỌI được tạm đặt ra để kêu bạn, chứ Phúc Toàn không phải là bạn, Phúc Toàn chỉ là một danh từ rỗng.


Trong Kinh Kim Cang này, Phật nhắc đi nhắc lại : CÁC PHÁP VỐN KHÔNG THỰC THỂ, cho nên đã dùng từ "thị danh" có nghĩa "chỉ là tên gọi".

Ví dụ như :

"_ Chư vi trần, Như Lai thuyết phi vi trần thị danh vi trần." Có nghĩa là :

"_ Các vi trần, Như Lai nói không phải (thực sự) là vi trần, mà chỉ là một hợp thể tạm đặt tên là vi trần."

Các pháp khác cũng thế, thậm chí đến pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa cũng không ngoại lệ.

Phật nói thế để làm chi ?

Hệ Bát Nhã này Phật phủ định (xóa) tất cả Thế gian hay Xuất Thế gian pháp; cái còn lại ĐÓ LÀ CHÂN NHƯ.

Mến !

muabuon
09-06-2017, 08:32 AM
ĐOẠN 14 :

LY TƯỚNG TỊCH DIỆT

Nhĩ thời Tu-bồ-đề văn thuyết thị Kinh, thâm giải nghĩa thú, thế lệ bi khấp, nhi bạch Phật ngôn: Hy hữu Thế Tôn! Phật thuyết như thị thậm thâm Kinh điển, ngã tùng tích lai sở đắc tuệ nhãn, vị tằng đắc văn như thị chi Kinh. Thế Tôn! Nhược phục hữu nhân đắc văn thị Kinh, tín tâm thanh tịnh tắc sanh thật tướng, đương tri thị nhân thành tựu đệ nhất hy hữu công đức. Thế Tôn! Thị thật tướng giả tức thị phi tướng, thị cố Như Lai thuyết danh thật tướng. Thế Tôn! Ngã kim đắc văn như thị Kinh điển, tín giải thọ trì, bất túc vi nan. Nhược đương lai thế, hậu ngũ bách tuế, kỳ hữu chúng sanh đắc văn thị Kinh, tín giải thọ trì, thị nhân tắc vi đệ nhất hy hữu. Hà dĩ cố? Thử nhân vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng,vô thọ giả tướng. Sở dĩ giả hà? Ngã tướng tức thị phi tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức thị phi tướng. Hà dĩ cố? Ly nhất thiết chư tướng tức danh chư Phật.

Phật cáo Tu-bồ-đề: Như thị, như thị! Nhược phục hữu nhân đắc văn thị Kinh bất kinh, bất bố, bất úy, đương tri thị nhân, thậm vi hy hữu! Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Như Lai thuyết Đệ nhất Ba-la-mật, tức phi Đệ nhất Ba-la-mật, thị danh Đệ nhất Ba-la-mật. Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục Ba-la-mật, Như Lai thuyết phi Nhẫn nhục Ba-la-mật thị danh Nhẫn nhục Ba-la-mật. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Như ngã tích vi Ca-lợi vương cát tiệt thân thể, ngã ư nhĩ thời vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Hà dĩ cố? Ngã ư vãng tích tiết tiết chi giải thời, nhược hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, ưng sanh sân hận. Tu-bồ-đề! Hựu niệm quá khứ, ư ngũ bách thế tác Nhẫn nhục Tiên nhân, ư nhĩ sở thế vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Thị cố, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ưng ly nhất thiết tướng phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng sanh vô sở trụ tâm. Nhược tâm hữu trụ, tắc vi phi trụ. Thị cố Phật thuyết Bồ-tát tâm bất ưng trụ sắc bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ-tát vị lợi ích nhất thiết chúng sanh, ưng như thị bố thí. Như Lai thuyết nhất thiết chư tướng tức thị phi tướng hựu thuyết nhất thiết chúng sanh tức phi chúng sanh. Tu-bồ-đề! Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả. Tu-bồ-đề! Như Lai sở đắc pháp, thử pháp vô thật vô hư. Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát tâm trụ ư pháp nhi hành bố thí như nhân nhập ám tắc vô sở kiến. Nhược Bồ-tát tâm bất trụ pháp nhi hành bố thí như nhân hữu mục, nhật quang minh chiếu, kiến chủng chủng sắc. Tu-bồ-đề! Đương lai chi thế, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân năng ư thử Kinh thọ trì độc tụng tức vi Như Lai dĩ Phật trí tuệ, tất tri thị nhân, tất kiến thị nhân giai đắc thành tựu vô lượng vô biên công đức.

DỊCH:

LÌA TƯỚNG TỊCH DIỆT.

Khi ấy ngài Tu-bồ-đề nghe Phật nói Kinh này, hiểu sâu được nghĩa thú, rơi lệ dầm dề bạch Phật rằng: Đức Thế Tôn! Rất ít có. Phật nói Kinh điển sâu xa như thế, con từ trước đến giờ đã được Tuệ nhãn mà chưa từng được nghe Kinh như thế. Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe Kinh này, lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng, nên biết người ấy thành tựu được công đức ít có bậc nhất. Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy tức không phải tướng, thế nên Như Lai nói tên là thật tướng.

Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe Kinh điển như thế, tin hiểu thọ trì không đủ làm khó. Nếu đời sau, khoảng năm trăm năm về sau, lúc đó có những chúng sanh được nghe Kinh này, tin hiểu thọ trì, người ấy ắt là ít có bậc nhất. Vì cớ sao? Vì người này không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ sao? Vì tướng ngã tức không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức không phải tướng. Vì sao? Vì lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng thế, đúng thế! Nếu lại có người được nghe Kinh này, không kinh, không hãi, không sợ, nên biết người ấy rất là ít có. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói Đệ nhất Ba-la-mật tức không phải Đệ nhất Ba-la-mật ấy gọi là Đệ nhất Ba-la-mật. Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục Ba-la-mật, Như Lai nói không phải Nhẫn nhục Ba-la-mật ấy gọi là Nhẫn nhục Ba-la-mật. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề như thuở xưa ta bị vua Ca-lợi (Kali) cắt đứt thân thể, ta khi ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ sao? Ta thuở xưa khi thân thể bị cắt ra từng phần nếu còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, lẽ nên sanh sân hận. Tu-bồ-đề! Lại nhớ thuở quá khứ năm trăm đời, ta làm Tiên nhân nhẫn nhục, vào thuở ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Thế nên, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ. Nếu tâm có trụ ắt là không phải trụ. Thế nên Phật nói tâm Bồ-tát không nên trụ sắc mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì lợi ích tất cả chúng sanh nên như thế mà bố thí. Như Lai nói tất cả các tướng tức là không phải tướng, lại nói tất cả chúng sanh tức không phải chúng sanh.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói lời chân, lời thật, lời như, lời không dối, lời chẳng khác. Này Tu-bồ-đề! Như Lai được pháp, pháp này không thật, không hư. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát tâm trụ nơi pháp mà làm việc bố thí thì như người vào trong tối ắt không thể thấy. Nếu Bồ-tát tâm không trụ pháp mà hành bố thí thì như người có mắt lại thêm ánh sáng mặt trời chiếu soi, thấy các thứ hình sắc. Này Tu-bồ-đề! Ở đời sau nếu có người thiện nam, thiện nữ hay ở trong kinh này thọ trì đọc tụng ắt là Như Lai dùng trí tuệ Phật ắt biết người ấy, ắt thấy người ấy đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.

Phúc Hạnh
09-07-2017, 08:06 AM
Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe Kinh điển như thế, tin hiểu thọ trì không đủ làm khó. Nếu đời sau, khoảng năm trăm năm về sau, lúc đó có những chúng sanh được nghe Kinh này, tin hiểu thọ trì, người ấy ắt là ít có bậc nhất. Vì cớ sao? Vì người này không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ sao? Vì tướng ngã tức không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức không phải tướng. Vì sao? Vì lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật.





Kính các bác ! Con lấy làm lạ :

_ Nếu nói : người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này phải là vị đại học giả, thì con hiểu.

_ Nếu nói : người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này là người đã nhiều đời nhiều kiếp tu theo con đường Đại Thừa, thì con hiểu.

_ Nếu nói : người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này là người sẵn có trí tuệ, thì con hiểu.

_ Nếu nói : người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này là người có đại phước đức, thì con hiểu.

Còn nói :

_ Người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này là người "không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả", thì con chẳng hiểu vì sao lại như thế ?

Kính xin các bác chỉ điểm cho chúng con.

Ngọc Quế
09-07-2017, 11:32 AM
Kính các bác ! Con lấy làm lạ :

_ Nếu nói : người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này phải là vị đại học giả, thì con hiểu.

_ Nếu nói : người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này là người đã nhiều đời nhiều kiếp tu theo con đường Đại Thừa, thì con hiểu.

_ Nếu nói : người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này là người sẵn có trí tuệ, thì con hiểu.

_ Nếu nói : người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này là người có đại phước đức, thì con hiểu.

Còn nói :

_ Người có thể tin hiểu thọ trì Kinh Kim Cang này là người "không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả", thì con chẳng hiểu vì sao lại như thế ?

Kính xin các bác chỉ điểm cho chúng con.



Chào Phúc Hạnh !

"Đại Học giả" là gì ? Thường là người "Thế Trí Biện Thông" (MỘT TRONG 8 NẠN). Người này có thể giảng Kinh, nhưng thực chất không thông cảm được ý Kinh, cho nên không thể gọi là người tin hiểu thọ trì.

Người thông minh là gì ? Là người có Ý Thức nhạy bén. Ý Thức nhạy bén thì cũng chỉ suy tư trên nền tảng hiểu biết cũ, cũng không thể thông cảm được ý Kinh, cho nên không thể gọi là người tin hiểu thọ trì.

Người có đại phước đức thì được chiêu cảm quả báo Nhân Thiên, dễ sinh kiêu hảnh, lại càng khó thông cảm được ý Kinh, cho nên không thể gọi là người tin hiểu thọ trì.

Người đã nhiều đời nhiều kiếp tu theo con đường Đại Thừa, vẫn chưa phải là điều kiện đủ để thông cảm được ý Kinh, cho nên không thể gọi là người tin hiểu thọ trì.

Nếu người đã nhiều đời nhiều kiếp tu theo con đường Đại Thừa, mà chưa phá bỏ một phần trong Tứ Tướng thì so với Phật tử sơ cơ vẫn chưa có gì khác biệt.

Cho nên Kinh nói : Người đã "không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả" thì mới có thể tin hiểu thọ trì.

Người chỉ mới "Phá được Ngã tướng", chứng quả VÔ SANH vẫn chưa thể thâm nhập được Ý nghĩa Kinh Kim Cang này.

Người ngoài chuyện "Phá Ngã Tướng", còn phá luôn Nhân Tướng, Chúng sanh tướng, Thọ Giả tướng (tức là đã hóa giải luôn phần VI TẾ HOẶC). Người đó phải là Đại Bồ tát mới đúng nghĩa là TIN, HIỂU, THỌ TRÌ Kinh Kim Cang.

Mến !

thubuon
09-08-2017, 04:06 PM
ĐOẠN 14 :

Hà dĩ cố? Ly nhất thiết chư tướng tức danh chư Phật.



DỊCH:

Vì sao? Vì lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật.




Kính các bác !

Theo câu phát biểu trên, Phật là cái không không ? là hư vô chăng ?

Kính !

nguoidien
09-09-2017, 07:52 AM
Kính các bác !

Theo câu phát biểu trên, Phật là cái không không ? là hư vô chăng ?

Kính !

É hèm !

Này thubuon ! Tui là người điên ! Tên này gồm 2 chữ NGƯỜI và ĐIÊN. Lìa cái TƯỚNG điên thì tui còn cái TÁNH người phải không ? Phật biểu bỏ cái TƯỚNG ĐIÊN, chứ Phật đâu kêu bỏ cái TÁNH NGƯỜI đâu.

Có vậy mà cũng không biết !

colaihi
09-09-2017, 10:18 AM
Kính các bác !

Theo câu phát biểu trên, Phật là cái không không ? là hư vô chăng ?

Kính !

É hèm !

Này thubuon ! Tui là người điên ! Tên này gồm 2 chữ NGƯỜI và ĐIÊN. Lìa cái TƯỚNG điên thì tui còn cái TÁNH người phải không ? Phật biểu bỏ cái TƯỚNG ĐIÊN, chứ Phật đâu kêu bỏ cái TÁNH NGƯỜI đâu.

Có vậy mà cũng không biết !

Lúc này, nguoidien có vẻ không điên tí nào !

Đúng vậy ! Cái GIẢ TƯỚNG thì nó "khi vầy, khi khác"

Còn cái THẬT TÁNH thì mãi mãi vẫn vậy.

Đối với GIẢ TƯỚNG, chúng ta bỏ hay không bỏ cũng chỉ là "con kiến bám trên trái banh", không thành vấn đề.

Phật kêu "Ly nhất thiết chư tướng tức danh chư Phật". Chữ LY này không có nghĩa là "phải lìa bỏ" cái TƯỚNG nào, mà là đừng chấp vào TƯỚNG nào cả, đừng MÊ LẦM với mọi sắc tướng. Bởi Chân Như thì không bị lệ thuộc hay dính mắc vào bất kỳ hình tướng nào !

Mến !

socnho
09-10-2017, 08:50 AM
ĐOẠN 14 :

Thị cố, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ưng ly nhất thiết tướng phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng sanh vô sở trụ tâm.

DỊCH:

Thế nên, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ.



Kính các bác ! Con chưa hiểu đoạn Kinh đã trích dẫn ở trên.

Phải chăng, Phật nói không nên trụ tâm vào đâu (kể cả sắc thinh hương vị xúc pháp) thì hành giả hãy sống ngu ngơ như đứa trẻ bị bại não, bị đầu nhỏ, bị thiểu năng, ....:


https://s3.amazonaws.com/classconnection/213/flashcards/6889213/jpeg/cretinism-150E16AE34F4A6288F3.jpeg

Kính !

nguoidien
09-11-2017, 08:13 AM
Kính các bác ! Con chưa hiểu đoạn Kinh đã trích dẫn ở trên.

Phải chăng, Phật nói không nên trụ tâm vào đâu (kể cả sắc thinh hương vị xúc pháp) thì hành giả hãy sống ngu ngơ như đứa trẻ bị bại não, bị đầu nhỏ, bị thiểu năng, ....:

Kính !

Chào con sóc nhỏ !

Bạn cho rằng "những đứa trẻ ngu ngơ" thì không trụ tâm vào đâu cả hay sao ? Bạn thử đưa một vật trước mặt bé xem, nếu thích bé sẽ cười toe toét nắm chặt không buông, nếu không thích bé sẽ ném vào mặt bạn (bất kể bạn là ai).

Kết luận : những đứa trẻ ngu ngơ là kẻ sẵn sàng trụ tâm vào bất cứ gì !

:cool:

homeless
09-11-2017, 09:14 AM
Kính các bác ! Con chưa hiểu đoạn Kinh đã trích dẫn ở trên.

Phải chăng, Phật nói không nên trụ tâm vào đâu (kể cả sắc thinh hương vị xúc pháp) thì hành giả hãy sống ngu ngơ như đứa trẻ bị bại não, bị đầu nhỏ, bị thiểu năng, ....:

Kính !

Chào bạn socnho !

Sao bạn không chú ý nguyên câu, bạn đã sơ ý cái tiền đề :

"Bồ-tát ưng ly nhất thiết tướng phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm"

nghĩa là :

"Bồ-tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác"

Phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là cầu Chân Lý Tuyệt đối. Cầu Chân lý Tuyệt đối thì không nên vì thấy Phật quá đẹp (có 32 tướng tốt, .....) mà khởi lòng ham muốn được đẹp như Phật. Đây gọi là "bất ưng trụ sắc sinh tâm". . Thinh, hương, vị, xúc pháp cũng thế; không nên chạy theo hình tướng, ngoại cảnh; không nên vì những thứ hư giả phù du ấy mà PHÁT TÂM CẦU CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI.

Bởi Chân Lý Tuyệt Đối _ tức là Chân Như Tâm _ không sở hữu, không hệ thuộc với bất kỳ một pháp nào trong Vô Minh này cả.

Mến !

votichsu
09-12-2017, 09:39 AM
Bởi Chân Lý Tuyệt Đối _ tức là Chân Như Tâm _ không sở hữu, không hệ thuộc với bất kỳ một pháp nào trong Vô Minh này cả.

Mến !



Kính bác homeless ! Xin cho con hỏi :

Vậy Chân Lý Tuyệt Đối có cứu độ những chúng sinh tội khổ còn trong Vô Minh hay không ?

Kính !

colaihi
09-12-2017, 09:58 AM
Kính bác homeless ! Xin cho con hỏi :

Vậy Chân Lý Tuyệt Đối có cứu độ những chúng sinh tội khổ còn trong Vô Minh hay không ?

Kính !

Chào bạn votichsu !

Chân Lý Tuyệt Đối có cứu độ những chúng sinh tội khổ còn trong Vô Minh hay không, thì tui không biết, nhưng ở phần nhập đề Phật đã có nói :




ĐOẠN 3

ÂM:

ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG.

Phật cáo Tu-bồ-đề: Chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại, nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng, ngã giai linh nhập vô dư Niết-bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ-tát.

DỊCH:

CHÁNH TÔNG CỦA ĐẠI THỪA.

Phật bảo Tu-bồ-đề : Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.


http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/702-C%C3%B9ng-%C3%94n-H%E1%BB%8Dc-Kinh-Kim-Cang/page2

http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=23535&viewfull=1#post23535

http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=23536&viewfull=1#post23536

http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a/page10

Mến !

homeless
09-13-2017, 09:15 AM
Kính bác homeless ! Xin cho con hỏi :

Vậy Chân Lý Tuyệt Đối có cứu độ những chúng sinh tội khổ còn trong Vô Minh hay không ?

Kính !

Bậc Toàn Giác là ĐÃ ĐỘ XONG những chúng sinh tội khổ trong Vô Minh.

Bậc Đại Bồ tát và các Hóa thân còn DIỄN TUỒNG ĐỘ SINH.

Thấy CÓ LÀM mà như chẳng làm gì, Chẳng làm gì mà không gì chẳng làm ! Chỉ là chuyện "hoa đốm lăng xăng trong hư không" thôi.


"Lăng xăng" mà chẳng "lăng xăng" gì !
"Diễn tuồng" nào có ai thì, ở đâu ?!.

Mến !

muabuon
09-15-2017, 08:32 AM
ĐOẠN 15 :

TRÌ KINH CÔNG ĐỨC

Tu-bồ-đề! Nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, sơ nhật phần, dĩ Hằng hà sa đẳng thân bố thí, trung nhật phần phục dĩ Hằng hà sa đẳng thân bố thí, hậu nhật phần diệc dĩ Hằng hà sa đẳng thân bố thí. Như thị vô lượng bách thiên vạn ức kiếp dĩ thân bố thí. Nhược phục hữu nhân văn thử Kinh điển, tín tâm bất nghịch, kỳ phước thắng bỉ, hà huống thư tả, thọ trì độc tụng vị nhân giải thuyết. Tu-bồ-đề! Dĩ yếu ngôn chi, thị Kinh hữu bất khả tư nghị, bất khả xứng lượng, vô biên công đức, Như Lai vị phát Đại thừa giả thuyết, vị phát Tối thượng thừa giả thuyết. Nhược hữu nhân năng thọ trì độc tụng, quảng vị nhân thuyết, Như Lai tất tri thị nhân, tất kiến thị nhân, giai đắc thành tựu bất khả lượng, bất khả xứng, vô hữu biên, bất khả tư nghị công đức. Như thị nhân đẳng tắc vi hà đảm Như Lai A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Nhược nhạo tiểu pháp giả, trước ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức ư thử Kinh bất năng thính thọ độc tụng, vị nhân giải thuyết. Tu-bồ-đề! Tại tại xứ xứ, nhược hữu thử Kinh, nhất thiết thế gian Thiên, Nhân, A-tu-la sở ưng cúng dường. Đương tri thử xứ tắc vi thị tháp, giai ưng cung kính tác lễ vi nhiễu, dĩ chư hoa hương nhi tán kỳ xứ.

DỊCH:

CÔNG ĐỨC TRÌ KINH.

Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam thiện nữ, buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, như thế vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp đem thân mạng bố thí. Nếu lại có người nghe Kinh điển này, lòng tin không nghịch, phước của người này hơn phước của người kia, huống là chép viết, thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói.

Này Tu-bồ-đề! Tóm tắt mà nói, Kinh này có công đức vô biên không thể nghĩ, không thể lường. Như Lai vì những người phát tâm Đại thừa mà nói, vì những người phát tâm Tối thượng thừa mà nói. Nếu có người hay thọ trì đọc tụng, rộng vì người nói, Như Lai ắt biết người ấy, ắt thấy người ấy đều được thành tựu công đức không thể lường, không thể tính, không có bờ mé, không thể nghĩ bàn. Những người như thế tức là gánh vác pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Phật. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Nếu người thích pháp nhỏ tức chấp ngã, chấp nhân, chấp chúng sanh, chấp thọ giả tức là đối với Kinh này không thể lắng nghe, thọ trì, đọc tụng vì người giải nói. Này Tu-bồ-đề! Ở nơi nào nếu có Kinh này thì tất cả thế gian Trời, Người, A-tu-la đều nên cúng dường, nên biết chỗ này tức là tháp, đều nên cung kính làm lễ vây quanh, dùng các thứ hương hoa mà rải cúng nơi ấy.

sonha
09-15-2017, 04:44 PM
ĐOẠN 15 :

CÔNG ĐỨC TRÌ KINH.

Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam thiện nữ, buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, như thế vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp đem thân mạng bố thí. Nếu lại có người nghe Kinh điển này, lòng tin không nghịch, phước của người này hơn phước của người kia, huống là chép viết, thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói.



Kính các bác ! Con thật choáng ngợp khi nghe câu này.
Người đem thân mạng ra bố thí, phước vô cùng lớn, bây giờ Phật nói "không phải chỉ một thân mạng, mà là vô lượng thân mạng, vẫn không bằng phước của một người nghe Kinh điển này, lòng tin không nghịch"
Con không hiểu vì sao lại có người "ngồi mát, ăn bát vàng" như thế ?
Kính !

Ngọc Quế
09-16-2017, 08:25 AM
Kính các bác ! Con thật choáng ngợp khi nghe câu này.
Người đem thân mạng ra bố thí, phước vô cùng lớn, bây giờ Phật nói "không phải chỉ một thân mạng, mà là vô lượng thân mạng, vẫn không bằng phước của một người nghe Kinh điển này, lòng tin không nghịch"
Con không hiểu vì sao lại có người "ngồi mát, ăn bát vàng" như thế ?
Kính !

Chào bạn sonha !

Người nghe Kinh Kim Cang _ trong đây Phật phủ nhận tất cả các pháp, không có pháp nào là thực có (kể cả Phật pháp) _ mà có "lòng tin không nghịch", phải là người đã vô số kiếp tu học theo con đường Đại Thừa.

Nghĩa là người này cũng đã vất vả lắm mới có được "lòng tin không nghịch" hôm nay, chớ không phải "ngồi mát" mà được "ăn bát vàng" như bạn nói.

Mến !

votichsu
09-17-2017, 08:11 AM
DỊCH:

Này Tu-bồ-đề! Ở nơi nào nếu có Kinh này thì tất cả thế gian Trời, Người, A-tu-la đều nên cúng dường, nên biết chỗ này tức là tháp, đều nên cung kính làm lễ vây quanh, dùng các thứ hương hoa mà rải cúng nơi ấy.




Dạ, Kính thưa các bác, con không có gì để cúng dường, con mượn ảnh trên mạng cúng dường Kinh Kim Cang như vầy, không biết có được không ?

http://cms.kienthuc.net.vn/zoom/1000/uploaded/maianh/2014_08_15/thien15_8cungduong1kienthuc_tykm.jpg

Kính !

colaihi
09-17-2017, 09:11 AM
Dạ, Kính thưa các bác, con không có gì để cúng dường, con mượn ảnh trên mạng cúng dường Kinh Kim Cang như vầy, không biết có được không ?

Kính !

Chào bạn votichsu !

Theo như đoạn trên đã nói, người kính tin Kinh Kim Cang đã có công đức rất lớn, vì sao ? Vì người ấy đã từng vô lượng kiếp tu học Đại thừa nên mới kính tin được.

Còn người tuy chưa hiểu, tuy chưa hoàn toàn tin, nhưng đã phát tâm cúng dường (dù bất cứ vật thể gì _ kể cả ảnh vẽ) thì cũng đã gieo Đại Duyên với Kinh này, trong tương lai người ấy sẽ hiểu những ý nghĩa sâu xa của Kinh.

Hiểu nghĩa Kinh rồi, như người được lên tàu lớn, tuy không làm gì nhiều nữa, mà khi tàu đến bến, mọi người được lên bờ, người ấy cũng cùng đến như ai !

Mến !

muabuon
09-18-2017, 08:53 AM
ĐOẠN 16 :

NĂNG TỊNH NGHIỆP CHƯỚNG

Phục thứ Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì, độc tụng thử Kinh, nhược vi nhân khinh tiện, thị nhân tiên thế tội nghiệp, ưng đọa ác đạo, dĩ kim thế nhân khinh tiện cố, tiên thế tội nghiệp tắc vi tiêu diệt, đương đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Ngã niệm quá khứ vô lượng A-tăng-kỳ-kiếp, ư Nhiên Đăng Phật tiền, đắc trị bát bách tứ thiên vạn ức Na-do-tha chư Phật, tất giai cúng dường thừa sự vô không quá giả. Nhược phục hữu nhân ư hậu mạt thế năng thọ trì độc tụng thử Kinh, sở đắc công đức, ư ngã sở cúng dường chư Phật công đức, bách phần bất cập nhất, thiên vạn ức phần, nãi chí toán số thí dụ sở bất năng cập. Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư hậu mạt thế, hữu thọ trì độc tụng thử Kinh, sở đắc công đức, ngã nhược cụ thuyết giả, hoặc hữu nhân văn tâm tắc cuồng loạn hồ nghi bất tín. Tu-bồ-đề! Đương tri thị Kinh nghĩa bất khả tư nghị, quả báo diệc bất khả tư nghị.

DỊCH:

HAY LÀM SẠCH CÁC NGHIỆP CHƯỚNG.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng Kinh này, nếu bị người khinh chê, người này do tội nghiệp đời trước lẽ ra phải đọa trong đường ác, do đời này bị người khinh chê nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt, sẽ được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, ta nhớ thuở quá khứ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, ở trước đức Phật Nhiên Đăng, ta được gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức Na-do-tha các đức Phật, ta đều cúng dường thờ phụng không sót một vị nào. Nếu lại có người ở đời mạt pháp sau này hay thọ trì đọc tụng Kinh này, được công đức, đối với công đức cúng dường chư Phật của ta, trăm phần chẳng bằng một, ngàn muôn ức phần cho đến toán số thí dụ đều không thể bằng.

Này Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam thiện nữ ở đời mạt pháp sau này, có người thọ trì đọc tụng Kinh này, được công đức, nếu ta nói cho đủ hoặc có người nghe tâm tất cuồng loạn, hồ nghi, không tin. Này Tu-bồ-đề, nên biết Kinh nghĩa này không thể nghĩ bàn nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn.

Đức Tâm
09-18-2017, 10:18 AM
Dạ, kính các tiền bối !

Đức Tâm con, khi chỉ là một Ưu bà tắc bình thường thì vợ của con cung phụng con như vua như chúa. Đến khi con phát tâm trì tụng Kinh Kim Cang thì không hiểu sao vợ con đổi tính, cô ấy luôn sằng sặt với con về tất cả mọi chuyện; những chuyện con không hề có lỗi, cô ấy cũng vẫn "bèo nhèo", cố chụp mũ cho thành lỗi.

Con không biết chuyện này có phải như đoạn Kinh trên đã nói hay không ?

Kính !

colaihi
09-19-2017, 08:11 AM
Dạ, kính các tiền bối !

Đức Tâm con, khi chỉ là một Ưu bà tắc bình thường thì vợ của con cung phụng con như vua như chúa. Đến khi con phát tâm trì tụng Kinh Kim Cang thì không hiểu sao vợ con đổi tính, cô ấy luôn sằng sặt với con về tất cả mọi chuyện; những chuyện con không hề có lỗi, cô ấy cũng vẫn "bèo nhèo", cố chụp mũ cho thành lỗi.

Con không biết chuyện này có phải như đoạn Kinh trên đã nói hay không ?

Kính !

Chào đạo hữu Đức Tâm ! Tổ Vĩnh Gia Huyền Giác đã có lời khuyên chúng ta như sau :





Quán ác ngôn, ...



https://scontent.fsgn5-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/21462989_130327130932451_9088263978462576650_n.jpg ?oh=cc3d8652e3a8ca80d09617202f392def&oe=5A17DE95


觀惡言 是功 德。
此即成吾善知識。
不因訕謗起冤 親。
何 表無生慈忍力。

Quán ác ngôn thị công đức,
Thử tức thành ngô thiện tri thức.
Bất nhân sáng báng khởi oan thân,
Hà biểu vô sinh từ nhẫn lực.

Người chưởi ta, giúp ta thêm lớn
Chính là người vun quén cho ta.
Chớ vì báng bổ, nổi sân si,
Sao tỏ vô sanh, nêu đức nhẫn ?!



Chúc bạn "vượt lên chính mình" !

Mến !

homeless
09-19-2017, 09:57 AM
Dạ, kính các tiền bối !

Đức Tâm con, khi chỉ là một Ưu bà tắc bình thường thì vợ của con cung phụng con như vua như chúa. Đến khi con phát tâm trì tụng Kinh Kim Cang thì không hiểu sao vợ con đổi tính, cô ấy luôn sằng sặt với con về tất cả mọi chuyện; những chuyện con không hề có lỗi, cô ấy cũng vẫn "bèo nhèo", cố chụp mũ cho thành lỗi.

Con không biết chuyện này có phải như đoạn Kinh trên đã nói hay không ?

Kính !

Chào Đức Tâm ! Vậy là bạn nên mừng vì đã được thử thách. Bạn tụng "vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng" mà bạn không thấm thía "Thế nào là Vô Ngã Tướng ?", nên Chư Long Thần Hộ Pháp mượn miệng cô ấy làm cho bạn hiểu rõ lòng mình hơn.

Ủa ! "Vô Ngã Tướng" vậy sao ta cảm thấy khó chịu khi "bị oan" ? Cảm thấy khó chịu là Ngã Tướng đó ! Nếu bạn nghe những lời xéo xắt, gay gắt, tị nạnh, trách móc mà nghe như "nhạc giao hưởng" tức là bạn đã tích lủy được công đức lớn.

Đây mới đích thật là "Trì Kinh Kim Cang". Lời Kinh không còn là "gió thoảng ngoài tai" nữa, mà là :

Ta nghe như uống Cam lồ vậy
Tan hết vào trong _ chẳng nghĩ bàn.





Tòng tha báng, ...



https://scontent.fsgn5-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/21370959_130326107599220_1506940987829383632_n.jpg ?oh=3509e8ea1e51084fdfc48d63f3e99dc6&oe=5A5C730F


從他謗 任他非。
把火燒天徒自疲。
我聞恰似飲甘露。
銷融頓入不思議。


Tòng tha báng nhậm tha phi 。
Bả hoả thiêu thiên đồ tự bì 。
Ngã văn kháp tự ẩm Cam lộ 。
Tiêu dung đốn nhập bất tư nghị 。


Mặc ai biếm, mặc ai dèm,
Châm lửa đốt trời nhọc xác thêm.
Ta nghe như uống Cam lồ vậy
Tan hết vào trong _ chẳng nghĩ bàn.




http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/102-Ch%E1%BB%A9ng-%C4%90%E1%BA%A1o-Ca-_-V%C4%A9nh-Gia-Hu%E1%BB%B3%C3%AAn-Gi%C3%A1c?p=24178&viewfull=1#post24178

.

Đức Tâm
09-20-2017, 09:49 AM
Kính thưa bà bà colaihi ! Kính thưa bác homeless !

Con cám ơn 2 bác đã giúp cho con mát mẻ lại.

Kể từ nay con sẽ cố gắng xem người vợ của mình là Thiện Tri Thức, Thiện Tri Thức càng cằng rằn, bèo nhèo, con sẽ được nhẹ nghiệp quá khứ.

Khi Thiện Tri Thức vợ xéo xắt, con sẽ xem như được mời uống nước "Cam lồ".

Dạ, có phải vậy không ạ ?

(Lạ quá, Tổ Không có vợ mà sao Tổ lại biết chuyện này ?)

muabuon
09-21-2017, 08:19 AM
ĐOẠN 17 :

CỨU KÍNH VÔ NGÃ

Nhĩ thời Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm? Phật cáo Tu-bồ-đề: Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, đương sanh như thị tâm, ngã ưng diệt độ nhất thiết chúng sanh, diệt độ nhất thiết chúng sanh dĩ nhi vô hữu nhất chúng sanh thật diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả. Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Như Lai ư Nhiên Đăng Phật sở, hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, Phật ư Nhiên Đăng Phật sở, vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Phật ngôn: Như thị, như thị! Tu-bồ-đề, thật vô hữu pháp Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Nhược hữu pháp Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, Nhiên Đăng Phật tắc bất dữ ngã thọ ký: Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni. Dĩ thật vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, thị cố Nhiên Đăng Phật dữ ngã thọ ký, tác thị ngôn: Nhữ ư lai thế, đương đắc tác Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni. Hà dĩ cố? Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa. Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp Phật đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Như Lai sở đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, ư thị trung, vô thật vô hư, thị cố Như Lai thuyết: Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Tu-bồ-đề! Sở ngôn nhất thiết pháp giả tức phi nhất thiết pháp, thị cố danh nhất thiết pháp. Tu-bồ-đề! Thí như nhân thân trường đại.

Tu-bồ-đề ngôn: Thế Tôn! Như Lai thuyết nhân thân trường đại tắc vi phi đại thân, thị danh đại thân.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát diệc như thị. Nhược tác thị ngôn: Ngã đương diệt độ vô lượng chúng sanh, tức bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp danh vi Bồ-tát, thị cố Phật thuyết nhất thiết pháp vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả. Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát tác thị ngôn: Ngã đương trang nghiêm Phật độ, thị bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát thông đạt vô ngã pháp giả, Như Lai thuyết danh chân thị Bồ-tát.

DỊCH:

TỘT CÙNG KHÔNG CÓ NGÃ.

Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao an trụ, làm sao hàng phục tâm kia? Phật bảo Tu-bồ-đề: Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ắt không phải là Bồ-tát. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, thật không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, Phật ở nơi Phật Nhiên Đăng không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật bảo: Như thế, như thế! Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Do thật không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thế nên đức Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta, nói thế này: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Vì cớ sao? Như Lai tức là nghĩa Như của các pháp. Nếu có người nói Như Lai được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, này Tu-bồ-đề, thật không có pháp Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở trong ấy không thật, không hư. Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp. Này Tu-bồ-đề! Nói tất cả pháp đó tức không phải tất cả pháp, nên gọi là tất cả pháp. Này Tu-bồ-đề thí như có người thân cao lớn.

Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người cao lớn ắt không phải thân lớn, ấy gọi là thân lớn.

- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh, ắt không gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Thật không có pháp tên là Bồ-tát. Thế nên Phật nói: tất cả pháp không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói lời thế này: Ta sẽ trang nghiêm cõi Phật, ấy chẳng gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai gọi đó là chân thật Bồ-tát.

tinhnghiep
09-21-2017, 05:03 PM
" Phật bảo Tu-bồ-đề: Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ. "


Kính các bác ! Con không hiểu đoạn này.
Đạo Phật chủ trương từ bi, mà sao đoạn Kinh này con không thấy từ bi gì hết (nếu không nói là TÀN ÁC) ?
kÍNH !

Gia Bảo
09-22-2017, 07:30 AM
" Phật bảo Tu-bồ-đề: Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ. "


Kính các bác ! Con không hiểu đoạn này.
Đạo Phật chủ trương từ bi, mà sao đoạn Kinh này con không thấy từ bi gì hết (nếu không nói là TÀN ÁC) ?
kÍNH !




Dạ, con xin chép lại nguyên văn :






Kinh Kim Cang ảnh hóa 49


善男子 善 女 人。 發 阿 耨 多 羅三 藐 三 菩 提 心。
Thiện Nam Tử Thiện Nữ Nhân phát A nậu đa la Tam miệu Tam Bồ-Đề tâm,
Nếu Thiện Nam Thiện-Nữ nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác,

云 何 應 住 云 何 降 伏 其 心 佛 告 須 菩 提 。
vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm ? Phật cáo Tu-bồ-đề:
phải làm sao trụ tâm ấy, làm sao hàng phục tâm ấy ? Phật bảo Tu-bồ-đề:

善 男 子 善 女 人 發 阿 耨 多 羅三 藐 三 菩 提 者。
Thiện Nam Tử Thiện Nữ Nhân phát A nậu đa la Tam miệu Tam Bồ-Đề giả 。
Thiện nam Thiện-Nữ nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác,

當 生 如 是 心。 我 應 滅 度 一 切 眾 生。滅 度
đương sanh như thị tâm: Ngã ưng diệt độ nhất thiết chúng sanh, diệt độ
phải phát tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh. diệt độ

一 切 眾 生 已 而 無 有 一 眾 生 實 滅 度 者。
nhất thiết chúng sanh dĩ, nhi vô hữu nhất chúng sanh thật diệt độ giả 。
tất cả chúng sinh xong, mà không có một chúng sinh nào thật diệt độ.



https://scontent-hkg3-2.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/20953639_126486804649817_3244701941704890271_n.jpg ?oh=364070b8fe663c2b8f76a6303e063aa6&oe=5A2D8ACE



http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=23871&viewfull=1#post23871
.

duyngudocton
09-22-2017, 04:30 PM
" Phật bảo Tu-bồ-đề: Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ. "


Kính các bác ! Con không hiểu đoạn này.
Đạo Phật chủ trương từ bi, mà sao đoạn Kinh này con không thấy từ bi gì hết (nếu không nói là TÀN ÁC) ?
kÍNH !




Chào tinhnghiep !
Có gì đâu khó hiểu, chúng sinh đầy uế trược, từ đầu đến chân luôn, từ ngoài vô trong luôn; bây giờ tặng cho mỗi người một chưởng, khiến cho hồn phách bay ra ngoài, Bồ tát cầm sẵn cái bầu hồ lô thu cái hồn đó, rồi dùng những cọng sen tinh khiết, thổi phép biến thành hình nhân, rồi mở nắp bầu hồ lô cho cái hồn nhập vào cái xác mới (không có bất tịnh như cái xác cũ).

Đó gọi là "diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ".
Đây là kỷ thuật "thay hồn đổi xác" mà tui luyện hoài vẫn chưa thành công.

Hi....hi....! Có vậy mà cũng không biết !

nguoidien
09-23-2017, 08:13 AM
Chào tinhnghiep !
Có gì đâu khó hiểu, chúng sinh đầy uế trược, từ đầu đến chân luôn, từ ngoài vô trong luôn; bây giờ tặng cho mỗi người một chưởng, khiến cho hồn phách bay ra ngoài, Bồ tát cầm sẵn cái bầu hồ lô thu cái hồn đó, rồi dùng những cọng sen tinh khiết, thổi phép biến thành hình nhân, rồi mở nắp bầu hồ lô cho cái hồn nhập vào cái xác mới (không có bất tịnh như cái xác cũ).

Đó gọi là "diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ".
Đây là kỷ thuật "thay hồn đổi xác" mà tui luyện hoài vẫn chưa thành công.

Hi....hi....! Có vậy mà cũng không biết !

Chào duyngu !
Ông bạn cũng tưởng rằng chỉ cái thân xác là uế trược, còn cái tâm hồn thì tốt đẹp lắm sao ? Cách "thay hồn đổi xác" mà bạn nói chỉ là "bình mới rượu cũ" mà thôi ! Với cái xác mới, kẻ sân si sẽ vẫn sân si, người ngu thì vẫn ngu. Vấn đề là làm sao "giặt sạch" cái tâm hồn cà ! Hãy xem lại bài này :






Tác tại tâm,...



https://scontent-hkg3-2.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/21687978_133772137254617_6585893631411949493_n.jpg ?oh=ec1602792329ffc6952a52d50a4483bd&oe=5A42D22C


作在心。殃在身。
不須冤訴更尤人。
欲得不招無間業。
莫謗如來正法輪。


Tác tại tâm, ương tại thân,
Bất tu oan tố cánh vưu nhân,
Dục đắc bất chiêu vô gián nghiệp,
Mạc báng Như Lai chính pháp luân.


Tâm hư đốn, thân phải tai ương,
Đừng có kêu oan, chớ trách người,
Muốn khỏi nghiệp vương muôn kiếp lụy,
Vành xe Chánh pháp chớ chê cười.




Chính cái NGU trong tâm mới là kẻ tội đồ !


http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/102-Ch%E1%BB%A9ng-%C4%90%E1%BA%A1o-Ca-_-V%C4%A9nh-Gia-Hu%E1%BB%B3%C3%AAn-Gi%C3%A1c/page14

Ngọc Tuấn
09-24-2017, 07:48 AM
Chào duyngu !
Ông bạn cũng tưởng rằng chỉ cái thân xác là uế trược, còn cái tâm hồn thì tốt đẹp lắm sao ? Cách "thay hồn đổi xác" mà bạn nói chỉ là "bình mới rượu cũ" mà thôi ! Với cái xác mới, kẻ sân si sẽ vẫn sân si, người ngu thì vẫn ngu. Vấn đề là làm sao "giặt sạch" cái tâm hồn cà ! Hãy xem lại bài này :



Chính cái NGU trong tâm mới là kẻ tội đồ !


http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/102-Ch%E1%BB%A9ng-%C4%90%E1%BA%A1o-Ca-_-V%C4%A9nh-Gia-Hu%E1%BB%B3%C3%AAn-Gi%C3%A1c/page14

Kính bác duyngudocton! Vậy làm sao DIỆT ĐỘ cái NGU ?

duyngudocton
09-24-2017, 09:42 AM
Kính bác duyngudocton! Vậy làm sao DIỆT ĐỘ cái NGU ?

Cậu bé này "láo cá" quá vậy !

"DIỆT ĐỘ cái NGU" thì "chết cha" lão phu rồi !

Ngọc Quế
09-24-2017, 04:13 PM
Kính bác duyngudocton! Vậy làm sao DIỆT ĐỘ cái NGU ?


Chào các bạn !

Chúng ta sở dĩ luân hồi sanh tử là vì NGU, lầm tưởng rằng xác thân này thật là thân ta, thần thức này (bao gồm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) là thật là bản thể tâm của ta.

Vị Đại Bồ tát "DIỆT ĐỘ" chúng sinh là chỉ cho chúng ta tất cả những thứ đó (ngũ uẩn) chỉ là sản phẩm của vô minh, không phải thật là TA. Một chúng sinh vô minh mà hiểu rõ điều này, giống như bị DIỆT ĐỘ, cái vô minh lầm chấp lâu nay rơi rụng. Giống như cây chuối bị lột hết bẹ chuối bao bọc thì không còn gì, chúng sinh vô minh bị DIỆT ĐỘ cũng như thế đấy.

Nhưng hơi khác cái ví dụ cây chuối một chút, khi một chúng sinh vô minh bị tước bỏ 5 lớp ngăn che thì Bản Thể Tâm tức cái TA THẬT được bộc lộ.

CÁI SỐNG THẬT này có đủ 4 đức THƯỜNG LẠC NGÃ TỊNH, cho nên Kinh nói "Diệt độ tất cả chúng sinh mà thật không có chúng sinh nào bị diệt độ cả".

Giúp cho chúng sinh vô minh nhận ra BẢN THỂ TÂM BẤT SINH BẤT DIỆT để được CÁI SỐNG THẬT đầy đủ THƯỜNG LẠC NGÃ TỊNH thì là người ơn hay kẻ oán ?!. Do đó không thể nói Chư vị Đại Giác Ngộ không Từ Bi !

Mến !

honglien
09-25-2017, 09:29 AM
ĐOẠN 17 :

Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát.

DỊCH:

Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ắt không phải là Bồ-tát.



Kính các bác ! Con chưa hiểu câu này (đã trích dẫn). Kính xin các bác giải rõ cho chúng con.
Kính !

kequaduong
09-25-2017, 10:36 AM
Kính các bác ! Con chưa hiểu câu này (đã trích dẫn). Kính xin các bác giải rõ cho chúng con.
Kính !

Chào honglien ! Cùng quý đạo hữu.

Về vấn đề này kequaduong đã có bài :


http://i172.photobucket.com/albums/w4/nonamerestore/tu%20tuong_zpsmhb4felz.jpg
http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/552-S%E1%BB%91-Kh%C3%B4ng-L%C3%A0-B%C3%AD-Quy%E1%BA%BFt-%C3%90%E1%BB%83-Ph%E1%BA%A3n-T%E1%BB%89nh-Ho%C3%A0n-Nguy%C3%AAn?p=15842&viewfull=1#post15842

Xin mời honglien và quý đạo hữu đọc lại.

Ngày xưa đức Phật Thích Ca trong giai đoạn đầu mở đạo, trình độ tứ chúng hãy còn hoang sơ, cho nên Phật chỉ dạy Nhân Thiên Thừa và Tiểu Thừa. Một thời gian sau, đã có khá đông chư Tỳ Kheo phá Ngã Tướng chứng quả A La Hán, đức Phật mới đem Kinh Kim Cang này ra giảng. Kinh Kim Cang này nhằm phá hết các tướng.

Nhân Tướng, Chúng sanh Tướng, Thọ Giả Tướng là những VI TẾ HOẶC mà những vị A La Hán chưa nghe Phật nói tới, mà nhiều vị đã vội nhập Niết Bàn.

Ngài Tu Bồ Đề tuy hiện thân là một vị Tỳ kheo đã đắc quả A La Hán, nhưng thực ra Ngài là Bồ Tát Hóa thân hỗ trợ tuyên lưu chính pháp cho Phật Thích Ca.

Chấp Nhân tướng thì vi tế hơn là chấp Ngã tướng, Chấp Chúng sinh tướng thì vi tế hơn là chấp Nhân tướng, Chấp Thọ giả tướng thì vi tế hơn là chấp Chúng sinh tướng.

Như thế đấy : Chúng ta vô minh, "sống ngây chết ngu", đức Phật nhìn rõ vấn đề "Các tầng lớp chấp nhất của Chúng sinh" cho nên đã khẳng định "Vị nào mà còn thấy thực có TA, thực có chúng sinh, thực có muôn loài, thực có Vô minh, thực có chứng đắc, có Ta cứu độ, có kẻ được cứu độ; thì vị ấy chẳng phải là Bồ tát".

homeless
09-26-2017, 09:00 AM
chào homeless
tâm trì muốn hỏi độ chúng sinh vào vô dư niết bàn là sao. sao không độ vào hữu dư mà độ vào vô dư. ôi khó hiểu quá!

Xin cáo lỗi cùng bạn tâm trì vì đã chậm trả lời !

Với Phật Giáo Nguyên Thủy thì : Vị A La Hán là "sanh đã tận, lậu đã hết" cho nên các Ngài nhập Niết Bàn.
Tuy rằng "lậu đã hết" nhưng khi chưa nhập Niết Bàn, các Ngài không ai có thể tự tại với phiền não nhiễm ô hết, các Ngài luôn "lánh động cầu tịnh". Đây là VI TẾ HOẶC, là sự chưa thông suốt thật tướng của vạn pháp. Cho nên với Đại Thừa, cái Niết Bàn mà những vị A La Hán nhập vào chỉ là Hữu Dư Y Niết Bàn _ nghĩa là Cái Niết Bàn mà còn sót Phàm, còn điều chưa thông suốt. (Phật Giáo Nguyên Thủy không chấp nhận điều này).

Vô dư Niết Bàn là sao ? Nói ngắn gọn của cụm từ Vô Dư Y Niết Nàn, Vô Dư Niết Bàn là trạng thái Toàn Giác, không còn một chút xíu lờ mờ, không thông suốt gì nữa. Thiệt ra Trạng thái Toàn Giác này không đợi tu chứng, nhưng "chúng sinh tâm" không chịu chết, nó luôn bám víu cái sống vô minh của mình, không chấp nhận "ánh sáng chói lòa của Trí Toàn Giác", nên kéo dài "đêm đen".

Đó là lý do Kinh Kim Cang nói "Chư Bồ tát phải độ cho tất cả chúng sinh vào Vô dư Niết Bàn", chớ nếu độ cho vào Hữu dư Niết bàn, nghĩa là tuồng Mê hãy chưa kết thúc, thì không phải dụng ý của Kinh này.

Mến !

lamebay
09-27-2017, 11:19 AM
ĐOẠN 17 :

Hà dĩ cố? Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa.

DỊCH:

Vì cớ sao? Như Lai tức là nghĩa Như của các pháp.



Thưa các tiền bối ! Theo con được học NHƯ LAI là một trong 10 hiệu của đức Phật, còn câu trích dẫn trên con không hiểu :
_ Vì sao Phật không phải là đấng Thế Tôn cao quý mà chỉ là "nghĩa Như của các pháp." ???
Kính thắc mắc !

colaihi
09-28-2017, 10:57 AM
Thưa các tiền bối ! Theo con được học NHƯ LAI là một trong 10 hiệu của đức Phật, còn câu trích dẫn trên con không hiểu :
_ Vì sao Phật không phải là đấng Thế Tôn cao quý mà chỉ là "nghĩa Như của các pháp." ???
Kính thắc mắc !

Chào quý đạo hữu ! Chào lá me bay !

"đấng Thế Tôn cao quý" là nghĩa Thế gian, là nghĩa có đối đải (với các pháp tầm thường, pháp Ác), không phải NGHĨA THẬT mà đức Phật muốn chúng ta thâm nhập.

Bạn chọn lamebay làm nick của mình, vì bạn nghĩ bạn rất tầm thường (phải không ?). Thực nghĩa của Phật pháp, không có gì tầm thường, cũng không có gì cao quý, tất cả đều bình đẳng !

Trên màn hình máy tính của bạn, một đóa hoa đẹp hay một bụi gai cả hai đều là ảnh kỷ thuật số, nghĩa là tất cả mọi hiện ảnh trên màn hình đều là những tổ hợp xung điện, không có cái ảnh nào quý, không có cái ảnh nào tiện cả.

Nói "đấng Thế Tôn cao quý" chỉ là phương tiện nói, nói theo trình độ chấp nhất của thế gian. Ở đây _ Kinh Kim Cang này _ đức Phật NÓI THẬT rằng : "Thấy PHẬT CAO QUÝ là cái thấy LẦM theo Tướng", chứ "Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng". Cái Bản thể chân thật của Phật và Cái bản thể chân thật của tất cả các pháp khác đều là MỘT, đều là NHƯ. Cho nên nếu một Phật tử nào mà từ một pháp bất kỳ (không luận pháp Thiện hay pháp Ác) mà tìm đến cội nguồn _ bản thể _ thì cũng đều bắt gặp Chân Lý Tuyệt đối.

Đây là lý do mà Đại Thừa khuyên chư Bồ tát nên nhập thế độ sinh. Độ sinh không phải vì chúng sinh thực CÓ, mà dùng sự cọ xát với chúng sinh, với vạn pháp để nhận ra cái hư huyễn của vạn pháp.


"Chúng sinh muôn tướng muôn hình,
Cũng đều giống Phật, chân trình từ xưa."
A

Tuệ Thức
09-29-2017, 10:32 AM
Kính các bác ! Con chưa hiểu câu này : Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp.

Theo con đã được nghe giảng "Pháp Ác thì không phải Phật pháp" "Phá hòa hiệp Tăng thì không phải Phật pháp", "các Ác Ma làm thối thất tâm người tu Phật thì không phải Phật pháp", "Tham Sân Si thì không phải Phật pháp", ......

Bây giờ Phật tuyên bố như vậy, hóa ra tất cả phiền não nhiễm ô, cũng được Phật dung chứa cùng với các pháp thanh tịnh như Giới Định Tuệ hay sao ?

Kính !

Ngọc Quế
09-30-2017, 08:39 AM
Kính các bác ! Con chưa hiểu câu này : Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp.

Theo con đã được nghe giảng "Pháp Ác thì không phải Phật pháp" "Phá hòa hiệp Tăng thì không phải Phật pháp", "các Ác Ma làm thối thất tâm người tu Phật thì không phải Phật pháp", "Tham Sân Si thì không phải Phật pháp", ......

Bây giờ Phật tuyên bố như vậy, hóa ra tất cả phiền não nhiễm ô, cũng được Phật dung chứa cùng với các pháp thanh tịnh như Giới Định Tuệ hay sao ?

Kính !



Chào Tuệ Thức !

Chắc bạn còn nhớ, Thiện Tinh Tỳ Kheo phạm lỗi với đức Thích Ca rất nhiều lần, nhưng có bao giờ Phật đuổi Ông ra khỏi Tăng đoàn hay không ?

Đề Bà Đạt Đa, vị đã muốn lập Tăng đoàn riêng, đã lăn đá tảng từ triền núi xuống lúc Phật đi khất thực (làm Phật chảy máu), đã xúi vua thả voi say để mong voi sẽ dày đạp Phật, mà đức Phật có tẩn xuất vị này hay không ?

Không có chứ gì ! Lý do : "tất cả pháp đều là Phật pháp !"

Tại sao ? Thường thì chúng ta ưa Thiện pháp, ghét Ác pháp. Đó là chúng ta chưa thấy được Thực tướng của các pháp.

Không thấy được Thực tướng của các pháp thì là kẻ Vô Minh.

Thấy rõ Thực tướng của các pháp thì là Bậc Giác Ngộ.

Thực tướng của các pháp ra sao ?

_ NHƯ MỘNG HUYỄN.

Mến !

muabuon
10-01-2017, 08:35 AM
ĐOẠN 18 :

NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN

- Tu-bồ-đề ! Ư ý vân hà? Như Lai hữu nhục nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu nhục nhãn.

- Tu-bồ-đề ! Ư ý vân hà? Như Lai hữu Thiên nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu Thiên nhãn.

- Tu-bồ-đề ! Ư ý vân hà? Như Lai hữu Tuệ nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn ! Như Lai hữu Tuệ nhãn.

- Tu-bồ-đề ! Ư ý vân hà? Như Lai hữu Pháp nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu Pháp nhãn.

- Tu-bồ-đề ! Ư ý vân hà? Như Lai hữu Phật nhãn phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai hữu Phật nhãn.

- Tu-bồ-đề ! Ư ý vân hà? Như Hằng hà trung sở hữu sa, Phật thuyết thị sa phủ?

- Như thị Thế Tôn! Như Lai thuyết thị sa.

- Tu-bồ-đề ! Ư ý vân hà? Như nhất Hằng hà trung sở hữu sa, hữu như thị sa đẳng Hằng hà, thị chư Hằng hà sở hữu sa số Phật thế giới, như thị ninh vi đa phủ?

- Thậm đa Thế Tôn!

Phật cáo Tu-bồ-đề:

_ Nhĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sanh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm, thị danh vi tâm. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.


DỊCH:

ĐỒNG QUÁN CÓ MỘT THỂ.

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có nhục nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có Thiên nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có Thiên nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có Tuệ nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có Tuệ nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có Pháp nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có Pháp nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có Phật nhãn.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, Phật nói là cát chăng?

- Bạch Thế Tôn, như thế ! Như Lai nói là cát.

- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong một sông Hằng có bao nhiêu cát, có những sông Hằng bằng số cát như thế , có các thế giới của Phật bằng số cát của những sông Hằng ấy, như thế thật là nhiều chăng?

- Bạch Thế Tôn, rất là nhiều!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong các cõi nước đầy dẫy như thế, có tất cả chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết. Vì cớ sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.

Gia Bảo
10-02-2017, 10:08 AM
_ Nhĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sanh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm, thị danh vi tâm.




Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong các cõi nước đầy dẫy như thế, có tất cả chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết. Vì cớ sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm.



Kính các bác ! Câu trên thì con tin "chúng sinh có bao nhiêu thứ tâm Phật đều biết", nhưng con chưa hiểu câu dưới "Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm".

Kính !

colaihi
10-03-2017, 10:14 AM
Kính các bác ! Câu trên thì con tin "chúng sinh có bao nhiêu thứ tâm Phật đều biết", nhưng con chưa hiểu câu dưới "Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm".

Kính !

Chào Gia Bảo ! Kính chào quý đạo hữu !

Hầu hết chúng ta đều lầm nhận điểm này ! Chúng ta thường cho là : Tôi hạnh phúc, tôi vui, tôi buồn, tôi khổ, tôi ân hận, ...v...v...những tình cảm mong muốn, thèm khát, hoặc là "buồn vu vơ" đều là tâm niệm của ta. Chuyền níu theo những tâm niệm này, suốt đời ta như sóng trên đại dương, không lúc nào được an nghỉ, hạnh phúc thật sự. Dù sóng lăn tăn, sóng nhấp nhô hay sóng bạc đầu, tất cả chỉ thoáng qua, thay đổi liên tục, không sóng nào thực có.

Đức Phật thấy rõ điều đó, Ngài cũng muốn cho chúng ta nhận ra điều ấy để mà nhận được cái hạnh phúc chân thật, nên đức Phật chỉ "tất cả những niệm tưởng chợt sinh chợt diệt ấy không phải là TÂM của ta đâu."

NGƯỜI NÀO CÒN LẦM NHỮNG NIỆM TƯỞNG LÀ TÂM TA THÌ CÒN THEO NÓ MÀ LUÂN HỒI.

Mến !

duyngudocton
10-03-2017, 04:29 PM
Chào Gia Bảo ! Kính chào quý đạo hữu !

Hầu hết chúng ta đều lầm nhận điểm này ! Chúng ta thường cho là : Tôi hạnh phúc, tôi vui, tôi buồn, tôi khổ, tôi ân hận, ...v...v...những tình cảm mong muốn, thèm khát, hoặc là "buồn vu vơ" đều là tâm niệm của ta. Chuyền níu theo những tâm niệm này, suốt đời ta như sóng trên đại dương, không lúc nào được an nghỉ, hạnh phúc thật sự. Dù sóng lăn tăn, sóng nhấp nhô hay sóng bạc đầu, tất cả chỉ thoáng qua, thay đổi liên tục, không sóng nào thực có.

Đức Phật thấy rõ điều đó, Ngài cũng muốn cho chúng ta nhận ra điều ấy để mà nhận được cái hạnh phúc chân thật, nên đức Phật chỉ "tất cả những niệm tưởng chợt sinh chợt diệt ấy không phải là TÂM của ta đâu."

NGƯỜI NÀO CÒN LẦM NHỮNG NIỆM TƯỞNG LÀ TÂM TA THÌ CÒN THEO NÓ MÀ LUÂN HỒI.

Mến !



Chào bà bà colaido !

"NGƯỜI NÀO CÒN LẦM NHỮNG NIỆM TƯỞNG LÀ TÂM TA THÌ CÒN THEO NÓ MÀ LUÂN HỒI."

Cho tui hỏi : Vậy LUÂN HỒI có thực hay không ?

:cool:

homeless
10-04-2017, 08:19 AM
Chào bà bà colaido !

"NGƯỜI NÀO CÒN LẦM NHỮNG NIỆM TƯỞNG LÀ TÂM TA THÌ CÒN THEO NÓ MÀ LUÂN HỒI."

Cho tui hỏi : Vậy LUÂN HỒI có thực hay không ?

:cool:

Chào duyngu !

Để tui thay mặt "bà bà" trả lời cho ông bạn nhé ! (Xin phép "bà bà" !)

Thứ nhất, nickname của "bà bà" là colaihi nghĩa là "cỗ lai hi" _ có câu "thất thập cỗ lai hi" nghĩa là "người sống 70 tuổi thì rất hiếm !", mà ông bạn lại đổi thành colaido, tui đoán là "cô lái đò" đúng không ?

Không sao, chỉ là GIẢ DANH thôi ! "cô lái đò" cũng rất ý nghĩa, rằng vị này sẽ giúp cho duyngu qua bờ Giác (hết ngu).

Chuyện Sanh Tử Luân Hồi đối với những bậc Đại Giác Ngộ thì KHÔNG CÓ THỰC, các Ngài nhìn cái chuyện luân hồi của chúng sinh 6 cõi như là một vở tuồng có nhiều màn. Trong tuồng nếu có một nhân vật nào chết đi, rồi vào hậu trường thay đổi xiêm y, rồi lại ra đóng vai một nhân vật khác; bậc Đại Giác Ngộ biết rằng : Không có ai chết đi cả, chỉ là xong một lớp tuồng mà thôi, vì sau khi được khiêng vào hậu trường thì nhân vật ấy lại đứng lên đi ăn cháo khuya và cười hỉ hả.

Kết luận : LUÂN HỒI KHÔNG CÓ THỰC VỚI BẬC ĐẠI GIÁC NGỘ.

Còn chúng ta _ những kẻ phàm phu ngu si, như đứa trẻ nít lên ba _ thì thấy TẤT CẢ ĐỀU THỰC CÓ, cho nên khởi đủ thứ tâm : chúng ta toét miệng cười khi được cho bánh kẹo, chúng ta khóc như mưa khi mất một món đồ chơi, .....

Kết luận : Với chúng ta thì LUÂN HỒI là điều RẤT THỰC, CHẮC CHẮN 100%.

Kính !

Phúc Hạnh
10-05-2017, 07:45 AM
ĐOẠN 18 :

Tu-bồ-đề! Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.


Này Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.



Dạ, con xin các tiền bối giải cho con đoạn này.

Con có nghe Sư Ông Nhất Hạnh dạy "Niết Bàn là đây, trong thế gian này, an lạc trong từng bước chân đi !" Mà đây Kinh nói "hiện tại tâm bất khả đắc" (tâm hiện tại không thể được)

Vậy có phải quan điểm của Sư Ông là một "khám phá mới" về Chân Lý của đạo Phật hay không ?

Kính !

duyngudocton
10-05-2017, 10:29 AM
Dạ, con xin các tiền bối giải cho con đoạn này.

Con có nghe Sư Ông Nhất Hạnh dạy "Niết Bàn là đây, trong thế gian này, an lạc trong từng bước chân đi !" Mà đây Kinh nói "hiện tại tâm bất khả đắc" (tâm hiện tại không thể được)

Vậy có phải quan điểm của Sư Ông là một "khám phá mới" về Chân Lý của đạo Phật hay không ?

Kính !



Hảo lớ ! Sư Ông này nói trúng ý của tui đó ! Chúng ta đâu cần phải dày công tu hành vô lượng kiếp làm chi cho vất vả, há không phải Lục tổ Huệ Năng đã từng nói "Phật pháp tại thế gian, ...." hay sao ? Chúng ta chỉ cần an trú trong hiện tại "an lạc từng bước chân đi !" là đủ rồi. Tây Phương Cực Lạc hay Niết bàn Phật Quốc gì ở đâu xa, không biết có thật hay không, chớ nghe theo sư ông thì chứng đắc hiện tiền rồi !

:p

nguoidien
10-05-2017, 03:39 PM
Hảo lớ ! Sư Ông này nói trúng ý của tui đó ! Chúng ta đâu cần phải dày công tu hành vô lượng kiếp làm chi cho vất vả, há không phải Lục tổ Huệ Năng đã từng nói "Phật pháp tại thế gian, ...." hay sao ? Chúng ta chỉ cần an trú trong hiện tại "an lạc từng bước chân đi !" là đủ rồi. Tây Phương Cực Lạc hay Niết bàn Phật Quốc gì ở đâu xa, không biết có thật hay không, chớ nghe theo sư ông thì chứng đắc hiện tiền rồi !

:p

Chứng cái "con khỉ mốc" ! Ngu si vẫn là ngu si, chỉ là xí gạt thiên hạ. Nếu quả là chứng đắc thì cái đám tự "an lạc trong từng bước chân đi" đó có dám tự an lạc khi dứt hơi thở cuối cùng hay không ? Hay là cũng xúm nhau tụng Kinh cầu siêu vang rân ?.

colaihi
10-06-2017, 08:46 AM
Chứng cái "con khỉ mốc" ! Ngu si vẫn là ngu si, chỉ là xí gạt thiên hạ. Nếu quả là chứng đắc thì cái đám tự "an lạc trong từng bước chân đi" đó có dám tự an lạc khi dứt hơi thở cuối cùng hay không ? Hay là cũng xúm nhau tụng Kinh cầu siêu vang rân ?.

Người điên hôm nay nói chuyện không điên tí nào !

Cái gì cảm thấy "an lạc trong từng bước chân đi" ? Vẫn là cái Ý THỨC MÊ LẦM xưa nay, hay nói rõ hơn là Thọ uẩn và Tưởng uẩn đó thôi, chứ đâu phải CÁI TRÍ GIÁC NGỘ !

Những người hành trì chăm chỉ theo chủ trương Sư Ông thì chỉ có 2 thành tựu, 1 là được sinh Thiên, 2 là được làm đệ tử của Thiên Ma.

Đã đành rằng Giáo lý Nhân Pháp và Thiên Pháp cũng có trong đạo Phật, nhưng những Giáo lý ấy chỉ như "vết trầy xước trên cây" cỗ thụ Phật Giáo.

Niết Bàn của Phật Giáo, không phải là "Niết Bàn trên giấy" hay là "Niết Bàn khái niệm".

Kính chia sẻ !

duyngudocton
10-06-2017, 05:10 PM
Người điên hôm nay nói chuyện không điên tí nào !

Cái gì cảm thấy "an lạc trong từng bước chân đi" ? Vẫn là cái Ý THỨC MÊ LẦM xưa nay, hay nói rõ hơn là Thọ uẩn và Tưởng uẩn đó thôi, chứ đâu phải CÁI TRÍ GIÁC NGỘ !

Những người hành trì chăm chỉ theo chủ trương Sư Ông thì chỉ có 2 thành tựu, 1 là được sinh Thiên, 2 là được làm đệ tử của Thiên Ma.

Đã đành rằng Giáo lý Nhân Pháp và Thiên Pháp cũng có trong đạo Phật, nhưng những Giáo lý ấy chỉ như "vết trầy xước trên cây" cỗ thụ Phật Giáo.

Niết Bàn của Phật Giáo, không phải là "Niết Bàn trên giấy" hay là "Niết Bàn khái niệm".

Kính chia sẻ !



Bà bà "colaido" cho tui hỏi, bà bà nói :

"Những người hành trì chăm chỉ theo chủ trương Sư Ông thì chỉ có 2 thành tựu, 1 là được sinh Thiên, 2 là được làm đệ tử của Thiên Ma."

Nghe theo Sư Ông thì sẽ được sinh Thiên là điều không thể chối cãi, vì Sư Ông chỉ toàn dạy những điều LÀNH THIỆN. Còn "làm đệ tử của Thiên Ma" là sao ? xin bà bà nói rõ lý do, nếu không tui nhận chìm đò của bà bà đó.

:mad:

colaihi
10-07-2017, 09:17 AM
Bà bà "colaido" cho tui hỏi, bà bà nói :

"Những người hành trì chăm chỉ theo chủ trương Sư Ông thì chỉ có 2 thành tựu, 1 là được sinh Thiên, 2 là được làm đệ tử của Thiên Ma."

Nghe theo Sư Ông thì sẽ được sinh Thiên là điều không thể chối cãi, vì Sư Ông chỉ toàn dạy những điều LÀNH THIỆN. Còn "làm đệ tử của Thiên Ma" là sao ? xin bà bà nói rõ lý do, nếu không tui nhận chìm đò của bà bà đó.

:mad:

Chào duyngu !

Bạn có nhớ câu chuyện một vị đang là đệ tử của đức Phật mà đã là đệ tử của Thiên Ma là Đề Bà Đạt Đa, hay không ?

Có lần Đề Bà đề nghị với đức Phật nên bổ sung vào Giới Luật 5 điều mà hắn đã nghĩ ra, và đức Phật đã từ chối :

1. Trọn thọ đời nên sống ở ẩn nơi rừng sâu (A-lan-nhã), đến làng xóm là có tội.
2. Trọn thọ đời nên sống khất thực, nhận mời ăn là có tội.
3. Trọn thọ đời nên mặc y trét dơ, nhận đồ mặc của cư sĩ là có tội.
4. Trọn thọ đời nên ngồi dưới bóng cây, ngồi trong nhà là có tội.
5. Trọn thọ đời không nên ăn cá thịt, ăn cá thịt là có tội.

Bạn duyngu có thấy chăng ? Những điều Đề Bà nêu ra có thể xem là rất hay, rất đáng ngưỡng mộ. Vậy những điều này đã sai ở điểm nào ?

Sai ở chỗ quá quan trọng ngoại hạnh, chấp "vạn pháp là thật" quá nặng, điều này trùng khớp với những tư tưởng Ngoại Đạo. Thay vì nhồi bột làm bánh thì những người này lại "nhồi đất sét làm bánh".

Người chỉ sống với Ý Thức, tưởng tượng ra Phật Pháp như thế này, Niết Bàn như thế kia; thì cái Niết Bàn ấy chỉ là sản phẩm của Ý Thức, rồi bây giờ mình lại đem "cái bánh đất sét" ấy ra mời mọi người cùng ăn. Như thế không gọi là MA thì gọi là gì ?!

Già này nói như thế, bạn duyngu đã thỏa mãn chưa ?

homeless
10-08-2017, 10:06 AM
Dạ, con xin các tiền bối giải cho con đoạn này.

Con có nghe Sư Ông Nhất Hạnh dạy "Niết Bàn là đây, trong thế gian này, an lạc trong từng bước chân đi !" Mà đây Kinh nói "hiện tại tâm bất khả đắc" (tâm hiện tại không thể được)

Vậy có phải quan điểm của Sư Ông là một "khám phá mới" về Chân Lý của đạo Phật hay không ?

Kính !



Chào Phúc Hạnh !

Về chuyện "hiện tại tâm bất khả đắc" (tâm hiện tại không thể được) bà bà colaihi đã nói rồi. Phật nói thế mà trên thế giới hiện nay, "cả đống" người chủ trương an trú trong cái TÂM HIỆN TẠI (Ý Thức) gọi đó là ĐẠO ! Vậy là không thâm nhập ý Kinh Kim Cang này.

Còn Phúc Hạnh hỏi "đây có phải là khám phá mới hay không ?", xin thưa quan điểm này đã có trong Nho Giáo (học thuyết TỌA VONG) từ trước khi Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa, chớ đâu có mới gì. Gần đây Ông Krishnamurti có thuyết giảng về "what is" (được dịch là "CÁI ĐANG LÀ") mà Sư Ông Nhất Hạnh đã triễn khai thành chủ trương "an lạc trong từng bước chân đi". (Thời điểm mà Ông K rao giảng điều này, Ông chưa có chứng ngộ Giải Thoát Sinh Tử Luân Hồi _ một quả vị trong Tứ Thánh của Phật Giáo)

Thế đó ! Hiện tượng này không có gì mới cả, chỉ là "rượu cũ bình mới" thôi ! Nhưng có điều "cập nhật hóa" Giáo lý Đạo Phật như vầy thì vừa với lỗ tai của đa số "Phật tử @" hơn.

Xin bổ sung bài của "bà bà" !

muabuon
10-09-2017, 09:49 AM
ĐOẠN 19 :

PHÁP GIỚI THÔNG HÓA

- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Nhược hữu nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước đa phủ?

- Như thị Thế Tôn! Thử nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước thậm đa.

- Tu-bồ-đề! Nhược phước đức hữu thật, Như Lai bất thuyết đắc phước đức đa, dĩ phước đức vô cố, Như Lai thuyết đắc phước đức đa.


DỊCH:

PHÁP GIỚI THÔNG SUỐT KHÔNG BỊ NGĂN TRỞ.

- Này Tu-bồ-đề , ý ông nghĩ sao? Nếu có người đem bảy báu đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới dùng bố thí, người ấy do nhân duyên này được phước đức nhiều chăng?

- Bạch Thế Tôn! Như thế! Người này do nhân duyên đó được phước đức rất nhiều.

- Này Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói được phước đức nhiều.

muabuon
10-11-2017, 10:30 AM
ĐOẠN 20 :

LY SẮC LY TƯỚNG.

- Tu-bồ-đề ! Ư ý vân hà? Phật khả dĩ cụ túc sắc thân kiến phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết cụ túc sắc thân tức phi cụ túc sắc thân, thị danh cụ túc sắc thân.

- Tu-bồ-đề ! Ư ý vân hà? Như Lai khả dĩ cụ túc chư tướng kiến phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc chư tướng kiến. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tướng cụ túc tức phi cụ túc, thị danh chư tướng cụ túc.


DỊCH:

LÌA SẮC, LÌA TƯỚNG.

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Phật có thể do đầy đủ sắc thân mà thấy chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ sắc thân mà thấy. Vì cớ sao? Như Lai nói đầy đủ sắc thân tức chẳng phải đầy đủ sắc thân ấy gọi là đầy đủ sắc thân.

- Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có thể do đầy đủ các tướng mà thấy chăng?

- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ các tướng mà thấy. Vì cớ sao? Như Lai nói các tướng đầy đủ tức chẳng phải đầy đủ, ấy gọi là các tướng đầy đủ.

Gia Bảo
10-13-2017, 07:46 AM
.
Kính các bác ! Con ngu muội, đọc đoạn Kinh này, con không hiểu "mô, tê" gì cả. Kính xin các bác giảng giải thêm.

Kính !

homeless
10-13-2017, 09:50 AM
.
Kính các bác ! Con ngu muội, đọc đoạn Kinh này, con không hiểu "mô, tê" gì cả. Kính xin các bác giảng giải thêm.

Kính !

Chào Gia Bảo ! Có phải bạn nhỏ muốn biết :

"Như Lai không nên do đầy đủ sắc thân mà thấy." và "Như Lai không nên do đầy đủ các tướng mà thấy." hay không ?

Bạn trẻ ơi ! Có phải hầu hết Phật tử chúng ta thấy Phật như vầy chăng :


http://phatgiao.org.vn//Images/Contents/nguyenlinhchi/20170509/Phatgiao-org-vn-Muc-dich-cua-dao-Phat-la-gi0.jpg

Đó là chúng ta đã quán thấy Phật qua sắc thân và hình tướng. Đoạn Kinh này nói "chẳng những hình ảnh đó không phải là hình ảnh Phật, mà nếu đức Phật có bằng xương bằng thịt đứng trước mặt chúng ta, cũng chỉ là GIẢ ẢNH, là bóng dáng của NHƯ LAI hiện ra trong cõi GIẢ này."

Bởi NHƯ LAI thì VÔ TƯỚNG, mọi hiện ảnh trong Vô Minh, chỉ là biểu tượng (tùy duyên sanh ra) mà thôi !.

Mến !

Gia Bảo
10-14-2017, 08:28 AM
Chào Gia Bảo ! Có phải bạn nhỏ muốn biết :

"Như Lai không nên do đầy đủ sắc thân mà thấy." và "Như Lai không nên do đầy đủ các tướng mà thấy." hay không ?

Bạn trẻ ơi ! Có phải hầu hết Phật tử chúng ta thấy Phật như vầy chăng :....

Đó là chúng ta đã quán thấy Phật qua sắc thân và hình tướng. Đoạn Kinh này nói "chẳng những hình ảnh đó không phải là hình ảnh Phật, mà nếu đức Phật có bằng xương bằng thịt đứng trước mặt chúng ta, cũng chỉ là GIẢ ẢNH, là bóng dáng của NHƯ LAI hiện ra trong cõi GIẢ này."

Bởi NHƯ LAI thì VÔ TƯỚNG, mọi hiện ảnh trong Vô Minh, chỉ là biểu tượng (tùy duyên sanh ra) mà thôi !.

Mến !



Dạ, con cám ơn bác homeless ! Nhưng con còn thắc mắc điểm này : "Như Lai nói đầy đủ sắc thân tức chẳng phải đầy đủ sắc thân ấy gọi là đầy đủ sắc thân."
Kính !

nguoi ao lam
10-14-2017, 09:14 AM
Dạ, con cám ơn bác homeless ! Nhưng con còn thắc mắc điểm này : "Như Lai nói đầy đủ sắc thân tức chẳng phải đầy đủ sắc thân ấy gọi là đầy đủ sắc thân."
Kính !

Chào Gia Bảo ! nguoi ao lam xin góp ý như thế này nhé !

Cái ảnh đại diện của Gia Bảo là ảnh một người gổ khiếm khuyết, giả sử bây giờ có ai đó tô thêm một chút bóng xám đen ở vị trí bị khiếm khuyết; ta có thể bảo là "Gia Bảo nay đã đầy đủ sắc thân" hay không ?

Wow ! Cái ảnh đại diện bị khiếm khuyết, chứ Gia Bảo đâu có khiếm khuyết, cho nên câu "Gia Bảo nay đã đầy đủ sắc thân" là câu nói không được đúng, vì Gia Bảo không phải là cái GIẢ ẢNH đó. Chỉ là "thị danh cụ túc sắc thân", (chỉ tạm gọi là nay đã đầy đủ hình hài).

Theo giáo lý nhà Phật : tất cả các pháp quanh ta được chia làm 2 loại, có hình tướng gọi là SẮC PHÁP, trườu tượng không hình tướng thì gọi là DANH PHÁP (Chỉ là tên gọi).

Tất cả mọi hình, ảnh, tượng về Phật chỉ là biểu tượng (DANH PHÁP); nhục thân của một vị Đại Giác ngộ (SẮC PHÁP) thì không phải là BẬC GIÁC NGỘ.

NHƯ LAI tạm dùng tứ đại GIẢ CÓ của mỗi cõi _ như cái loa phóng thanh _ để cho tiếng nói của Chân Lý được đến với muôn loài. (Chứ NHƯ LAI không có trong cái loa nào cả)

Mến !

muabuon
10-15-2017, 11:54 AM
ĐOẠN 21 :

PHI THUYẾT SỞ THUYẾT

Tu-bồ-đề! Nhữ vật vị Như lai tác thị niệm: Ngã đương hữu sở thuyết pháp, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố. Tu-bồ-đề! Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp. Nhĩ thời Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Phả hữu chúng sanh ư vị lai thế, văn thuyết thị pháp, sanh tín tâm phủ?

Phật ngôn: Tu-bồ-đề! Bỉ phi chúng sanh, phi bất chúng sanh. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Chúng sanh, chúng sanh giả, Như Lai thuyết phi chúng sanh, thị danh chúng sanh.


DỊCH:

KHÔNG NĂNG THUYẾT VÀ SỞ THUYẾT.

Này Tu-bồ-đề, ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ thế này, ta sẽ có nói pháp, chớ khởi cái nghĩ ấy. Vì cớ sao? Nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu nghĩa ta đã nói. Này Tu-bồ-đề, nói pháp đó không có pháp có thể nói ấy gọi là nói pháp. Khi ấy ngài Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, vả lại có chúng sanh ở đời vị lai nghe nói pháp này sanh lòng tin chăng?

Phật bảo: Tu-bồ-đề, kia chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chẳng chúng sanh. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, chúng sanh, chúng sanh ấy Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh.

Tuệ Thức
10-15-2017, 05:21 PM
Kính các bác !
Phật nói Phật không có nói pháp, "Nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Phật". Dạ con không dám phỉ báng Phật, nhưng con thắc mắc những bộ Kinh 1. Trường bộ kinh (pi. dīgha-nikāya), 2. Trung bộ kinh (pi. majjhima-nikāya), 3. Tương Ưng Bộ kinh (pi. saṃyutta-nikāya), 4. Tăng chi bộ kinh (pi. aṅguttara-nikāya) và 5. Tiểu bộ kinh (pi. khuddaka-nikāya). Ngoài ra còn có bốn bộ A-hàm viết bằng tiếng Phạn: Trường A-hàm (tương ứng với Trường bộ kinh), Trung A-hàm (tương ứng với Trung bộ kinh), Tăng Nhất A-hàm, và Tạp A-hàm. Những bộ Kinh này do đâu mà có ? Không lẻ Phật không có nói mà do chư Trưởng lão tự nghĩ ra ?
Kính !

colaihi
10-16-2017, 09:19 AM
Kính các bác !
Phật nói Phật không có nói pháp, "Nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Phật". Dạ con không dám phỉ báng Phật, nhưng con thắc mắc những bộ Kinh 1. Trường bộ kinh (pi. dīgha-nikāya), 2. Trung bộ kinh (pi. majjhima-nikāya), 3. Tương Ưng Bộ kinh (pi. saṃyutta-nikāya), 4. Tăng chi bộ kinh (pi. aṅguttara-nikāya) và 5. Tiểu bộ kinh (pi. khuddaka-nikāya). Ngoài ra còn có bốn bộ A-hàm viết bằng tiếng Phạn: Trường A-hàm (tương ứng với Trường bộ kinh), Trung A-hàm (tương ứng với Trung bộ kinh), Tăng Nhất A-hàm, và Tạp A-hàm. Những bộ Kinh này do đâu mà có ? Không lẻ Phật không có nói mà do chư Trưởng lão tự nghĩ ra ?
Kính !

Chào quý đạo hữu, chào Tuệ Thức !

Tuệ Thức đã không chú ý đến câu sau rồi "bất năng giải ngã sở thuyết cố." nghĩa là "không thể hiểu nghĩa (những gì) ta đã nói.".

Quý đạo hữu ơi ! Nếu chỉ để giảng những giáo lý như những bộ Kinh trên (mà Tuệ Thức đã nêu) thì chưa phải là Chân Lý Tuyệt Đối _ mà Đức Phật đã chứng đắc được. Điều đức Phật chứng đắc được tuyệt đỉnh "chín từng mây", nếu đem ra giảng trong những năm đầu mở đạo, thì sẽ không có ai hiểu và chấp nhận hết; cho nên Phật đã phương tiện (tùy bệnh kê đơn) mà nói "vân vi" (những Kinh ấy) như thế.

Sau vài chục năm dạy đạo (Nhị Thừa), trong Tăng đoàn đã có những vị Trưởng lão tuyệt vời như Tu Bồ Đề, Phật mới đem Kinh Kim Cang này ra nói, dạy.

Lúc này _ Kinh này _ Phật mới hé lộ một tính chất của Chân Lý Tuyệt Đối, đó là TÍNH KHÔNG, TÍNH HƯ ẢO của muôn pháp, (như ánh sáng mặt trời hé lộ qua tàng cây rậm rạp của rừng già).

Nếu "giải ngã sở thuyết" thì sẽ thấy, chẳng những những Kinh Phật đã nói, đang nói hay sẽ nói; tất cả đều như "tiếng vang trong núi", có đó nhưng không thật có. Những điều Phật đã từng tuyên thuyết (hay sẽ tuyên thuyết) đều như "ngón tay chỉ trăng" (quan trọng là chúng ta sẽ được thấy trăng, chớ không phải là thấy ngón tay).

Nếu "giải ngã sở thuyết" tức "hiểu được điều ta nói" thì sẽ như người tỉnh giấc chiêm bao, tất cả mộng cảnh rằng đã từng có đức Thích Ca 49 năm thuyết pháp chỉ là "một thoáng vân vi".

Ai đã từng mơ thấy Phật đà
Rằng ngôn, rằng thuyết, Úm Ba La !
Một còn không có, đâu hai thứ,
Mộng cảnh tan rồi, a...ý a...!


Mến !

muabuon
10-18-2017, 07:59 AM
ĐOẠN 22 :

VÔ PHÁP KHẢ ĐẮC

Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Phật đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, vi vô sở đắc da?

Phật ngôn: Như thị, như thị! Tu-bồ-đề! Ngã ư A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.


DỊCH:

KHÔNG PHÁP CÓ THỂ ĐƯỢC.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay là không được ư? Phật bảo: Đúng như thế, như thế! Này Tu-bồ-đề, ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhẫn đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Gia Bảo
10-18-2017, 05:14 PM
ĐOẠN 22 :

Ngã ư A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.


DỊCH:

Này Tu-bồ-đề, ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhẫn đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.



Kính các bác, chúng con thân phận thấp hèn, vô tri vô lực, chúng con nghe nói thành Phật thì có đủ Tam thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông, .....v...v...; mà đoạn Kinh này nói "Phật không có được gì hết !". Chúng con không hiểu Vì sao Phật lại "dấu của" như thế ? (Mô Phật!)
Kính thắc mắc!

Ngọc Quế
10-19-2017, 09:07 AM
Kính các bác, chúng con thân phận thấp hèn, vô tri vô lực, chúng con nghe nói thành Phật thì có đủ Tam thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông, .....v...v...; mà đoạn Kinh này nói "Phật không có được gì hết !". Chúng con không hiểu Vì sao Phật lại "dấu của" như thế ? (Mô Phật!)
Kính thắc mắc!

Chào Gia Bảo !

1. _ Không phải Phật "dấu của" đâu, đừng nghĩ thế mà mang tội bất kính !

Thực tế là Như Lai ĐÃ VỐN SẴN TẤT CẢ, thì đâu thể gọi là ĐƯỢC gì hay CHỨNG gì ! Ví dụ :

Một người đi ra ngoài có việc, chừng trở về thì tự nhiên ngồi ngả lưng trên ghế dựa, không hề có nghĩ rằng "mình được cái ghế, cái bàn, cái ti vi, cái tủ lạnh, hoặc giả là được ngôi biệt thự này"; vì tất cả mọi thứ đều đã đương nhiên KHÔNG PHẢI CỦA AI KHÁC.

2._ Với Giáo Lý Nhị Thừa thì Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, có Tam thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông. Nhưng với Kinh Kim Cang này Phật chỉ cho ta thấy CHÂN THẬT TƯỚNG CỦA VẠN PHÁP : TẤT CẢ ĐỀU KHÔNG THỰC CÓ, kể cả Tam thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông, thành Phật hay đắc Niết Bàn.....v...v.... Tất cả chỉ là TUỒNG THIÊN DIỄN, tất cả chỉ như CHUYỆN TRONG MỘNG.

Cho nên Phật an trú trong Chân Lý Tuyệt đối mà nói : NHƯ LAI KHÔNG CÓ CHỨNG GÌ, ĐẮC GÌ !

Mến !

Thế Hùng
10-20-2017, 05:15 PM
Chào Gia Bảo !

1. _ Không phải Phật "dấu của" đâu, đừng nghĩ thế mà mang tội bất kính !

Thực tế là Như Lai ĐÃ VỐN SẴN TẤT CẢ, thì đâu thể gọi là ĐƯỢC gì hay CHỨNG gì ! Ví dụ :

Một người đi ra ngoài có việc, chừng trở về thì tự nhiên ngồi ngả lưng trên ghế dựa, không hề có nghĩ rằng "mình được cái ghế, cái bàn, cái ti vi, cái tủ lạnh, hoặc giả là được ngôi biệt thự này"; vì tất cả mọi thứ đều đã đương nhiên KHÔNG PHẢI CỦA AI KHÁC.

2._ Với Giáo Lý Nhị Thừa thì Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, có Tam thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông. Nhưng với Kinh Kim Cang này Phật chỉ cho ta thấy CHÂN THẬT TƯỚNG CỦA VẠN PHÁP : TẤT CẢ ĐỀU KHÔNG THỰC CÓ, kể cả Tam thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông, thành Phật hay đắc Niết Bàn.....v...v.... Tất cả chỉ là TUỒNG THIÊN DIỄN, tất cả chỉ như CHUYỆN TRONG MỘNG.

Cho nên Phật an trú trong Chân Lý Tuyệt đối mà nói : NHƯ LAI KHÔNG CÓ CHỨNG GÌ, ĐẮC GÌ !

Mến !



Kính bác Ngọc Quế ! Con thấy bác trả lời làm 2 cách, cách 1 và cách 2 mà hình như 2 cách đó "đá" với nhau. Cách 1 : PHẬT CÓ TẤT CẢ; cách 2 : PHẬT KHÔNG CÓ GÌ CẢ.

Kính xin bác xác định lại.

.

Ngọc Quế
10-21-2017, 08:05 AM
Kính bác Ngọc Quế ! Con thấy bác trả lời làm 2 cách, cách 1 và cách 2 mà hình như 2 cách đó "đá" với nhau. Cách 1 : PHẬT CÓ TẤT CẢ; cách 2 : PHẬT KHÔNG CÓ GÌ CẢ.

Kính xin bác xác định lại.

.

Chào Thế Hùng !

Tất cả Thần Thông, Pháp Bữu, ...v...v... đều từ Thể Báo Thân Phật, theo Duyên chúng sinh mà ứng hiện. Do vì chỉ là ứng hiện theo duyên cho nên KHÔNG THẬT CÓ.

KHÔNG THẬT CÓ nên không thể nói Như Lai Chứng gì, Đắc gì !

Mến !

colaihi
10-22-2017, 07:48 AM
Kính bác Ngọc Quế ! Con thấy bác trả lời làm 2 cách, cách 1 và cách 2 mà hình như 2 cách đó "đá" với nhau. Cách 1 : PHẬT CÓ TẤT CẢ; cách 2 : PHẬT KHÔNG CÓ GÌ CẢ.

Kính xin bác xác định lại.

.

Kính bác Ngọc Quế !

Xin phép cho colaihi được bổ sung :

Bạn Thế Hùng mến !

"Cách 1 : PHẬT CÓ TẤT CẢ" là nói theo TƯỚNG.

"Cách 2 : PHẬT KHÔNG CÓ GÌ CẢ." là nói THỰC TÁNH.

Kính chia sẻ !

muabuon
10-24-2017, 10:08 AM
ĐOẠN 23 :

TỊNH TÂM HÀNH THIỆN

Phục thứ Tu-bồ-đề! Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thị danh A-nậu-đa-la tam-miệu Tam-bồ-đề. Dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tu nhất thiết thiện pháp tắc đắc A-nậu-đa-la tam-miệu Tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Sở ngôn thiện pháp giả, Như Lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp.



DỊCH:

TÂM TRONG SẠCH LÀM VIỆC THIỆN.

Lại nữa Tu-bồ-đề, pháp này bình đẳng không có cao thấp, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả tu tất cả pháp lành tức được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, nói rằng pháp lành đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp lành, ấy gọi là pháp lành.

Phúc Hạnh
10-24-2017, 05:50 PM
ĐOẠN 23 :

tu nhất thiết thiện pháp tắc đắc A-nậu-đa-la tam-miệu Tam-bồ-đề.


DỊCH:

tu tất cả pháp lành tức được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.




Kính các bác ! Con thật không hiểu, khi Kinh nói "pháp này bình đẳng không có cao thấp", rồi bây giờ Kinh nói "tu nhất thiết thiện pháp tắc đắc A-nậu-đa-la tam-miệu Tam-bồ-đề." Như vậy là bình đẳng gì nữa đâu ?
Kính !

homeless
10-25-2017, 08:24 AM
Kính các bác ! Con thật không hiểu, khi Kinh nói "pháp này bình đẳng không có cao thấp", rồi bây giờ Kinh nói "tu nhất thiết thiện pháp tắc đắc A-nậu-đa-la tam-miệu Tam-bồ-đề." Như vậy là bình đẳng gì nữa đâu ?
Kính !

Xin chào Phúc Hạnh ! Chữ THIỆN ở đây chúng ta phải hiểu là PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO.

"tu tất cả pháp lành" tức là chúng ta tùy thuận nhân duyên mà hành các Giáo Lý do Phật đã phương tiện chế lập ra.

Mến !

colaihi
10-26-2017, 08:32 AM
Xin chào Phúc Hạnh ! Chữ THIỆN ở đây chúng ta phải hiểu là PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO.

"tu tất cả pháp lành" tức là chúng ta tùy thuận nhân duyên mà hành các Giáo Lý do Phật đã phương tiện chế lập ra.

Mến !



Cái bác homeless này ! Mụ già này đã kiệm lời, mà ông còn kiệm hơn, khiến cho Phúc Hạnh và các bạn hãy còn phân vân.

Chữ THIỆN này phải hiểu là KHÉO (chứ không phải Thiện đối đải với Ác). Cho nên chúng ta phải hiểu câu này Phật nói :

_ Bậc Bồ tát phải khéo léo dùng phương tiện _ dù thuận hành hay nghịch hành _ miễn là có thể khiến cho chúng sinh thức tỉnh, giác ngộ cái CHÂN LÝ BẤT NHỊ của Phật pháp, thì Bồ tát ấy sẽ đến được Vô Thượng Bồ Đề ! (Đây gọi là "Tu nhất thiết Thiện pháp")

Mến !

votam
10-27-2017, 08:03 AM
Cái bác homeless này ! Mụ già này đã kiệm lời, mà ông còn kiệm hơn, khiến cho Phúc Hạnh và các bạn hãy còn phân vân.

Chữ THIỆN này phải hiểu là KHÉO (chứ không phải Thiện đối đải với Ác). Cho nên chúng ta phải hiểu câu này Phật nói :

_ Bậc Bồ tát phải khéo léo dùng phương tiện _ dù thuận hành hay nghịch hành _ miễn là có thể khiến cho chúng sinh thức tỉnh, giác ngộ cái CHÂN LÝ BẤT NHỊ của Phật pháp, thì Bồ tát ấy sẽ đến được Vô Thượng Bồ Đề ! (Đây gọi là "Tu nhất thiết Thiện pháp")

Mến !



Kính các bác ! Theo những lời giảng giải của các bác thì chữ Thiện này không phải đối đải với các pháp Ác, nhưng trên tiêu đề :




ĐOẠN 23 :

TỊNH TÂM HÀNH THIỆN

DỊCH:

TÂM TRONG SẠCH LÀM VIỆC THIỆN.


rõ ràng đức Phật bảo chúng ta dùng TÂM TRONG SẠCH chăm làm CÁC VIỆC THIỆN (như Bố thí , giúp người, ...)

Kính !

duyngudocton
10-27-2017, 09:21 AM
Kính các bác ! Theo những lời giảng giải của các bác thì chữ Thiện này không phải đối đải với các pháp Ác, nhưng trên tiêu đề :



rõ ràng đức Phật bảo chúng ta dùng TÂM TRONG SẠCH chăm làm CÁC VIỆC THIỆN (như Bố thí , giúp người, ...)

Kính !

Hừm ! Trong nguyên văn không có tiêu đề này, đây là Hòa thượng giảng giải thêm vào để phân đoạn, để mọi người dễ nắm ý. Nhưng ....vô tình H.t đem chấp nhất của mình lồng vào đây. Đây là hiện tượng "đeo kính râm" đọc Kinh Phật, làm cho Kinh không sáng nghĩa mà thêm tối nghĩa.

:cool:

Gia Bảo
10-28-2017, 08:46 AM
ĐOẠN 23 :


......

Tu-bồ-đề! Sở ngôn thiện pháp giả, Như Lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp.



DỊCH:



Này Tu-bồ-đề, nói rằng pháp lành đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp lành, ấy gọi là pháp lành.




Kính các bác ! Con chưa hiểu chỗ này.

nguoidien
10-29-2017, 11:17 AM
Tu-bồ-đề! Sở ngôn thiện pháp giả, Như Lai thuyết tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp.
DỊCH:
Này Tu-bồ-đề, nói rằng pháp lành đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp lành, ấy gọi là pháp lành.

Kính các bác ! Con chưa hiểu chỗ này.

Gia Bảo nè !
Đạo Phật không biểu chúng ta cứ làm Ác, Đạo Phật vẫn kêu chúng ta hành Thiện, nhưng đây chỉ là Nhân Thiên Thừa trong đạo Phật. Nhiều người không hiểu thấy các đạo khác như Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa hão gì cũng cùng quan điểm này nên nói "Đạo nào cũng vậy".

Không phải đâu là không phải đâu! đạo Phật còn cao siêu hơn Ngoại Đạo nhiều, là ở câu này đó, Thiện pháp và Ác pháp là 2 pháp đối đải trong CƠN MÊ LỚN này, không pháp nào là chắc thiệt cả.

Ví dụ như ngày lễ Halloween, một số người hóa trang thành Ác Quỷ, người khác hóa trang thành Phù thủy, người khác hóa trang thành Hiệp sĩ diệt Quỷ, dầu mang hình thức nào điều đó cũng chỉ là "TÊN GỌI" _ GIẢ DANH _ chứ không phải thực người hóa trang Ác Quỷ là người Ác, người hóa trang Hiệp sĩ là người Thiện. Không hề có Thiện hay Ác theo hình thức hóa trang, thực chất thì ai cũng như ai, vui chơi trong một bửa mà thôi.

Nhìn sâu vào thực chất vấn đề, Phật dạy rằng "pháp lành đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp lành, ấy gọi là (thị danh) pháp lành."

Thế đấy bạn ạ !

.

homeless
10-29-2017, 11:24 AM
Gia Bảo nè !
Đạo Phật không biểu chúng ta cứ làm Ác, Đạo Phật vẫn kêu chúng ta hành Thiện, nhưng đây chỉ là Nhân Thiên Thừa trong đạo Phật. Nhiều người không hiểu thấy các đạo khác như Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa hão gì cũng cùng quan điểm này nên nói "Đạo nào cũng vậy".

Không phải đâu là không phải đâu! đạo Phật còn cao siêu hơn Ngoại Đạo nhiều, là ở câu này đó, Thiện pháp và Ác pháp là 2 pháp đối đải trong CƠN MÊ LỚN này, không pháp nào là chắc thiệt cả.

Ví dụ như ngày lễ Halloween, một số người hóa trang thành Ác Quỷ, người khác hóa trang thành Phù thủy, người khác hóa trang thành Hiệp sĩ diệt Quỷ, dầu mang hình thức nào điều đó cũng chỉ là "TÊN GỌI" _ GIẢ DANH _ chứ không phải thực người hóa trang Ác Quỷ là người Ác, người hóa trang Hiệp sĩ là người Thiện. Không hề có Thiện hay Ác theo hình thức hóa trang, thực chất thì ai cũng như ai, vui chơi trong một bửa mà thôi.

Nhìn sâu vào thực chất vấn đề, Phật dạy rằng "pháp lành đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp lành, ấy gọi là (thị danh) pháp lành."

Thế đấy bạn ạ !

.

nguoidien không phải là người điên, chỉ giả danh là nguoidien mà thôi !

:rolleyes:

.

muabuon
10-30-2017, 09:27 AM
ĐOẠN 24 :

PHƯỚC TRÍ VÔ TỈ

Tu-bồ-đề! Nhược tam thiên đại thiên thế giới trung sở hữu chư Tu-di sơn vương, như thị đẳng thất bảo tụ, hữu nhân trì dụng bố thí. Nhược nhân dĩ thử Bát-nhã ba-la-mật kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị tha nhân thuyết, ư tiền phước đức bách phần bất cập nhất, bách thiên vạn ức phần nãi chí toán số thí dụ sở bất năng cập.



DỊCH:

PHƯỚC TRÍ KHÔNG GÌ SÁNH BẰNG.

Này Tu-bồ-đề, nếu trong tam thiên đại thiên thế giới có các ngọn núi Tu-di chúa, như thế dùng bảy báu nhóm họp bằng những ngọn núi Tu-di ấy có người mang ra bố thí. Hoặc có người đem kinh Bát-nhã ba-la-mật này cho đến bốn câu kệ v.v… thọ trì đọc tụng, vì người khác nói thì phước đức của người này đối với người trước, người này trăm phần, người kia không bằng một, trăm ngàn muôn ức phần cho đến toán số thí dụ cũng không thể bằng.

Tuệ Thức
10-31-2017, 09:05 AM
Dạ, xin phép các trưởng bối !

Ở đoạn này Phật lại nhắc đến TỨ CÚ KỆ, con xin phép copy lại bài bổ sung của anh Minh Thức, thiết nghĩ TỨ CÚ KỆ dầu chúng ta có lặp đi lặp lại bao nhiêu lần cũng chẳng dư :

http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/702-C%C3%B9ng-%C3%94n-H%E1%BB%8Dc-Kinh-Kim-Cang?p=24050&viewfull=1#post24050

1.





Kinh Kim Cang ảnh hóa 71


若 以 色 見 我
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Nếu thấy Ta qua sắc tướng

以 音 聲 求 我
dĩ âm thanh cầu ngã
hoặc nghe Ta qua âm thanh, câu chữ

是 人 行 邪 道
Thị nhân hành tà đạo,
Người ấy còn tà kiến,

不 能 見 如 來
bất năng kiến Như Lai.
chưa thấy được Như Lai.



https://scontent.fsgn5-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/21149883_127930427838788_2862952104217058556_n.jpg ?oh=f96e5c6d23e2f622a057192c0e82d264&oe=5A2B996B



http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=23997&viewfull=1#post23997


2.





Kinh Kim Cang ảnh hóa 82


一 切 有 為 法 如 夢 幻 泡 影
  Nhất thiết hữu vi pháp Như mộng huyễn bào ảnh
 Tất cả pháp hữu vi Như mộng, huyễn, bọt, bóng

  如 露 亦 如 電 應 作 如 是 觀
 Như lộ, diệc như điện, ưng tác như thị quán.
 Như sương, cũng như chớp, nên thường quán như thế.

Hết thảy các pháp trần lao
Đều như bọt biển, khác nào mộng mơ,
Giọt sương lóng lánh đầu bờ,
Như tia chớp giật, như thơ hoạt hình.




https://scontent.fsgn5-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/21192638_128475867784244_6493485295238769391_n.jpg ?oh=9b554f43f19fabd20f4d5bd6f688d0a4&oe=5A17EDCD



http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=24042&viewfull=1#post24042

muabuon
11-01-2017, 03:46 PM
ĐOẠN 25 :

HÓA VÔ SỞ HÓA

Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Nhữ đẳng vật vị Như Lai tác thị niệm: Ngã đương độ chúng sanh. Tu-bồ-đề! Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Thật vô hữu chúng sanh Như Lai độ giả. Nhược hữu chúng sanh Như Lai độ giả, Như Lai tắc hữu ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Tu-bồ-đề! Như Lai thuyết hữu ngã giả tắc phi hữu ngã, nhi phàm phu chi nhân dĩ vi hữu ngã. Tu-bồ-đề! Phàm phu giả, Như Lai thuyết tắc phi phàm phu, thị danh phàm phu.



DỊCH:

GIÁO HÓA KHÔNG CÓ CHỖ GIÁO HÓA.

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Các ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ thế này: Ta sẽ độ chúng sanh. Này Tu-bồ-đề, chớ khởi nghĩ thế ấy. Vì cớ sao? Thật không có chúng sanh Như Lai độ đó. Nếu có chúng sanh Như Lai độ đó thì Như Lai ắt có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Này Tu-bồ-đề, Như Lai nói có ngã ắt không phải có ngã mà người phàm phu cho là có ngã. Này Tu-bồ-đề, người phàm phu đó Như Lai nói tức không phải phàm phu, ấy gọi là phàm phu.

gaiden
11-02-2017, 09:39 AM
Kính các bác ! Con thật không hiểu, chuyện Độ sinh hình như là tối quan trọng cho người tu Phật, mà ở đây Phật nói :
"Thật không có chúng sanh (được) Như Lai độ đó."
Xin các bác gỡ rối cho con.

nguoidien
11-02-2017, 11:08 AM
Kính các bác ! Con thật không hiểu, chuyện Độ sinh hình như là tối quan trọng cho người tu Phật, mà ở đây Phật nói :
"Thật không có chúng sanh (được) Như Lai độ đó."
Xin các bác gỡ rối cho con.

hi...hi...!
Phật đã nói rồi "Chúng sanh nào phải là chúng sanh, chỉ tên gọi là chúng sanh mà thôi !". Nói hoài mà không chịu hiểu .

hi...hi...!

:rolleyes:

homeless
11-03-2017, 09:18 AM
Kính các bác ! Con thật không hiểu, chuyện Độ sinh hình như là tối quan trọng cho người tu Phật, mà ở đây Phật nói :
"Thật không có chúng sanh (được) Như Lai độ đó."
Xin các bác gỡ rối cho con.

Chào bạn gaiden !

Giả sử bạn nằm mơ, bạn thấy một bầy quỷ dử bu quanh dễ sợ, chúng hầm hè muốn ăn tươi nuốt sống bạn, bạn sợ quá Niệm Phật kêu cứu vang rân. Một vị Đại Giác Ngộ hóa thân vào giấc mơ của bạn, vị ấy giơ tay ra, lủ Ác Quỷ biến thành mây khói. Bạn vui mừng thấy mình đã được cứu, vô vàn lạy tạ cám ơn vị Bụt ấy.

Rồi bạn tỉnh cơn Ác mộng, bâng khuâng nhớ lại, Ủa ! mình đâu có trong cảnh ấy, đâu có Quỷ dữ gì đâu, cũng không còn Bụt nào nữa.
Vậy Phật có tiêu diệt Quỷ dữ hay không ? Phật có cứu bạn trong mơ hay không ?

Đó là cái thấy của bạn, không phải là cái thấy của Phật, Cái thấy CHÂN THẬT là thấy Bạn đang ngủ trên giường êm nệm ấm, không có con Quỷ nào ở đó cả.

Như Lai thấy chúng sinh chỉ là những nhân vật trong Mơ, cho nên Như Lai "Không thấy có chúng sinh được độ".

Mến !

Tuệ Thức
11-04-2017, 05:58 PM
Chào bạn gaiden !

Giả sử bạn nằm mơ, bạn thấy một bầy quỷ dử bu quanh dễ sợ, chúng hầm hè muốn ăn tươi nuốt sống bạn, bạn sợ quá Niệm Phật kêu cứu vang rân. Một vị Đại Giác Ngộ hóa thân vào giấc mơ của bạn, vị ấy giơ tay ra, lủ Ác Quỷ biến thành mây khói. Bạn vui mừng thấy mình đã được cứu, vô vàn lạy tạ cám ơn vị Bụt ấy.

Rồi bạn tỉnh cơn Ác mộng, bâng khuâng nhớ lại, Ủa ! mình đâu có trong cảnh ấy, đâu có Quỷ dữ gì đâu, cũng không còn Bụt nào nữa.
Vậy Phật có tiêu diệt Quỷ dữ hay không ? Phật có cứu bạn trong mơ hay không ?

Đó là cái thấy của bạn, không phải là cái thấy của Phật, Cái thấy CHÂN THẬT là thấy Bạn đang ngủ trên giường êm nệm ấm, không có con Quỷ nào ở đó cả.

Như Lai thấy chúng sinh chỉ là những nhân vật trong Mơ, cho nên Như Lai "Không thấy có chúng sinh được độ".

Mến !



Kính các bác ! Con xin phép hỏi điều này có hơi không phải :

Nếu "Như Lai thấy chúng sinh chỉ là những nhân vật trong Mơ" thì sao Phật lại bảo "Bồ tát phải độ hết chúng sinh _như mơ) ? Ảnh 5 -6 -7 :
http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=23535&viewfull=1#post23535
Nếu là "nhân vật trong Mơ" đâu cần phải độ.

Kính !

homeless
11-05-2017, 04:09 PM
Kính các bác ! Con xin phép hỏi điều này có hơi không phải :

Nếu "Như Lai thấy chúng sinh chỉ là những nhân vật trong Mơ" thì sao Phật lại bảo "Bồ tát phải độ hết chúng sinh _như mơ) ? Ảnh 5 -6 -7 :
http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=23535&viewfull=1#post23535
Nếu là "nhân vật trong Mơ" đâu cần phải độ.

Kính !

Chào Tuệ Thức !

Ở trên homeless đã nói rằng : Thấy chúng sinh chỉ là những "nhân vật trong mơ", đó là cái thấy chân thật của những vị Đại Giác Ngộ !

Còn chư Bồ tát _ những vị chưa phải là Đại Giác Ngộ _ thì hãy ĐỘ SINH, độ mãi cho đến khi nào thực thấy "chúng sinh chỉ là những nhân vật trong mơ" thì mới thôi nghỉ.

Chư Bồ tát chưa thấy được như thế thì còn phải làm, còn có việc phải làm. Khi đã thực thấy như thế rồi thì "vô công dụng hạnh" ! Làm gì hay không làm gì do tùy duyên chúng sinh thôi _ Độ sinh mà không thấy có chúng sinh được độ.

Mến !

muabuon
11-06-2017, 08:33 AM
ĐOẠN 26 :

PHÁP THÂN PHI TƯỚNG

Tu-bồ-đề! Ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Như thị, như thị! Dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai. Phật ngôn: Tu-bồ-đề! Nhược dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai giả, Chuyển Luân Thánh Vương tắc thị Như Lai. Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, bất ưng dĩ tam thập nhị tướng quán Như Lai. Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn:


Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành Tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.



DỊCH:

PHÁP THÂN CHẲNG PHẢI LÀ TƯỚNG.

Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai chăng? Tu-bồ-đề thưa rằng: Như thế, như thế, do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai. Phật bảo: Tu-bồ-đề, nếu do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như Lai. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn, như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, không nên do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai. Khi ấy Thế Tôn nói bài kệ:


Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo Tà,
Không thể thấy Như Lai .

Gia Bảo
11-06-2017, 03:54 PM
Kính các bác ! Con nghe những đoạn Kinh trước, Phật ca tụng rằng TỨ CÚ KỆ rất quan trọng, con chờ mãi đến nay cũng đã đến lúc. Xin các bác giảng rộng ra cho chúng con được hiểu, vì sao TỨ CÚ KỆ lại được nhắc đến nhiều như thế ?
Kính !






Kinh Kim Cang ảnh hóa 71


若 以 色 見 我
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Nếu thấy Ta qua sắc tướng

以 音 聲 求 我
dĩ âm thanh cầu ngã
hoặc nghe Ta qua âm thanh, câu chữ

是 人 行 邪 道
Thị nhân hành tà đạo,
Người ấy còn tà kiến,

不 能 見 如 來
bất năng kiến Như Lai.
chưa thấy được Như Lai.



https://scontent.fsgn5-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/21149883_127930427838788_2862952104217058556_n.jpg ?oh=f96e5c6d23e2f622a057192c0e82d264&oe=5A2B996B

duyngudocton
11-07-2017, 08:24 AM
Kính các bác ! Con nghe những đoạn Kinh trước, Phật ca tụng rằng TỨ CÚ KỆ rất quan trọng, con chờ mãi đến nay cũng đã đến lúc. Xin các bác giảng rộng ra cho chúng con được hiểu, vì sao TỨ CÚ KỆ lại được nhắc đến nhiều như thế ?
Kính !

hi...hi...!
Bốn câu kệ này nghĩa như vầy :

Nếu thấy Ta qua sắc tướng,
hoặc nghe Ta qua âm thanh, câu chữ.
Người ấy còn tà kiến,
chưa thấy được Như Lai.

:) :) :)

colaihi
11-07-2017, 10:27 AM
Kính các bác ! Con nghe những đoạn Kinh trước, Phật ca tụng rằng TỨ CÚ KỆ rất quan trọng, con chờ mãi đến nay cũng đã đến lúc. Xin các bác giảng rộng ra cho chúng con được hiểu, vì sao TỨ CÚ KỆ lại được nhắc đến nhiều như thế ?
Kính !

Chào Gia Bảo ! Trong Kinh Kim Cang này, nói về Tứ cú kệ có 2 bài, _ bài này và bài Nhất thiết hữu vi pháp, ......_ Bài này nhằm phá chấp Ngã Tướng, bài kia nhằm phá chấp Pháp Tướng.

Mật Tông Tây Tạng họ vẫn dùng hình tướng để minh họa chư Phật, chư Đại Bồ tát, nhưng đa số đều nhận thức rõ rằng hình tướng chỉ là biểu trưng, chớ không cố định.

Còn lại đa số người Á Châu chúng ta đều lầm vào hình tướng, cho rằng Phật cũng có hình tướng, rõ rệt nhất là : "Phật Tổ Như Lai hàng phục Tôn Ngộ Không, dự hội Bàn Đào _ trong quyển Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân phóng tác.


http://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2015/12/tai-thien.jpg

http://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2017/10/untitled6-1.jpg

Bài kệ này nói rằng : Như Lai _ Bản thể của Chân Lý Tuyệt Đối _ vốn không có hình tướng, vốn vượt ra khỏi cái thấy bằng mắt thịt, cái nghe bằng tai phàm, vốn vượt ngoài cái tưởng tượng của Ý Thức. Chúng ta không thể dùng những cái gì của Vô Minh mà đo lường mà tưởng tượng ra Như Lai _ Bản thể của Chân Lý Tuyệt Đối _ được. Nếu chúng ta dùng Ý Thức mê lầm để thấy hoặc nghe Như Lai thì Ý Thức của ta sẽ phóng ảnh cho ra một phiên bản F2 về Như Lai. Dĩ nhiên cái phóng ảnh đó không phải là Như Lai, nếu ta cho đó là Thực thì là đã lạc vào Ngoại Đạo.

(Với Ngoại Đạo thì cái gì cũng thật có, thật có cảnh khổ, thật có Thiên đường, thật có Trời Người, ....).

Mến !

nguoidien
11-08-2017, 09:27 AM
Chào Gia Bảo ! Trong Kinh Kim Cang này, nói về Tứ cú kệ có 2 bài, _ bài này và bài Nhất thiết hữu vi pháp, ......_ Bài này nhằm phá chấp Ngã Tướng, bài kia nhằm phá chấp Pháp Tướng.



Bà bà ơi !
Bà xem tui minh họa như vầy có được không :

http://ins.dkn.tv/wp-content/uploads/2017/02/chia-khoa1.jpg

Giả sử kho NHƯ LAI TẠNG có 2 lớp cửa, ai muốn thâm nhập vào kho báu của Như Lai phải lần lượt vượt qua 2 lớp cửa này.

Bài kệ thứ nhất : "Nhược dĩ sắc kiến ngã, .....bất năng kiến Như Lai !" được ví như chiếc chìa khóa thứ nhất. Nếu chúng ta lảnh hội bài kệ này thì cũng như sở hữu chiếc chìa khóa thứ nhất.

Bài kệ thứ nhì : "Nhất thiết hữu vi pháp, .....Ưng tác như thị quán !" được ví như chiếc chìa khóa thứ hai. Nếu chúng ta lảnh hội bài kệ này thì cũng như sở hữu chiếc chìa khóa thứ hai.

Với 2 chiếc chìa khóa này hành giả sẽ vào được kho báu : NHƯ LAI TẠNG.

Tui ví von như thế, bà bà thấy sao ?

:rolleyes:

colaihi
11-09-2017, 08:20 AM
Bà bà ơi !
Bà xem tui minh họa như vầy có được không :

Giả sử kho NHƯ LAI TẠNG có 2 lớp cửa, ai muốn thâm nhập vào kho báu của Như Lai phải lần lượt vượt qua 2 lớp cửa này.

Bài kệ thứ nhất : "Nhược dĩ sắc kiến ngã, .....bất năng kiến Như Lai !" được ví như chiếc chìa khóa thứ nhất. Nếu chúng ta lảnh hội bài kệ này thì cũng như sở hữu chiếc chìa khóa thứ nhất.

Bài kệ thứ nhì : "Nhất thiết hữu vi pháp, .....Ưng tác như thị quán !" được ví như chiếc chìa khóa thứ hai. Nếu chúng ta lảnh hội bài kệ này thì cũng như sở hữu chiếc chìa khóa thứ hai.

Với 2 chiếc chìa khóa này hành giả sẽ vào được kho báu : NHƯ LAI TẠNG.

Tui ví von như thế, bà bà thấy sao ?

:rolleyes:

Kính nguoidien ! Bác ví von rất tuyệt.

Ngày xưa, khi còn dưới chân Thầy (tức là khi "tóc còn để chỏm" _ chứ không phải là tác phẩm "AT THE FEET OF THE MASTER" của Ông Krishnamurti _ Thông Thiên Học), tui đã được đọc một tài liệu cổ :

Nhược dĩ sắc kiến Ngã,
dĩ âm thanh cầu Ngã,
dĩ Ý Thức luận Ngã,
thị nhân hành tà đạo,
bất năng kiến Như Lai.

Colaihi thấy, chỉ thêm có 5 từ mà bài kệ trở nên rõ ràng, sáng nghĩa; nay xin chia sẻ với quý đạo hữu. Vị nào nhân đây mà được "sáng mắt" thì tui cũng được "ân triêm công đức" lây.

Kính !

gaiden
11-11-2017, 09:53 AM
Kính nguoidien ! Bác ví von rất tuyệt.

Ngày xưa, khi còn dưới chân Thầy (tức là khi "tóc còn để chỏm" _ chứ không phải là tác phẩm "AT THE FEET OF THE MASTER" của Ông Krishnamurti _ Thông Thiên Học), tui đã được đọc một tài liệu cổ :

Nhược dĩ sắc kiến Ngã,
dĩ âm thanh cầu Ngã,
dĩ Ý Thức luận Ngã,
thị nhân hành tà đạo,
bất năng kiến Như Lai.

Colaihi thấy, chỉ thêm có 5 từ mà bài kệ trở nên rõ ràng, sáng nghĩa; nay xin chia sẻ với quý đạo hữu. Vị nào nhân đây mà được "sáng mắt" thì tui cũng được "ân triêm công đức" lây.

Kính !



Kính các bác ! Như vậy "Dòm Phật qua hình tướng _ Không được !; Nghe Phật qua âm thanh _ Không được !; Dùng Ý thức luận về Phật _ cũng không được". Vậy chúng ta biết tín hướng vào đâu, để mà tiếp tục tu hành ?

Kính !

colaihi
11-11-2017, 11:10 AM
Kính các bác ! Như vậy "Dòm Phật qua hình tướng _ Không được !; Nghe Phật qua âm thanh _ Không được !; Dùng Ý thức luận về Phật _ cũng không được". Vậy chúng ta biết tín hướng vào đâu, để mà tiếp tục tu hành ?

Kính !

Chào gaiden !

Bài kệ này nhắc chúng ta rằng "Đừng chấp vào hình tướng", chớ không phải bảo chúng ta đừng tín hướng đến sự Giác Ngộ Hoàn Toàn _ tức là CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI.

Bài trên tui có nói rằng Phật Giáo Tây Tạng _ rất quan trọng hình tướng _ nhưng đa số đều không dính mắc vào hình tướng, ngay cả pháp tu quán Bổn Tôn (Yidam _ hình tượng riêng mà họ chọn), khi hình tượng họ quán thành tựu, họ cũng không nhầm lẫn với Như Lai (tức Phật Đại Nhật).

Mến !

muabuon
11-12-2017, 03:59 PM
ĐOẠN 27 :

VÔ ĐOẠN, VÔ DIỆT

Tu-bồ-đề! Nhữ nhược tác thị niệm: Như Lai bất dĩ cụ túc tướng cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Mạc tác thị niệm: Như Lai bất dĩ cụ túc tướng cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Nhữ nhược tác thị niệm: Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, thuyết chư pháp đoạn diệt, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng.


DỊCH:

KHÔNG ĐOẠN, KHÔNG DIỆT.

Này Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ thế này, Như Lai chẳng do các tướng cụ túc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề, chớ khởi nghĩ thế ấy, Như Lai không do tướng cụ túc mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ thế này: Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nói các pháp đoạn diệt, chớ khởi cái nghĩ này. Vì cớ sao? Vì người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với pháp không có nói tướng đoạn diệt.

phuctoan
11-13-2017, 05:37 PM
ĐOẠN 27 :

VÔ ĐOẠN, VÔ DIỆT

Tu-bồ-đề! Nhữ nhược tác thị niệm: Như Lai bất dĩ cụ túc tướng cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Mạc tác thị niệm: Như Lai bất dĩ cụ túc tướng cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Nhữ nhược tác thị niệm: Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, thuyết chư pháp đoạn diệt, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng.


DỊCH:

KHÔNG ĐOẠN, KHÔNG DIỆT.

Này Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ thế này, Như Lai chẳng do các tướng cụ túc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề, chớ khởi nghĩ thế ấy, Như Lai không do tướng cụ túc mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ thế này: Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nói các pháp đoạn diệt, chớ khởi cái nghĩ này. Vì cớ sao? Vì người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với pháp không có nói tướng đoạn diệt.




Kính các bác ! Dạ, con không hiểu thế nào là "đối với pháp không có nói tướng đoạn diệt".

Kính !

Ngọc Quế
11-14-2017, 10:18 AM
Kính các bác ! Dạ, con không hiểu thế nào là "đối với pháp không có nói tướng đoạn diệt".

Kính !

Chào phuctoan ! Câu hỏi của bạn rất hay !

Có rất nhiều người có biết chút chút về đạo Phật, nghĩa là không dày công tu học, không gieo bòn công đức, nghe lỏm bỏm Thiền ngữ CÁI GÌ CŨNG KHÔNG, rồi liền "tung hê" tất cả; tưởng rằng như vậy là TA ĐÃ GIÁC NGỘ.

Thật ra Đạo Phật KHÔNG PHẢI CHỈ LÝ THUYẾT SUÔNG, đạo Phật KHÔNG PHẢI LÀ MỘT KHÁI NIỆM TRIẾT HỌC. Mà đạo Phật là Con đường dẫn hành giả đến GIÁC NGỘ THỰC SỰ, GIÁC NGỘ HOÀN TOÀN.

Nếu có vị nào thâm nhập Kinh Kim Cang này thấy Ngã không, Pháp không thì mới ĐẠT LÝ chứ chưa THỰC CHỨNG.

Chưa THỰC CHỨNG mà đã nói bậy, làm bậy thì Nhân Quả xấu đến rất là CÓ, chứ chẳng KHÔNG đâu.

Cho nên Con đường Đại Thừa buộc hành giả phải PHÁT BỒ ĐỀ TÂM _ tức là Nguyện thực sự chăm chỉ tu hành cho đến HOÀN TOÀN GIÁC NGỘ _ phải học thêm Độ thứ bảy là Độ PHƯƠNG TIỆN, để không nói bậy làm bậy.

Đây gọi là KHÔNG NÓI PHÁP ĐOẠN DIỆT, cũng gọi là "đối với pháp không có nói tướng đoạn diệt".

Mến !

colaihi
11-15-2017, 10:33 AM
Kính các bác ! Dạ, con không hiểu thế nào là "đối với pháp không có nói tướng đoạn diệt".

Kính !

Chào phuctoan ! Xin phép bác Ngọc Quế cho colaihi bổ sung.

Thế nào là "nói tướng đoạn diệt" ?

Như nói :

_ Phật không có pháp để nói, vậy ta cũng không cần nghe pháp, vì pháp này không phải Phật nói.
_ Phật không có chứng đắc, vậy ta không cần tu theo Phật, vì chẳng chứng gì đắc gì.
_ Tất cả các pháp đều huyễn hóa, vậy ta có làm Ác thế nào cũng không có quả báo.
_ Các pháp chẳng có gì đúng, chẳng có gì sai; vậy ta tha hồ "nói hươu nói vượn", vì "lời nói gió bay".
_ Chân lý là Không, ta đây chưa chứng gì cũng như đã chứng, ta không cần kiêng cử gì cả, vì chẳng có điều gì còn giá trị đối với ta nữa.
......
......

muabuon
11-16-2017, 08:30 AM
ĐOẠN 28 :

BẤT THỌ, BẤT THAM

Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát dĩ mãn Hằng hà sa đẳng thế giới thất bảo trì dụng bố thí, nhược phục hữu nhân tri nhất thiết pháp vô ngã, đắc thành ư nhẫn. Thử Bồ-tát thắng tiền Bồ-tát sở đắc công đức. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Dĩ chư Bồ-tát bất thọ phước đức cố. Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Vân hà Bồ-tát bất thọ phước đức?

- Tu-bồ-đề! Bồ-tát sở tác phước đức bất ưng tham trước, thị cố thuyết bất thọ phước đức.


DỊCH:

KHÔNG THỌ, KHÔNG THAM TRƯỚC.

Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát dùng thất bảo đầy cả thế giới bằng số cát sông Hằng để đem bố thí, nếu lại có người biết tất cả pháp là vô ngã được thành đức nhẫn nhục, thì Bồ-tát này được công đức hơn vị Bồ-tát trước, vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, do các vị Bồ-tát không thọ phước đức. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thế nào là Bồ-tát không thọ phước đức?

- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm phước đức mà chẳng nên tham trước, thế nên nói chẳng thọ phước đức.

gaiden
11-20-2017, 10:28 AM
DỊCH:

KHÔNG THỌ, KHÔNG THAM TRƯỚC.

Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát dùng thất bảo đầy cả thế giới bằng số cát sông Hằng để đem bố thí, nếu lại có người biết tất cả pháp là vô ngã được thành đức nhẫn nhục, thì Bồ-tát này được công đức hơn vị Bồ-tát trước, vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, do các vị Bồ-tát không thọ phước đức. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thế nào là Bồ-tát không thọ phước đức?

- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm phước đức mà chẳng nên tham trước, thế nên nói chẳng thọ phước đức.




Kính các bác, Bố thí các loại vàng ngọc số lượng đầy cả 1 Tam Thiên thế giới đã là nhiều hơn trí tưởng tượng của chúng con, mà ở đây Phật nói không phải 1 Tam Thiên thế giới, mà là "số cát sông Hằng Thế giới", quả là số lượng châu báu này nếu muốn tính ra ắt là "cháy máy tính" mất. Vậy mà Phật nói không bằng công đức của một người "biết tất cả pháp là vô ngã".

Câu kế tiếp Phật có nói lý do vì sao lại như thế, nhưng chúng con vẫn chưa hiểu.

Kính xin các bác giải thích thêm.

homeless
11-21-2017, 08:39 PM
Kính các bác, Bố thí các loại vàng ngọc số lượng đầy cả 1 Tam Thiên thế giới đã là nhiều hơn trí tưởng tượng của chúng con, mà ở đây Phật nói không phải 1 Tam Thiên thế giới, mà là "số cát sông Hằng Thế giới", quả là số lượng châu báu này nếu muốn tính ra ắt là "cháy máy tính" mất. Vậy mà Phật nói không bằng công đức của một người "biết tất cả pháp là vô ngã".

Câu kế tiếp Phật có nói lý do vì sao lại như thế, nhưng chúng con vẫn chưa hiểu.

Kính xin các bác giải thích thêm.



Chào bạn gaiden !

Tui có ví dụ này, bạn nghe thử xem sao.

Các em học sinh Cấp 2 thì cố gắng "săn" điểm 9 hay điểm 10, có em rất tích cực học tập cuối năm cộng lại em ấy có 90 điểm 10, và 100 điểm 9. Có một em khác _ tạm gọi là em A _ không ai biết tổng số điểm của em A, chỉ biết rằng em ấy đã nhận được học bổng của Đại Học Havard. Thì có phải 1000 cái điểm 10 cũng không bằng một giấy gọi nhập học ở Đại Học Havard hay không ?

Số điểm 10 điểm 9 ví cho những phước đức của người bố thí vô cùng nhiều có được.
Giấy gọi nhập học ở Đại Học Havard được ví cho người "TRI NHẤT THIẾT PHÁP VÔ NGÃ" ("biết tất cả pháp là vô ngã")

gaiden
11-22-2017, 09:00 AM
Chào bạn gaiden !

Tui có ví dụ này, bạn nghe thử xem sao.

Các em học sinh Cấp 2 thì cố gắng "săn" điểm 9 hay điểm 10, có em rất tích cực học tập cuối năm cộng lại em ấy có 90 điểm 10, và 100 điểm 9. Có một em khác _ tạm gọi là em A _ không ai biết tổng số điểm của em A, chỉ biết rằng em ấy đã nhận được học bổng của Đại Học Havard. Thì có phải 1000 cái điểm 10 cũng không bằng một giấy gọi nhập học ở Đại Học Havard hay không ?

Số điểm 10 điểm 9 ví cho những phước đức của người bố thí vô cùng nhiều có được.
Giấy gọi nhập học ở Đại Học Havard được ví cho người "TRI NHẤT THIẾT PHÁP VÔ NGÃ" ("biết tất cả pháp là vô ngã")



Dạ con cám ơn bác homless !

Chúng con muốn biết : Tại sao "TRI NHẤT THIẾT PHÁP VÔ NGÃ" ("biết tất cả pháp là vô ngã") lại có công đức lớn như thế ?

Kính !

colaihi
11-23-2017, 10:16 AM
Dạ con cám ơn bác homless !

Chúng con muốn biết : Tại sao "TRI NHẤT THIẾT PHÁP VÔ NGÃ" ("biết tất cả pháp là vô ngã") lại có công đức lớn như thế ?

Kính !

Chào gaiden ! Để già này trả lời thử xem gaiden có thỏa mãn không nhé !

Vị nào "TRI NHẤT THIẾT PHÁP VÔ NGÃ" ("biết tất cả pháp là vô ngã") tức là vị đó đã thành tựu TRÍ BÁT NHÃ.

Bạn nhỏ chắc cũng đã biết : Tất cả công phu Giữ Giới, Tham Thiền chỉ nhằm hỗ trợ cho sự bùng sáng của TRÍ BÁT NHÃ.

Tất cả các công đức khác như Lục độ, Vạn Hạnh cũng đều là những viên gạch để xây nên "tòa lâu đài" BÁT NHÃ.

Phật là gì ? Là bậc Đại Giác Ngộ! Chư vị Thánh là ai ? Là những Phật tử đã từng bước Giác Ngộ. Cụm từ Giác Ngộ là quan trọng nhất trong đạo Phật. Có được TRÍ BÁT NHÃ là Giác Ngộ đó !

Cho nên, người "TRI NHẤT THIẾT PHÁP VÔ NGÃ" ("biết tất cả pháp là vô ngã") là vị đã Giác Ngộ (các quả vị Đại Thừa).

Như thế, há không phải là người bố thí 7 món báu, số lượng "Hằng hà sa số thế giới" vẫn không bằng người đã Giác Ngộ quả vị Đại Thừa hay sao ?!

Mến !

muabuon
11-25-2017, 10:25 AM
ĐOẠN 29 :

UY NGHI TỊCH TĨNH.

Tu-bồ-đề! Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.


DỊCH:

BỐN OAI NGHI ĐỀU TỊCH TĨNH.

Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của ta nói. Vì cớ sao? Như Lai đó không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như Lai.

duyngudocton
11-26-2017, 09:56 AM
ĐOẠN 29 :

UY NGHI TỊCH TĨNH.

Tu-bồ-đề! Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.


DỊCH:

BỐN OAI NGHI ĐỀU TỊCH TĨNH.

Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của ta nói. Vì cớ sao? Như Lai đó không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như Lai.




Trời đất ơi ! ai mà đặt tiêu đề cho đoạn này vậy ? (Tui đã tô đỏ đó)

Nói đến 4 oai nghi của Phật dù tịch tĩnh hay không tịch tĩnh đều là LẦM MÊ ! Đoạn này Phật nói nhấn mạnh như vậy, mà sao lại có vị Giảng sư nào cố tình "vẽ rắn thêm chân" như thế này ?

NHƯ LAI THÌ KHÔNG CÓ 4 OAI NGHI hay 4 chục oai nghi gì cả. Kẻ nào nói Như Lai có "4 oai nghi đều tịch tĩnh" là kẻ ấy đang "bôi tro trát trát trấu" lên đoạn Kinh này !

Vị Giảng sư này đã giảng nghịch lại ý Kinh !

homeless
11-27-2017, 09:27 AM
Trời đất ơi ! ai mà đặt tiêu đề cho đoạn này vậy ? (Tui đã tô đỏ đó)

Nói đến 4 oai nghi của Phật dù tịch tĩnh hay không tịch tĩnh đều là LẦM MÊ ! Đoạn này Phật nói nhấn mạnh như vậy, mà sao lại có vị Giảng sư nào cố tình "vẽ rắn thêm chân" như thế này ?

NHƯ LAI THÌ KHÔNG CÓ 4 OAI NGHI hay 4 chục oai nghi gì cả. Kẻ nào nói Như Lai có "4 oai nghi đều tịch tĩnh" là kẻ ấy đang "bôi tro trát trát trấu" lên đoạn Kinh này !

Vị Giảng sư này đã giảng nghịch lại ý Kinh !



Cái con cóc (như bò) này nói một câu nghe được đó !.

Nếu chúng ta tán thán Phật Thích Ca "Uy nghi tịch tĩnh" thì còn có thể thông cảm. Ở đoạn này đức Phật đã nhấn mạnh rằng :
"nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của ta nói"., tức là nói thẳng rằng NHƯ LAI THÌ VÔ TƯỚNG, Vô Tướng thì làm gì có uy nghi !

Phải như vậy không quý vị ?!

phuctoan
11-29-2017, 08:22 AM
ĐOẠN 29 :

UY NGHI TỊCH TĨNH.

Tu-bồ-đề! Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.


DỊCH:

BỐN OAI NGHI ĐỀU TỊCH TĨNH.

Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của ta nói. Vì cớ sao? Như Lai đó không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như Lai.




Kính các bác ! Con chưa hiểu, đức Phật Thích Ca đã thực sự có mặt trên thế gian này, sử sách có ghi chép rất rõ ràng, nhiều di tích về đức Phật hãy còn, Kinh sách hãy còn, Xá Lợi Phật hãy còn đó.
Sao đoạn này lại nói "vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ" (cuối cùng Ngài đã nhập Đại Niết bàn tại địa điểm Ta La Song Thọ). ?

Con chưa hiểu, vì sao Phật lại phủ định hết tất cả ?
Kính !

colaihi
11-30-2017, 09:30 AM
Kính các bác ! Con chưa hiểu, đức Phật Thích Ca đã thực sự có mặt trên thế gian này, sử sách có ghi chép rất rõ ràng, nhiều di tích về đức Phật hãy còn, Kinh sách hãy còn, Xá Lợi Phật hãy còn đó.
Sao đoạn này lại nói "vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ" (cuối cùng Ngài đã nhập Đại Niết bàn tại địa điểm Ta La Song Thọ). ?

Con chưa hiểu, vì sao Phật lại phủ định hết tất cả ?
Kính !

Chào con trai ! Tất cả những điều con vừa kể : đức Phật Thích Ca đã thực sự có mặt trên thế gian này, sử sách có ghi chép rất rõ ràng, nhiều di tích về đức Phật hãy còn, Kinh sách hãy còn, Xá Lợi Phật hãy còn đó.
Sao đoạn này lại nói "vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ" (cuối cùng Ngài đã nhập Đại Niết bàn tại địa điểm Ta La Song Thọ). ?
chỉ là những bóng mờ của CƠN ĐẠI MỘNG.

CƠN ĐẠI MỘNG ấy có còn dai dẳng đến bây giờ hay không là tùy mỗi một.

Nói cho dễ hiểu hơn, Đức Phật Thích Ca chỉ là một "Hóa ảnh" _ gọi là Hóa Thân _ của Chân Lý, hiện lên trong cõi Vô Minh này, để giới thiệu với chúng ta về Chân Lý Tuyệt Đối _ tức NHƯ LAI _ tức Thể Pháp Thân thường trụ.

Nên nhớ những đoạn Kinh mà đức Phật muốn giới thiệu về Chân Lý Tuyệt Đối _ tức Thể Pháp Thân thường trụ _ thì luôn dùng từ NHƯ LAI (chớ không dùng từ Phật, hay Thế Tôn, ....).

Đoạn Kinh này muốn nói rằng : Chân Lý Tuyệt Đối _ tức Thể Pháp Thân thường trụ _ thì TRÙM KHẮP, cho nên "không từ đâu mà đến, cũng chẳng về đâu nữa".

Chân Lý Tuyệt Đối _ tức Thể Pháp Thân thường trụ _ thì không có đi đứng nằm ngồi (hành trụ tọa ngọa) hay nói năng gì !

Cho nên "nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của ta nói."

Hy vọng những lời thô thiển trên có thể giúp con trai được hiểu phần nào !

Mến !

muabuon
12-01-2017, 09:30 AM
ĐOẠN 30 :

NHẤT HIỆP TƯỚNG LÝ

Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân dĩ tam thiên đại thiên thế giới toái vi vi trần, ư ý vân hà? Thị vi trần chúng ninh vi đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Nhược thị vi trần chúng thật hữu giả, Phật tắc bất thuyết thị vi trần chúng. Sở dĩ giả hà? Phật thuyết vi trần chúng tắc phi vi trần chúng, thị danh vi trần chúng. Thế Tôn! Như Lai sở thuyết tam thiên đại thiên thế giới tắc phi thế giới, thị danh thế giới. Hà dĩ cố? Nhược thế giới thật hữu giả, tắc thị nhất hiệp tướng. Như Lai thuyết nhất hiệp tướng tắc phi nhất hiệp tướng, thị danh nhất hiệp tướng.

- Tu-bồ-đề! Nhất hiệp tướng giả tắc thị bất khả thuyết, đản phàm phu chi nhân tham trước kỳ sự.


DỊCH:

LÝ MỘT HỢP TƯỚNG

Này Tu-bồ-đề ! nếu người thiện nam, thiện nữ đem Thế giới Tam thiên Đại thiên này nghiền nát thành bụi, ý ông nghĩ sao? Số bụi này thật là nhiều chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Vì cớ sao? Nếu là bụi thật có đó thì Phật ắt không nói là bụi nhiều. Vì cớ sao? Phật nói các bụi đó tức không phải là bụi, ấy gọi là bụi. Bạch Thế Tôn ! Như Lai nói thế giới Tam thiên Đại thiên tức không phải thế giới, ấy gọi là thế giới. Vì cớ sao? Nếu thế giới thật có thì ắt là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng tức không phải một hợp tướng ấy gọi là một hợp tướng.

Này Tu-bồ-đề, một hợp tướng đó ắt không thể nói, chỉ người phàm phu tham trước việc ấy.

Gia Bảo
12-02-2017, 09:46 AM
ĐOẠN 30 :

NHẤT HIỆP TƯỚNG LÝ

Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân dĩ tam thiên đại thiên thế giới toái vi vi trần, ư ý vân hà? Thị vi trần chúng ninh vi đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Nhược thị vi trần chúng thật hữu giả, Phật tắc bất thuyết thị vi trần chúng. Sở dĩ giả hà? Phật thuyết vi trần chúng tắc phi vi trần chúng, thị danh vi trần chúng. Thế Tôn! Như Lai sở thuyết tam thiên đại thiên thế giới tắc phi thế giới, thị danh thế giới. Hà dĩ cố? Nhược thế giới thật hữu giả, tắc thị nhất hiệp tướng. Như Lai thuyết nhất hiệp tướng tắc phi nhất hiệp tướng, thị danh nhất hiệp tướng.

- Tu-bồ-đề! Nhất hiệp tướng giả tắc thị bất khả thuyết, đản phàm phu chi nhân tham trước kỳ sự.


DỊCH:

LÝ MỘT HỢP TƯỚNG

Này Tu-bồ-đề ! nếu người thiện nam, thiện nữ đem Thế giới Tam thiên Đại thiên này nghiền nát thành bụi, ý ông nghĩ sao? Số bụi này thật là nhiều chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Vì cớ sao? Nếu là bụi thật có đó thì Phật ắt không nói là bụi nhiều. Vì cớ sao? Phật nói các bụi đó tức không phải là bụi, ấy gọi là bụi. Bạch Thế Tôn ! Như Lai nói thế giới Tam thiên Đại thiên tức không phải thế giới, ấy gọi là thế giới. Vì cớ sao? Nếu thế giới thật có thì ắt là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng tức không phải một hợp tướng ấy gọi là một hợp tướng.

Này Tu-bồ-đề, một hợp tướng đó ắt không thể nói, chỉ người phàm phu tham trước việc ấy.




Kính các bác ! Đọc đoạn này con nghe "lùng bùng lỗ tai". Kính xin các bác khai triễn giải thích cho những kẻ vô minh tăm tối như chúng con được hiểu rõ hơn sâu hơn.

Kính !

duyngudocton
12-03-2017, 10:42 AM
Kính các bác ! Đọc đoạn này con nghe "lùng bùng lỗ tai". Kính xin các bác khai triễn giải thích cho những kẻ vô minh tăm tối như chúng con được hiểu rõ hơn sâu hơn.

Kính !

Gia Bảo nè !

Giả sử bạn có số 1 tỉ (1.000.000.000) X 1 tỉ x 1tỉ, thì số đó vô cùng lớn phải không ?

Bây giờ bạn đem kết quả "vô cùng lớn" ấy nhơn với số 0, thì sẽ cho ta kết quả lớn cở nào ?

1tỉ X 1 tỉ X tỉ X 0 = 0

Bạn thấy chăng, kết quả không có lớn chút nào !

Trong cõi vô minh giả tưởng này, chả có gì là nhiều thực sự, chả có gì là ít thực sự.

Tui chỉ góp ý như thế, bạn nghiệm lại xem.

Gia Bảo
12-04-2017, 03:25 PM
Gia Bảo nè !

Giả sử bạn có số 1 tỉ (1.000.000.000) X 1 tỉ x 1tỉ, thì số đó vô cùng lớn phải không ?

Bây giờ bạn đem kết quả "vô cùng lớn" ấy nhơn với số 0, thì sẽ cho ta kết quả lớn cở nào ?

1tỉ X 1 tỉ X tỉ X 0 = 0

Bạn thấy chăng, kết quả không có lớn chút nào !

Trong cõi vô minh giả tưởng này, chả có gì là nhiều thực sự, chả có gì là ít thực sự.

Tui chỉ góp ý như thế, bạn nghiệm lại xem.

Dạ cám ơn bác duyngu đã giải thích, nhưng con chưa hiểu :

Tại sao ta lại phải nhơn với không, ta nhơn với 10 không được sao ?

Kính !

duyngudocton
12-05-2017, 09:51 AM
Dạ cám ơn bác duyngu đã giải thích, nhưng con chưa hiểu :

Tại sao ta lại phải nhơn với không, ta nhơn với 10 không được sao ?

Kính !

Chào anh bạn nhỏ ! Kinh Kim Cang này đức Phật muốn dạy cho ta "một sự thật vĩ đại", đó là "nhất thiết pháp Không". Với "cây đủa thần" này chúng ta chỉ vào bất cứ một pháp nào (ở đoạn Kinh này là pháp : hạt bụi), thì pháp ấy liền bộc lộ TÁNH KHÔNG _ tức Không Tướng.

Vì thế nên lão phu dùng ví dụ "nhân với số Không", ngoại trừ số Không, nếu ta nhân với bất kỳ số nào khác, thì pháp Không liền trở thành pháp Có. Chúng ta vì thấy vạn pháp là thực có nên mãi theo "cái thấy có" ấy mà đi lòng vòng trong sinh tử. Nếu người nào thực nhận ra "Vạn pháp vôn Không" thì những "sợi mây trời" sẽ không thể trói chân hành giả được !

Mến !

muabuon
12-06-2017, 08:53 AM
ĐOẠN 31 :

TRI KIẾN BẤT SANH

- Tu-bồ-đề! Nhược nhân ngôn: Phật thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Thị nhân giải ngã sở thuyết nghĩa phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Thị nhân bất giải Như Lai sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố, Thế Tôn thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến tức phi ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến thị danh ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.

- Tu-bồ-đề! Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, ư nhất thiết pháp ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sanh pháp tướng. Tu-bồ-đề! Sở ngôn pháp tướng giả, Như Lai thuyết tức phi pháp tướng, thị danh pháp tướng.


DỊCH:

TRI KIẾN CHẲNG SANH.

- Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy hiểu nghĩa của ta nói chăng?

- Bạch Thế Tôn, không hiểu vậy. Người ấy không hiểu nghĩa của Như Lai nói. Vì cớ sao? Thế Tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, ấy gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.

- Này Tu-bồ-đề, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với tất cả pháp nên như thế mà biết, như thế mà thấy, như thế mà tin hiểu, không sanh pháp tướng. Này Tu-bồ-đề, nói là pháp tướng đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp tướng, ấy gọi là pháp tướng.

Tuấn Kiệt
12-08-2017, 10:22 AM
ĐOẠN 31 :

TRI KIẾN BẤT SANH

- Tu-bồ-đề! Nhược nhân ngôn: Phật thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Thị nhân giải ngã sở thuyết nghĩa phủ?

- Phất dã Thế Tôn! Thị nhân bất giải Như Lai sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố, Thế Tôn thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến tức phi ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến thị danh ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.

- Tu-bồ-đề! Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, ư nhất thiết pháp ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sanh pháp tướng. Tu-bồ-đề! Sở ngôn pháp tướng giả, Như Lai thuyết tức phi pháp tướng, thị danh pháp tướng.


DỊCH:

TRI KIẾN CHẲNG SANH.

- Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy hiểu nghĩa của ta nói chăng?

- Bạch Thế Tôn, không hiểu vậy. Người ấy không hiểu nghĩa của Như Lai nói. Vì cớ sao? Thế Tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, ấy gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.

- Này Tu-bồ-đề, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với tất cả pháp nên như thế mà biết, như thế mà thấy, như thế mà tin hiểu, không sanh pháp tướng. Này Tu-bồ-đề, nói là pháp tướng đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp tướng, ấy gọi là pháp tướng.




Kính các bác ! Đọc đoạn Kinh trên chúng con như "vịt nghe sấm" không hiểu gì ráo trọi !

Trước tiên xin các bác nói cho chúng con biết :

Thế nào là ngã kiến ?

Thế nào là nhân kiến ?

Thế nào là chúng sinh kiến ?

Thế nào là thọ giả kiến ?

Kính cám ơn !

homeless
12-09-2017, 10:57 AM
Kính các bác ! Đọc đoạn Kinh trên chúng con như "vịt nghe sấm" không hiểu gì ráo trọi !

Trước tiên xin các bác nói cho chúng con biết :

Thế nào là ngã kiến ?

Thế nào là nhân kiến ?

Thế nào là chúng sinh kiến ?

Thế nào là thọ giả kiến ?

Kính cám ơn !

Chào Tuấn Kiệt ! Để tui nói thử, bạn trẻ nghe thử, xem có lọt lổ tai hay không nhé !

"Ngã kiến" là thấy CÓ TA. Đơn cử như một người đang mãi nói chuyện, quơ tay trúng vào mặt ta (khi ta đang từ sau lưng trờ tới). Ta liền nổi sùng (nhẹ) hoặc là điên tiết (nặng). Đó do vì thấy CÓ TA, CÓ CÁI MẶT CỦA TA cho nên nổi sùng (nhẹ) hoặc là điên tiết (nặng).

"Nhân kiến" là thấy LOÀI CỦA TA (LOÀI NGƯỜI). Đơn cử như khi bạn vô tình chạm tay vào một con vật nào _ trùng bọ, rắn rít, ..._ ta liền lập tức rụt tay lại ghê sợ gớm ghiết. Vì sao ? Vì từ sâu thẳm trong tâm hồn, ta không xem mình là đồng loại của chúng (ta thấy mình là loài người). Giả sử ta là con rắn đực thì ta sẽ không ngại ngùng gì khi tiếp cận con rắn cái, vì là đồng loại.

"Chúng sinh kiến" là thấy Ta là một chúng sinh (có cảm xúc, biết đau biết buồn, ....) chớ không phải là cây cỏ vô tình.

"Thọ giả kiến" là thấy Ta có sự sống, chớ không phải là đất đá vô tri.

Tất cả 4 cái thấy này đều xoay quanh trục là TA, ngã kiến thì thô, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến thì vi tế hơn. 4 cái thấy này nhà Phật gọi là THẤY LẦM. Từ THẤY LẦM mà dệt nên thế giới Vô Minh nhiều màu sắc hổn loạn, đầy bất an.

4 cái thấy này là TỨ KIẾN HOẶC, đồng nghĩa với TỨ TƯỚNG (Ngã Tướng, Nhân Tướng, Chúng sinh Tướng, Thọ Giả Tướng).

Để biểu thị trường hợp không dính mắc với 4 Tướng hay Tứ Kiến Hoặc là một đoạn Kinh trong Kinh Hoa Nghiêm _ CÁI TRỐNG TRỜI GIẢNG THUYẾT PHẬT PHÁP :

http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/679-Kinh-Hoa-Nghi%C3%AAm-(v%C4%83n-t%E1%BB%B1)?p=25609&viewfull=1#post25609

Cái trống trời thì không có Ngã kiến, Nhân kiến, Chúng sinh kiến, Thọ giả kiến gì hết phải không các bạn ?!

muabuon
12-12-2017, 09:10 AM
ĐOẠN 32 :

ỨNG HÓA PHI CHÂN

Tu-bồ-đề! Nhược hữu nhân dĩ mãn vô lượng a-tăng-kỳ thế giới thất bảo, trì dụng bố thí; nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát bồ-đề tâm giả, trì ư thử kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị nhân diễn thuyết, kỳ phước thắng bỉ. Vân hà vị nhân diễn thuyết? Bất thủ ư tướng, như như bất động. Hà dĩ cố?

Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Phật thuyết thị Kinh dĩ, trưởng lão Tu-bồ-đề cập chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nhất thiết thế gian Thiên, Nhân, A-tu-la văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.


DỊCH:

ỨNG HÓA KHÔNG PHẢI THẬT.

Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem bảy báu bằng thế giới trải qua số kiếp vô lượng a-tăng-kỳ để bố thí. Nếu có người thiện nam, người thiện nữ phát tâm bồ-đề đem kinh này cho đến bốn câu kệ v.v… thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói thì phước của người này còn hơn phước của người kia. Thế nào là vì người diễn nói? Chẳng thủ nơi tướng, như như bất động. Vì cớ sao?

Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương cũng như điện,
Nên khởi quán như thế.

Phật nói Kinh này rồi, trưởng lão Tu-bồ-đề và chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả thế gian Trời, Người, A-tu-la nghe Phật nói đều rất vui mừng, tin thọ và vâng làm.

phuctoan
12-13-2017, 09:00 AM
Dạ, con xin phép chia sẻ :


https://scontent-hkg3-2.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/25158327_140014426719066_5737680458261286252_n.jpg ?oh=9cd1b1076a13808a07a39b96ee066191&oe=5A88DF9F

http://www.phatphapthuchanh.com/showthread.php/4-Kinh-Kim-Cang-%E1%BA%A3nh-h%C3%B3a?p=24042&viewfull=1#post24042

votichsu
12-14-2017, 08:26 AM
ĐOẠN 32 :

ỨNG HÓA PHI CHÂN

Tu-bồ-đề! Nhược hữu nhân dĩ mãn vô lượng a-tăng-kỳ thế giới thất bảo, trì dụng bố thí; nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát bồ-đề tâm giả, trì ư thử kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng, vị nhân diễn thuyết, kỳ phước thắng bỉ. Vân hà vị nhân diễn thuyết? Bất thủ ư tướng, như như bất động. Hà dĩ cố?

Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Phật thuyết thị Kinh dĩ, trưởng lão Tu-bồ-đề cập chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nhất thiết thế gian Thiên, Nhân, A-tu-la văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.


DỊCH:

ỨNG HÓA KHÔNG PHẢI THẬT.

Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem bảy báu bằng thế giới trải qua số kiếp vô lượng a-tăng-kỳ để bố thí. Nếu có người thiện nam, người thiện nữ phát tâm bồ-đề đem kinh này cho đến bốn câu kệ v.v… thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói thì phước của người này còn hơn phước của người kia. Thế nào là vì người diễn nói? Chẳng thủ nơi tướng, như như bất động. Vì cớ sao?

Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương cũng như điện,
Nên khởi quán như thế.

Phật nói Kinh này rồi, trưởng lão Tu-bồ-đề và chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả thế gian Trời, Người, A-tu-la nghe Phật nói đều rất vui mừng, tin thọ và vâng làm.




Kính các bác ! Phải chăng bài kệ này nói lên tính Vô Thường của vạn sự vật, "thấy đó liền mất đó", không có gì dừng đứng, chắc thiệt ?

Kính !

colaihi
12-15-2017, 10:16 AM
Kính các bác ! Phải chăng bài kệ này nói lên tính Vô Thường của vạn sự vật, "thấy đó liền mất đó", không có gì dừng đứng, chắc thiệt ?

Kính !

Chào bạn votichsu ! Bài kệ này :


https://scontent-hkg3-2.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/25158327_140014426719066_5737680458261286252_n.jpg ?oh=9cd1b1076a13808a07a39b96ee066191&oe=5A88DF9F

nhằm nói "Các pháp đều hư huyễn", chớ không phải nói "Các pháp đều vô thường".

Giáo lý Vô Thường chỉ nhìn hiện tướng bên ngoài của sự vật, Giáo lý Hư Huyễn chỉ rõ bản chất KHÔNG THẬT CÓ bên trong mọi sự vật.

Người sơ cơ đến với đạo Phật thì được dạy lý VÔ THƯỜNG, bởi Giáo lý này dễ thấy, dễ chấp nhận.

Khi Tăng đoàn đã lớn mạnh, trong Chư Thánh Tăng có nhiều vị đã đắc Quả A La Hán, đức Phật mới đem Giáo Lý Bát Nhã ra dạy, Giáo lý này nhằm chỉ rõ bản chất thực của vạn pháp là KHÔNG, là HƯ HUYỄN; điều này là đặc trưng của Giáo lý Đại Thừa.

Còn Giáo Lý "Các pháp đều vô thường" là Giáo lý Tiểu Thừa và Nhân Thiên Thừa.

Mến !